(Post 22/10/2008) Chất lượng đào tạo nguồn
nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) trong những năm
gần đây đã có những tiến bộ đáng kể nhưng vẫn chưa thực sự đáp ứng được
nhu cầu của xã hội. Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền
thông Trần Đức Lai trong buổi giao lưu trực tuyến về “Phát triển nguồn
nhân lực thông tin và truyền thông”.
Theo con số thống kê chưa đầy đủ, trong ba năm qua, số
lượng các cơ sở đào tạo về CNTT-TT tăng rất nhanh. Nếu như năm 2006 toàn
quốc mới chỉ có 192 cơ sở đào tạo về CNTT-TT thì đến năm 2007 con số này
đã tăng lên tới 220 và sang đến năm 2008 là 235 cơ sở.
Chỉ tiêu tuyển sinh trên toàn quốc ngành CNTT-TT cũng
tăng rất nhanh trong 3 năm qua. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2008 khoảng
50.000 - tăng 125% so với năm 2007 (39.000) và tăng 160% so với con số
30.000 của năm 2006. Nếu coi tỉ lệ sinh viên ra trường bình quân là 70%
thì trong 3 năm 2010-2012 tới hệ thống đào tạo của Việt Nam sẽ cung cấp
cho thị trường khoảng 90.000 lao động CNTT-TT trình độ cao đẳng trở lên.
Các cơ sở đào tạo trên toàn quốc hiện đào tạo khoảng
23 chuyên ngành về CNTT-TT. Số lượng ngành nghề là tương đối đa dạng phong
phú và về cơ bản phù hợp với nhu cầu phát triển nhanh chóng của ngành.
Theo số liệu dự báo mà Bộ Thông tin và Truyền thông có
được thì ở Việt Nam số lượng nguồn nhân lực được đào tạo về CNTT-TT vẫ
chưa đủ so với nhu cầu, đặc biệt đối với những ngành công nghệ, dịch vụ
mới đang xuất hiện trong xã hội như kỹ sư phần mềm, phát triển dịch vụ
ứng dụng công nghệ thông, quản lý các hệ thống công nghệ thông tin...
Các ngành đào tạo hiện nay trong lĩnh vực công nghệ thông tin vẫn chủ
yếu thiên về kỹ thuật cơ bản, chưa có nhiều ngành phục vụ trực tiếp những
lĩnh vực mới như thiết kế đồ họa, truyền thông đa phương tiện...
Nhân lực hoạt động trong lĩnh vực CNTT-TT bao gồm các
loại hình: ứng dụng CNTT, công nghiệp phần mềm và nội dung số, công nghiệp
điện tử, quản lý cao cấp về CNTT và một số chuyên ngành khác. Hiện nay
mảng thiếu nhất là nhân lực phục vụ công nghiệp phần mềm và công nghiệp
nội dung số. Bên cạnh đó hiện ở Việt Nam hầu như không có cơ sở đào tạo
nào thực hiện đào chuyên gia quản lý về CNTT-TT.
Về chất lượng, trong những năm gần đây đã có những tiến
bộ đáng kể. Nhiều sinh viên tốt nghiệp đã đủ trình độ làm việc với các
công ty nước ngoài hoặc trực tiếp tham gia vào thị trường lao động cao
quốc tế như Nhật Bản, Singapore, kể cả Hoa Kỳ. Song chất lượng đào tạo
là một quá trình cần phải liên tục được cải thiện, nhất là do sự phát
triển rất nhanh của công nghệ. Vì vậy, chất lượng đào tạo CNTT-TT hiện
nay vẫn chưa được xã hội đánh giá cao.
Để khắc phục những bất cập trong đào tạo nhân lực CNTT,
Bộ đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và đào tạo và các bộ, ngành liên
quan trong việc đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực CNTT, nâng cao chất
lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực CNTT phục
vụ ứng dụng và phát triển CNTT ở nước ta. Bộ đã phối hợp với Bộ Giáo dục
và đào tạo và các Bộ, ngành khác xây dựng Quy hoạch phát triển nguồn nhân
lực CNTT Việt Nam đến năm 2020, trong đó có những giải pháp về đổi mới
nội dung, phương pháp và quy trình đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đào
tạo nhân lực CNTT, xây dựng các chương trình đào tạo cập nhật theo sự
phát triển nhanh chóng của CNTT, gắn kết giữa nội dung đào tạo với thực
tiễn, triển khai các chương trình đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp.
Bộ cũng đã phối hợp với Bộ Giáo dục và đào tạo xây dựng Kế hoạch phát
triển nguồn nhân lực CNTT đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, trình
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có các giải pháp cụ thể nhằm nâng
cao chất lượng đào tạo nhân lực CNTT.
Hoàng Dũng - (Tổng hợp)
(theo VnMedia)
|