(Post 08/10/2008) Chủ tịch TMA than thở cứ
mỗi lần tuyển dụng, chỉ có khoảng 5-10% ứng viên đạt yêu cầu về kỹ năng
thực hành và giao tiếp.
|
Tiếng thở dài của ông Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch một trong
những công ty phần mềm lớn nhất Việt Nam có trụ sở tại TP.HCM cũng là
tiếng thở dài của rất nhiều doanh nghiệp CNTT-TT đang đầu tư và kinh doanh
tại Việt Nam. Nhà máy lắp ráp và kiểm định chip (ATM) của Tập đoàn Intel
tại Việt Nam - cũng là nhà máy ATM lớn nhất của Intel trên toàn cầu -
đang trong giai đoạn gấp rút xây dựng để có thể kịp đi vào sản xuất cuối
năm 2009, với nhu cầu tuyển dụng khoảng 4.000 nhân viên, nhưng trên thực
tế, Intel không hề dễ dàng tuyển dụng nhân viên. "Nếu dự án này
được triển khai tốt và nhu cầu của thị trường tăng lên thì khả năng mở
rộng nhà máy ATM tại Việt Nam là rất lớn", bà Hồ Thị Thu Uyên,
Giám đốc đối ngoại Intel Products Việt Nam cho biết, song bà cũng bày
tỏ lo lắng: "Tuy nhiên, khó khăn trong tuyển dụng nhân lực là
khó khăn hàng đầu mà Intel Việt Nam đang phải đối mặt. Thực sự, thị trường
lao động đang thiếu trầm trọng các kỹ sư tài năng để có thể làm việc trong
nhà máy ATM của chúng tôi".
Không chỉ thiếu kỹ sư tài năng, nhà máy ATM của Intel
còn thiếu cả các vị trí lãnh đạo nhóm chuyên ngành kỹ thuật, khi mà những
nhân vật đảm nhận được cương vị giám đốc kỹ thuật chỉ đếm trên đầu ngón
tay; và thiếu đội ngũ kỹ thuật viên có khả năng sẵn sàng làm việc ngay,
bởi họ không có đủ kinh nghiệm và khả năng tiếng Anh. "Trong
môi trường nhà máy của Intel, chúng tôi rất ưu tiên tuyển dụng các nữ
kỹ thuật viên, song đối tượng này chiếm chưa đến 5% số lượng sinh viên
tốt nghiệp từ các trường kỹ thuật", bà Uyên nói.
Câu chuyện từ Công ty thiết kế Renesas Việt Nam cũng
phản ánh khó khăn lớn nhất mà các công ty công nghệ đang phải đối mặt.
Công ty này có nhu cầu tuyển 500 kỹ sư cho giai đoạn đầu phát triển, nhưng
trong 2 năm chỉ tuyển được 60 người trong số 1.000 người có đơn xin tuyển.
Hơn nữa, số được tuyển còn phải đào tạo thêm từ 3 đến 6 tháng mới có thể
làm việc, đại diện công ty này cho biết.
Không chỉ khó khăn trong tuyển dụng, việc bùng nổ đầu
tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao cũng đã tạo ra sự cạnh tranh
quyết liệt về nguồn nhân lực trình độ cao ngay giữa các tập đoàn công
nghệ nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. "Các nhân viên của
Intel cũng đang trở thành những mục tiêu săn đuổi được ưu tiên với những
head-hunter (các công ty săn đầu người) do kinh nghiệm làm việc tại các
công ty nước ngoài", bà Hồ Thị Thu Uyên nhận xét. "Bản
thân Intel cũng không dễ hút các nhân vật cao cấp từ các doanh nghiệp
cùng ngành, do cơ chế phúc lợi không thể tạo được sự cách biệt quá lớn".
Tích cực tìm cách giải "cơn khát"
Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB) trong năm 2007
được công bố hồi đầu năm 2008, có tới 60% lao động trẻ tốt nghiệp từ các
trường dạy nghề và trường cao đẳng tại Việt Nam cần được đào tạo lại ngay
sau khi được tuyển dụng. Một số doanh nghiệp phần mềm phải đào tạo lại
tới 80-90% những sinh viên tốt nghiệp vừa được tuyển dụng trong thời gian
ít nhất 1 năm.
"Hiện nay, cứ 100 người lao động tham gia tuyển
dụng thì chỉ có khoảng 10 người đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư
nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao", Phó Thủ tướng, Bộ
trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân thừa nhận, đồng thời ông cũng chỉ
rõ: "Trong 3 năm tới, nếu không giải được bài toán làm sao để
nguồn nhân lực CNTT-TT đáp ứng được nhu cầu của xã hội, chúng ta sẽ lỡ
hết các cơ hội".
Trong "cơn khát" nguồn nhân lực, các doanh
nghiệp cả phần cứng lẫn phần mềm, cả nước ngoài lẫn nội địa đều tích cực
tìm nguồn "giải khát", như chấp nhận tuyển dụng rồi đào tạo
lại, hợp tác chuyển giao giáo trình đào tạo cho các trường đại học, cao
đẳng, trao học bổng kỹ thuật, cử nhân viên ra nước ngoài đào tạo...
Intel Products Việt Nam hiện đã tuyển dụng được hơn 40
kỹ sư từ 5 trường đại học trên cả nước và họ đã cử toàn bộ số kỹ sư được
tuyển dụng này đi đào tạo tại các nhà máy ATM của Intel tại Malaysia,
Costa Rica và Mỹ. Bên cạnh đó, Intel tiếp tục triển khai chương trình
trao học bổng kỹ thuật cho sinh viên các trường ĐH kỹ thuật. "Đã
có 55 sinh viên từ 5 trường ĐH kỹ thuật Việt Nam nhận được học bổng kỹ
thuật của Intel. Những sinh viên này sẽ có cơ hội thực tập và làm việc
cho Intel Việt Nam trong thời gian tới", ông Rich Howard, Tổng giám
đốc Intel Products Việt Nam cho biết.
Tuy nhiên, đại diện các doanh nghiệp công nghệ cao đều
có chung một nhận định, nỗ lực giải bài toán nhân lực của họ rất khó đạt
hiệu quả nếu thiếu đi sự tích cực và đồng bộ từ phía các cơ quan quản
lý ngành giáo dục và CNTT, cũng như từ phía các cơ sở đào tạo.
Lộc Minh
(theo ICTnews)
|