(Post 20/09/2008) Thanh thiếu niên Việt Nam
thông minh không thua kém bất kỳ người cùng lứa tuổi nào trên thế giới.
Vấn đề còn lại là giáo dục và đào để họ phát triển toàn diện, khôn ngoan
mà không khôn vặt.
Ảnh minh
họa |
|
LBT- Sau loạt bài "Cần
giải pháp đột phá trong học và thi ở PTTH" của GS Hoàng Tụy,
chúng tôi đã nhận được bài viết của TS Nguyễn Văn Tiến- Ích đang công
tác tại Văn phòng hỗ trợ tư pháp, Hành chính công & Kinh tế Munich
(Đức) , nêu ý kiến đề xuất nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục
- đào tạo, tiết kiệm nguồn lực bằng biện pháp tích hợp, định hướng và
chọn lọc ngay từ cấp cơ sở, xuyên suốt cấp trung học phổ thông.
Phía hạ lưu của đập chắn khổng lồ
Nước ta đang bước vào thời kỳ hội nhập toàn diện với
đời sống kinh tế-xã hội cuả thế giới. Người Việt Nam bắt đầu làm quen
và thực hành các khái niệm công dân thế giới, công dân toàn cầu... Từ
vị trí như một hòn đảo độc lập, tách biệt với môi trường bên ngoài, nay
bỗng nhiên chúng ta đứng trước những cơ hội và rủi ro chưa từng có tiền
lệ. Hãy hình dung rằng, so với phần thế giới đã phát triển hiện đại, chúng
ta đang ở phía hạ lưu của một đập chắn nước khổng lồ.
Bên thượng ngưồn, nước đã tích tụ và dâng cao từ nhiều
thập niên cho tới hàng thế kỷ. Chênh lệch thế năng quá lớn. Đó là những
thế mạnh áp đảo về tiềm lực kinh tế, tiềm lực tri thức và nhiều tiềm năng
khác cuả phần thế giới giầu có. Cánh cửa đập chắn vừa mới kéo lên một
phần đã làm cho đời sống kinh tế, đời sống văn hoá - xã hội của Việt Nam
bị chao đảo mạnh. Ngoài nguồn nước trong như những cơ hội lớn, dòng thác
lũ kia còn kéo theo bao thứ rác thải, những rủi ro khôn lường.
Để không những không bị nhấn chìm hay sẽ lập lờ trôi
mãi trong chiếc bẫy thu nhập thấp mà trái lại còn bứt phá lên được, dân
tộc ta buộc phải vươn dậy, vào được tầng thứ 5, tức tầng tri thức của
thế giới (không phẳng). Được trang bị tốt mọi mặt chúng ta mới có thể
đón và tận dụng nổi cơ hội và giảm thiểu thiệt hại do các rủi ro gây nên.
Đất nước phát triển cao và bền vững thì niềm kiêu hãnh cá nhân và tự hào
dân tộc của người Việt, vốn rất dễ tổn thương mới không bị tổn thương.
Trong tất cả mọi sự ở đời, con người luôn ở vị trí trung
tâm. Thành hay bại là từ con người mà ra, hoàn toàn không phải ở mệnh
trời. Đào tạo, giáo dục được những công dân có nhân cách và khả năng theo
đúng nghiã là một công việc khó khăn nhất trong các công việc khó khăn.
Nói cao rộng hơn, về mặt dân tộc, giáo dục suy cho cùng là tạo ra quốc
hồn quốc tuý. Thực tế đã chứng minh: Thanh thiếu niên Việt Nam thông minh
không thua kém bất kỳ người cùng lứa tuổi nào trên thế giới. Vấn đề còn
lại là giáo dục và đào để họ phát triển toàn diện, khôn ngoan mà không
khôn vặt.
Giáo dục Việt Nam đang ở đâu?
Quá trình phát triển và kết quả cuả hệ thống giáo dục
- đào tạo tại Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua, bên cạnh thành tích đạt
được, đã và đang bộc lộ nhiều khuyết điểm trầm trọng. Chúng ta từng trải
qua mấy cuộc cải cách giáo dục song chưa tìm ra được một mô hình thích
hợp, đảm bảo chất lượng bền vững. Cỗ máy giáo dục - đào tạo cuả Việt Nam
đã và đang cung cấp cho đất nước nhiều sản phẩm với chất lượng chưa đáp
ứng yêu cầu của cuộc sống, của hội nhập.
"Đứng
trước mỗi vấn đề, dù lớn hay nhỏ, đa số thanh niên Việt Nam sau
tốt nghiệp phổ thông hiện nay, đặc biệt nếu trượt đại học, không
biết nhận ra đúng tình huống, chưa thể nói tới khả năng xử lý
tình huống thế nào cho tối ưu. Họ chín rất muộn. Xu thế ham huởng
thụ (mà quên trách nhiệm) đang gia tăng" |
Đứng trước mỗi vấn đề, dù lớn hay nhỏ, đa số thanh niên
Việt Nam sau tốt nghiệp phổ thông hiện nay, đặc biệt nếu trượt đại học,
không biết nhận ra đúng tình huống, chưa thể nói tới khả năng xử lý tình
huống thế nào cho tối ưu. Họ chín rất muộn. Xu thế ham huởng thụ (mà quên
trách nhiệm) đang gia tăng. Ra nước ngoài, thậm chí sinh ra và lớn lên
ở nước ngoài, nhiều bạn trẻ rụt rè, ngọng ngoại ngữ và thiếu tự tin (vì
nền giáo dục gia đình theo những khuôn phép lỗi thời). Bài toán cuộc đời
thì ngày càng phức hợp khi chúng ta ra biển lớn. Đang có tình trạng phổ
thông hoá cấp đại học...
Trong dân xuất hiện ý kiến cho rằng, người tốt nghiệp
phổ thông là người mới thoát nạn mù chữ. Các loại bằng cấp, thí dụ bằng
tốt nghiệp đại học của Việt Nam, chưa được công nhận ở nhiều nước phương
Tây. Sự tổn thương cá nhân hay dân tộc bắt đầu từ những tình tiết như
vậy.
Người Việt Nam ta còn có quan niệm rất sai lạc về bằng
cấp. Chủ nghĩa hình thức đang thành vấn nạn. Tư duy chất lượng chưa đạt
đến tầm cao. Trong nhiều trường hợp, kể cả ở những người có trọng trách,
bằng cấp họ có không phải là kết quả lao động nghiêm túc cuả người thực
tài.
Cần hiểu đúng các khái niệm
Trong tiếng Việt, khái niệm giáo dục - đào tạo gồm hai
thành tố rõ rệt. Chỉ một từ tiếng Anh Education (có gốc tiếng La tinh)
đã hàm nghĩa cả giáo dục lẫn đào tạo. Trong khoa học, khái niệm giáo dục,
đào tạo được dùng để nói về toàn bộ các hành vi và cách ứng xử có ý thức
và mục đích của người nhiều kinh nghiệm (Educans) nhằm tạo khả năng sống
độc lập cho người ít kinh nghiệm hơn (Educandus). Như vậy, thông qua giáo
dục, con người luôn tìm cách hoàn thiện nhân cách người khác. Người được
giáo dục, đào tạo trước hết là các thế hệ thanh, thiếu niên, những người
rất nhạy cảm với cái mới, dễ tác động và luôn sẵn sàng tiếp nhận cái mới.
Người Á Đông quan niệm: Nhân chi sơ, tính bản thiện.
Trái lại, theo cách nhìn nhận cuả phương Tây, so với các loại động vật
khác, con người (trẻ tuổi) là một sinh thể bị đẻ non về mặt sinh lý. Để
sống sót được, những người trẻ cần được hỗ trợ thông qua giáo dục, đào
tạo. Bạn đọc nào chịu tìm tòi sẽ thu được rất nhiều cách cắt nghiã phong
phú, nhiều kiến thức từ các chuyên mục, tài liệu, sách, tạp chí đề cập
riêng đến lĩnh vực giáo dục, đào tạo do các chuyên gia đã dày công đóng
góp. Vì tố chất mỗi người mỗi khác nên khả năng học của các cá thể cũng
không giống nhau. Xuất phát điểm mang tính tự nhiên này là cơ sở cho quá
trình chọn lọc, mô tả trong mô hình ở mục dưới.
Cần đoạn tuyệt với chủ nghiã hình thức
Ở đây không đề cập đến các xu hướng và trào lưu mà các
nhà tư tưởng phương Tây chủ xướng từ nhiều thế kỷ trước. Mục đích của
giáo dục nói chung bao hàm việc theo đuổi không ngừng mục đích cuộc sống.
Các mục đích chính của giáo dục đào tạo do cơ quan giáo dục, nhà nước
và xã hội đặt ra, phải phù hợp với chuẩn mực và giá trị đạo đức, văn hoá,
thuần phong, thẩm mỹ của xã hội, gắn kết với nhân cách con người. Khoa
học-kỹ thuật ngày nay đang phát triển như vũ bão. Ngành giáo dục đào tạo
cấp phổ thông còn phải tạo cho lớp trẻ có kỹ năng cơ bản trong lĩnh vực
này, tức là giúp học sinh học cả cách học, phát triển tư duy sáng tạo,
gợi niềm đam mê.
"Khoa
học-kỹ thuật ngày nay đang phát triển như vũ bão. Ngành giáo dục
đào tạo cấp phổ thông còn phải tạo cho lớp trẻ có kỹ năng cơ bản
trong lĩnh vực này, tức là giúp học sinh học cả cách học, phát
triển tư duy sáng tạo, gợi niềm đam mê" |
Trong xu thế chung của thời cuộc, chiếc băng chuyền giáo
dục - đào tạo Việt Nam cần cung cấp cho xã hội và nền kinh tế những sản
phẩm khác hẳn về chất so với trước đây. Đó phải là những con người có
kiến thức phổ thông, có tính tự chủ, năng động, biết tạo dựng và tổ chức
cuộc sống của mình. Đặc biệt, những chủ nhân tương lai của đất nước phải
biết chủ động nêu ý kiến cá nhân đúng đắn, biết tự chịu trách nhiệm và
có ý thức công dân cao, trong đó bao gồm cả ý thức tự do, dân chủ, khả
năng tự kiềm chế dục vọng cá nhân và biết cách đam mê đúng.
Họ phải có kỹ năng sống, tư duy, và kỹ năng làm việc
thực sự. Xuyên suốt ba kỹ năng đó phải toát lên khả năng hợp tác trong
tinh thần đồng đội (so với thế giới, người Việt nam nói chung còn rất
yếu). Mỗi cụm từ nêu trên đã bao hàm những nội dung rất sâu sắc và toàn
diện. Trẻ em phải được giáo dục, đào tạo phong cách sống độc lập và suy
nghĩ độc lập ngay từ khi còn ở độ tuổi mẫu giáo, nhà trẻ. Mục đích tối
thượng mà ngành giáo dục - đào tạo Việt Nam cần đạt được, nói thật ngắn
gọn là tạo nên những công dân có khả năng sống tự lập trong sự liên kết
và hợp tác.
Xã hội cần đoạn tuyệt với chủ nghĩa hình thức, đoạn tuyệt
với cái danh. Còn chủ nghĩa hình thức sẽ còn thành tích giả, hữu danh
vô thực. Thành tích giả, danh vọng hão sẽ làm nền cho những cái không
thật, cho tư duy chộp giật. Con người sẽ không sống thật được với chính
bản thân mình. Vì thế phương châm hành động cho học trò phải nêu và thực
hành bằng được là: Học vì cuộc sống, không học vì nhà trường và thầy cô.
Nói như vậy không có nghĩa là về mặt đạo đức hay mặt
xã hội, học trò được khuyến khích theo hướng không coi trọng trường lớp
và thầy cô giáo. Giáo dục đạo đức, văn hoá, thẩm mỹ phải đảm bảo cân đối
hài hoà với đào tạo kiến thức chuyên môn. Nó thuộc về giáo dục nhân cách.
Thầy cô, nhà trường và xã hội giúp được học trò hiểu ra phương châm đó
tức là đã có tư duy vì học trò.
TS Nguyễn Văn Tiến- Ích (Đức)
Kỳ II: Mô hình ba cột trụ cho ngành giáo dục - đào tạo
phổ thông
(theo VietNamNet)
|