Giáo dục Trung Quốc dưới góc nhìn Âu Mỹ  
 

(Post 30/08/2008) Các cán bộ quản lý ngành giáo dục Trung Quốc và các bậc phụ huynh thì lại đang đau đầu về vấn nạn trong hoạt động tài chính tại các cơ sở giáo dục đào tạo của siêu quốc gia này.

Sinh viên Trung Quốc được hỗ trợ tài chính đảm bảo học tập. Ảnh minh họa

HS Trung Hoa chăm học hơn HS Hoa Kỳ

Đường lối cải cách theo định hướng thị trường những năm 90 của thế kỷ trước đã đem lại những biến đổi căn bản trong hệ thống giáo dục Trung Quốc. Cho dù đa số các nhà trường và học viện vẫn tiếp tục được bao cấp từ ngân sách nhà nước, họ còn cần phải dựa trên các sáng kiến thương mại riêng của mình để đảm bảo về tài chính cho hoạt động sư phạm.

Theo số liệu của Viện Khoa học giáo dục Trung Quốc, năm 1991, phần doanh thu nhờ thu tiền học chỉ đạt gần 4,5%, nhưng tới năm 2004, doanh số này đã chiếm tới 20% ngân sách của các nhà trường, học viện.

Dễ thấy rằng, phương án hiệu quả nhất để ngành giáo dục Trung Quốc làm ra tiền là mở các chi nhánh trên nền các nhà trường học viện công lập, nhưng hoạt động theo nguyên tắc tự doanh. Những thử nghiệm đầu tiên được áp dụng cho cấp tiểu học và trung học. Các thử nghiệm ban đầu này thành công, theo một số chuyên gia, là nhờ vào việc chọn lựa và đưa vào giảng dạy tạo các trường “công - tư hợp doanh” những cán bộ giảng dạy giỏi nhất từ các trường do nhà nước Trung Quốc gây dựng đã nửa thế kỷ qua. Đồng thời, quyết định của nhà nước, trong khuôn khổ chương trình “khoa giáo hưng quốc”, từ tháng 6/2006, là giảng dạy miễn phí cho 9 lớp đầu hệ giáo dục phổ thông, đã không làm cho đầu vào của các trường tiểu học và trung học tư thục bị phương hại nhiều.

Vấn nạn tham nhũng và lo lót

Báo chí nước ngoài cũng cho hay nền giáo dục Trung Quốc có các vấn nạn của mình. Đó là tệ tham nhũng và nạn lo lót để con mình vào được những trường có giá hơn (trả thêm phí học trái tuyến qua “cò”). Các lớp thường có 50–60 HS. Điều kiện trường sở so với các nước phát triển, dĩ nhiên, còn nghèo nàn, học cụ xoàng xĩnh. Tuy thế, các khác biệt lại chứa đựng cả những gì được xem là lợi thế của Trung Quốc.

Nếu đem so sánh, học sinh Trung Quốc được cho là hiếu học, và học gạo hơn học sinh Mỹ. Ở Trung Quốc có quan niệm rằng những người học vấn cao là những người học chăm; còn ở Mỹ, điều tra xã hội học cho thấy người Mỹ nghĩ rằng các trò giỏi thường là những người thông minh bẩm sinh. Trẻ em Mỹ thường được phép chơi nhiều hơn học, trung bình, các em phải lên lớp 900 giờ một năm, trong khi được xem tivi tới 1.023 giờ/năm. Trong khi đó, trẻ em nông thôn Trung Quốc thường có mặt ở lớp lúc 6h30 sáng và được dạy kèm cho tới 7h30, khi các tiết học chính khoá bắt đầu.

Các em về nhà ăn cơm lúc 11h20 để rồi quay lại trường lúc 2h chiều, rồi học tới 5h. Tối nào các em cũng làm bài tập. Trong kỳ nghỉ hè 8 tuần, các em sẽ dành một đôi tiếng hàng ngày để ôn tập. Theo truyền thống Khổng giáo, người Trung Quốc thường “tôn sư trọng đạo” hơn so với các quốc gia khác. Gia đình và quốc gia sẵn lòng dành những nguồn tài lực lớn cho sự nghiệp giáo dục các công dân trẻ của Trung Quốc.

Tấm gương của việc cải cách giáo dục cấp cơ sở đã khích lệ đến mức người ta đã quyết định nhân mô hình này ở bậc đại học. Các trường đại học tư được mở dưới dạng chi nhánh của các các trường, viện đại học, sử dụng đầu tư tư nhân (Việt Nam gọi là vốn tự có). Các chi nhánh dạy thu tiền của các trường, viện đại học có tiếng ở Trung Quốc lộ diện vào những năm 1993 - 1994. Cho tới năm 2003, ở Trung Quốc đã có tới 250 phân viện đại học, về thực chất là các trường đại học tư “đội mũ” các trường đại học của nhà nước. Điều mà các sinh viên của các trường đại học “con” (the daughter school) này muốn thấy khi cầm tấm bằng tốt nghiệp của họ phải là tên của trường đại học “mẹ” (the mother school), chứ không phải tên của phân viện đại học, về thực chất là tư thục, mà họ đã mất tiền để tốt nghiệp.

Một ví dụ cụ thể

Nhưng không phải lúc nào sinh viên thuộc phân hiệu của các trường nổi tiếng cũng được toại nguyện. Đầu hè năm 2006, sinh viên Trường cao đẳng Shengda đã phản ứng quyết liệt với ban giám hiệu của trường này, tới mức hình thành những cuộc biểu tình (Rioting in China Over Label on College Diplomas, Joseph Kahn, The New York Times, June 22, 2006). Số là, kể từ năm 1994, tại thành phố nhỏ Shengda đã xuất hiện phân hiệu đại học trên, về thực chất là một trường cao đẳng “đội mũ” trường đại học có tiếng tại thành phố Trịnh Châu, Hồ Nam.

Sinh viên trường cao đẳng Shengda đã phải trả học phí cao gấp đôi so với các bạn học của mình ở trường ĐH Trịnh Châu để có được một tấm bằng tốt nghiệp của trường đại học “mẹ” này. Tháng 4/2006, Ban Giám hiệu Đại học Trịnh Châu đột nhiên cho rằng, ai học ở đâu thì nhận bằng ở đó, một quyết định gây công phẫn cho các sinh viên cao đẳng Shengda. Các sinh viên thuộc cao đẳng Shengda/phân hiệu ĐH Trịnh Châu hiểu rằng từ “Shengda”, xuất hiện thay vì “Trịnh Châu” trên tấm bằng của họ sẽ phát tín hiệu cho những nơi tuyển dụng lao động rằng, đây là những sinh viên tốt nghiệp một trường không hề có tiếng tăm.

Vậy là, sự thay đổi của một từ trên tấm bằng có thể có tác dụng đổi đời người sinh viên vừa tốt nghiệp. Trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt về công ăn việc làm, bất chấp những bứt phá mạnh mẽ về kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp trong số những sinh viên vừa tốt nghiệp những năm gần đây ở Trung Hoa vẫn tăng. Đồng thời, tính không minh bạch trong quá trình tư nhân hoá đã cản trở cạnh tranh lành mạnh và công khai giữa các cơ sở giáo dục đại học có thu học phí.

Từ năm 2004, nhà nước bắt đầu thu thuế các trường tư thuộc cả hệ tiểu, trung học và cao đẳng theo biểu thuế đối với các doanh nghiệp làm thương mại, dẫn đến một số trường thuộc thành phần kinh tế này phải đóng cửa. Một số chuyên viên của cơ quan quản lý ngành giáo dục còn chỉ ra một nguyên nhân nữa của hiện trạng kinh doanh giáo dục khó có lãi, là các trường tư gặp khó khăn trong việc vay vốn từ hệ thống ngân hàng, hiện vẫn nằm dưới sự kiểm soát cực kỳ chặt chẽ của nhà nước.

Phân tích

Để chứng minh rằng xu hướng thương mại hoá nền giáo dục ở Trung Quốc chưa đưa lại những kết quả mong muốn, báo chí nước ngoài đã dẫn các nguồn tin sở tại. GS Sun Guan Wen của ĐH Tổng hợp Sơn Đông cho rằng học phí quá cao là một trong những trở ngại lớn của nền giáo dục quốc dân nước này. Chẳng hạn, để có bằng tú tài (tốt nghiệp phổ thông) học sinh phải trả 6.000 – 7.000 nhân dân tệ một năm, phụ thuộc vào chuyên ngành, chưa kể chi phí ăn ở, sách giáo khoa, giấy mực. Nhà nước bao cấp 55% kinh phí hoạt động của hệ thống giáo dục đào tạo, 47% còn lại bù đắp bởi thu học phí và nhờ vào các hoạt động tài trợ. Các chuyên gia kinh tế cho rằng trách nhiệm bao cấp về giáo dục nói trên của nhà nước tương đương với khoảng 4% thu nhập quốc dân của Trung Hoa. Hiện tại, do vẫn thiếu kinh phí cho đào tạo, các nhà trường, học viện phải vay tín dụng ngân hàng, dẫn tới học phí bị đẩy lên cao.

Vì thế, bảo đảm chi phí cho con em mình đi học là một khó khăn lớn đối với các gia đình có thu nhập trung bình ở Trung Hoa. Với các hộ ở vùng sâu, vùng xa, dĩ nhiên còn khó khăn hơn. Giáo sư Gun cho rằng chi phí học tập cho một sinh viên đại học trong một năm bằng thu nhập một vài năm của một gia đình nông dân. Theo nghiên cứu của Viện Khoa học xã hội, chi phí học tập cho con cái một gia đình có thu nhập trung bình và tạm đủ ăn của xã hội Trung Quốc hiện tại (chiếm khoảng 80% tổng số gia đình của quốc gia này) giao động từ 1/3 tới 2/3 ngân sách gia đình. Các chuyên viên còn cho rằng sinh viên ở Trung Quốc hiện phải chi trả cho việc học hành nhiều gấp đôi so với sinh viên Nhật Bản.

Ông Ling Mu, từng là một trong những cán bộ quản lý giáo dục cấp cao của Trung Quốc cho rằng “thương mại hoá giáo dục” là xu thế không lành mạnh, đang đưa lại những hậu quả vô cùng tiêu cực” cho xã hội, đào sâu thêm miệng hố ngăn cách giữa kẻ giàu người nghèo.

Duy trì xu thế này tất dẫn tới chỉ có con em thuộc giới thượng lưu là được đào tạo có chất lượng, còn con em người nghèo sẽ chỉ học hết cấp cơ sở là cùng. Theo cựu quan chức này, học vấn ở Trung Quốc là con đường tất yếu dẫn tới thay đổi địa vị xã hội và thu nhập. Nhưng điều tra xã hội trong tầng lớp có thu nhập thấp ở Trung Quốc cho thấy, có tới 40% trong họ tin rằng không thể hội đủ tiềm năng để thay đổi địa vị xã hội qua đường học vấn.

Lấy ví dụ, tại thành phố Trùng Khánh hiện có 1,4 triệu nhân công có tay nghề thấp và gia đình họ. 95% con cái họ sẽ đi theo vết chân của cha anh, tức là buôn bán vặt vãnh hay làm công nhật (cửu vạn) trên vỉa hè, hoặc đánh giày, cắt tóc, sửa móng tay. Còn ở thành phố Thành Đô, công nhân viên khu vực nhà nước chỉ có 2,8% là con em gia đình nghèo, trong khi con em các gia đình thu nhập khá chiếm 26%.

Cán bộ Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng thương mại hoá giáo dục dẫn tới giảm sút uy tín của ngành này. Nhưng Bộ Giáo dục Trung Quốc còn chưa cho hay về chiến lược phát triển toàn cục: các học viện nhà trường thuộc khối quốc lập sẽ song hành ra sao với các chi nhánh do tư nhân điều hành trong hệ thống giáo dục quốc gia nói chung. Tuy vậy, một trong những phương hướng tiếp cận vấn đề này đã thể hiện trong chỉnh sửa Luật Giáo dục – đào tạo, có hiệu lực từ cuối năm 2006. Theo đó, chính quyền địa phương không được phép thay đổi “bản chất của các nhà trường, học viện do nhà nước chu cấp kinh phí”. Điều này phải được hiểu là không còn được phép mở các chi nhánh, về thực chất là tư thục, dưới ô che của các trường công đang hoạt động phần lớn nhờ vào khoản bao cấp của nhà nước.

Lê Đỗ Huy (tổng hợp theo báo chí nước ngoài)
(nguồn VietNamNet)


 
 

 
     
 
Văn hóa - Giáo dục khác:


Cái gốc của giáo dục là gì?Doanh nghiệp Game Việt Nam: Vô danh - hữu thực
Giáo dục Mỹ: Tái cấu trúc nhờ công nghệ sốHàn Quốc: kiểu học nhồi nhét vẫn tồn tại
Giáo trình ĐH “lên lão”, “mọc râu”“Phải chấp nhận học phí cao”
  Xem tiếp    
 
Lịch khai giảng của hệ thống
 
Ngày
Giờ
T.Tâm
TP Hồ Chí Minh
Hà Nội
 
   
New ADSE - Nhấn vào để xem chi tiết
Mừng Sinh Nhật Lần Thứ 20 FPT-APTECH
Nhấn vào để xem chi tiết
Bảng Vàng Thành Tích Sinh Viên FPT APTECH - Nhấn vào để xem chi tiết
Cập nhật công nghệ miễn phí cho tất cả cựu sinh viên APTECH toàn quốc
Tiết Thực Vì Cộng Đồng
Hội Thảo CNTT
Những khoảnh khắc không phai của Thầy Trò FPT-APTECH Ngày 20-11