(Post 06/08/2008) Quan điểm của Thứ trưởng
Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận về tình hình đào tạo kỹ sư công nghệ
thông tin ở Việt Nam.
Thứ trưởng
Phạm Vũ Luận |
|
PV: Ông đánh giá như thế nào về
nhu cầu đào tạo kỹ sư công nghệ thông tin của thị trường trong nước và
thế giới?
Thứ trưởng Phạm Vũ Luận: Hiện nay, toàn thế giới đang
thiếu khoảng 1,5 triệu kỹ sư và đến năm 2010, dự kiến sẽ thiếu khoảng
3 triệu kỹ sư trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Nước Mỹ đang mất dần
vị thế thống trị trong ngành phần mềm thế giới vì mỗi năm Ấn Độ và Trung
Quốc có số sinh viên tốt nghiệp cao gấp 10 lần Mỹ.
Theo ước tính, thị trường Ấn Độ có khoảng 1,3 triệu kỹ
sư phần mềm, tăng 1 triệu trong 5 năm (từ 1999 - 2005); còn Trung Quốc
có khoảng 1,2 triệu kỹ sư, tăng 500 nghìn chỉ trong ba năm từ 2003 đến
2006. Hiện nay, chính tại Mỹ cũng đang phải tuyển thêm các kỹ sư phần
mềm từ các nước khác.
Tại một số quốc gia khác như Nhật Bản hiện nay chỉ có
khoảng 600 kỹ sư phần mềm, điều này dẫn đến thiếu hụt nghiêm trọng và
không có khả năng cân đối; nếu tính riêng trong lĩnh vực phần mềm nhúng,
Nhật Bản đã thiếu trên 70.000 kỹ sư.
Như vậy, việc đào tạo và xuất khẩu nhân lực trong lĩnh
vực công nghệ thông tin của chúng ta là hoàn toàn chính xác, trong bối
cảnh toàn cầu đang thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực trên.
PV: Ông đánh giá như thế nào về
chiến lược đào tạo công nghệ thông tin của Việt Nam và làm thế nào để
chúng ta có thể trở thành nước “xuất khẩu” nhân lực phần mềm trong thời
gian tới?
Thứ trưởng Phạm Vũ Luận: Hiện nay, doanh
thu ngành công nghiệp phần mềm của chúng ta vào khoảng 350 triệu USD,
tăng gấp 6 lần (tính từ năm 2000 đến 2006); tỷ trọng trên GDP khoảng 0,4-0,5%;
tốc độ tăng trưởng 30 đến 40%/năm, mục tiêu đạt 800 triệu USD.
Hiện nay, chúng ta đang có khoảng 750 doanh nghiệp với
trên 35.000 lập trình viên; hàng năm tại các trường đại học-cao đẳng chúng
ta đào tạo được khoảng 9.000 kỹ sư, cử nhân công nghệ thông tin.
Tôi cho rằng với một nước có nhiều tiềm năng để phát
triển ngành công nghệ thông tin như Việt Nam thì những số liệu trên là
khá khiêm tốn. Bởi theo các chuyên gia nhận định thì trong giai đoạn 2008
đến 2010 chúng ta sẽ cần thêm khoảng 12.000 đến 15.000 kỹ sư công nghệ
thông tin trong 1 năm. Và giai đoạn 2011-2015, chúng ta sẽ cần tới 20.000
đến 25.000 người trong 1 năm.
Đó là chưa tính đến các nhu cầu khác mang tính đột biến
như: các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, các doanh nghiệp công nghệ
thông tin nước ngoài hợp tác với Việt Nam hay việc Việt Nam sẽ tham gia
thị trường lao động công nghệ thông tin quốc tế.
Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ qui hoạch nhân lực công nghệ
thông tin đến năm 2020 (ban hành năm 2007), chưa tính đến yếu tố tăng
trưởng đột biến và cơ hội tham gia thị trường lao động quốc tế.
PV: Vậy theo ông, quy mô đào tạo
của chúng ta đang có nhiều bất cập?
Thứ trưởng Phạm Vũ Luận: Đúng vậy, như
tôi đã đề cập, hiện quy mô đào tạo còn hạn chế, bởi chúng ta có lợi thế
là nước đông dân số thứ 13 trên thế giới, với dân số trẻ, có chế độ giáo
dục phổ thông tốt. Vì thế, việc mỗi năm đào tạo từ 9.000 đến 10.000 kỹ
sư công nghệ thông tin là quá ít.
Các cơ sở trường lớp hiện còn thiếu, các trang thiết
bị lạc hậu điều đó dẫn đến chất lượng nhân lực không đáp ứng yêu cầu;
trình độ ngoại ngữ tiếng Anh của các học viên yếu và tiếng Nhật thì thiếu
trầm trọng...
Như vậy, có thể nhận thấy công tác đào tạo kỹ sư công
nghệ thông tin tại Việt Nam còn thiếu và yếu. So với sự phát triển về
kinh tế, Việt Nam đang chậm về đào tạo nhân lực công nghệ thông tin.
PV: Vậy theo ông, chúng ta cần có
những thay đổi như thế nào?
Thứ trưởng Phạm Vũ Luận: Đầu tiên, chúng
ta nên thay đổi cơ bản về qui trình và chất lượng đào tạo kỹ sư công nghệ
thông tin theo chuẩn quốc tế.
Cụ thể là: xây dựng và triển khai hệ thống các trường
đại học-cao đẳng tư thục công nghệ thông tin theo chuẩn quốc tế. Đảm bảo
sự bình đẳng giữa đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, giữa trường
công lập và trường tư thục. Ngoài ra, phải có sự liên kết, thu hút các
doanh nghiệp phần mềm tham gia đầu tư và để các sinh viên tham gia làm,
chế tạo phần mềm ngay từ khi đang học.
Một điểm đáng chú ý là chúng ta sẽ phải chấp nhận mức
học phí cao, những học sinh khó khăn sẽ được hỗ trợ vay vốn ngân hàng
và Nhà nước sẽ hỗ trợ lãi suất.
Qua đó, sẽ đào tạo và hình thành nên một đội ngũ chuyên
gia công nghệ thông tin có trình độ quốc tế, tạo nền tảng phát triển công
nghiệp phần mềm và kinh tế Việt Nam, cũng như hấp dẫn các nhà đầu tư quốc
tế.
Theo ước tính, thu nhập 1 lao động phần mềm quốc tế vào
khoảng 15.000 USD/năm; với 1 triệu lao động công nghệ thông tin chúng
ta sẽ có 15 tỷ USD/năm, điều này hoàn toàn có thể đạt được. Muốn làm được
điều này, ngay từ bây giờ chúng ta phải xã hội hoá và quốc tế hoá đầu
tư đào tạo ngành công nghệ thông tin Việt Nam.
Đinh Tịnh
(theo Thời báo Kinh tế Việt Nam) |