Giáo sư Hoàng Tụy - Kỳ I: Cần giải pháp đột phá trong học và thi ở THPT  
 

(Post 03/09/2008) Tình trạng yếu kém của giáo dục kéo dài nhiều năm qua(1) không thể nói là vô can đối với những khó khăn kinh tế hiện nay. Cho nên, trong nhiều biện pháp khắc phục các khó khăn ấy, những biện pháp về giáo dục cũng phải được coi là then chốt và lâu dài.

GS Hoàng Tụy

Hàng chục năm qua, xã hội đã phải gồng mình chịu đựng một nền giáo dục lạc hậu lại tốn kém một cách phi lý đối với đất nước còn nghèo. Mặc cho những cảnh tỉnh của nhiều thức giả và chính khách, nhiều người vẫn ngủ say với ảo tưởng cứ đủng đỉnh học và thi kiểu này kinh tế vẫn tăng trưởng cao, đều đều.

Nay thì mọi sự đã rõ: với một nền giáo dục què quặt, sớm muộn kinh tế sẽ lụn bại. Chất lượng đã kém lại tiêu phí quá mức như giáo dục VN thì không một nền kinh tế nào, không một xã hội nào chịu đựng nổi về lâu dài. Hậu quả đối với kinh tế tuy chỉ âm ỉ nhưng không vì thế mà kém khốc liệt.

Đứng trước những thử thách to lớn hiện nay, ngành giáo dục cần tỏ rõ trách nhiệm, không thể cứ vô tư kéo dài mãi những bất cập. Sau đây xin kiến nghị giải pháp đột phá về tổ chức việc học và thi ở THPT nhằm giảm bớt căng thẳng không cần thiết cho xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục và chấm dứt hội chứng thi vốn là nguồn gốc những lãng phí lớn đã đến lúc không thể chấp nhận được.

"Mặc cho những cảnh tỉnh của nhiều thức giả và chính khách, nhiều người vẫn ngủ say với ảo tưởng cứ đủng đỉnh học và thi kiểu này kinh tế vẫn tăng trưởng cao, đều đều"

Thật ra nhiều ý kiến dưới đây đã được phát biểu rải rác trong nhiều dịp(2), song vì đến nay chưa được các cơ quan hữu trách chú ý, nên với tình hình mới, xin được trình bày lại một cách tập trung, có hệ thống, và tường minh hơn. Rất mong những đề nghị khẩn thiết này sẽ được Bộ GD và ĐT nghiên cứu và có ý kiến phản hồi.

Trước hết xin bàn về tổ chức việc học, từ đó mới thấy rõ cần thi như thế nào cho hợp lý.

1. Giảm tải và nâng cao chương trình THPT bằng giải pháp phân ban mềm

Từ nhiều năm nay chương trình trung học phổ thông không ngớt bị kêu ca quá tải, nhưng vẫn chưa có giải pháp thoả đáng. Đương nhiên quá tải không chỉ do chương trình mà còn do cách dạy không thích hợp, nhưng theo tôi, còn có một nguyên nhân quan trọng nữa là tổ chức học và thi chưa hợp lý.

Suy cho cùng vấn đề này liên quan tới một điểm hệ trọng về triết lý giáo dục là quan hệ giữa hai mục tiêu văn hóa (bồi dưỡng văn hóa phổ quát, “dạy người”) và kinh tế (đào tạo nghề nghiệp, “dạy nghề”) của giáo dục. Trên nguyên tắc hai mục tiêu này phải kết hợp hài hòa, nếu chỉ chú trọng một bên mà coi nhẹ bên kia, gây sự xung đột hay lệch pha giữa hai mục tiêu thì trước sau gì giáo dục cũng sẽ cản trở sự phát triển lành mạnh của xã hội.

Trước đây THPT chỉ có một chương trình thống nhất, nhằm mục tiêu cung cấp văn hóa phổ quát. Đến 1994, với mục đich hướng nghiệp sớm cho học sinh, Bộ GD và ĐT đưa ra chủ trương phân ban ở THPT. Nhưng suốt 15 năm trời, tiêu tốn khá nhiều tiền của, công sức để thí điểm liên tục các chương trình phân ban mà vẫn không thành công. Nhiều người kiên quyết phản đối phân ban vì vẫn giữ quan điểm giáo dục phổ thông phải tập trung bảo đảm văn hóa phổ quát.

Sự phản đối này không phải không có lý, vì khoa học, công nghệ càng phát triển, thế giới càng tràn ngập thông tin thì văn hoá phổ quát càng cần thiết để khỏi bị lạc hướng trong rừng thông tin và giúp cho con người được thật sự tự do, làm chủ vận mệnh của mình. Viện cớ kinh tế đòi hỏi nhân lực ngày càng phải được trang bị nhiều kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp chuyên sâu để xem nhẹ văn hoá phổ quát là một sai lầm.

Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản chỉ có thế. Ít ra trong vài thập kỷ gần đây, cuộc sống trong xã hội hiện đại đã có những thay đổi lớn: một mặt các vật phẩm tiêu dùng, dịch vụ, có xu hướng cá tính hóa, cố gắng phù hợp nhất có thể được với điều kiện, tính tình, ưa thích của cá nhân người dùng; mặt khác, trong thời đại toàn cầu hoá và kinh tế tri thức, lứa tuổi 15-17 có tâm lý muốn tự lập sớm, suy nghĩ sớm về tương lai nghề nghiệp, phát triển mạnh cá tính, ôm ấp nhiều hoài bão, ước mơ táo bạo.

Muốn giáo dục có kết quả, nhà trường phổ thông phải chú ý hai đặc điểm đó, không thể gò bó tất cả học sinh ở lứa tuổi này vào một chương trình thống nhất, mà cần có nhiều hướng lựa chọn khác nhau tùy theo sở thích, xu hướng, nguyện vọng từng cá nhân. Do đó phân ban dưới một hình thức nào đó đã trở nên thật sự cần thiết.

Cái dở của các chương trình thí điểm trước đây của Bộ GD và ĐT không phải ở chỗ phân ban, mà ở chỗ phân ban cứng, buộc học sinh phải chọn ban dứt khoát quá sớm (ngay từ đầu cấp 3) và khi đã chọn bạn nào rồi thì phải theo ban đó tới cùng. Ở cái tuổi đang dò dẫm chưa tự hiểu hết bản thân mình, học sinh rất khó chọn đúng ban thích hợp với mình ngay từ đầu nhưng với cách phân ban cứng nếu lỡ chọn nhầm ban thì không có cách sửa chữa sai lầm.

"Theo kinh nghiệm nhiều nước tiên tiến, là phân ban “mềm”: về mỗi môn như Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn…, có hai chương trình, một bình thường, một nâng cao, còn các môn khác chỉ cần một chương trình thống nhất"

Không phân ban thì nhiều học sinh phải học quá kỹ nhiều điều không cần thiết cấp bách đối với họ, nhưng phân ban cứng thì lại bắt buộc học sinh học chuyên quá nhiều môn cùng một lúc (như ban khoa học tự nhiên phải học chuyên cả 4 môn Toán, Lý, Hóa, Sinh). Thành ra trong cả hai cách, chương trình đều quá nặng đối với số đông học sinh, trong khi đó đối với số ít học sinh có thiên hướng mạnh về một vài môn nhất định lại không được học đủ sâu về các môn đó mà phải mất quá nhiều thì giờ học kỹ những môn họ không có nhu cầu và sở thích.

Để tránh những khuyết điểm ấy giải pháp tối ưu, theo kinh nghiệm nhiều nước tiên tiến, là phân ban “mềm”: về mỗi môn như Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn…, có hai chương trình, một bình thường, một nâng cao, còn các môn khác chỉ cần một chương trình thống nhất. Tùy sức và thiên hướng mỗi học sinh có thể chọn, về mỗi môn, một chương trình, bình thường hay nâng cao, để đăng ký xin học.

Đăng ký chương trình nào thì học và thi lấy tín chỉ chương trình đó, mỗi năm có thể chọn khác nhau, năm nay chọn chương trình nâng cao về môn nào đó, năm sau thấy khó có thể đổi sang chương trình bình thường, hay ngược lại. Đến lớp12 (cuối cấp), đủ số tín chỉ cần thiết thì được cấp bằng tốt nghiệp, không cần thi tốt nghiệp nặng nề, vất vả như ta hiện nay.

Thường mỗi học sinh chỉ chọn học nâng cao vài môn. Điều đó cho phép chương trình nâng cao càng lên lớp trên càng khác (cao hơn) chương trình bình thường, thậm chí lớp 12 có thể có hai hay ba chương trình nâng cao để lựa chọn, với mức cao nhất có thể ngang chương trình năm thứ nhất đại học. Kết quả học tập chương trình nâng cao này được bảo lưu, khi lên đại học khỏi phải học lại. Làm như vậy, vừa hợp sức của số đông (đơn giản nhất có thể học chương trình bình thường về mọi môn), vừa cho phép học sinh tự điều chỉnh kế hoạch học từng năm một, không phải bị ràng buộc cứng nhắc vào sự lựa chọn ban đầu thường khó chính xác được ngay. Hơn nữa, ai có khả năng đặc biệt về một môn nào đều có thể tranh thủ học được một phần chương trình đại học để về sau rút ngắn thời gian học đại học.

Sau nhiều năm các phương án phân ban cứng kế tiếp đưa ra thí điểm đều không đạt kết quả, chúng tôi đã đề nghị Bộ GD và ĐT nên nghiên cứu thực hiện phân ban mềm như ở nhiều nước phát triển đã làm.

Đáng mừng là năm học 2007-2008 chương trình phân ban mới đã có những thay đổi bước đầu theo hướng đó. Tuy nhiên, thật đáng tiếc, do vẫn còn muốn giữ các chương trình và sách giáo khoa đã lỡ soạn và in theo kiểu phân ban cứng, nên giải pháp đưa ra có tính chất nửa vời: vẫn duy trì hai ban cứng (ban khoa học tự nhiên, và ban khoa học xã hội), chỉ thêm ban cơ bản mềm hơn, cho phép học mọi môn theo chương trình bình thường, ngoài ra học nâng cao về vài môn tùy chọn. Vì tính chất linh hoạt đó ban cơ bản được đại đa số học sinh (70%) hưởng ứng.

Đó là một tiến bộ đáng hoan nghênh, đồng thời nó cũng cho thấy trong năm học tới cần mạnh dạn tiến thêm bước nữa, bỏ hẳn các ban cứng (khoa học tự nhiên và xã hội), còn ban cơ bản nên để học sinh khi đã chọn học nâng cao môn nào thì không cần phải học chương trình bình thường môn ấy nữa. Tóm lại, nên phân ban mềm hoàn toàn như ở nhiều nước phát triển. Với cách phân ban đó, tổ chức việc học ở THPT sẽ gần giống với đại học, bước đầu thực hiện phân luồng để giảm bớt khó khăn khi tuyển sinh ĐH và CĐ.

Có người e ngại điều kiện thực tế của ta chưa cho phép thực hiện phân ban mềm, song kinh nghiệm vừa qua cho thấy với 70% học sinh chọn ban cơ bản các trường không có khó khăn gì đặc biệt, nên việc tiến lên phân ban mềm chắc chắn cũng sẽ khả thi. Cái lợi căn bản là việc học bớt nặng nề nhờ thích hợp hơn với sở thích và khả năng từng người, đồng thời như sau đây sẽ trình bày rõ, với cách tổ chức việc học như thế, thi tốt nghiệp THPT sẽ không còn cần thiết.

GS Hoàng Tụy

Chú thích:
(1) Xem Tia Sáng 12, 20/6/2008
(2) Xem chẳng hạn Tia Sáng 14, 20/7/2007 và Tia Sáng 2+3,25/1/200

(theo VietNamNet)


 
 

 
     
 
Văn hóa - Giáo dục khác:


Giáo dục Trung Quốc dưới góc nhìn Âu MỹCái gốc của giáo dục là gì?
Doanh nghiệp Game Việt Nam: Vô danh - hữu thựcGiáo dục Mỹ: Tái cấu trúc nhờ công nghệ số
Hàn Quốc: kiểu học nhồi nhét vẫn tồn tạiGiáo trình ĐH “lên lão”, “mọc râu”
  Xem tiếp    
 
Lịch khai giảng của hệ thống
 
Ngày
Giờ
T.Tâm
TP Hồ Chí Minh
Hà Nội
 
   
New ADSE - Nhấn vào để xem chi tiết
Mừng Sinh Nhật Lần Thứ 20 FPT-APTECH
Nhấn vào để xem chi tiết
Bảng Vàng Thành Tích Sinh Viên FPT APTECH - Nhấn vào để xem chi tiết
Cập nhật công nghệ miễn phí cho tất cả cựu sinh viên APTECH toàn quốc
Tiết Thực Vì Cộng Đồng
Hội Thảo CNTT
Những khoảnh khắc không phai của Thầy Trò FPT-APTECH Ngày 20-11