Kỳ II: Mô hình ba cột trụ cho giáo dục phổ thông  
 

(Post 24/09/2008) Về tổng thể nó có ba bậc, xây trên nền vững là cấp phổ thông cơ sở. Ba bậc đó là: Trung học phổ cập, trung học mở rộng và trung học nâng cao.

Khái niệm trung học phổ thông (THPT) nay cần được hiểu và thực hành chi tiết, rành rẽ hơn qua các nấc khác nhau. Bản chất cuả mô hình này là: Tích hợp, phân loại, chọn lọc liên tục từ thấp đến cao. Chúng ta hình dung ra một sơ đồ hình tháp. Về tổng thể nó có ba bậc, xây trên nền vững là cấp phổ thông cơ sở. Ba bậc đó là: Trung học phổ cập, trung học mở rộng và trung học nâng cao.

Ở cấp phổ thông cơ sở, từ lớp 1 đến lớp 4, các em được giáo dục, đào tạo theo một hệ thống thống nhất, chương trình thống nhất. Trên đỉnh tháp chỉ còn lại số học sinh có năng lực thục sư.

TS Nguyễn Văn Tiến-Ích

Khả năng, tố chất, năng khiếu bẩm sinh... từng học sinh bộc lộ dần dần và rõ rệt ở cấp phổ thông cơ sở.

Bậc tiểu học chúng ta đã quen dùng một thời sẽ mang chức năng của một cấp chọn lọc đầu tiên để ngay sau đó học sinh đã được tách ra cho chuyển động theo ba dòng đã định sẵn, chiếu theo ba loại kết quả học tập.

Ba dòng đó là: Trung học phổ cập, trung học mở rộng và trung học nâng cao. Ví như học trò được phân luồng để leo ba ngọn núi cao thấp khác nhau. Như vậy kết thúc lớp 4 là thời điểm học sinh và bậc phụ huynh đứng trước một ngã ba đường rất quan trọng của cuộc đời (xem lược đồ hình 1). Sau lớp 4 còn có thêm một vùng đệm đặc biệt, đó là cấp định hướng, kéo dài từ lớp 5 đến lớp 6 nhằm sàng lọc tiếp tục đối với những em đạt điểm tổng kết bậc tiểu học ở vùng mấp mé giữa khá và trung bình. Qua quá trình học ở cấp đặc biệt này sẽ phân chia thành tích học tập ra 3 loại A, B và C.

Sang lớp 7, các em vào 3 luồng đã chia trước, tương ứng với kết quả phân loại. Thay vì học ở cấp định hướng, sau lớp 4 các em đó cũng có thể thi để nếu đỗ với kết quả tốt, sẽ nhập học ngay lớp 5 cùng các bạn đạt điểm khá, giỏi đã được phân luồng đợt 1.

Lược đồ hệ thống 3 cột trụ

5. 1. Trường trung học phổ thông phổ cập (bậc trung học phổ cập)

Theo học hệ này, học sinh được trang bị kiến thức phổ thông căn bản, được chuẩn bị cho chương trình đào tạo các nghề đơn giản trong tương lai. Các em sẽ là một lực lượng lao động đông đảo có tay nghề của xã hội. Thông qua sàng lọc ở cấp cơ sở hoặc cấp định hướng, các em có thành tích thấp nhất sẽ theo học nốt các năm từ lớp 5 (hoặc lớp 7) cho đến lớp 9. Kết thúc hình thức đào tạo này, học sinh nhận bằng tốt nghiệp. Ta gọi đây là Bằng tú tài I.

Trong các năm ở bậc trung học phổ cập, học sinh vẫn có đủ điều kiện tiếp tục phát huy năng lực của mình, nếu ở cấp cơ sở các em chưa kịp bộc lộ. Đào thải là một quá trình diễn biến theo quy luật tự nhiên và quy luật xã hội. Quá trình giáo dục, đào tạo, về bản chất, chính là quá trình làm cho học sinh bộc lộ khả năng. Em nào giỏi sẽ được chuyển sang leo ngọn núi cao thứ hai. Các em đã nhận Bằng tú tài I vẫn còn cơ hội học tiếp lớp 10, một dạng lớp bổ túc riêng.

Nếu đạt kết quả tốt, số học sinh này sẽ nhận được Bằng tú tài II hệ mở rộng. Với tấm bằng này, các em nộp đơn xin học các nghề yêu cầu kỹ năng cao hơn hoặc trường trung cấp chuyên nghiệp. Cánh cưả trường đại học cũng không khép lại vĩnh viễn với những ai đã qua cấp này nhưng còn ý chí và khả năng.

5. 2. Trường trung học phổ thông mở rộng (bậc trung học mở rộng)

Qua cấp cơ sở hoặc cấp định hướng, tức là sau lớp 4, hoặc lớp 6, sẽ có một đội ngũ học sinh khá hơn để theo hệ trung học phổ thông mở rộng, học từ lớp 5 (hoặc lớp 7) đến hết lớp 10. Bằng tốt nghiệp THPT của thể loại trường này được gọi là Bằng tú tài II hệ mở rộng. Nó chứng minh độ chín mức giữa về kiến thức, kỹ năng cuả học sinh. Với bằng tú tài II hệ mở rộng, học sinh có điều kiện phấn đấu học tiếp để lấy Bằng tú tài II hệ nâng cao của bậc trung học nâng cao (xem mục dưới).

Bằng tú tài II hệ mở rộng là một điều kiện cần để học sinh làm đơn xin thi vào một trong các trường dạy nghề hoặc trường trung cấp chuyên nghiệp. Xây dựng được một hệ thống trường dạy nghề (với khoảng 300 đến 400 nghề/trường nghề được phép cấp chứng chỉ) có chất lượng đích thực cũng đang là một công trình mà Việt Nam cần phải làm gấp để nền kinh tế hoạt động được đồng bộ. Hệ thống trường dạy nghề vừa mạnh vừa hiện đại sẽ đủ sức tiếp nhận được đầu ra của ngành giáo dục - đào tạo cấp phổ thông mới.

Hệ thống trường dạy nghề cung cấp cho xã hội, cho nền kinh tế một lực lượng lao động cao cấp, có nghề. Họ là những thợ cả tương lai. Chỉ những ai trong số họ đã tích luỹ kinh nghiệm nghề nghiệp trong thực tế, đã thi lấy bằng thợ cả mới đủ điều kiện tối thiểu để được phép đứng ra đăng ký hành nghề độc lập, mở một loại dịch vụ tương ứng. Thí dụ muốn đứng ra làm chủ lò bánh mỳ và cửa hàng bánh mỳ, bắt buộc người chủ phải có bằng thợ cả nghề làm bánh mỳ. Ở Đức, người hành nghề quét vôi ve độc lập đã phải có bằng thợ cả vôi ve (phải chăng đây là bí quyết về chất lượng cao của hàng hoá, dịch vụ made in Germany?).

Ngoài ra, sau nhiều năm công tác, làm việc, người ta có cơ hội theo học tại các trường đại học.

Tại cấp phổ thông mở rộng, tức khi leo ngọn núi cao thứ hai này, học sinh cũng có đủ cơ hội thể hiện tiếp tục khả năng của mình. Em nào có năng lực thực sự, đạt kết quả học tập loại giỏi, sẽ được chuyển sang, cho theo học tại Trường trung học phổ thông nâng cao. Vì trình độ kiến thức của cùng một lớp ở ba hệ không đồng đều cho nên những học trò được chuyển sang hệ cao hơn phải học lại lớp cuối tương đương mà họ đã kết thúc ở hệ kia hoặc học tại một lớp quá độ ở hệ cao hơn để có thể bắt nhịp, theo kịp được chương trình.

"Kỳ thi này mang ý nghiã 2 trong 1 mà công luận Việt Nam đang rất quan tâm, nhưng có chất lượng cao thực sự và đảm bảo công bằng vì đã qua sàng lọc khắt khe từ cấp tiểu học đến tận lớp 12. Bằng cấp này mang ý nghĩa về độ chín cho cấp đại học"

5. 3. Trường trung học phổ thông nâng cao (bậc trung học nâng cao)

Hệ này chuẩn bị cho học sinh con đường vào đại học. Bản thân nó cũng lại được chia thành 2 bậc. Ở bậc 1 các em phải học hai môn ngoại ngữ, sau khi kết thúc lớp 10, học sinh sẽ nhận Bằng tú tài II hệ nâng cao và sẽ có cơ hội học nghề đòi hỏi kỹ năng rất cao, hoặc phấn đấu để về lâu dài vẫn vào được đại học.

Những học sinh có khả năng nhất leo tiếp lên bậc 2, học từ lớp 11 đến hết lớp 12. Bậc trung học nâng cao đã mang hình hài của hệ đào tạo đại học. Cụ thể là: Nếu các em học sinh tự thấy mình rất giỏi ở một môn thì theo học hệ trung học chuyên ngành nâng cao. Số học sinh giỏi toàn diện hơn theo hệ tổng hợp nâng cao. Cuối cùng, kết thúc đoạn đường trường, các em đi thi để lấy Bằng tú tài toàn phần.

Kỳ thi này mang ý nghiã 2 trong 1 mà công luận Việt Nam đang rất quan tâm, nhưng có chất lượng cao thực sự và đảm bảo công bằng vì đã qua sàng lọc khắt khe từ cấp tiểu học đến tận lớp 12. Bằng cấp này mang ý nghĩa về độ chín cho cấp đại học. Nó chứng minh khả năng tiếp thu, khả năng tự học, tự nhận ra thiên hướng của học sinh. Trong hai năm cuối của trường này, tức lớp 11 và 12, các em đã phải rèn luyện kỹ năng lao động khoa học độc lập, hình thành dần tác phong nghiên cứu của một sinh viên đại học.

Có kiến thức cần ghi nhớ sẵn trong đầu, còn lại học sinh phải nhận thức được rằng: Nếu biết cần tìm tài liệu, kiến thức nào, tìm ở đâu, tìm bằng cách nào để giải quyết vấn đề gì thì người ta đã có 50% phong cách của một chuyên gia (tránh được học vẹt). Trong số các môn của chương trình chung, các em phải tự chọn ra các môn trọng điểm (những môn khoẻ nhất của từng học sinh), tập hợp chúng (cùng với các môn kia) tạo thành chương trình học cho cá nhân, rồi tự làm đồ án môn học ở cuối cấp.

Các môn tự chọn, phù hợp với học lực, năng khiếu thực cuả từng học trò. Như vậy ở hai năm cuối sẽ hình thành nên các lớp khác nhau. Những học sinh có cùng chí hướng, cùng giỏi một số môn sẽ ngồi chung một lớp do các giáo viên giỏi kèm cặp. Các môn tự chọn đồng thời sẽ là các môn thi lấy bằng tú tài toàn phần và chúng đã mặc nhiên định hướng cho các em chọn trường đại học, ngành học mình ưa thích và có khả năng nhất, phù hợp với nguyện vọng cá nhân (xem sơ đồ hình 2).

Sơ đồ đơn giản hoá hệ thống ba cột trụ và đầu ra của ngành giáo dục, đào tạo cấp phổ thông

Có bằng tú tài toàn phần trong tay là một điều kiện tiên quyết, như một tấm thẻ vào cửa để các em đương nhiên được ghi danh vào các trường đại học. Ai tốt nghiệp hạng ưu sau khi chọn học và thi những môn khó, người ấy được theo học các ngành có chỉ tiêu chọn lọc ngặt nghèo và rất hẹp (Numerus clausus). Còn lại các trường đại học khác, tuỳ theo ngành, đẳng cấp, chất lượng đào tạo, sẽ nhận các em theo kết quả học tập và điểm thi tốt nghiệp. Các trường đại học hoàn toàn có quyền độc lập tự chủ, sẽ tuyển thẳng, hoặc sẽ tổ chức thi sát hạch thêm sau khi ứng viên ghi danh.

Những ai đã leo hết một trong hai ngọn núi thấp hơn kể trên (tốt nghiệp hệ THPT phổ cập hay THPT mở rộng), nay đang công tác hoặc làm việc tại các cơ quan hay công ty, muốn theo chương trình đại học, trước hết phải học thêm, dự thi lấy bằng tú tài toàn phần. Nếu không, họ phải có thành tích công tác rất suất sắc và đã qua học bổ túc thêm. Nhìn chung trong mô hình này, cơ hội luôn rộng mở cho tất cả mọi người để phát huy khả năng cuả mình.

Có thể coi đây là một hệ thống đào tạo trung học phổ thông rất mở và năng động, có lên có xuống, hoàn toàn không cứng nhắc, khai thác được hết khả năng từng học trò. Học sinh nào gặp khó khăn về nhận thức, ta thường gọi là học sinh thiểu năng trí tuệ, sẽ theo học tại hệ thống trường khuyến khích. Học sinh đặc biệt suất sắc và có năng khiếu vượt trội sẽ được đào tạo tại trường tinh hoa hoặc gửi ra nước ngoài để các em thụ hưởng nền giáo dục - đào tạo ở những trường có uy tín cao trên thế giới. Họ sẽ đứng trong hàng ngũ những chuyên gia, cán bộ tinh nhuệ của đất nước trong tương lai.

TS Nguyễn Văn Tiến- Ích (Đức)

(theo VietNamNet)


 
 

 
     
 
Văn hóa - Giáo dục khác:


Cần đoạn tuyệt với chủ nghĩa hình thức trong giáo dụcGS Hoàng Tụy - Kỳ III: Bỏ thi THPT thì đổi mới tuyển sinh ĐH-CĐ như thế nào?
GS Hoàng Tụy - Kỳ II: Thi tốt nghiệp THPT: Không cần thiết và nên bỏ!Giáo sư Hoàng Tụy - Kỳ I: Cần giải pháp đột phá trong học và thi ở THPT
Giáo dục Trung Quốc dưới góc nhìn Âu MỹCái gốc của giáo dục là gì?
  Xem tiếp    
 
Lịch khai giảng của hệ thống
 
Ngày
Giờ
T.Tâm
TP Hồ Chí Minh
Hà Nội
 
   
New ADSE - Nhấn vào để xem chi tiết
Mừng Sinh Nhật Lần Thứ 20 FPT-APTECH
Nhấn vào để xem chi tiết
Bảng Vàng Thành Tích Sinh Viên FPT APTECH - Nhấn vào để xem chi tiết
Cập nhật công nghệ miễn phí cho tất cả cựu sinh viên APTECH toàn quốc
Tiết Thực Vì Cộng Đồng
Hội Thảo CNTT
Những khoảnh khắc không phai của Thầy Trò FPT-APTECH Ngày 20-11