(Post 27/09/2008) Kết quả cuối cùng của mỗi
mô hình giáo dục, đào tạo được phản ánh rõ ở hiệu quả của nền kinh tế,
ở sự phát triển toàn diện của một đất nước...
Thi xong
TN THPT. Ảnh Lê Anh Dũng |
|
Soạn sách giáo khoa theo xu hướng mở
Nếu như một đề toán có nhiều lời giải hoặc một đề văn
có nhiều bài hay và chất lượng khác nhau hay khái quát hơn là một vấn
đề có nhiều giải pháp thì việc biên soạn sách giáo khoa cũng nên dựa theo
nguyên lý đó. Các nhà xuất bản có uy tín sẽ đảm nhiệm công tác xuất bản
sách giáo khoa. Trong xu thế cạnh tranh, các nhà xuất bản, đến lượt mình,
sẽ tập trung được các chuyên gia tầm cỡ của đất nước cho công việc quan
trọng này. Để đảm bảo sát thực tế, các giáo viên giỏi ở các cấp cũng nên
được lựa chọn tham giao công tác soạn sách giáo khoa.
Kho lương thực của nhà nước luôn đầy là nhờ công lao
to lớn cuả các lão nông tri điền. Các trường, đặc biệt là giáo viên từng
bộ môn giầu kinh nghiệm, sẽ là những người có tầm nhìn bao quát nhất ở
môn mình giảng dậy. Họ có điều kiện so sánh, biết rõ sách của nhà xuất
bản nào có chất lượng cao về nội dung và cấu trúc mạch lạc nhất để đặt
mua cho trường và giới thiệu cho học sinh mua sử dụng. Nội dung cụ thể
cần phù hợp với lứa tuổi và trình độ từng hệ đã nêu. Soạn sách giáo khoa
cũng là cả một công trình lớn, xin nhường lời cho các chuyên gia và các
nhà giáo tâm huyết.
Chúng ta hay nghĩ và làm ngược với thế giới
Chúng ta hãy dũng cảm mà thừa nhận rằng phương pháp tư
duy cuả người Việt Nam đã và đang làm chúng ta lỗi nhịp. So với thế giới,
chúng ta hay nghĩ ngược và làm ngược nhiều việc. Người Việt Nam còn nghèo
nhưng rất hoang phí nguồn lực, thiếu căn cơ. Ở những nước giầu, thí dụ
Nhật hay Đức, nguời ta có cách tổ chức cuộc sống nói chung, cư xử với
thế giới xung quanh khác hẳn chúng ta.
Muốn có sản phẩm tốt thì tư duy chất lượng phải thay
đổi. Thí dụ trong sản xuất công nghiệp: Từ lâu chúng ta có riêng phòng
kiểm định chất lượng, hoạt động riêng biệt ở khâu cuối trong chu trình
sản xuất. Thực tế cho thấy: Nếu tích hợp quy trình kiểm định chất lượng
(tiêu chẩn ISO) ngay trong dây chuyền và tích hợp ở từng người đứng bên
băng truyền thì đảm bảo thay đổi hẳn về chất. Trong giáo dục và đào tạo,
áp dụng mô hình ba cột trụ cho cấp phổ thông chính là áp dụng quy trình
tích hợp để nâng cao chất lượng và tiết kiệm nguồn lực.
Vì sự nghiệp lâu dài mai sau của đất nước, nhà nước cần
đầu tư thích đáng cho công việc trồng người đầy gian nan, cần lòng kiên
trì. Nếu như có nhiều gia đình hy sinh của cải vì sự học hành cuả con
cái thì nhà nước cũng nên mạnh dạn cắt bỏ những công trình chưa cần thiết
để đầu tư cho giáo dục và phát triển văn hoá. Người có học sẽ biết làm
ra và biết quản lý tài sản. Ngược lại thì đống của cao tầy núi sẽ hủy
hoại nhanh chóng những con người thiếu tri thức. Để biết tiêu tiền cũng
đòi hỏi người ta phải có trình độ văn hoá nhất định. Xã hội cần nhìn nhận
lại vai trò của thầy cô.
Ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, ở Việt Nam đã
xuất hiện quan niệm lệch lạc qua câu nói cửa miệng có vần: Nhất Y nhì
Dược, tạm được Bách khoa, Sư phạm bỏ qua, Nông lâm đút xó... Ngành sư
phạm, nơi rèn lên những cỗ máy cái, quan trọng là vậy, mà đã bị khinh
bạc. Ngược lại, một số thầy cô thoái hoá thực sự nên tình nguyện tìm những
việc phù hợp với sở trường của mình. Xã hội không thể dùng những người
như thế để mong họ đào tạo nên được những thế hệ công dân có nhân cách
tốt cho tương lai.
Cần nhấn mạnh một điểm nữa: Chúng ta nên biết cách xác
định, cư xử đúng với giá trị và bằng cấp. Phải có quan niệm lành mạnh
về vị trí xã hội và nghề nghiệp. Không có nghề hay người nào sang hay
hèn (hiểu theo khía cạnh thuần phong) mà chỉ có người biết ứng xử, hành
nghề với nhân cách và tính chuyên nghiệp cao hay thấp. Nghề nghiệp mang
lại thu nhập nhưng nghề nghiệp cũng gắn với danh dự và đam mê.
"nếu
cha mẹ tự thấy con em mình chưa đủ chín về tố chất và kiến thức,
mặc dù được thầy cô giáo đề xuất cho các em leo ngọn núi cao nhất
nhưng các bậc phụ huynh đó vẫn tình nguyện đề nghị giáo viên cho
các em leo ngọn thấp hơn (đây là bản lĩnh và lòng tự trọng). Nó
tránh sự quá tải làm các em (và cha mẹ) bị ức chế. Học trò không
mất hứng thú trong học hành và không mất niềm vui" |
Chất lượng cuộc sống, niềm vui, sự thảnh thơi đích thực
của từng thành viên trong xã hội quan trọng hơn là từng người trong số
nhiều cá nhân có nhiều bằng khá cao cấp (kể cả bằng rởm) nhưng đất nước
thì vẫn ở tầm thấp (vì bằng rởm). Đây là một nghịch lý đang tồn tại ở
Việt Nam. Ông Bill Gate tài ba là thế mà vẫn bắt đầu sự nghiệp lúc bỏ
dở khoá đại học luật. Ở Đức, trong số các Tổng thống Liên bang, có vị
chưa cầm trong tay tấm bằng tú tài toàn phần mà vẫn có uy tín cao trong
công luận. Có những em học sinh đã cầm trong tay bằng tú tài toàn phần
mà vẫn tình nguyện đi học nghề, thay vì ghi danh vào đại học.
Đích cuối cùng như đã nói, là cuộc sống với chất lượng
cao, chứ không nhất thiết phải là bằng cấp. Bên Pháp hay Đức, nếu cha
mẹ tự thấy con em mình chưa đủ chín về tố chất và kiến thức, mặc dù được
thầy cô giáo đề xuất cho các em leo ngọn núi cao nhất nhưng các bậc phụ
huynh đó vẫn tình nguyện đề nghị giáo viên cho các em leo ngọn thấp hơn
(đây là bản lĩnh và lòng tự trọng). Nó tránh sự quá tải làm các em (và
cha mẹ) bị ức chế. Học trò không mất hứng thú trong học hành và không
mất niềm vui. Tuổi trẻ phải được sống trong sự hồn nhiên và trong niềm
vui đích thực khi cắp sách tới trường.
Tiến bộ là sự trao đổi hiểu biết
Trong phạm vi bài này, tác giả xin giới thiệu, đề xuất
một mô hình rất khái quát, chỉ giới hạn cho ngành giáo dục - đào tạo cấp
phổ thông. Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đang có chủ trương tổ chức
thi 2 trong 1 trong tương lai gần. Chủ chương đó đúng nhưng chưa giải
quyết được tận gốc vấn đề. Sự lựa chọn chưa đảm bảo công bằng theo lẽ
tự nhiên. Thời gian qua đã có khá nhiều ý kiến phản biện kế hoạch thi
2 trong 1 nhưng chưa có đề xuất nào cho một giải pháp đồng bộ, có bài
bản, khách quan, nhằm bảo đảm chất lượng giáo dục bền vững. Mô hình này
sẽ góp phần hoàn thiện chính sách giáo dục theo hai hướng: Chất lượng
cao và tiết kiệm nguồn lực.
Việc áp dụng, triển khai cụ thể mô hình này trong thực
tế Việt Nam để thu được kết quả mỹ mãn còn là cả một sự nghiệp lớn, một
con đường dài. Nó đòi hỏi sự đồng thuận, hợp tác, sự sáng tạo ở các nhà
quản lý, các nhà chiến lược về giáo dục, hàng ngũ giáo viên đông đảo trong
cả nước, kể cả các cán bộ, thầy giáo tư vấn. Sự hợp tác của các bậc phụ
huynh, của học sinh và toàn xã hội cũng không thể coi nhẹ. Ngoài ra Việt
Nam cần phát triển đồng bộ giữa hình thức đào tạo cấp phổ thông và đào
tạo nghề mới hy vọng tiếp nhận được đầu ra của ngành giáo dục đào tạo
phổ thông, nền kinh tế mới có lực lượng lao động có tri thức với cấu trúc
hài hoà (CHLB Đức có 380 nghề/trường nghề được công nhận cho phép đào
tạo, có chứng chỉ).
Như thế sẽ có người tư duy và nói (lý luận) giỏi nhưng
cũng có rất nhiều người làm giỏi. Đời sống xã hội vận động không ngừng.
Không có con đường nào được thượng đế an bài sẵn. Chúng ta phải tự mở
lối cho mình.
Tại Đức, tùy theo từng tiểu bang, mô hình nêu trên đã
được áp dụng sáng tạo trong tinh thần tự chủ hoàn toàn về giáo dục đào
tạo của mỗi bang. Mô hình này đã qua thử thách từ nhiều thập kỷ cho tới
hàng thế kỷ (đặc biệt là hệ phổ thông nâng cao) và mang lại kết quả tốt.
Kết quả cuối cùng của mỗi mô hình giáo dục, đào tạo được phản ánh rõ ở
hiệu quả của nền kinh tế, ở sự phát triển toàn diện của một đất nước.
CHLB Đức là một thành viên lớn của câu lạc bộ 7 siêu cường. Người ta đã
xây dựng nên được một nền kinh tế - xã hội mà ở nhiều nước khác trên thế
giới đang còn ở dạng lý thuyết hay còn phải cố gắng phấn đấu hàng trăm
năm mới đạt tới. Người Đức sống có phong cách đàng hoàng tự tại, có ý
thức và trách nhiệm công dân rất cao.
Một xã hội phát triển cũng là một xã hội học tập. Học
và trao đổi kiến thức là quá trình mỗi con người phải thực hiện suốt cả
cuộc đời. Không phải cầm tấm bằng (kể cả bậc tiến sỹ) trong tay là người
ta cho phép mình ngừng học, bởi vì cứ sau 5 năm, lượng tri thức của nhân
loại đã tăng lên theo phép nhân. Ở Đức có cả hệ thống trường đại học nhân
dân bổ túc nhiều môn. Các công ty mở khoá huấn luyện nội bộ theo định
kỳ, kể cả bổ túc ngoại ngữ. Các trung tâm đào tạo tư nhân thường xuyên
mở các khoá ngắn hạn, bổ xung kiến thức hiểu biết cho những ai quan tâm.
Người Đức đã và đang rất thành công trong công việc xây
dựng nên một xã hội dân sự lành mạnh, một nền kinh tế phát triển cao.
Càng thành công, người ta càng trọng tri thức, càng biết học hỏi người
khác. Kiến thức mới về tất cả mọi lĩnh vực được tiếp thu và truyền bá
liên tục, kịp thời; bất kể kiến thức và hiểu biết đó do người mang màu
da hay thuộc sắc tộc nào mang đến. Người tài khắp nơi trên thế giới được
họ mở rộng vòng tay, sẵn sàng tiếp nhận, trả công lao và cư xử theo đúng
tầm. Chiến dịch cấp thẻ xanh là một thí dụ. Ngoài thời gian đã giảng dạy
đại học, cá nhân tôi cũng từng thuyết trình tại các khoá huấn luyện, bổ
túc cho người Đức lớn tuổi và có trọng trách. Xã hội Đức đang thực hành
tốt lời vàng cuả Albert Einstein: Tiến bộ là sự trao đổi hiểu biết.
TS Nguyễn Văn Tiến- Ích (Đức)
Chú thích:
1. Trong chương trình đào tạo cấp đại học ở Đức người
ta phân biệt hai hệ thống:
- Hệ thống các trường Đại học chuyên nghiệp (tiếng Đức Fachhochschule,
viết tắt FH). Đặc điểm: Đào tạo kỹ sư, cử nhân thiên về ứng dụng.
Chỉ những trường hợp ngoại lệ SV tốt nghiệp mới có đủ tư cách chuyên
môn để làm luận án tiến sỹ. Trong sơ đồ trên, tác giả tạm dùng tên
gọi hệ Đại học 1. Tiếng Việt không có khái niệm tương ứng do Việt
nam chưa có hệ đào tạo tương tự.
- Hệ thống các trường Đại học tổng hợp hoặc Đại học kỹ thuật (tiếng
Đức Universitảt, viết tắt Uni và Technische Hochschule, viết tắt TH),
trang bị cho kỹ sư, cử nhân lý thuyết nhiều hơn. Người giỏi mặc nhiên
có điều kiện để viết luận án tiến sỹ. Trong sơ đồ trên, tác giả tạm
dùng tên gọi hệ Đại học 2. Hệ thống trường dạy nghề cuả Đức cũng rất
đáng được học hỏi. Dậy nghề cũng là dậy người.
2. Việc đặt tên cho các hệ thống con, thí dụ trường THPT
phổ cập, THPT mở rộng,THPT nâng cao... cũng như các loại bằng cấp tương
ứng hay việc sử dụng khái niệm độ chín là theo cách hiểu cuả tác giả.
3. Bằng tú tài II mới là một điều kiện, khả dĩ được vào
các trường ĐH hệ 1 chứ không phải là điều kiện mặc nhiên. Thông lệ, muốn
vào được đại học, ứng viên cần bổ túc thêm để thi lấy bằng tú tài toàn
phần hoặc phải có thành tích và kinh nghiệm nghề nghiệp rất tốt.
(theo VietNamNet) |