Chưa thể đột phá vào thị trường Nhật  
 

(Post 04/10/2008) Vài năm qua, nhiều doanh nghiệp gia công phần mềm cho Nhật Bản đạt mức tăng trưởng 50-60% nhưng tính chung cả ngành thì chưa có dấu hiệu của sự đột phá.

Tăng đều 50-60%

Cách đây 3 năm, vào tháng 9/2005, Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (Vinasa) lần đầu tiên đưa ra kế hoạch “Đông Du lần hai” đột phá vào thị trường PM Nhật với hoài bão: đạt 400 triệu USD vào năm 2010, với mức tăng trưởng 60% mỗi năm. Khi đó, Vinasa dự tính với những lợi thế nhân công rẻ, văn hoá gần gũi thì doanh thu gia công và xuất khẩu PM sang Nhật có thể đạt trên 140 triệu USD vào năm 2008, 230 triệu USD năm 2009 và 360 triệu USD năm 2010.

Sau kế hoạch “Đông Du lần 2”, khá nhiều công ty PM trong nước tập trung hơn cho thị trường này. Bản thân Vinasa cũng tích cực xúc tiến những cuộc tiếp xúc giữa các công ty phần mềm hai nước, ra mắt kỷ yếu về các công ty gia công PM Việt Nam bằng tiếng Nhật, lập câu lạc bộ doanh nghiệp PM Việt - Nhật (VJC), tổ chức ngày CNTT Nhật Bản và hỗ trợ các công ty PM đào tạo, bồi dưỡng nhân lực.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Vinasa cho biết cả nước hiện có khoảng 50 công ty PM Việt Nam đang làm gia công cho khách hàng Nhật, tập trung vào 3 mảng chính là phát triển PM, kiểm thử và gia công quy trình kinh doanh (BPO).

Ví dụ như công ty phần mềm FPT (FPT Software), sau khi thành lập công ty con tại Nhật thì doanh thu từ thị trường này tăng 50-60% mỗi năm. Hiện nay, xấp xỉ 56% doanh thu của FPT Software đến từ khách hàng Nhật. Năm ngoái, FPT Software đạt 15 triệu USD doanh thu từ gia công và xuất khẩu PM sang Nhật, dự kiến tăng lên 28 triệu USD trong năm nay. Bên cạnh tăng trưởng doanh thu, mức độ “chất xám” trong gia công PM sang Nhật cũng tăng lên. Theo ông Bình, các dự án gia công của FPT Software với Nhật ban đầu chỉ đơn giản là viết phần mềm (coding), kiểm thử, gần đây đã chuyển dần sang phần mềm nhúng và bắt đầu làm dự án R&D (nghiên cứu và phát triển).

Chưa thể đột phá

Mặc dù các công ty PM làm ăn với Nhật đạt tốc độ tăng trưởng khá cao, nhưng do quy mô nhỏ nên nguồn thu từ thị trường này còn khiêm tốn. Ông Ngô Hùng Phương, Phó chủ tịch Câu lạc bộ doanh nghiệp PM Việt - Nhật ước tính: “Chỉ khoảng 10 công ty PM Việt Nam làm gia công cho Nhật có doanh thu từ 1 triệu USD trở lên mỗi năm.”

Theo ông Phương, Việt Nam chưa thể đột phá vào thị trường PM Nhật bởi các khó khăn được nhắc đến từ những năm trước chưa được cải thiện nhiều và cản trở lớn nhất với doanh nghiệp làm gia công PM cho Nhật là thiếu nhân lực CNTT biết tiếng Nhật.

Tại hội thảo trong khuôn khổ Ngày CNTT Nhật Bản vừa diễn ra vào 3-4/9, ông Isao Ono, giám đốc HitachiSoft ở Việt Nam cho biết công ty này cố gắng đào tạo người biết tiếng Nhật nhưng một năm chỉ được khoảng 4 người, còn lại chỉ đào tạo cách làm việc của công ty.

Bên cạnh vấn đề nhân lực, việc tiếp cận doanh nghiệp Nhật cũng là khó khăn đáng kể với các công ty PM Việt Nam bởi tốn thời gian hơn nhiều so với các thị trường như Mỹ và châu Âu. Như ông Ngô Hùng Phương nói thì: “để tạo được niềm tin của công ty Nhật phải mất ít nhất một năm và doanh nghiệp cần đầu tư để có văn phòng tại Nhật”.

Ông Hironori Hashimoto, Tổng giám đốc Công ty phần mềm C.S Factory của Nhật (hiện có cơ sở gia công PM tại TP.HCM) cho rằng, các công ty Nhật rất coi trọng việc lựa chọn đối tác để đảm bảo hợp tác lâu dài. Thời gian đầu, họ chỉ thăm hỏi, tìm hiểu, về suy nghĩ rồi mới quyết định. Tuy nhiên, theo ông Hironori Hashimoto, nhiều doanh nghiệp không hiểu văn hóa Nhật, khi gặp lần đầu thường hỏi có mang việc đến Việt Nam hay không. “Như vậy là không hiểu văn hóa của chúng tôi”, giám đốc C.S Factory nói.

Chưa có lời giải cho vấn đề nhân lực

Nói về triển vọng thâm nhập thị trường PM Nhật, ông Trương Gia Bình nhận định: gia công PM cho thị trường Nhật có duy trì được tốc độ tăng trưởng 50-60% trong những năm tới hay không phụ thuộc rất nhiều vào nhân lực.

Ông Bình cho biết, Vinasa sẽ sử dụng khoản tiền gần 1 triệu USD vốn viện trợ ODA của Đan Mạch để nghiên cứu về cách phát triển nguồn nhân lực CNTT. “Quan điểm của Vinasa là Việt Nam phải tạo ra hàng triệu kỹ sư CNTT các trình độ trong vòng 10-15 năm, cung cấp nhân lực cho thị trường toàn cầu. Các kỹ năng cần được chú trọng là ngoại ngữ, khả năng giao tiếp, sáng tạo và trình độ kỹ thuật”, ông Bình nói.

Về phía Bộ TT&TT, ông Nguyễn Trọng Đường, Phó vụ trưởng Vụ CNTT (Bộ TT&TT) cho hay, cơ quan này đang soạn thảo một số dự án hỗ trợ doanh nghiệp PM như dự án đào tạo chuẩn CMMI, dự án đào tạo nhân lực và dự án phát triển thương hiệu PM Việt Nam, đồng thời, đề xuất với Bộ Tài chính phân bổ ngân sách triển khai các dự án này vào năm 2009.

Thế nhưng, ngoài những dự án và kế hoạch trên của Vinasa và Bộ TT&TT, vấn đề nhân lực đến nay chưa thấy có dấu hiệu thay đổi đáng kể. Một số trường như Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học FPT đã bắt đầu đào tạo tiếng Nhật cho sinh viên CNTT nhưng số lượng còn ít, không theo kịp yêu cầu của thị trường.

theo Đỗ Duy - ICTNews


 
 

 
     
 
Văn hóa - Giáo dục khác:


"Tài nguyên của chúng ta là nguồn nhân lực"Kỳ III: Kết quả giáo dục nằm ở hiệu quả kinh tế...
Kỳ II: Mô hình ba cột trụ cho giáo dục phổ thôngCần đoạn tuyệt với chủ nghĩa hình thức trong giáo dục
GS Hoàng Tụy - Kỳ III: Bỏ thi THPT thì đổi mới tuyển sinh ĐH-CĐ như thế nào?GS Hoàng Tụy - Kỳ II: Thi tốt nghiệp THPT: Không cần thiết và nên bỏ!
  Xem tiếp    
 
Lịch khai giảng của hệ thống
 
Ngày
Giờ
T.Tâm
TP Hồ Chí Minh
Hà Nội
 
   
New ADSE - Nhấn vào để xem chi tiết
Mừng Sinh Nhật Lần Thứ 20 FPT-APTECH
Nhấn vào để xem chi tiết
Bảng Vàng Thành Tích Sinh Viên FPT APTECH - Nhấn vào để xem chi tiết
Cập nhật công nghệ miễn phí cho tất cả cựu sinh viên APTECH toàn quốc
Tiết Thực Vì Cộng Đồng
Hội Thảo CNTT
Những khoảnh khắc không phai của Thầy Trò FPT-APTECH Ngày 20-11