(Post 15/10/2008) Sẽ giảm bớt thủ tục hành
chính cho cơ sở xin phép làm đào tạo CNTT, ưu đãi vay vốn cho các cơ sở
đào tạo và cả người học CNTT...
Đó là một số cơ chế đặc thù mà Thứ trưởng Bộ TT&TT
Trần Đức Lai đã đưa ra để giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân lực CNTT trong
buổi trả lời trực tuyến ngày 26/9 với chủ đề “Phát triển nguồn nhân lực
Thông tin và Truyền thông".
Theo thống kê, trong 3 năm qua số lượng các cơ sở đào
tạo về CNTT tăng nhanh, từ 192 cơ sở đào tạo năm 2006 tăng lên 220 vào
năm 2007 và năm 2008 có 235 cơ sở đào tạo CNTT trên toàn quốc. Chỉ tiêu
tuyển sinh trên toàn quốc ngành CNTT tăng rất nhanh trong 3 năm qua. Tổng
chỉ tiêu tuyển sinh năm 2008 khoảng 50.000 tăng 125% so với năm 2007 (39.000)
và tăng 160% so với con số 30.000 của năm 2006.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trần Đức Lai, nguồn nhân lực
CNTT hiện nay đang thiếu cả về số lượng và chất lượng do chương trình,
giáo trình, trang thiết bị phòng thí nghiệm của các cơ sở đào tạo chưa
theo kịp sự thay đổi nhanh chóng của CNTT. Hiện nay mảng thiếu nhất là
nhân lực phục vụ công nghiệp phần mềm và công nghiệp nội dung số. Bên
cạnh đó hiện ở Việt Nam hầu như không có cơ sở đào tạo nào thực hiện đào
tạo chuyên gia quản lý về CNTT.
Thứ trưởng cho biết Bộ TT&TT đang cùng Bộ GD-ĐT soạn
thảo Kế hoạch tổng thể phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đến
năm 2015 và định hướng đến năm 2020, trong đó có đề ra các biện pháp quan
trọng để nâng cao chất lượng đào tạo CNTT. Cụ thể, đó là xây dựng chương
trình khung đào tạo CNTT, bảo đảm sự liên thông của các trình độ đào tạo,
tăng tỷ lệ thực hành ở các môn học CNTT, loại bỏ các chương trình lạc
hậu không đáp ứng yêu cầu, tiếp thu có chọn lọc và triển khai đào tạo
theo các chương trình đào tạo tiên tiến của thế giới về CNTT, chú trọng
nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên, giáo
viên CNTT.
Bộ TT&TT đang soạn thảo dự thảo Quyết định của Thủ
tướng Chính phủ về một số cơ chế đặc thù đối với việc thành lập và hoạt
động của các cơ sở GD-ĐT CNTT. Trong Dự thảo này, Bộ đề xuất mua bản quyền
các chương trình đào tạo CNTT tiên tiến trên thế giới để áp dụng tại Việt
Nam, tăng cường đào tạo giảng viên có trình độ quốc tế về CNTT...
Thứ trưởng Trần Đức Lai cũng cho biết Bộ đang nghiên
cứu xây dựng đề án thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực CNTT
Việt Nam. Mục tiêu của quỹ này là hỗ trợ tài chính cho học viên, doanh
nghiệp, các chương trình phát triển nhân lực CNTT và các dự án đầu tư
về đào tạo CNTT trên phạm vi toàn quốc. Trong thời gian tới, Bộ sẽ trình
Chính phủ về Đề án này, dự kiến nếu được thông qua, Quỹ sẽ đi vào hoạt
động từ sau năm 2010.
Bộ trưởng Lê Doãn Hợp trả lời về những định hướng đào
tạo nguồn nhân lực bậc cao cho ngành thông tin và truyền thông:
1. Tập trung triển
khai công tác đào tạo thầy giáo để đào tạo trò;
2. Triển khai
mô hình đào tạo theo phương thức: các cơ sở đào tạo tổ chức đào tạo trên
cơ sở tận dụng tối đa giáo viên giỏi, có kế hoạch mời các chuyên gia giỏi,
của các ngành, lĩnh vực cùng tham gia; đồng thời mời các chuyên gia quốc
tế vào giảng dạy.
3. Nên thành lập
Quỹ đào tạo bậc cao trên cơ sở đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức
trong và ngoài nước.
4. Báo cáo Chính
phủ cho phép thành lập Trường Đại học Thông tin và Truyền thông Quốc gia
để tổ chức đào tạo nguồn nhân lực ở bậc cao và chuyên ngành.
5. Tổ chức đào
tạo từ thực tiễn thông qua công tác luân chuyển cán bộ trong ngành, từ
trung ương đến địa phương.
6. Kêu gọi các
tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam cấp học bổng
đào tạo nguồn nhân lực bậc cao.
Đỗ Duy
(theo ICTnews) |