(Post 29/10/2008) Thứ trưởng Bộ TT&TT Trần
Đức Lai khẳng định, bên cạnh những giải pháp nhằm khắc phục những yếu
kém trong công tác đào tạo, bộ cũng sẽ chú trọng đến chính sách thu hút,
xây dựng quỹ hỗ trợ phát triển cũng như đào tạo nguồn nhân lực CNTT-TT
bậc cao…
Chính sách thu hút nguồn nhân lực CNTT
Luật Công nghệ thông tin năm 2006 và Quy hoạch phát triển
nguồn nhân lực công nghệ thông tin Việt Nam đến năm 2020 đã đưa ra một
số nội dung cơ bản sau liên quan đến chính sách ưu đãi đối với nguồn nhân
lực CNTT-TT. Cụ thể như sau:
- Người hoạt động chuyên trách về ứng dụng và phát triển công nghệ
thông tin trong các cơ quan nhà nước được hưởng chế độ ưu đãi về điều
kiện làm việc.
- Chính sách ưu đãi về thu nhập cho nhân lực CNTT-TT làm việc trong
các cơ quan nhà nước; ưu đãi đối với cán bộ chuyên trách về công nghệ
thông tin, giáo viên công nghệ thông tin tại các vùng khó khăn.
- Nhà nước có chính sách ưu đãi cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, người
Việt Nam định cư ở nước ngoài tuyển dụng lao động trong nước để phát
triển, sản xuất, gia công sản phẩm CNTT-TT.
- Xây dựng cơ chế thu hút và lưu giữ chuyên gia CNTT, điện tử, viễn
thông trình độ cao ở nước ngoài (bao gồm cả người Việt Nam ở nước
ngoài) vào làm việc tại Việt Nam hoặc làm việc vì sự phát triển của
công nghệ thông tin Việt Nam.
- Chính sách ưu đãi về thu nhập cho nhân lực công nghệ thông tin làm
việc trong các cơ quan nhà nước; ưu đãi đối với cán bộ chuyên trách
về công nghệ thông tin, giáo viên công nghệ thông tin tại các vùng
khó khăn.
Tuy nhiên với điều kiện KT-XH của Việt Nam hiện tại còn
nhiều khó khăn tình hình thực thi chưa được như Luật đã nêu, Chính phủ
cũng đang xem xét từng bước có các cơ chế, chính sách cụ thể để đáp ứng
yêu cầu này.
Bộ trưởng Bộ Thông
Tin & Truyền Thông Lê Doãn Hợp:
6 định hướng về đào tạo nguồn nhân lực CNTT-TT
1. Tập
trung triển khai công tác đào tạo thầy giáo để đào tạo trò
2. Triển
khai mô hình đào tạo theo phương thức: Các cơ sở đào tạo tổ chức
trên cơ sở tận dụng tối đa giáo viên giỏi, có kế hoạch mời các
chuyên gia giỏi của các ngành, lĩnh vực cùng tham gia; đồng thời
mời các chuyên gia quốc tế vào giảng dạy.
3. Nên
thành lập Quỹ đào tạo bậc cao trên cơ sở đóng góp của các doanh
nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước.
4. Báo
cáo Chính phủ cho phép thành lập trường đại học Thông tin và Truyền
thông Quốc gia để tổ chức đào tạo nguồn nhân lực ở bậc cao và
chuyên ngành.
5. Tổ
chức đào tạo từ thực tiễn thông qua công tác luân chuyển các bộ
trong ngành, từ trung ương đến địa phương.
6. Kêu
gọi các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt
Nam cấp học bổng đào tạo nguồn nhân lực bậc cao. |
Hỗ trợ tài chính cho sinh viên
Những khó khăn về tài chính của nhiều học sinh, sinh
viên đang là một trong những lý do cản trở đến tốc độ phát triển nguồn
nhân lực CNTT có chất lượng. Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ tín dụng
đối với học sinh, sinh viên và giao cho Ngân hàng chính sách xã hội thực
hiện cho vay. Chính sách này đã góp phần giải quyết một phần khó khăn
về tài chính cho học sinh, sinh viên nói chung và học sinh, sinh viên
ngành CNTT nói riêng.
Tuy nhiên, đối tượng được vay vốn theo chính sách này
mới chỉ giới hạn đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn chưa
có ưu tiên riêng cho lĩnh vực đào tạo ngành nghề CNTT. Vì vậy, trong thời
gian tới, Bộ TT&TT sẽ có nghiên cứu, kiến nghị với các Bộ, ngành liên
quan và Thủ tướng Chính phủ xem xét có chính sách hỗ trợ tín dụng đặc
thù đối với học sinh, sinh viên ngành CNTT.
Về phía Bộ, hiện chưa có nguồn quỹ nào hỗ trợ các địa
phương để cho học sinh, sinh viên ngành CNTT vay. Bộ đang nghiên cứu Đề
án thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực CNTT Việt Nam với mục
tiêu hỗ trợ tài chính cho học viên, doanh nghiệp, các chương trình phát
triển nhân lực CNTT và các dự án đầu tư về đào tạo CNTT trên phạm vi tòan
quốc. Trong thời gian tới, Bộ sẽ trình Chính phủ về Đề án này, dự kiến
nếu được thông qua, quỹ sẽ đi vào hoạt động từ sau năm 2010.
Ngoài ra, các địa phương có thể căn cứ các quy định hiện
hành của pháp luật, chủ động xây dựng chính sách và tạo lập, sử dụng có
hiệu quả các nguồn tài chính cho đào tạo nguồn nhân lực CNTT theo yêu
cầu phát triển của địa phương. Hiện nay đã có một số địa phương đã có
cơ chế chính sách và tạo được nguồn tài chính để hỗ trợ cho việc đào tạo
nguồn nhân lực CNTT. Ví dụ, UBND TP.HCM đã thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển
nguồn nhân lực CNTT thành phố và quỹ này đang có những đóng góp tương
đối hiệu quả đối với sự phát triển nhân lực CNTT TP.HCM.
Đào tạo nguồn nhân lực CNTT bậc cao
Việc xây dựng đội ngũ chuyên gia CNTT có chất lượng cao
là yêu cầu cấp thiết trong xu thế hội nhập quốc tế, khi các công ty đa
quốc gia ngày càng có mặt nhiều hơn tại Việt Nam, đóng vai trò lớn hơn
trong phát triển kinh tế trong nước, đồng thời Việt Nam có mong muốn xuất
khẩu nhân lực CNTT sang các nước khác.
Do vậy, Chính phủ, Bộ TT&TT đang có những nỗ lực
để nâng cao chất lượng đào tạo, hướng tới đạt tiêu chuẩn quốc tế. Bộ GD-ĐT
đang có đề án thử nghiệm cho phép một số trường ĐH trong nước liên kết
với các trường ĐH nước ngoài thực hiện đào tạo theo chương trình tiên
tiến trên thế giới. Bộ KH-CN có hợp tác với Nhật Bản trong việc đào tạo
và cấp chứng chỉ kỹ sư CNTT theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Nhiều cơ sở đào
tạo CNTT trong nước cũng có liên kết với các cơ sở đào tạo nước ngoài.
Hiện nay, Bộ TT&TT đang dự thảo Quyết định của Thủ
tướng Chính phủ về một số cơ chế đặc thù đối với việc thành lập và hoạt
động của các cơ sở GD-ĐT CNTT. Theo đó, đề xuất mua bản quyền các chương
trình đào tạo CNTT tiên tiến trên thế giới để áp dụng tại Việt Nam. Dự
thảo Quyết định của Thủ tướng CP phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển
nhân lực CNTT đến 2015 và định hướng đến 2020 do Bộ TT&TT xây dựng
nhằm tạo đột phá về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực CNTT. Đến 2015,
80% sinh viên CNTT đủ khả năng chuyên môn và ngoại ngữ tham gia thị trường
lao động quốc tế.
Để đạt được mục tiêu đó, dự thảo tập trung vào chiến
lược sau: Đào tạo giảng viên có trình độ quốc tế về CNTT và tiếng Anh;
Sử dụng tiếng Anh trong đào tạo CNTT; Thu hút các nhà đầu tư nước ngoài
phát triển nguồn nhân lực CNTT trong nước; Ưu tiên sử dụng ngân sách nhà
nước đầu tư cho đào tạo Tiến sỹ, Thạc sỹ về CNTT; Tiếp tục sử dụng ngân
sách Nhà nước (Đề án 322) để gửi cán bộ đi đào tạo bậc cao về CNTT ở nước
ngoài; Tập trung đào tạo, bồi dưỡng và bổ sung giảng viên công nghệ thông
tin có trình độ Thạc sỹ trở lên cho các trường đại học, cao đẳng; Xây
dựng và triển khai thực hiện dự án đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình
độ cho cán bộ nghiên cứu trong các cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ
thông tin; Xây dựng cơ chế thu hút và lưu giữ chuyên gia công nghệ thông
tin, điện tử, viễn thông trình độ cao ở nước ngoài (bao gồm cả người Việt
Nam ở nước ngoài) vào làm việc tại Việt Nam; Xây dựng và triển khai thực
hiện dự án phát hiện các tài năng trẻ, tổ chức bồi dưỡng và đào tạo các
tài năng nhằm phát triển đội ngũ chuyên gia giỏi về công nghệ thông tin
của đất nước.
Khuyến khích người khuyết tật tiếp cận CNTT
Đảng và Nhà nước đã có chủ chương, chính sách hỗ trợ,
giúp đỡ cho người khuyết tật. Riêng về lĩnh vực CNTT-TT, sự quan tâm hỗ
trợ cho người khuyết tật đã được thể hiện trong một số Điều của Luật CNTT
ban hành ngày 29/6/2006; trong các cam kết của Chính phủ Việt Nam với
các nước trong khu vực về việc thực hiện các mục tiêu của 7 lĩnh vực ưu
tiên thuộc Chương trình hành động thiên niên kỷ Biwaco - lĩnh vực ưu tiên
thứ sáu là: Tiếp cận CNTT-TT dành cho người khuyết tật.
Để thực hiện lĩnh vực ưu tiên số 6 của cam kết này, Bộ
trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 382/QĐ-BTTTT
ngày 8/11/2007 phê duyệt đề án Trợ giúp tiếp cận và sử dụng thông tin
– truyền thông giai đoạn 2006-2010 dành cho người khuyết tật. Những chủ
chương chính sách về CNTT-TT nói trên từng bước tạo cơ hội và động viên
người khuyết tật phấn đấu vươn lên, hội nhập cộng động.
Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về CNTT và truyền
thông, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục thực hiện vai trò quản
lý nhà nước của mình trong việc phát triển CNTT phục vụ cho người khuyết
tật Việt Nam một cách hiệu quả nhất nhằm giúp người khuyết tật Việt Nam
nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng và có cơ hội đóng góp một phần nhỏ
vào sự nghiệp phát triển đất nước.
Hoàng Dũng - (Tổng hợp)
(theo VnMedia) |