(Post 22/11/2008) Từ nhiều góc nhìn, đã có
nhiều bài viết đánh giá tình trạng giáo dục nước ta bên cạnh sự tự đánh
giá định kỳ của Bộ Giáo dục với tư cách là cơ quan chủ quản. Có người
dùng từ “thực trạng” với hàm ý những đánh giá chính thống là chưa đầy
đủ, chưa “thực”. Tôi xin góp một góc nhìn khác về tình trạng sa sút giáo
dục hiện nay thể hiện bằng mức độ phát triển của các mâu thuẫn vốn có.
Có thể, nó sẽ gợi ra những giải pháp nào đó.
Nữ sinh
trung học |
|
Ngành giáo dục nước nào cũng thường xuyên đối mặt với
những mâu thuẫn rất chung. Những nước có thành tích về giáo dục vẫn phải
giải quyết các mâu thuẫn này, để chúng không phát triển quá mức cho phép.
Đã hẳn, Việt Nam không phải ngoại lệ, nhưng các mâu thuẫn này đang gay
gắt tới mức đòi hỏi sự cải cách chứ không thể chỉ điều chỉnh hay cải tiến
như ở các nước khác mà được. Giả sử, nếu lần này cải cách giáo dục thành
công, thì sau đó chúng ta vẫn phải tiếp tục điều chỉnh, cải tiến do sự
đòi hỏi của một xã hội đang hoà nhập, với những thay đổi nhanh chóng theo
tốc độ phát triển của khoa học.
Những mâu thuẫn phổ biến trong giáo dục ở hầu
hết mọi nước:
- Nhiệm vụ ngày càng lớn nhưng đầu tư chưa theo kịp;
- Số lượng ngày càng tăng gây nguy cơ cao giảm chất lượng;
- Điều kiện dạy và học: thấp kém; trong khi nhiệm vụ cứ nặng lên.
Sự mất cân đối nặng nề giữa nguồn lực (ít ỏi) với nhiệm vụ (nặng nề)
khiến người ta không biết nên coi đâu là những điểm nút để tập trung
tháo gỡ. Ấn tượng chung là càng gỡ, càng rối.
- Dạy cụ thể có xu hướng tăng lên, khiến dễ lơ là dạy phương pháp.
Sự nhồi nhét khiến người học mất năng lực tự học, trở thành thụ động.
- Khoa học tiến nhanh nhưng năng lực thầy có hạn, không kịp cập nhật;
- Nội dung cần học: ngày càng nhiều, nhưng khoá học không thể kéo
dài;
- Chương trình muốn toàn diện, nhưng trò đã quá tải;
- Sức ỳ giáo dục lớn, trong khi xã hội cứ phát triển nhanh;
- Học ở trường thì “một đường”; nhưng thực tế khi ra trường lại...
“một nẻo”...
- Riêng với Việt Nam, liệu có nên kể thêm một mâu thuẫn: Nhiều thứ
buộc phải học nhưng không có ích khi ra đời, và càng vô dụng khi hoà
nhập?
Về ba mâu thuẫn đầu tiên
Nước ta rõ ràng cũng có 3 mâu thuẫn này, chỉ khác các
nước về mức độ.
Chưa có nước giàu nào tuyên bố đã thoả mãn ngân sách
cho giáo dục. Nếu các nước đã giàu, ngân sách giáo dục lại có tỷ lệ cao,
vậy mà giáo dục vẫn luôn luôn kêu thiếu tiền, thì với giáo dục Việt Nam,
dẫu nhà nước có gắng đầu tư bao nhiêu vẫn không thể đủ. Thêm nữa, với
tỷ lệ sinh đẻ như hiện nay thì áp lực dân số lên giáo dục chỉ có tăng
chứ không thể giảm. Số trẻ bước vào trường năm sau cứ tăng hơn năm trước,
kể cả trong thời chiến tranh. Điều kiện dạy và học cứ sa sút là điều đang
diễn ra nhãn tiền.
Tóm lại, những mâu thuẫn này ở nước ta là rất gay gắt,
nhưng bản thân ngành giáo dục không thể tự giải quyết. Đó là nhiệm vụ
của nhà nước và toàn xã hội. Giáo dục Phần Lan được cả thế giới khâm phục,
nhưng học tập thì không dễ, khi Việt Nam còn quá nghèo.
Trách nhiệm của ngành giáo dục trong việc giải quyết
3 mâu thuẫn trên là chi tiêu tiết kiệm nhất và hiệu quả nhất ngân khoản
khiêm tốn được cấp và số tiền đóng góp chắt chiu của xã hội. Dè sẻn và
minh bạch từng đồng bạc là quan trọng. Nó đòi hỏi đạo đức. Dù không tham
ô, nhưng lãng phí trong giáo dục cũng thuộc đạo đức. Đã có một bài viết
(đăng trên VietnamNet) phân tích sự lãng phí trong giáo dục là “vô bờ
bến” .Tuy nhiên, thay đổi mục tiêu, chương trình, cách dạy, cách học để
đạt hiệu quả mong muốn, với nguồn lực eo hẹp hiện có, mới là điều quan
trọng hơn. Nó đòi hỏi tài năng, bản lĩnh.
Các mâu thuẫn còn lại
Đó là những mâu thuẫn đặc thù của giáo dục, có ảnh hưởng
trực tiếp nhất tới chất lượng và hiệu quả giáo dục. Ngành giáo dục nước
ta bị chê bai nhiều trong thời gian vừa qua, chính là do không giải quyết
thoả đáng các mâu thuẫn này mà còn để chúng phát triển thành gay gắt hơn,
gây lo lắng và bức xúc chung. Do vậy, không ai khác mà chính là ngành
giáo dục phải tự giải quyết những mâu thuẫn của chính mình. Và hoàn toàn
có thể giải quyết, nếu thực hiện cải cách “toàn diện, triệt để”, và đồng
bộ, như đa số ý kiến đã đóng góp. Tuy nhiên, cái khó là chọn điểm đột
phá trong cải cách đồng bộ, đề ra những giải pháp chủ bài (trong cả mớ
giải pháp được đề xuất) và theo lộ trình cụ thể... thì các ý kiến trên
mặt báo chưa nhiều, hoặc còn phân tán.
Nhân đây, cũng xin nhắc lại một kinh nghiệm mà nhiều
nước đã rút ra, được tổ chức UNESCO nêu lên làm bài học chung: Nguyên
nhân hàng đầu khiến các cuộc cải cách giáo dục bị thất bại là do... thiếu
tiền. Thực ra, khi bước vào cuộc cải cách bao giờ người ta cũng dự trù
một ngân sách “tạm đủ” nằm trong tầm tay, nhưng rốt cuộc thì vẫn không
thành công, nếu ngại nói rằng thất bại, hoặc thất bại đau đớn. Và thiếu
tiền chủ yếu là do không biết “liệu cơm gắp mắm”, nghĩa là cứ đề ra những
mục tiêu quá cao, biến mục tiêu thành kỳ vọng, thậm chí không tưởng. Thế
thì bao nhiêu tiền cho vừa?
Do vậy, cải cách giáo dục ở nước ta, một trong những
việc đầu tiên phải làm là đề ra mục tiêu phù hợp: không những phù hợp
với nguồn lực hiện đang có, mà còn phù hợp với yêu cầu của xã hội. Nếu
xã hội Việt Nam chưa yêu cầu mọi học sinh phải thành nhà văn hay nhà toán
học thì hà cớ gì phải dạy Văn và Toán như hiện nay? Cách dạy hai môn này
hiện nay vừa làm lãng phí nguồn lực, công sức và thời gian học hành, lại
vừa không phù hợp với yêu cầu xã hội. Nhiều người đòi hỏi phải thay đổi
mục tiêu hai môn này; và càng nhiều người đề nghị thay đổi mục tiêu mọi
môn và mục tiêu chung. Trong khi đó, rất nhiều kỹ năng cần cho một công
dân tương lai thì lại không có trong mục tiêu.
Phải có mục tiêu (phù hợp) mới có thể có chương trình
phù hợp: cái gì cần học, học tới mức nào... Các bước đi tự nó phải như
vậy. Rất may, điều này đã được nhiều người nêu lên từ lâu.
Chủ bài giải quyết mâu thuẫn trong giáo dục
Không thể giải quyết riêng rẽ từng mâu thuẫn mà phải
tìm ra những giải pháp chủ bài nhằm giải quyết đồng thời nhiều mâu thuẫn.
Ba chủ bài hàng đầu, theo tôi, là:
1. Đề ra mục tiêu phù hợp với nguồn lực và với
đòi hỏi của xã hội.
Đây là giải pháp giải quyết các mâu thuẫn dạy và học
tràn lan những điều vô bổ, chỉ để nói suông hoặc để quên ráo sau kỳ thi,
chứ không phải để làm. Nó cũng thanh toán cách dạy nhồi nhét, gây quá
tải cho người học. Nó cũng dẹp đi những tiếng nói đòi kéo dài khoá học,
cắt xén nghỉ hè và giờ vui chơi. Đây là cách “cần gì học nấy” và (nếu
là cần) phải học cho tới kỳ làm được.
Nếu cuộc sống đòi hỏi học sinh học xong trung học phải
viết câu văn đúng chính tả, đúng ngữ pháp, diễn tả (bằng viết và nói)
được đầy đủ và chính xác mọi ý nghĩ, tình cảm của mình một cách gọn gàng,
trôi chảy... thì môn Văn ở bậc trung học phải dạy cho đến khi mọi học
sinh làm được như vậy. Nực cười là nhiều học sinh viết “bất thành cú”
mà vẫn phải bình luận văn học.
Nếu một kỹ thuật đòi hỏi người thực hành phải có một
nền tảng lý thuyết vững chắc thì phải dạy chu đáo về lý thuyết. Nếu cuộc
sống đòi hỏi một bác sĩ phải giải thích tốt, tư vấn tốt cho bệnh nhân,
phải tuyên truyền hướng dẫn mọi người giữ gìn sức khoẻ... thì mục tiêu
đào tạo của trường Y phải dạy cho mọi sinh viên làm được như vậy. Ở đây,
“nói” không còn là nói suông nữa, mà nói chính là làm. Cũng vậy, không
thiếu luật sư làm việc bằng nói. Có lẽ trường Luật phải đưa “nói” vào
mục tiêu.
Mục tiêu không phải do Trời ban xuống, hoặc do những
siêu nhân nào đó sáng tạo ra, mà do xã hội đòi hỏi ở giáo dục. Không sâu
sát, không điều tra tình hình xã hội, không thể có mục tiêu đáp ứng. Mục
tiêu phải đáp ứng những đòi hỏi của xã hội đối với người học, còn mức
độ đáp ứng đến đâu còn tuỳ nguồn lực của giáo dục, miễn là đảm bảo chi
dùng không lãng phí. Chỉ riêng sự lãng phí về số giờ dạy và học ngoại
ngữ, nếu tính ra trong vài năm vừa qua, có thể tương đương với vài chục
ngàn kiếp người. Trường hợp nguồn lực không dồi dào thì việc bồi dưỡng
khả năng tự học cho học sinh là cực kỳ cần thiết. Điều này trông cậy vào
việc cải cách phương pháp dạy. Người học chỉ tích cực học tập nếu ông
thầy sử dụng phương pháp đẩy họ vào hoàn cảnh phải tích cực. Không nên
tiếc tiền chi cho việc cải cách phương pháp dạy học.
2. Thay đổi cách giảng cho phù hợp với sự thực
hiện mục tiêu.
Đây là cách giải quyết những mâu thuẫn, như cứ triền
miên dùng cách dạy thụ động (thầy nói, trò ghi) nhưng lại đòi hỏi người
học ra đời phải năng động, sáng tạo (!).
Cách dạy mới, người học được tích cực hoá, được động
não, được tập vận dụng kiến thức, được học ứng xử và được thực hành. Ngày
nay, thầy không thể biết hết mọi điều để giải đáp mọi thắc mắc cho người
học, nhưng cách dạy mới sẽ giúp người học có năng lực tự học, tự tìm được
những gì mình còn thiếu, tự bổ khuyết để dần dần không còn phụ thuộc vào
thầy nữa. Đây cũng là cách dạy để có những con người độc lập suy nghĩ,
biết hợp tác, dám tranh luận và phản biện đồng thời dũng cảm phục thiện.
3- Công nghệ hoá quá trình dạy.
Đã có người mở đầu là nhà giáo dục Hồ Ngọc Đại mà công
lao chưa được đánh giá đầy đủ.
Vài điều nói thêm
1- Nhiều người lo lắng
khi bỏ kỳ thi tuyển sinh vào đại học. Thực ra, nếu áp dụng cách
dạy mới thì chỉ những người tự học tốt mới có thể trụ lại để học
tiếp ở bậc đại học. Nếu cách dạy mới được áp dụng sớm từ trung
học (thậm chí bắt đầu từng bước ở tiểu học), thì trong tương lai
chúng ta sẽ có những sinh viên lý tưởng. Họ cũng tạo một áp lực
tích cực để thầy phải phấn đấu cho “ra thầy”. Còn hiện nay, thi
đại học chủ yếu là tuyển những người có bộ nhớ tốt, giỏi thuộc
bài, giỏi làm các bài tập lắt léo... Với loại sinh viên này, thầy
chẳng cần cố gắng gì nhiều, lại còn nảy sinh chuyện “bắt bí” người
học.
2- Tôi thích thú tới mức
khâm phục giờ giảng về định luật vật chất dãn nở theo nhiệt độ
của một cô giáo trung học cơ sở. Đây là giảng mục tiêu kiến thức,
nhưng nhờ cách giảng mới nên học sinh được chuẩn bị rất tốt để
học thực hành. Họ cũng được củng cố kỹ năng ứng xử ngay trong
giờ học,
Nội dung định luật rất
dễ giảng, nhưng cô yêu cầu học sinh tự đọc trong sách. Xong, cô
chỉ định một học sinh phát biểu định luật; rồi học sinh thứ hai
bổ sung... Cho tới khi cô hỏi: Ai có thể phát biểu đầy đủ và gãy
gọn định luật... thì cả rừng cánh tay giơ lên. Đòi hỏi học sinh
tự đọc một phần bài trước khi đến lớp là cơ sở ban đầu của rèn
luyện khả năng tự học trong tương lai. Tiếp đó, cô yêu cầu học
sinh mô tả thí nghiệm chứng minh định luật (có sẵn trong sách,
chỉ việc tự đọc). Học sinh phải tả bằng lời văn của chính mình
(để chứng tỏ họ hiểu, mà không học vẹt).
Tiếp, cô đề nghị các em
tự nghĩ ra thí nghiệm để kiểm tra định luật và chia nhóm để bàn
thảo. Hoá ra rất nhiều sáng kiến, tranh nhau trình bày để các
nhóm bạn nhận xét, đánh giá (trau dồi khả năng phản biện). Tiếp
nữa, là cô nêu lên cả loạt hiện tượng quen thuộc mà học sinh vẫn
gặp, nhưng cô yêu cầu học sinh phải dùng định luật đã học để cắt
nghĩa “tại sao nó lại như vậy”. Đó chính là sự vận dụng lý thuyết
vào thực tế (kỹ năng tư duy mức 1). Bước vận dụng cao hơn là trả
lời các câu hỏi: Nếu gặp tình huống thế này thì chúng ta giải
quyết thế nào. Học sinh phải đưa ra các giải pháp thích hợp (kỹ
năng tư duy ở mức 2). Đây là cách dạy lấy học sinh làm trung tâm
(họ làm việc, động não, tranh luận, hợp tác...) rất khác với cách
truyền thống.
Trong cách dạy mới, kiến
thức phải học đủ, học hệ thống, nhưng không thừa, nhất là không
nhồi nhét. Dạy kiến thức không khó, dạy vận dụng kiến thức khó
hơn nhiều. Bậc phổ thông chính là bậc tiếp nhận những kiến thức
cơ bản, cần thiết, nhưng ai cũng thấy kiến thức đã học phải được
vận dụng thật tốt (như cách cô giáo này đã dạy). Do vậy, thầy,
cô không hề “nhàn hạ” chút nào khi dạy cách này, nhưng hiệu quả
mang lại thì rất bõ công. |
Nguyễn Ngọc Lanh
(theo VietNamNet) |