(Post 12/11/2008) Đến nay Bộ GD-ĐT chỉ “ôm”
nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thổi còi khi trường “lách luật”. Nhưng
thực tế các trường tự chủ đang lúng túng chưa biết mình phải làm gì và
căn cứ vào đâu để làm(!)- Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) Trần Thị
Hà.
Vụ trưởng
Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) Trần Thị Hà trong một buổi họp báo |
|
Với vai trò quản lý nhà nước, bà đánh giá khâu tự
chủ ở các trường ĐH đã đủ tin cậy để giao toàn quyền cho các trường quyết
định?
- Đánh giá chung thế sẽ không có nhận định chính xác.
Trước hết phải xác định trường được tự chủ cái gì, trách nhiệm đến đâu?
Từ năm học này, nếu các trường làm được 3 công khai về tài chính, chất
lượng và những năng lực đào tạo thì bắt đầu xã hội nhìn nhận và thương
hiệu cũng được khẳng định.
Lâu nay, những nơi chịu sự giám sát, quản lý quá chặt
cũng xuất phát ở chỗ chưa tin tưởng lẫn nhau. Nếu nói về tự chủ thì các
trường đã được tự xác định chỉ tiêu, chương trình đào tạo, đội ngũ… Bộ
chỉ thanh tra, giám sát và thổi còi.
Nhiều chuyên gia cho rằng, giao tự chủ là vấn đề
nhạy cảm nên không thể giao cho 1 ông hiệu trưởng mà hoạt động phải chịu
giám sát của tập thể là hội đồng trường (HĐT). Trong khi đó, số trường
đã có hội đồng trường chỉ đếm trên đầu ngón tay?
- Số trường đã thành lập HĐT trường chưa nhiều vì thực
ra hướng dẫn của mình không rõ ràng. Về vấn đề này, Bộ trưởng đã có yêu
cầu nghiên cứu lại chức năng, vai trò, vị trí của HĐT phải làm rõ. Trên
cơ sở đó mới hướng dẫn các trường thực hiện. Chứ hiện nay, trong điều
lệ trường ĐH mới có mấy điều chung chung rất khó triển khai.
Có nghĩa, việc thành lập HĐT sẽ làm ráo riết trong
thời gian tới?
- Bộ GD-ĐT cũng đang đề nghị có tiểu đề án nhỏ nghiên
cứu về HĐT, trong đó xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, xây dựng quy chế
hoạt động, quyền hạn của HĐT ở mức độ nào...
Vấn đề các trường kêu nhiều, không chỉ vướng trong
việc triển khai tự chủ tài chính, ngay cả vấn đề tự chủ về con người chưa
được giao một cách trọn vẹn?
- Bản thân tôi đã làm ở trường nên có sự so sánh, thời
điểm này các trường có quyền – đồng nghĩa với tự chủ mạnh nhất. Chỉ có
bổ nhiệm hiệu trưởng, hiệu phó thì Bộ GD-ĐT mới quyết định. Những vẫn
đề tuyển nhân viên, đội ngũ, số lượng bao nhiêu là trường quyết định hết.
Thực tế, việc thu hút giảng viên giỏi phải đi kèm
với chế độ đãi ngộ, nhưng nhà trường chưa được quyết định tự trả lương
cho những giáo viên giỏi nên xảy ra hiện tượng chảy máu chất xám?
- Trong cơ chế đổi mới tài chính cho giáo dục ĐH sẽ có
những quy định liên quan tới chế độ đãi ngộ. Thực tế, hiện nay những quyền
về nhân sự, học thuật và quyền nghiên cứu khoa học, quyền hợp tác quốc
tế ở các trường được tự chủ rất mạnh, nhưng vấn đề vướng là tài chính
về mức chi tiêu chưa được tự quyết.
Nếu là người quản lý trường sẽ thấy, bất kỳ những cái
cần chi tiêu cũng phải theo những văn bản đã thông báo. Còn với những
mức chi chưa có những văn bản quy định mức cụ thể thì không thể làm được.
“Theo Phó Thủ tướng,
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân: Phương thức phân bổ ngân
sách nhà nước tới đây sẽ đổi mới gắn liền với tính tự chủ, tự
chịu trách nhiệm về quản lý sử dụng tài chính của cơ sở GD ĐH.
Đảm bảo tính ổn định của ngân sách nhà nước cho GD ĐH thực hiện
giao trần ngân sách 3 năm, tạo điều kiện để các trường chủ động
nguồn lực đầu tư thực hiện nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu xã hội. Đồng
thời, phê duyệt phương án học phí của các chương trình đào tạo
chất lượng cao…” |
Một nội dung gây khó cho các trường trong tự chủ
tài chính là khi được Bộ GD-ĐT cho phép tuyển bổ sung chỉ tiêu ngoài ngân
sách với mức học phí cao hơn mức quy định (180.000 đồng/sinh viên) thì
bị kiểm toán nhà nước thổi còi. Bà nhìn nhận thế nào về mâu thuẫn này?
- Tới đây sẽ có những quy định tạo điều kiện để trường
thực hiện. Khi có quy định cho phép hiệu trưởng trả thù lao cho giảng
viên thì trách nhiệm của hiệu trưởng là phải đánh giá từng giảng viên.
Như vậy, giảng viên có uy tín hơn sẽ được trả thù lao cao hơn và hiệu
trưởng được quyết định. Khi kiểm toán nhà nước vào mà có văn bản quy định
thì kiểm toán phải theo. Hiện nay quy định chưa có nên rõ ràng các trường
thực hiện gặp vướng.
Trong cơ chế tài chính cho giáo dục đào tạo có quy định
cụ thể các mức chi - thu. Cụ thể quy định cái gì đưa vào mức, cái gì đưa
vào khung, cái gì cho phép các trường được quyết định… Bộ GD-ĐT chỉ còn
kiểm tra, giám sát và thổi còi. Thực tế, trong thực hiện tự chủ các trường
đang lúng túng ở chỗ chưa biết mình phải làm gì và căn cứ vào cái gì để
làm.
Trong khâu tuyển sinh cũng nhiều trường đề xuất,
Bộ GD-ĐT nên cho phép trường tuyển nhiều lần trong năm và nên để các trường
quyết định?
- Thực tế, nếu tính điều kiện các trường ĐH ở Việt Nam
thì chắc chưa có trường nào tuyển sinh đào tạo 2 lần trong năm. Trong
đào tạo cao học đã có đơn vị tuyển sinh 2 lần/ năm nhưng sau đó đều lùa
về một đợt đào tạo.
Còn những nội dung khác như: chương trình, giáo viên,
nghiên cứu khoa học… các trường tự quyết trên cơ sở những quy định chung.
Cụ thể, về chương trình, Bộ chỉ quy định chương trình khung. Tức quy định
kết cấu chương trình gồm bao nhiêu phần, cấu trúc của mỗi phần sẽ gồm
bao nhiêu %, một số môn nào là đăng ký bắt buộc – còn lại là các trường.
Có nghĩa chương trình của trường có tốt hay không là do trường quyết định,
không phải Bộ…
Còn mỗi cái liên quan đến thu - chi và định mức tài chính
tới đây sẽ điều có điều chỉnh. Trong quá trình thực hiện có một số trường
cứ nói Bộ quy định tạo “xin-cho”, nhưng tôi làm Vụ trưởng mấy năm chưa
được xin gì và cho gì. Nói điều đó để thấy rằng tiến trình đã phân cấp
rất mạnh (?).
- Cảm ơn bà!
Tùng Linh (thực hiện)
(theo VietNamNet) |