(Post 13/12/2008) 5 năm đến Việt Nam để làm
công tác quảng bá nền giáo dục Singapore, nên anh khá am hiểu về những
vấn đề nóng mà giáo dục Việt Nam đang đối mặt. Anh là Jin Chwen Ong, 31
tuổi, giám đốc khu vực trẻ nhất thuộc Tổng cục Du lịch Singapore.
Ông Jin
Chwen Ong, trưởng đại diện khu vực Đông Dương của Cơ quan Xúc
tiến Giáo dục Singapore - Ảnh: N.C.T |
|
Từ những kinh nghiệm hữu ích mà Singapore gặt hái được
trong chiến lược phát triển giáo dục, Jin Chwen Ong chia sẻ về những thách
thức của giáo dục Việt Nam và gợi mở một số định hướng phát triển.
Xã hội có cần, trường mới đào tạo
PV: Một số trường đại học ở Singapore đã được xếp
vào top 100 của thế giới, anh có thể chia sẻ những kinh nghiệm nào để
lọt vào bảng xếp hạng danh giá này?
Singapore có 2 trường đại học công lập lọt vào top 100
trường đại học tốt nhất trên thế giới là Trường đại học Quốc gia Singapore
xếp thứ 12 và Trường đại học Công nghệ Nanyang xếp thứ 61. Để vào được
bảng top này không phải chỉ một vài năm mà là nỗ lực của một quá trình
lâu dài. Phát triển giáo dục là một chiến lược mang tính dài hạn, mà để
đạt được chất lượng toàn cầu có khi mất cả trăm năm.
Một trường đại học được cả thế giới công nhận về “tính
chuẩn” rõ ràng phải hội đủ các yếu tố như chất lượng giáo viên, hệ thống
cơ sở vật chất, ngành học phù hợp nhu cầu xã hội, sinh viên tốt nghiệp
có khả năng làm việc tốt ở các công ty.
Ở mỗi giai đoạn, Singapore có một chiến lược phát triển
giáo dục nhất định, nhưng giai đoạn nào thì cũng bám lấy tiêu chí nhu
cầu của xã hội đối với đào tạo. Xã hội đang cần người làm công việc gì
thì trường học mới đào tạo ngành nghề đó. Đáp ứng đúng nhu cầu của thị
trường thì trường đó cũng sẽ tạo được thế mạnh cũng như thương hiệu cho
riêng mình. Không có chuyện đào tạo không gắn kết với xã hội, lại càng
không có chuyện sinh viên được đào tạo ra mà không biết mình sẽ làm nghề
gì, ở đâu.
PV: Theo như anh nói thì nhiều ngành ở Singapore
đang rất “hot” vì cơ hội tìm được việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp
rất cao. Vậy thì việc xin mở ngành hay thành lập một trường đại học ở
Singapore có dễ dàng không?
Các tiêu chí để mở ngành hay thành lập trường được Bộ
Giáo dục Sin quản lý chặt chẽ, thậm chí là khắt khe. Ví như muốn mở ngành
đào tạo bác sĩ, chắc chắn phải có đủ số lượng giáo sư giảng dạy trong
ngành y tế, có đủ cơ sở vật chất cho sinh viên nghiên cứu mới được mở.
Thế nhưng, tôi khá ngạc nhiên khi nhiều trường đại học
ở Việt Nam được thành lập rồi mới bắt đầu tuyển dụng giáo viên, xây dựng
cơ sở vật chất, thậm chí tổ chức tuyển sinh và đào tạo luôn khi năng lực
đào tạo chưa cho phép. Quy trình này là một quy trình ngược. Nó giống
như một công ty đăng ký thầu một dự án, xin được trúng thầu rồi mới tuyển
nhân viên, mới mua máy móc về làm trong khi lẽ ra anh phải có đủ nhân
viên, máy móc mới được phép đăng ký thầu dự án.
Tôi thấy Bộ Giáo dục - Đào tạo Việt Nam khá tham vọng
khi đề ra tiêu chí xây dựng 600 trường đại học, cao đẳng trong cả nước
đến năm 2020. Tính ra 1 tháng Việt Nam có thêm 1 trường đại học, cao đẳng
được thành lập. So sánh với Singapore, trong suốt 40 năm qua chúng tôi
chỉ mới có 3 trường đại học công lập. 40 năm trước chúng tôi chỉ có 2
trường đại học công lập, đến năm 2000 có thêm 1 trường nhưng để nó ra
đời có thời gian chuẩn bị hơn 30 năm. Năm 2008 có thêm 1 trường đại học
công lập là Trường nghệ thuật Singapore và cũng mất hơn 9 năm chuẩn bị.
Việc ra đời quá nhiều trường đại học nhưng lại chưa có
sự chuẩn bị tốt về các mặt, đặc biệt là nhu cầu xã hội chưa được tính
toán kỹ càng sẽ khiến mục tiêu đào tạo của giáo dục rất dễ bị chệch hướng.
Không làm nghề báo sao dạy được báo?
PV: Khó khăn lớn nhất trong việc mở ngành, thành
lập một trường đại học là có được một đội ngũ giáo viên chuẩn hóa. Ông
có thể chia sẻ kinh nghiệm xây dựng đội ngũ giáo viên ở Sin ?
Theo tôi biết thì những người trở thành giáo viên ở Singapore
phải là những người có nhiều kinh nghiệm nhất trong lĩnh vực đó, đặc biệt
phải có nhiều nghiệm sống, làm việc và học tập ở nước ngoài. Chúng tôi
luôn ưu tiên cho những người có kinh nghiệm sống, kinh nghiệm nghề nghiệp
để tuyển dụng chứ không phải ưu tiên sinh viên tốt nghiệp xuất sắc rồi
giữ lại trường như cách làm ở Việt Nam. Những sinh viên cho dù có bằng
ưu, nhưng sẽ không truyền thụ được kiến thức khi họ chưa kinh qua công
việc, chưa từng trải trong lĩnh vực mà họ giảng dạy.
Ví như muốn giảng dạy báo chí, rõ ràng giáo viên phải
đã hoặc đang công tác tại một tòa soạn báo chí, có kinh nghiệm nghề nghiệp
trong phỏng vấn, thu thập thông tin, viết bài. Làm sao giảng dạy về nghề
báo khi họ chưa bao giờ viết báo. Thế mà ở Việt Nam lại đang là chuyện
“bình thường”. Thử hỏi sinh viên học được gì ở giáo viên nếu như không
ngoài những kiến thức đã có sẵn trong sách vở, giáo trình ?
PV: Trở lại với vấn đề đào tạo gắn kết xã hội, trách
nhiệm của các trường đại học đối với việc tìm việc cho sinh viên mình
sau khi tốt nghiệp ?
Bản thân ngành học của trường khi mở là được xét trên
nhu cầu thực tế của xã hội, vì vậy sinh viên tốt nghiệp rất dễ dàng tìm
được việc làm. Mỗi trường đại học của Singapore, dù trường công hay trường
tư, luôn có một trung tâm tư vấn việc làm và giúp đỡ sinh viên thực tập
tại các công ty. Bản thân các trường đại học có sự gắn bó chặt chẽ với
các doanh nghiệp, công ty liên quan đến ngành nghề đào tạo. Bên cạnh đó
các trường thường xuyên có các hội thảo về việc làm để sinh viên tiếp
cận dễ dàng hơn.
Trong khi đó, một số trường đại học ở Việt Nam lại không
xem trách nhiệm tìm kiếm việc làm cho sinh viên như là một yêu cầu bắt
buộc trong sứ mạng đào tạo của mình. Rất ít trường có thống kê sinh viên
trường mình tỷ lệ tìm được việc làm bao nhiều phần trăm để có điều chỉnh
hợp lý trong mục tiêu đào tạo. Đào tạo là của trường, tìm kiếm việc làm
là của sinh viên, một khi hai khái niệm này còn được đặt riêng lẻ, rời
rạc thì trường đại học đó còn lâu mới có thể hội nhập, chứ chưa nói là
đủ điều kiện để xếp hạng khu vực.
Mong rằng các cơ quan chức năng sẽ có nhiều động thái
tích cực hơn trong chiến lược phát triển giáo dục của mình. Nếu có tinh
thần cầu thị, tôi nghĩ Việt Nam nền cần có nhiều chuyên gia hơn nữa đến
Singapore hoặc các nước có nền giáo dục phát triển để tham quan, học hỏi
kinh nghiệm thay vì cứ phải mày mò tìm lối ra như hiện nay.
Xin cảm ơn anh!
Sông Lam
(theo Dân Trí) |