(Post 20/12/2008) Công nghiệp phần mềm (CNpPM)
được Nhà Nước xác định là ngành công nghiệp mũi nhọn. Tuy nhiên, nhân
lực cho ngành này luôn bị coi là yếu và thiếu. TGVT đã có cuộc trao đổi
với ông Nguyễn Hoàng - cựu kiến trúc sư hệ thống (Systems Architect) của
tập đoàn Xerox - về đội ngũ kỹ sư kỹ nghệ PM – một vị trí còn thiếu trong
ngành CNp PM Việt Nam (VN).
Tại hội thảo APEC (trong khuôn khổ IT Week 2008,
Hà Nội, cuối tháng 11/2008), ông có đề cập đến việc VN còn thiếu kỹ sư
kỹ nghệ phần mềm. Ông có thể cho biết khái niệm kỹ nghệ PM và công việc
của kỹ sư kỹ nghệ PM ?
Nói nôm na, kỹ nghệ phần mềm (Software Engeneering –
SE) là hệ thống các tri thức, cung cách làm việc, tiêu chuẩn, quy trình
để những người làm PM có thể tuân thủ để tránh va vấp, thất bại. CNTT
là ngành phục vụ các ngành nghề khác. Vì vậy, SE có những quy luật riêng
mà những ngành kỹ thuật khác không có.
Để các giải pháp CNTT được ứng dụng hiệu quả, các ngành
nghề khác phải đưa ra được những yêu cầu chính xác. Tuy nhiên, điều này
thường không được đáp ứng đầy đủ. Trong quá trình sử dụng họ mới đưa thêm
các yêu cầu bổ sung. Vì vậy, kỹ sư SE không chỉ là lập trình viên mà còn
như một nhà ngoại giao, nhà thương thuyết, người biết lắng nghe, học hỏi.
Vậy kỹ sư SE tham gia công đoạn nào trong toàn bộ
quy trình sản xuất PM?
Kỹ sư SE tham gia hầu như toàn bộ các quy trình. Ở giai
đoạn này, kỹ sư SE phải làm việc với người đi nhận yêu cầu từ khách hàng.
Đến phần thử, kỹ sư SE phải làm việc với người kiểm thử để kiểm tra chất
lượng PM. Cũng vì thế, ý thức làm việc được với nhiều người và làm việc
nhóm một cách hiệu quả là phẩm chất của kỹ sư SE. Có thể, anh ta không
hiểu thấu đáo về ngành nghề đó nhưng anh ta phải có kỹ năng lắng nghe.
Chưa kể, trong các dự án nhỏ, kỹ sư SE phải đảm trách được một số công
việc khác nhau.
Vậy theo ông, việc đào tạo các kỹ sư SE nên thực
hiện ra sao?
Ở VN, những người có học hàm, học vị có lẽ không thiếu,
nhưng số người vừa đang hành nghề chuyên môn vừa hoạt động trong lĩnh
vực đào tạo rất hiếm. Những người có kinh nghiệm sẽ giúp đào tạo nhân
lực cho ngành công nghiệp PM tốt hơn. Và hiện các cơ sở đào tạo phi chính
quy đang phải đảm trách việc này. Nhưng nếu các sinh viên cứ đợi học hết
4 năm ở đại học rồi tiếp tục học tiếp để hành nghề ở các cơ sở phi chính
quy sẽ là một sự phí phạm. Hay không cần học đại học? Tất cả đều là giải
pháp cực đoan. Ở Mỹ, người ta phân chia ngành CNTT thành nhiều ngành nhỏ
trong đó có những ngành đào tạo nối ngành CNTT với những ngành khác. Sinh
viên do đó có nhiều chọn lựa để học. Đối với những sinh viên muốn học
để trở thành kỹ sư phần mềm, họ sẽ được học về SE.
Được biết, ông đã thôi việc ở Mỹ để tham gia thực
hiện một số kế hoạch tại VN?
Tôi về đây với mong muốn góp phần chuyển giao tri thức
nghề nghiệp cho các kỹ sư trẻ VN. Với kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài,
chúng tôi biết cái gì những người làm phần mềm trong nước nên làm, nên
quan tâm thêm..
Đào tạo một người để hành nghề cần có một người thợ đã
thạo nghề chỉ dạy. Mong sao các ĐH, CĐ cũng ý thức như vậy. Bên cạnh đào
tạo "academic" (hàn lâm), các trường ĐH cũng cần quan tâm đến
đào tạo những người thợ giỏi để hành nghề cho xã hội.
Vậy ông có kế hoạch đẩy mạnh việc đào tạo kỹ sư SE
ở VN?
Tôi đã tham gia giảng dạy một khóa đào tạo về quản lý
dự án phần mềm tại Hanoi CTT trong tháng 11 vừa qua. Khi tôi nhắc đến
SE, hầu như học viên không thấy mới lạ, nhưng để hiểu sâu sắc về nó thì
chưa. Vì vậy, tôi đang có một số dự định hợp tác với Hanoi CTT để đào
tạo SE. Tôi muốn các bạn trẻ hiểu rằng để trở thành một kỹ sư SE đàng
hoàng đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn nhiều so với làm một lập trình viên. Và
tôi về đây với mong muốn của một người thợ đi dạy một người thợ.
Trần Đức
(theo PC World VN) |