"Không chống được tham nhũng, đừng hy vọng giáo dục lớp trẻ"  
 

(Post 04/07/2009) "Tôi tán thành với anh Thiều ở chỗ, lớp trẻ rất quan tâm đến hình tượng, đến sự noi gương. Tôi đã phát biểu tại một hội nghị Trung ương rằng: Nếu người lớn, nếu Đảng viên bây giờ không gương mẫu thì đừng hi vọng giáo dục được lớp trẻ. Với lớp trẻ bây giờ không giáo dục bằng bài, mà phải giáo dục bằng những tấm gương" - Nhà báo Hữu Thọ.

Ảnh: Lê Anh Dũng

Các phần đã đăng:

"Chúng ta diễn thuyết hơi nhiều"

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Đúng là lòng yêu nước nằm trong mỗi con người. Nhưng đôi khi như một tiềm thức, tôi vẫn nghĩ rằng nó mang tính truyền thống rất mạnh mẽ.

Thế hệ trẻ bây giờ, không chỉ nhìn thế hệ của thời Lê Lợi, Quang Trung hay thế hệ thời Hồ Chí Minh, mà họ đang nhìn ngay những người đang ở trên họ, những người đang sống bên họ.

Rất nhiều câu hỏi độc giả gửi đến đề cập rằng: Lòng yêu nước rất khó khăn để phát triển, làm cho nhiều người trẻ khi mới bước vào cuộc đời thấy mơ hồ và hoảng loạn khi những người bậc cha, anh họ đang vì lợi ích cá nhân quá nhiều, không gương mẫu. Thực sự, thế hệ sau đang nhìn những tấm gương kề cận mình, đang hàng ngày làm việc, nói chuyện với họ, hàng ngày sống trong gia đình họ, hàng ngày đi qua phố… để noi theo.

Ví dụ: Tình trạng tham nhũng, cửa quyền, độc đoán, hưởng thụ của một số cá nhân… đang làm cho người trẻ nghĩ rằng với những người như vậy, trách nhiệm cao hơn họ có thể là tổ trưởng dân phố, có thể là trưởng thôn, có thể là Phó chủ tịch Huyện, hoặc Bí thư tỉnh ủy… đã không đặt lòng yêu nước thường trực. Do vậy, có người nghĩ lòng yêu nước của họ trở nên vô nghĩa và họ đã lãng quên. Đây là một hiện tượng có thật.

Thưa nhà báo Hữu Thọ, chúng ta lí giải điều này thế nào? Liệu đó có phải là nguy cơ không, hay chỉ là một sự sợ hãi quá mức?

Nhà báo Hữu Thọ: Tôi rất thấm thía 3 câu trong kho tàng ca dao tục ngữ của cha ông để lại đã thể hiện cái tình người của dân tộc Việt Nam là: “thương người như thể thương thân”, “người trong một nước phải thương nhau cùng” và “tình làng nghĩa xóm”. Ba câu tục ngữ đó tổng kết lòng nhân ái, lòng yêu nước, và cách sống bạn bè, tình láng giềng. Giờ không biết có còn nữa không. Tôi có cảm giác bị suy thoái. Đây là điều tôi lo.

Thanh niên đã có những hiểu biết không đầy đủ trong quá trình hội nhập. Một số bạn trẻ bây giờ, tôi không dám nói tất cả đã không tự giác rằng đó chính là lòng yêu nước. Tôi tán thành với anh Thiều ở chỗ, lớp trẻ rất quan tâm đến hình tượng, đến sự noi gương. Tôi đã phát biểu tại một hội nghị Trung ương rằng: Nếu người lớn, nếu Đảng viên bây giờ không gương mẫu thì đừng hi vọng giáo dục được lớp trẻ. Với lớp trẻ bây giờ không giáo dục bằng bài, mà phải giáo dục bằng những tấm gương.

Trước đây, anh Nguyễn Văn Trỗi, anh Lý Tự Trọng là những tấm gương. Và bây giờ cũng có rất nhiều tấm gương tốt. Tôi vừa đọc bài báo về anh Ngọc hiện nay là Phó Tổng giám đốc Ban quản lý nhà máy lọc dầu Dung Quất - dám từ bỏ lương bổng cao để nhận công việc khó khăn.

Rõ ràng, xã hội bên cạnh mặt tiêu cực, còn có nhiều mặt tích cực. Chính vì nhìn vào những mặt tích cực ấy những người già chúng tôi muốn sống thêm. Nếu chỉ nhìn vào mặt tiêu cực, đen tối thì mình sống thêm để làm gì. Nên thực chất, lòng tin không phải từ ước muốn, mà từ những cái cụ thể, từ những tấm gương.

Tôi nói lại, nếu không chỉnh đốn Đảng thật tốt, nếu không chống tham nhũng thành công thì đừng hi vọng giáo dục lớp trẻ. Tôi đã từng phát biểu ở diễn đàn Trung ương khi tôi còn đương chức như vậy đấy.

Bây giờ chúng ta đã diễn thuyết hơi nhiều. Khi gửi thư cho một đồng chí trong Quốc tế Cộng sản, Bác Hồ có một câu nổi tiếng là: "Một tấm gương tốt có lợi bằng một trăm bài diễn thuyết".

Lòng tin không đến từ ước muốn

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Vấn đề mà nhà báo Hữu Thọ đưa ra chính là câu hỏi đặt cho anh Võ Văn Thưởng, hay nói cách khác là đặt cho thanh niên Việt Nam.

Chúng ta không bao giờ có thể phủ nhận trong mỗi người thanh niên hiện nay đã có rất nhiều đóng góp, hiến dâng trong học hành, lao động, bảo vệ thiên nhiên, môi trường…

Hiện nay lớp trẻ đang kiếm tìm hình tượng, biểu tượng của mình. Trong thể thao có những fan của họ, trong văn học có bạn đọc riêng của họ. Mặc dù trong đời sống có rất nhiều người tốt nhưng tôi có theo dõi báo chí chúng ta vẫn chưa làm nổi trội lên, chúng ta chưa xây dựng được hình tượng.

Nhìn ra các nước, người Mỹ luôn có những hình tượng của họ và họ có cách để làm ra hình tượng, đó là những nhân vật để thanh niên nhìn vào đó mà noi theo. Có thể do Mỹ là một nước dân chủ, tự do, sống trong thời hậu hiện đại, chứ không phải như các nước phương Đông quen thói sùng bái.

Không phải do nước ta ít hình tượng, ít những tấm gương, phải chăng lỗi là do chúng ta đã không tìm thấy những tấm gương đó hay thuộc về những người làm công tác tuyên truyền.

Tôi còn nhớ trước kia những buổi sinh hoạt đoàn rất đặc biệt, rất xúc động, nhưng hình như bây giờ không còn nữa. Ở các công sở vẫn có các chi bộ Đoàn, ở các làng quê vẫn có các chi bộ Đoàn, nhưng dường như đó chỉ là công việc của những cán bộ lãnh đạo Đoàn, chứ không phải của chính đời sống thanh niên được hội tụ, được chia sẻ, lan toả, dâng hiến. Là người giữ trách nhiệm cao nhất trong tổ chức Đoàn thanh niên, anh lí giải điều này thế nào?

Màu áo xanh tình nguyện của thanh niên Việt Nam tràn đầy nhựa sống. Ảnh: baovietnam.vn

Anh Võ Văn Thưởng: Câu hỏi của nhà báo Nguyễn Quang Thiều liên quan đến rất nhiều vấn đề của tuổi trẻ như việc giáo dục hướng dẫn cho tuổi trẻ yêu nước như thế nào, tổ chức các phong trào bình chọn các gương mặt điển hình như thế nào để khích lệ tinh thần yêu nước trong giới trẻ.

Tôi trả lời thế này:

Nhất trí rằng, lòng yêu nước là một tình cảm tự nhiên của con người Việt Nam. Nhưng tôi bổ sung thêm rằng lý tưởng yêu nước đó chỉ vững bền sâu sắc thông qua thử thách, thực tiễn, thông qua những va chạm thực tế trong cuộc sống thì lòng yêu nước đó mới sâu sắc và vững bền.

Và để có tình cảm yêu nước vững bền trong giới trẻ cần phải có sự hướng dẫn, giáo dục của lớp người đi trước, của xã hội, của tổ chức đoàn thể, của ngành giáo dục đào tạo trên ba phương diện tôi cho là quan trọng.

Thứ nhất, lớp người đi trước phải nêu gương, truyền đạt kinh nghiệm sống, lao động học tập, nhưng đồng thời phải nêu gương sáng ngời để lớp trẻ noi theo. Ở thời đại bây giờ, tuổi trẻ ít hành động theo những điều mang tính chất giáo điều mà tuổi trẻ hành động theo những tấm gương, con người mà tuổi trẻ cảm phục và tin cậy.

Thứ hai, các cơ quan truyền thông của Đảng, Đoàn phải tham gia xây dựng bồi dưỡng tình cảm lòng yêu nước của tuổi trẻ Việt Nam bằng nhiều hình thức khác nhau.

Lấy ví dụ chỉ riêng trong vấn đề văn hóa được nhiều người quan tâm. Nhà báo Hữu Thọ cũng thể hiện sự quan tâm về sự phai nhạt bản sắc văn hóa Việt Nam trong giới trẻ, nhưng từ sự lo lắng đó nếu chúng ta kiểm tra lại những chương trình văn hóa văn nghệ trên truyền hình, trên mạng, báo trong thời gian vừa qua, chính những phương tiện này cũng góp phần làm phai nhạt đi bản sắc văn hóa Việt.

Thứ ba, trở lại với vấn đề sống và học tập theo những tấm gương mà họ cảm phục, việc nhân rộng điển hình của chúng ta trong thời gian gần đây, chúng ta làm chưa tốt bằng thời kì chúng ta đấu tranh đánh đuổi quân xâm lược thống nhất đất nước.

Trước đây hình ảnh anh Trỗi, chị Võ Thị Sáu, hình ảnh các anh hùng trong đấu tranh chống Mỹ, Pháp của chúng ta xây dựng trở thành niềm cảm hứng của cả một thế hệ. Còn trong giai đoạn hiện nay, lĩnh vực lao động sản xuất rộng lớn hơn, có thể sẽ rất khó đi tìm một nhân vật điển hình cho tất cả mọi đối tượng.

Từ chuyện này, Đoàn TNCS HCM chúng tôi ý thức được rằng một trong những biện pháp giáo dục, hướng dẫn thanh niên lòng yêu nước cách tốt nhất vẫn là đưa thanh niên vào các phong trào, các nội dung chương trình hoạt động cụ thể, gắn liền với lợi ích của người thanh niên, lợi ích tập thể, gắn liền với nhiệm vụ đơn vị mà cơ quan đó phải làm.

Tôi cũng suy nghĩ giản dị là khi làm một cái gì đó, người ta nhớ dai hơn là khi nghe một cái gì đó. Và nếu như thanh niên tham gia vào các hoạt động như vậy tôi tin rằng thanh niên sẽ nhớ, sẽ hiểu, có tình cảm, từ đó thôi thúc thanh niên có những hành động cụ thể để yêu tập thể, yêu quê hương, địa phương và tổ quốc của mình hơn.

Hiện nay rất khó xây dựng nhân vật điển hình cho tất cả mọi đối tượng thanh niên. Bởi nhiệm vụ của chúng ta hiện nay đa dạng, đời sống chúng ta hiện nay cũng có sự khác biệt nhất định trong mỗi thanh niên như nhu cầu hưởng thụ văn hóa, sự xuất thân của mỗi thanh niên khác nhau…

Vừa qua, chúng tôi đã xây dựng giải thưởng Lương Đình Của- tên một nhà nông học nổi tiếng ở Việt Nam để hàng năm xét trao tặng cho những người thanh niên nông thôn làm ăn giỏi. Trong công nhân tôn vinh những người ngày xưa không vào được đại học, đi làm công nhân trở thành bàn tay vàng được trọng dụng trong các cơ quan nhà máy xí nghiệp.

Chúng tôi cũng tuyên dương những người sinh viên nhà nghèo hiếu học, nghiên cứu khoa học. Tuyên dương những thanh niên khuyết tật vươn lên trong cuộc sống. Thậm chí, chúng ta còn tuyên dương những thanh niên một thời lỡ lầm, hoàn lương, vào tù ra tội sau đó họ ý thức được cuộc đời, vươn lên và chăm lo cho gia đình, trở thành người có ích trong xã hội.

Nhưng chúng tôi nhận thức được rằng đã làm những chương trình để những nhân vật này lan tỏa giá trị bản thân cho những người xung quanh dường như chưa tốt. Gần đây, chúng tôi có những chương trình Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam. Đưa những điển hình này đến nói chuyện với lớp học, chi đoàn, nhà máy xí nghiệp…để trao đổi được với nhau, để nhìn được vào nhau những kinh nghiệm sống.

Hiện nay chúng tôi gặp một cái khó. Trong điều kiện rất nhiều thông tin hiện nay, người ta có xu hướng tìm kiếm những thông tin theo nhu cầu. Những thông tin hoạt động đoàn ít được người ta biết đến. Chúng tôi ý thức được tư tưởng chung là như vậy, nhưng không tránh khỏi chỗ này chỗ khác, phụ thuộc vào nhận thức của những người cán bộ, khả năng của ông cán bộ đoàn, điều kiện tổ chức hoạt động Đoàn…không đồng bộ.

Chúng tôi coi những góp ý đó là chân thành, thực tế để suy nghĩ đổi mới nội dung hoạt động của mình để gần gũi, chia sẻ với thanh niên trong quá trình lập thân, lập nghiệp vươn lên thành người có ích cho xã hội.

Nhà báo Hữu Thọ: Nhân đây tôi xin kể một kỉ niệm sâu sắc. Năm 1999, lúc đó đồng chí Lê Khả Phiêu là Tổng bí thư, tôi là Trưởng ban Tư tưởng văn hóa TƯ theo đồng chí vào chống vụ lụt rất lớn ở Huế.

Đó cũng là lần đầu tiên tôi biết được màu áo xanh tình nguyện của thanh niên Việt Nam. Sự nhiệt tình, tận tụy của họ đối với người dân khiến chúng tôi rất xúc động. Nhìn họ, tôi và đồng chí Lê Khả Phiêu đã khóc. Khóc vì thấy thanh niên nhà mình tốt quá.

Kể lại câu chuyện này để thấy, tội của chúng ta là không đi sâu tìm hiểu và không nêu gương để lớp trẻ noi theo. Đó là tội của chúng ta, chứ không phải xã hội chỉ toàn những chuyện xấu. Nếu xã hội toàn những chuyện xấu thì làm sao đất nước được như hiện nay.

Hy sinh cái riêng vì cái chung

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Tôi muốn trở lại nhận thức và lý giải một cách bước đầu, khái quát, về một hiện thực, hiện trạng chúng ta nhận thấy, trong cuộc chiến tranh xưa kia, tất cả người Việt Nam được kêu gọi, được hiến dâng tất cả. Trong ngày Toàn quốc kháng chiến, sau đó nữa, người ta cũng có thể hiến dâng tài sản, cả máu cho dân tộc.

Trong một hội đàm quốc tế về chiến tranh, tại đó, tôi không nói về chiến tranh, chính nghĩa hay phi nghĩa, không nói về sự cao cả, không nói về hòa bình. Thay vào đó, tôi đã kể một câu chuyện về một bà mẹ VN, đã gửi đứa con ra mặt trận để chống lại ngoại xâm. Đứa con hi sinh, bà mẹ gửi tiếp đứa con thứ 2. Đứa thứ 2 hi sinh, bà tiếp tục gửi đứa con thứ 3. Đứa con thứ 3 hi sinh, bà tiếp tục gửi đứa con thứ 4. Những người có mặt ở đó đã khóc và nói rằng, xin ông đừng nói tiếp nữa.

Trong nhiều trường hợp, sự hiến dâng cho dân tộc có thể phải trả bằng máu, nhưng người ta sẽ sẵn sàng làm tất cả vì lòng tự trọng của dân tộc đó, để xác lập chủ quyền dân tộc. Đó là văn hóa, là yêu nước.

Nhưng đến bây giờ, một hiện thực mà chúng ta rất đau lòng. Bây giờ kêu gọi họ hãy hiến dâng thì khó quá. Một người sẵn sàng nằm chình ình giữa một ngôi nhà trên con đường, không chịu dọn đi. Một người không sẵn sàng nhường miếng đất để làm một công trình công cộng. Một người bảo đi công tác nơi này nơi nọ, thì tìm cách chạy vạy.

Đó là hiện thực, một hiện thực không nhỏ, không cá biệt, và có vẻ lan rộng. Mà tôi chắc chắn nhà báo Hữu Thọ, anh Nguyễn Việt Hà, và anh Võ Văn Thưởng đều phải thừa nhận.

Sự hiến dâng cho dân tộc có thể phải trả bằng máu. Ảnh: baoanhdatmui.vn

Vậy thì chuyện gì đang xảy ra với chúng ta? Tại sao giờ đây có những đắn đo, thậm chí chạy trốn như vậy. Điều gì đang xảy ra, thưa nhà báo Hữu Thọ?

Nhà báo Hữu Thọ: Trong mỗi giai đoạn cách mạng, con người có yêu cầu khác nhau. Đảng ta cũng tỏ rõ quan điểm như thế.

Năm 1999, khi đến bảo tàng Điện Biên, tôi hết sức xúc động về các hiện vật: Cái xe cút kít mà vành của nó là rõ ràng được làm từ một áng thờ tổ tiên. Nghĩa là có những người dám hy sinh cái thiêng liêng nhất của gia đình là bàn thờ, để làm vành xe. Tôi rất xúc động, và từng viết bài. Nhưng có khi chả ai đọc, chả ai thèm nghe. Nhưng thật đau đớn, năm 2008 khi tôi trở lại, Bảo tàng đã hoành tráng hơn nhiều. Nhưng cái xe cút kít không còn, họ cho là cũ kĩ, là vớ vẩn, họ đã vứt đi.

Ví dụ khác của người dân An Phú (Hải Dương) đi kiện đến nỗi bao vây cả xí nghiệp. Tôi có nói với lãnh đạo Đảng, nếu tôi là dân ở đó, tôi cũng đi kiện. Chuyện là anh vừa mua đất của người ta hơn 100 ngàn đồng/m2, anh làm đường sơ sài quy hoạch thế nào không biết, mà bán những 2 triệu đồng/m2, mà công khai trên báo là bán như thế.

Với chính sách kiểu này, nếu tôi là người dân đó, tôi cũng đi kiện, chứ không phải tôi là đảng viên, ủy viên trung ương mà tôi không đi kiện. Vì chính sách bất bình đẳng quá, dồn người nông dân thiệt thòi quá. Marx nói rồi: thoát li những lợi ích vật chất thì phi lí. Cho nên còn phần do chính sách của chúng ta. Chính sách không phù hợp.

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Thưa anh Võ Văn Thưởng, trước kia người dân Việt Nam đã dám hi sinh tài sản, của cải, máu thịt. Nhưng ngày nay, họ nói rằng nửa mét đất cũng không lùi, bởi vì theo lí giải của họ, trước kia họ hi sinh là cho lợi ích dân tộc, còn bây giờ việc đó chỉ lợi ích của một người, một nhóm người. Anh nhìn nhận vấn đề này thế nào, và lí giải với thanh niên thế nào khi họ đặt vấn đề đó?

Anh Võ Văn Thưởng: Biểu hiện của lòng yêu nước trong mỗi thời kì khác nhau. Mỗi giai đoạn xây dựng phát triển và bảo vệ đất nước đòi hỏi những biểu hiện lòng yêu nước khác nhau.

Khi hòa bình, xây dựng đất nước theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, điều đầu tiên là tôi nghĩ đến quyền và nghĩa vụ của một công dân. Nếu không hoàn thành tốt nghĩa vụ, thì nói yêu nước, chẳng qua là ngụy biện. Nếu pháp luật về quyền và nghĩa vụ, thì công dân phải thực hiện đầy đủ. Và pháp luật cũng phải đảm bảo quyền lợi của họ.

Những trường hợp như anh Thiều nói có thể có cả 2 nguyên nhân. Nguyên nhân là người đó không thực hiện đúng nghĩa vụ mà họ phải làm, nhưng cũng có nguyên nhân đôi khi người thực thi pháp luật cũng không vận dụng pháp luật đúng đắn để đảm bảo quyền mà công dân được hưởng theo luật. Vì thế xảy ra tồn tại như vừa nói.

Từ đó, xin trở lại vấn đề, đúng là thực tế có chỗ này nửa mét đất không chịu dời, chỗ khác chuyển vị trí công tác không chịu chuyển, có người dứt khoát không hi sinh đóng góp gì cho cộng đồng. Nhưng trong thực tế, cũng có thực tiễn sinh động.

Tôi có thời gian công tác ở quận, bên cạnh những người dứt khoát không nhường nửa mét đất, thì có những bà mẹ già hiến cả ngàn mét đất làm đường, có những ông già bà lão dành toàn bộ tiền hưu trí cho trung tâm nuôi dưỡng trẻ khó khăn.

Bên cạnh thanh niên không chịu rời thành phố, thì vẫn có những người sẵn sàng đi tình nguyện. Bên cạnh người sống ở HN, TP.HCM luôn than vãn về cuộc đời, vì sao lương bổng không đủ sống, thì ở Trường Sa, biên giới, mũi Cà Mau, vẫn có những bạn trẻ làm bạn với sóng nước, cây rừng, công việc rất đơn độc, nhưng khi nói về cuộc đời, trách nhiệm, tình yêu, thì vẫn dào dạt tình cảm, cảm xúc mãnh liệt.

Tôi cho rằng, bên cạnh những điều chưa tốt vẫn có những điều sáng mãnh liệt. Mà cái chúng ta làm chưa tốt hiện nay là bằng cách nào đó, cuối cùng thành những người không chịu di dời, điểm xấu trở thành phổ biến, thì tôi cho rằng chưa có đủ số liệu đánh giá đầy đủ, nhưng hình như trong tuyên truyền của chúng ta có vấn đề gì chăng.

Tuần Việt Nam (còn nữa)


 
 

 
     
 
Văn hóa - Giáo dục khác:


Trực tuyến: "Lòng yêu nước: Đối thoại giữa các thế hệ"Dạy sai có thể khiến cả một dân tộc sai lầm
Cải cách giáo dục bắt đầu từ dạy làm ngườiTổng giám đốc Google - Giỏi hay ăn may?
Những nhân vật trẻ tuổi ảnh hưởng tới truyền thông 2009Nghề kỹ thuật ở Mỹ đang ‘teo’ dần?
  Xem tiếp    
 
Lịch khai giảng của hệ thống
 
Ngày
Giờ
T.Tâm
TP Hồ Chí Minh
Hà Nội
 
   
New ADSE - Nhấn vào để xem chi tiết
Mừng Sinh Nhật Lần Thứ 20 FPT-APTECH
Nhấn vào để xem chi tiết
Bảng Vàng Thành Tích Sinh Viên FPT APTECH - Nhấn vào để xem chi tiết
Cập nhật công nghệ miễn phí cho tất cả cựu sinh viên APTECH toàn quốc
Tiết Thực Vì Cộng Đồng
Hội Thảo CNTT
Những khoảnh khắc không phai của Thầy Trò FPT-APTECH Ngày 20-11