Thân Trọng Phúc - Nguyên TGĐ Intel Việt Nam: Vẫn nhìn về phía trước  
 

(Post 01/03/2010) Gắn bó lâu năm với môi trường kinh doanh công nghệ cao ở Mỹ, việc anh trở về và thiết kế hậu trường để Intel đầu tư nhà máy ở Việt Nam là một đóng góp đáng kể làm thay đổi cục diện ngành công nghệ thông tin. Bởi thế, tin anh rời Intel khiến nhiều người ngỡ ngàng. Câu chuyện dưới đây hé mở phần nào những giá trị sống mà anh theo đuổi, và coi đó như một lựa chọn sống còn.

Ông Thân Trọng Phúc (bên phải) và lãnh đạo tập đoàn Intel trong ngày công bố dự án xây dựng nhà máy Intel 1 tỷ USD tại Việt Nam. (Ảnh: Đặng Vỹ)

PV: Nhắc đến Intel là người ta nhắc đến cái tên Thân Trọng Phúc. Những nỗ lực của riêng anh để kéo tập đoàn Intel vào Việt Nam?

Thân Trọng Phúc: Một mình tôi không thể làm được, mà có sự đóng góp của nhiều người, đặc biệt là ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM và UBND TP.HCM, bộ Thông tin và truyền thông, bộ Khoa học và công nghệ, chủ tịch HĐQT công ty FPT… Về phía Intel có sự hỗ trợ nhiệt tình của một số lãnh đạo cấp cao, trong đó có bà Charlene Barshefsky, thành viên HĐQT Intel. Bà chính là người đại diện Chính phủ Mỹ ký hợp đồng BTA với Việt Nam nên rất nhiệt tình ủng hộ Việt Nam trong dự án này. Vai trò của tôi chỉ là kết nối sự hỗ trợ của nhiều người, tạo thành tiếng nói có trọng lượng để thuyết phục lãnh đạo Intel đầu tư vào Việt Nam.

PV: Những kiến nghị của riêng anh cho điều hành vĩ mô, để có thể tạo nên một cuộc cách mạng trong ngành công nghệ thông tin của đất nước?

Thân Trọng Phúc: Biến Việt Nam thành một quốc gia về công nghệ thông tin là nguyện vọng của Chính phủ. Tâm huyết thì có rồi, cái cần là Chính phủ phải thể hiện quyết tâm đó bằng việc coi phát triển công nghệ thông tin là mũi nhọn hàng đầu của nền kinh tế, với những chính sách vững chắc, cụ thể. Theo quan điểm của riêng tôi, có ba điểm quan trọng nhất để công nghệ thông tin phát triển: thứ nhất là kiến thức, sự hiểu biết của giới lãnh đạo về môi trường kinh doanh trong và ngoài nước, để từ đó đưa ra những chính sách hữu hiệu, tạo cơ hội mở rộng thị trường. Trong nhiều quốc gia, khi những ngành chủ chốt phát triển sẽ kéo theo nhiều ngành khác. Thứ hai là Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực truyền thông và tài chính phát triển. Ngành viễn thông của ta hiện vẫn là của Nhà nước, tư nhân hầu như chưa được tham gia vào cuộc chơi, hoặc tham gia nhưng với quy mô còn quá nhỏ. Phải có cơ chế để tư nhân có thể tham gia như mở rộng hơn về đầu tư tài chính để các quỹ có thể nhảy vào. Hiện các công ty kinh doanh trên mô hình internet còn gặp nhiều khó khăn do việc thanh toán, quảng cáo trên internet chưa phát triển. Khi thị trường phát triển, tiền sẽ được bỏ vào nhiều hơn, tạo được nguồn vốn lưu động lớn, có lợi cho tất cả mọi người… Thứ ba là Nhà nước cần có những chính sách giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ lớn lên. Trong thời gian qua, doanh nghiệp vừa và nhỏ rất vất vả trong cuộc cạnh tranh bất bình đẳng với các doanh nghiệp quốc doanh, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Với trọng trách mới tại VinaCapital, anh có nghĩ là sức sáng tạo của mình vẫn tiếp tục được phát huy, như anh đã làm được tại Intel?

Thân Trọng Phúc: Môi trường quỹ đầu tư, nhất là lĩnh vực công nghệ cao cho phép tầm nhìn của một doanh nhân làm trong một lĩnh vực lâu năm như tôi được mở rộng hơn, tiếp xúc với nhiều lĩnh vực mới mẻ hơn như truyền thông, viễn thông, năng lượng sạch, công nghệ xử lý môi trường, công nghệ phát triển sinh vật, phần mềm… Điều đó giúp cho sự sáng tạo linh hoạt hơn, để đem lại lợi nhuận cho nhà đầu tư. Trong giai đoạn khó khăn này, quỹ đầu tư rất cần người có kinh nghiệm điều hành công ty để giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa cấu trúc lại, nên làm gì và phát triển mảng nào. Lẽ dĩ nhiên thử thách cũng nhiều hơn, tôi sẽ phải học hỏi thêm về tài chính, luật pháp… Đó cũng là lý do vì sao tôi rời Intel.

Nhìn về giới trẻ, anh có đặt nhiều niềm tin vào họ? Liệu Việt Nam có thể tạo được những kỳ tích như Ấn Độ và Trung Quốc từng đạt trong ngành công nghệ thông tin?

Thân Trọng Phúc: Việt Nam hầu như có tất cả những yếu tố nội lực giống Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng để làm được như họ cần hai yếu tố cơ bản: thứ nhất là sự hiện diện của các đại học có tầm cỡ quốc tế. Sáng tạo công nghệ sẽ ra đời từ đó. Để nhà máy có thể hoạt động sớm, Intel cũng phải gửi sinh viên đi nước ngoài để đào tạo lại, chi phí rất cao. Trong tương lai không thể tiếp tục như thế. Thứ hai là các ngành công nghiệp hỗ trợ phải cùng phát triển, để chúng ta thoát khỏi tình trạng nhập siêu nguyên vật liệu. Với nhà máy của Intel, dù đã có chính sách hỗ trợ mua sản phẩm vật liệu trong nước nhưng vẫn phải nhập thiết bị nguyên liệu hơn 1 tỉ USD. Sự phát triển công nghiệp nội địa là rất cần thiết.

Tôi đã học được từ sáng lập viên của Intel, cha đẻ phát minh ra bán dẫn Robert Noyce một điều quý giá: “Đừng bao giờ vương vấn bởi lịch sử, hãy bước ra và làm một cái gì đó tuyệt vời hơn”

Cuộc đời anh là một sự học hỏi, tìm kiếm không ngừng. Để làm giàu có hơn những giá trị sống, giá trị nào anh cho là quan trọng nhất?

Thân Trọng Phúc: Là người may mắn được trời phú cho một tư duy luôn nhìn về phía trước, không quá quyến luyến quá khứ, chính điều đó đã giúp tôi suy nghĩ, định hướng về tương lai rất rõ ràng, và không ngại thay đổi. Xa gia đình từ năm 14 tuổi, sang Mỹ một mình, tự học, tự làm, tôi biết sống tự lập từ rất sớm. Trước khi về làm ở Intel của Mỹ, tôi đã thay đổi công việc năm, sáu lần. Quyết định về Việt Nam, khởi động chuyện làm việc với Chính phủ để đưa Intel vào đầu tư tại Việt Nam cũng là một bước mạo hiểm, bởi tôi phải lấy tên tuổi của mình để chịu trách nhiệm với cả hai phía. Bây giờ, khi đa số các quỹ đang tan rã, đứng trước quyết định sống còn, mình lại lao vào chống chọi. Tôi đã học được từ sáng lập viên của Intel, cha đẻ phát minh ra bán dẫn Robert Noyce một điều quý giá: “Đừng bao giờ vương vấn bởi lịch sử, hãy bước ra và làm một cái gì đó tuyệt vời hơn”. Intel không còn gì mới với tôi nữa, không lẽ cứ ngồi đây suốt đời sao? Như thế cũng không công bằng với những người trẻ muốn có cơ hội vươn lên. Tôi nghĩ rất nhiều người ở cương vị như tôi, khi mọi cái đang rất ổn, rất tốt, họ cảm thấy rất chán, nhưng không biết thoát ra như thế nào. Tôi muốn đi ra làm một cái gì đó mới. Nói thì dễ, nhưng làm được thì khó, nhất là với một doanh nghiệp. Alan Kay, người nghĩ ra ý tưởng dùng con chuột điều khiển máy tính từng nói: “Cách tiên đoán tương lai tốt nhất là tự tạo ra tương lai”. Tư duy luôn hướng về phía trước và tự lèo lái hướng đi của mình đã giúp tôi có được những quyết định mạo hiểm để vượt qua một đoạn đường dài, và tôi nghĩ những người trẻ tuổi rất cần suy nghĩ như thế.

Ông Thân Trọng Phúc (giữa) trong buổi ra mắt Quỹ Đầu tư công nghệ DFJV thuộc Tập đoàn VinaCapital tại TP.HCM.

Nhưng với những người trong gia đình, anh có gặp trở ngại không để thuyết phục vợ con cùng… mạo hiểm với mình?

Thân Trọng Phúc: Gia đình luôn hỗ trợ tôi trong mọi quyết định. Ý định rời bỏ Intel, nơi đã gắn bó 23 năm qua, tôi đã nói với vợ từ ba năm trước. Quỹ đầu tư sẽ là chặng cuối của tôi, cũng là công việc mạo hiểm nhất trong những mạo hiểm, khi kinh doanh tiền của người khác. Suy nghĩ của tôi là luôn làm những gì trái ngược với người khác. Khi thị trường chạm đáy chính là thời cơ đầu tư tốt nhất.

Anh có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình về sự học, phương pháp tư duy, cách quản trị?

Thân Trọng Phúc: Tôi là người không thích bị ép vào khuôn khổ, sống có lý tưởng, và có năng khiếu làm chính trị gia, nhưng lại dễ xúc cảm khi chạm đến những chuyện liên quan đến tình người, tình dân tộc, hay những mục đích cao cả. Phương châm của tôi là tôn trọng mọi người, luôn đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu họ muốn gì, nghĩ tốt trước khi nghĩ xấu. Người ta thường ví von một cách hình ảnh về ba phương pháp quản lý tiêu biểu: cầm roi đánh, vừa đánh vừa xoa, xoa trước đánh sau. Bản chất của tôi là hảo ngọt, thích cho kẹo, nhưng tôi biết muốn lãnh đạo phải biết vừa đánh vừa xoa, đánh khi cần thiết, cách thể hiện thì mềm mại, nhưng bên trong phải cứng rắn. (Đấy là áp dụng ở công ty thôi, chứ về nhà thì tôi phải… đầu hàng cô con gái hai tuổi. Khi con nhìn ba như vị cứu tinh và muốn đòi gì thì ba không thể từ chối được).

Tôi được biết hơn 40% CEO của Mỹ xuất thân từ kỹ sư, trong ngành công nghệ cao tỷ lệ này chiếm đến 70 – 80%. Học về điện toán điện tử, giỏi toán giống như nhiều người Việt Nam khác, tôi không muốn trở thành một chuyên gia mà đi sâu vào quản lý. Chính tư duy logic của người kỹ sư đã tạo thói quen trong suy nghĩ, giúp tôi rất nhiều trong điều hành công ty. Sự tự học, tự tìm hiểu nhiều lĩnh vực khác, quan sát chuyển động của kinh tế vĩ mô trong sự liên quan với kinh tế thế giới cũng rất cần thiết với một doanh nhân.

Trong một xã hội đang phát triển như Việt Nam, chuyện chạy theo đồng tiền bằng mọi giá đang trở thành một cuộc đua cuốn rất nhiều người vào đó đến mức đánh mất cả cơ hội sống của chính mình. Để có thể chủ động trước đồng tiền, mỗi người nên tự đặt ra cái gì với mình là quan trọng nhất

Anh đã từng thất bại trong làm ăn lần nào chưa? Anh đã vượt qua nó như thế nào?

Thân Trọng Phúc: Trong cuộc đời ai chẳng có thất bại. Kỷ niệm đáng nhớ nhất với tôi liên quan đến đầu tư cá nhân. Khi internet đang ở thời kỳ hoàng kim, giá cổ phiếu của Intel ở Mỹ rất cao, một số người khuyên tôi nên bán để đầu tư vào lĩnh vực khác, nhưng tôi vẫn giữ, để rồi mất một khoản tiền khá lớn vì giá cổ phiếu tụt xuống. Đó là bài học thứ nhất với người chơi cổ phiếu, là phải biết dừng lại đến một mức nào đó mà mình kỳ vọng, thanh toán và đi tiếp. Là con người, luôn phải đối diện với chuyện mất còn trong cuộc sống, mất tiền là cái mất nhẹ nhất. Mất tình mới đau đớn nhất. Nhưng hãy tin rằng thời gian sẽ giúp mình hàn gắn mọi vết thương thể xác và tâm hồn. Mình vẫn phải sống chứ có ai chết đâu.

Là người rất mê âm nhạc, điều đó có giúp anh làm mới mình?

Thân Trọng Phúc: Tuổi thơ của tôi là ở Đà Nẵng, một thành phố biển. Cả nhà tôi đều rất thích biển, và đi nghỉ ngoài biển bất cứ lúc nào có thể. Nghe nhạc nhẹ ngoài bờ biển giúp tôi thư giãn nhiều, thấy lạc quan hơn về cuộc sống. Tôi cũng rất mê vẽ, và hay mơ mộng, có lẽ nhờ thế mà luôn thấy mình mới mẻ.

Anh suy nghĩ thế nào về đồng tiền? Nhìn rộng ra xung quanh, anh có thấy con người hiện đang quá lệ thuộc vào đồng tiền?

Thân Trọng Phúc: Đồng tiền chỉ mang lại sự an toàn, để mình khỏi phải lo lắng, nhưng không nên lệ thuộc vào nó. Tôi thuộc týp người tiêu tiền chứ không phải loại người thích để dành, nhưng tiêu cho người khác nhiều khi hạnh phúc hơn là tiêu cho mình. Trong một xã hội đang phát triển như Việt Nam, chuyện chạy theo đồng tiền bằng mọi giá đang trở thành một cuộc đua cuốn rất nhiều người vào đó đến mức đánh mất cả cơ hội sống của chính mình. Để có thể chủ động trước đồng tiền, mỗi người nên tự đặt ra cái gì với mình là quan trọng nhất.

Sống ở Mỹ suốt thời tuổi trẻ, những khác biệt giữa các nền văn hoá dường như giúp anh có được những hiểu biết tinh tế hơn về chính mình, và về người khác?

Thân Trọng Phúc: Từ nhỏ tôi đã suy nghĩ luôn phải tìm cái gì hay để học và giữ lại những gì hay mình sẵn có, loại trừ những thói quen xấu. Tôi học được ở người phương Tây cách nhìn con người bình đẳng hơn, không phân biệt giai cấp, không phân biệt nam nữ. Phụ nữ Á Đông quá bị thiệt thòi. Trong tình yêu tôi là người tình cảm nhiều hơn lý trí, nên trong mình cũng có những xung đột khi bước vào môi trường kinh doanh, phải cố gắng dung hoà thôi. Tôi làm việc không phải vì tiền, mà vì đam mê làm cái gì đó thật sự khác biệt, để đem lại sự thay đổi tốt đẹp hơn cho những người xung quanh mình. Hạnh phúc nhất của tôi là thấy được sự thay đổi đó, như việc hình thành nhà máy Intel, thấy được nụ cười của một em bé khi nhận được chiếc máy tính…

Có bao giờ anh cảm thấy cô đơn, trống trải, yếu đuối trước con đường mình đã chọn? Anh đã vượt qua nó như thế nào?

Thân Trọng Phúc: Cô đơn thì không, nhưng yếu đuối thì luôn luôn có. Để có thể vững vàng trong cuộc sống, trong mối quan hệ con người, phải trải qua nhiều mất mát lắm. Nỗi mất lớn nhất với tôi là mất cha. Tôi đã học được rất nhiều từ ông nghị lực sống mãnh liệt, để có thể vượt qua bao thăng trầm của thời cuộc.

Phạm Thanh Nga, phó giám đốc công ty truyền thông Galaxy:

“Là đối tác nhiều năm với Intel, tôi hiểu anh đã phải nỗ lực như thế nào để có được những thông tin mật từ Intel bên Mỹ, tư vấn cho Chính phủ trong những quyết sách, và marketing một cách bài bản về hình ảnh Việt Nam với Intel, qua mặt được hai đối thủ cạnh tranh nặng ký là Trung Quốc và Ấn Độ, để kéo Intel đầu tư nhà máy tại Việt Nam. Hiền hậu, chân thành, tôn trọng và luôn tạo điều kiện cho cấp dưới vươn lên, anh là người sống có tâm với bạn bè và với đất nước”.

thực hiện: Kim Yến
(theo Sài Gòn Tiếp Thị)


 
 

 
     
 
Văn hóa - Giáo dục khác:


Nghề IT: Lĩnh vực nào hot? Lĩnh vực nào không?Nhân lực CNTT: Khó đạt chất lượng cao bằng chi phí thấp
Đào tạo nhân lực Thương Mại Điện Tử: Gỡ khó cách nào?Gia công phần mềm tăng trở lại
"Sẽ thu hút Việt kiều phát triển CNTT trong nước"Gia công IT Trung Quốc chệch hướng
  Xem tiếp    
 
Lịch khai giảng của hệ thống
 
Ngày
Giờ
T.Tâm
TP Hồ Chí Minh
Hà Nội
 
   
New ADSE - Nhấn vào để xem chi tiết
Mừng Sinh Nhật Lần Thứ 20 FPT-APTECH
Nhấn vào để xem chi tiết
Bảng Vàng Thành Tích Sinh Viên FPT APTECH - Nhấn vào để xem chi tiết
Cập nhật công nghệ miễn phí cho tất cả cựu sinh viên APTECH toàn quốc
Tiết Thực Vì Cộng Đồng
Hội Thảo CNTT
Những khoảnh khắc không phai của Thầy Trò FPT-APTECH Ngày 20-11