(Post 26/12/2005) Lặng người
trong niềm tự hào, tôi nhận ra rằng thầy chính là người đầu tiên dạy tôi
biết thế nào về công nghệ thông tin, nhưng quan trọng hơn cả, thầy chính
là người đầu tiên đã vực dậy nơi tôi lòng đam mê và sự phấn đấu trong
học tập…
Hôm nay, đứng trên bục danh dự nhận phần
thưởng “Giải nhất phần mềm sáng tạo”, những bông hoa, những lời chúc mừng,
tôi lặng người đi trong niềm cảm xúc dạt dào. Dưới hàng ghế khán giả,
thầy nhìn tôi, đôi mắt long lanh hạnh phúc. Tôi chợt quay trở lại với
những ngày tháng còn vẹn nguyên...
Ngày ấy, khi tôi vừa thi trượt đai học,
mọi cái chung quanh tôi như một buổi chiều mưa, đen tối hay
xám xịt. Nghe theo lời môt số người bạn, tôi đã ra Đà Nẵng và đến đăng
ký học tại trung tâm Softech Aptech. Bố mẹ lo lắng, hàng xóm xầm xì bảo
tôi không biết thân phận, không kiên nhẫn để ôn thi lại. “Tiền học chịu
sao nổi”, “Ở nhà giúp mẹ làm ruộng kiếm miếng cơm, phải hơn không”. Bạn
bè đứa khích lệ, đứa bàn ra bàn vào: “Nó không biết tý gì về máy vi tính,
nhà cũng không có máy vi tính, học sao vô”. Ngẫm đi ngẫm lại, tôi thấy
mọi người đều có lý, tôi thầm lo sợ. Nhưng tôi đã đóng học phí. Tôi cho
đó là số phận. Tôi bước vào trung tâm Softech Aptech với một cái đầu trống
rỗng về cái gọi là “Computer”. Những từ ngữ như program, file
hay floopy thật lạ đối với tôi. Tôi hối hận và thầm cười chính
mình. Thương tôi, bố chắt chiu tiền mua cho một chiếc máy cũ nhưng sử
dụng tốt. Đó chính là hành trang cho cuộc sống của thằng học trò quê nơi
đô thị.
“Em phải tập đánh cho quen với nhiều
ngón tay, đừng chọt như vậy” - tiếng nói sang sảng của thầy giáo,
mọi người quay lại nhìn tôi. Tôi điếng người vì xấu hổ. Tôi đã bỏ học
hai ngày, xem như đó là một cách trả thù. Ngày thứ ba tôi trở lại trường,
len lén bước vào, thầy không nhìn dù chỉ là một cái chớp mắt. Hôm đó,
lần đầu tiên thầy không đến đứng sau lưng nhìn tôi chọt vào bàn
phím nữa. Tôi vui mừng. Đến kỳ kiểm tra, tôi phải thi lại, tôi cảm thấy
chán nản. Tôi thường bỏ tiết không phải để về phòng trọ hay đi chơi mà
là ra ngoài hành lang nơi vắng người. Những lúc ấy, tôi lại muốn trở về
quê, thấy hối hận và muốn buông xuôi tất cả .
Một buổi chiều nọ, tôi bỏ tiết ra ngoài,
tôi dự định về quê...
“Em đang làm gì ở đây?” - vẫn cái giọng
Bắc mà tôi thường nghe. Thầy đã đứng đó tự bao giờ. Và như một người bạn,
thầy ngồi xuống bên tôi, thầy đã kể về thầy, về những người bạn của thầy
đã vượt lên và cố gắng trong học tập như thé nào... Cái thuở mà thầy còn
thanh niên, cầm trên tay hai chỉ vàng của mẹ, thầy đã ra thành phố và
bắt đầu lập nghiệp bằng một quán bắp nướng. Bao nhiêu đắng cay, tủi
nhục mà một thời trai trẻ thầy đã trải qua, đã có những lúc thầy
cứ tưởng mình sẽ gục ngã, nhưng nghĩ đến mẹ, nghĩ đến cuộc sống,
thầy đã cùng những người bạn của mình cố gắng, thầy vừa làm vừa học và
cho đến hôm nay, thầy lại ngồi bên cạnh tôi... Cuối cùng, thầy đứng lên
với cái vỗ vai động viên và nụ cười thân mật: “Hãy cố gắng lên! Hãy làm
hết sức mình, rồi có thất bại cũng không phải hối tiếc. Thầy tin ở em”.
Tối hôm đó, lần đầu tiên tôi ngồi bên
máy vi tính đến ba giờ sáng. Rồi đến những ngày kế tiếp, tôi đã cùng đứa
bạn trọ cùng phòng học chung, tôi đang nỗ lực để “có thất bại cũng không
phải hối tiếc” như lời thầy nói. Tôi thường xuyên đến trường và thầy chính
là người hướng dẫn, kèm cặp tôi. Để rồi hôm nay, lặng người trong niềm tự
hào, cùng với sự phấn đấu và nỗ lực của mình, tôi nhận ra rằng thầy chính
là người thầy đầu tiên dạy tôi biết thế nào về công nghệ thông tin, nhưng
quan trọng hơn cả, thầy chính là người thầy đầu tiên đã vực dậy nơi tôi
lòng đam mê và sự phấn đấu trong học tập. Chẳng phải là ”người thầy đầu
tiên“ Đuysen trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Aimatôp, nhưng thầy
của tôi cũng rất tuyệt, phải không các bạn?
Nguyễn Đình Lân - AT200210A0203
Softech-Aptech (Đà Nẵng)
Bài dự thi Aptech Đồng đội 2005 |