(Post 01/06/2010) Bài viết này không phải bài
hướng dẫn lắp ráp máy tính theo từng bước. Bởi nếu bạn đã tự lắp ráp máy
tính trước đây, chắc hẳn bạn đã hình dung được những việc cơ bản cần làm.
Những lời khuyên sau đây chỉ giúp bạn tiết kiệm thời gian và tiến hành
công việc một cách hiệu quả hơn.
Lần đầu tiên bao giờ cũng để lại nhiều ấn tượng. Và nếu
bạn đã từng tự tay lắp ráp một chiếc máy tính cho mình, chắc hẳn bạn sẽ
không bao giờ quên những trải nghiệm của lần đầu thực hiện công việc này.
Bạn đã phải tốn không ít thời gian và đổ mồ hôi để có
một hệ thống hoàn chỉnh. Cho dù cuối cùng bạn cũng thu được thành quả
là một chiếc máy tính hoạt động tốt, tuy nhiên bạn vẫn cảm thấy công việc
lắp ráp thật không đơn giản. Xin bạn đừng lo lắng bởi đây là điều tất
nhiên. Giống như nhiều thứ khác, lắp ráp máy tính là một kỹ năng đòi hỏi
phải có tính kiên nhẫn, thời gian, và trên tất cả là sự luyện tập để có
thể thuần thục. Thế nhưng thành quả thu được luôn rất xứng đáng với công
sức bạn bỏ ra, dù những bước khởi đầu có đôi chút gian nan.
1. Nghiên cứu, nghiên cứu và nghiên cứu
Bước quan trọng nhất của việc lắp ráp máy tính lại là
công đoạn xảy ra trước cả khi bạn bắt đầu cầm tua - vít lên tay. Đó là
bước chuẩn bị ban đầu để đảm bảo bạn sắm đủ linh kiện hợp lý. Bạn cần
đầu tư nhiều thời gian vào việc nghiên cứu khảo sát thị trường linh kiện
máy tính, tìm hiểu các thành phần liên quan và chắc chắn rằng những thứ
bạn muốn mua đều tương thích với nhau.
Dưới đây là một số câu hỏi bạn cần ghi nhớ trong đầu:
- Nếu bạn định mua một bộ vi xử lý Intel, liệu nó có tương thích với
bo mạch chủ mà bạn đang cân nhắc?
- Liệu khe cắm RAM trên bo mạch chủ và DIMM có tốc độ tương ứng để
giảm tình trạng nút thắt cổ chai?
- Liệu bo mạch chủ có đủ các cổng cho các thiết bị ngoại vi bạn tính
mua hay không?
- Nếu bạn nghĩ có thể sau này sẽ cần nâng cấp máy, liệu bạn đã để
dành chỗ cho việc mở rộng chưa? Chẳng hạn như khoang ổ đĩa, khe cắm,
v..v..
- Liệu bộ nguồn bạn muốn mua có đủ công suất vận hành toàn bộ phần
cứng khác không?
2. Nối đất
Cơ thể bạn rất dễ bị tích điện đặc biệt là khi bạn làm
việc trong một căn phòng trải thảm hoặc ngay cả khi bạn vừa đi qua một
tấm thảm để tới nơi bạn tiến hành lắp ráp máy tính. Lực tĩnh điện có thể
chỉ khiến bạn cảm thấy bị giật nhẹ nhưng lại đủ sức phá hỏng phần cứng
máy tính. Để an toàn, hãy giải phóng tĩnh điện khỏi cơ thể bạn trước khi
chạm vào bất cứ thứ gì. Một số bộ công cụ sửa chữa máy tính có vòng chống
tĩnh điện đeo cổ tay, bạn có thể trang bị cho mình nếu muốn. Tuy nhiên,
có một cách đơn giản hơn đó là bạn chỉ cần chạm vào một thứ gì đó bằng
kim loại đặt dưới đất.
3. Giữ lại túi
Vẫn liên quan đến vấn đề tĩnh điện: chúng ta thường có
xu hướng ném đi mọi thứ không cần thiết khi tiến hành bóc vỏ, đập hộp
các linh kiện để chuẩn bị quá trình lắp ráp. Tuy nhiên, những chiếc túi
chống tĩnh điện (chẳng hạn như chiếc túi chứa bo mạch chủ) rất đáng giữ
lại. Dù cho bạn chỉ dùng chúng để chứa linh kiện tạm thời trong quá trình
lắp ráp hay giữ lại dùng lâu dài thì những chiếc túi này vẫn giúp bạn
bảo vệ các linh kiện bạn đã bỏ tiền ra mua.
4. Chuẩn bị tinh thần dành nhiều thời gian hơn
dự tính
Mọi thứ luôn có vẻ đơn giản khi bạn nhìn vào thành phần
trong hộp hoặc đọc tài liệu hướng dẫn. Thế nhưng, chúng có thể trở nên
phức tạp một cách bất ngờ khi bạn thực sự bắt tay vào lắp ráp. Chẳng hạn
như bạn sẽ phải tốn thời gian loay hoay khi bị rơi một con ốc vào thùng
máy, khi thanh DIMM không gắn chặt như bạn nghĩ, hoặc khi mò mẫm với đống
dây nối loằng ngoằng. Ngay cả những chuyên gia cũng đôi lúc gặp khó khăn,
vì vậy đừng kỳ vọng mọi thứ mượt mà từ đầu đến cuối.
5. Chuẩn bị kẹp gắp
Dụng cụ quan trọng nhất bạn cần có khi tiến hành lắp
ráp máy tính đó là chiếc tua - vít. Tuy nhiên, có một thứ cũng rất cần
thiết mà bạn nên chuẩn bị đó là kẹp gắp ba cạnh. Nếu như đầu chiếc tua
- vít của bạn không nhiễm từ hoặc ngay cả khi nó có thể hút như nam châm,
bạn vẫn có khả năng đánh rơi con ốc vào xó xỉnh nào đó trong thùng máy,
ít nhất là một lần trong cả quá trình lắp ráp. Lúc này, chiếc kẹp gắp
- dụng cụ có ba cạnh linh hoạt và kích cỡ nhỏ hơn ngón tay bạn - sẽ giúp
bạn lấy được con ốc ra khỏi nơi mà tay bạn không thể thò vào. Dụng cụ
này đi kèm trong phần lớn các bộ công cụ máy tính.
6. Lắp bộ nguồn trước
Hãy lắp bộ nguồn vào thùng máy trước khi bạn tiến hành
lắp những thứ khác. Một khi bạn đã lắp các thứ như bo mạch chủ, quạt,
ổ đĩa, v.v.. vào thùng máy trước, bạn sẽ gặp khó khăn khi nhận ra không
còn khoảng trống để đưa bộ nguồn vào. Bạn nên đặt bộ nguồn vào chỗ trước
sau đó sắp xếp các dây nối riêng rẽ trong khi lắp tiếp những thứ khác.
Việc sắp xếp dây nguồn có thể hơi tốn công, nhưng như thế còn hơn là nhận
ra bạn không thể luồn bộ nguồn qua bộ tản nhiệt trên CPU, để rồi phải
tháo ra lắp lại từ đầu.
7. Suy nghĩ kỹ trước khi đưa linh kiện vào thùng
máy
Hãy tính toán và lắp đặt mọi thứ có thể ở bên ngoài trước
khi đưa vào thùng máy. Điều này sẽ giúp bạn có nhiều không gian hơn để
thực hiện những việc đòi hỏi thật tỉ mỉ như lắp bộ vi xử lý và bộ tản
nhiệt vào bo mạch chủ. Tùy thuộc vào cấu trúc bo mạch chủ của bạn và thiết
kế phần cứng, việc này có thể bất khả thi, tuy nhiên nếu bạn có thể lắp
trước bên ngoài thì sẽ rất tiện lợi. Trường hợp bạn có vỏ tháo rời hoặc
giá đỡ cho ổ cứng, ổ SSD hay ổ đĩa quang, bạn sẽ thấy dễ dàng hơn nếu
có thể lắp đặt từ bên ngoài rồi mới gắn vào thùng máy.
8. Đừng mất tinh thần
Tự lắp ráp máy tính là công việc không quá khó khăn một
khi bạn quyết tâm thực hiện. Tuy rằng sẽ có lúc bạn gặp trục trặc, nhưng
bạn đừng vội nản chí bởi lẽ ngay cả những người thành thạo cũng có khi
mắc lỗi cơ bản như: quên nối cáp nguồn, đấu nhầm dây, v.v.. Ngay cả khi
bạn biết chính xác những gì mình làm, bạn vẫn dễ gặp rắc rối hơn bạn tưởng
(chẳng hạn như công đoạn lắp bộ tản nhiệt cho bộ vi xử lý Intel có thể
khiến tất cả mọi người phát điên). Thế nhưng, hãy kiên nhẫn và giữ vững
tinh thần, thành quả thu được sẽ xứng đáng với công sức bạn bỏ ra. Không
ai có thể hoàn hảo ngay từ đầu, nhưng cảm giác khi nhấn nút Power và theo
dõi chiếc máy tính bạn tự tay lắp ráp khởi động sẽ cực kỳ tuyệt vời.
(theo ExtremeTech, QTM) |