Ngành giáo dục có thể thành công với nguồn mở?  
 

(Post 14/07/2010) Trong tình cảnh phần mềm nguồn mở phát triển èo uột, việc Bộ GD-ĐT ra thông tư yêu cầu các cơ sở trong ngành chuyển sang phần mềm nguồn mở được kỳ vọng sẽ mang lại sinh khí mới, động lực mới cho sự phát triển của nguồn mở ở Việt Nam.

Ông Tạ Quang Thái giới thiệu hệ điều hành nguồn mở Asianux

Theo thông tư về ứng dụng phần mềm nguồn mở (PMNM) của Bộ GD-ĐT, các cơ sở giáo dục từ các trường đến các cơ quan quản lý ngành phải chuyển sang sử dụng các phần mềm văn phòng OpenOffice, bộ gõ tiếng Việt Unikey, trình duyệt Mozilla Firefox, phần mềm thư điện tử máy trạm Thunderbird của Mozilla và hệ điều hành Linux thay cho phần mềm thương mại tương ứng. Trong số 5 phần mềm trên, các cơ sở trong ngành Giáo dục phải hoàn tất việc triển khai các phần mềm OpenOffice, bộ gõ Unikey và trình duyệt web Firefox trước tháng 9/2010.

Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng đưa ra danh mục hơn 20 loại PMNM được khuyến khích sử dụng, gồm phần mềm e-learning, thư viện số, quản lý lớp học, cổng thông tin điện tử, diễn đàn, phần mềm quản lý nội dung (CMS), xử lý âm thanh, xử lý ảnh, máy chủ cơ sở dữ liệu, thư điện tử, công cụ web cho đến các phần mềm xuất bản và nhắn tin.

Việc Bộ GD-ĐT tuyên bố chuyển sang PMNM là hành động được cộng đồng công nghệ trong nước, đặc biệt là những người cổ súy cho hệ phần mềm này rất kỳ vọng bởi Giáo dục là nơi nuôi dưỡng, đào tạo nhân lực phát triển và ứng dụng CNTT của đất nước.

Tuy nhiên, có thực tế là gần chục năm nay, Việt Nam đã có rất nhiều chương trình nguồn mở (Đề án quốc gia phát triển nguồn mở giai đoạn 2004-2008, Chỉ thị chuyển sang nguồn mở của Bộ TT&TT đến Thông tư ưu tiên mua sắm phần mềm nguồn mở) nhưng kết quả nguồn mở vẫn rất nghèo nàn.

Liệu ngành Giáo dục có thể thành công với nguồn mở và cần làm gì để thành công? Đó là câu hỏi được báo Bưu điện Việt Nam đặt ra với 3 chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực PMNM ở Việt Nam hiện nay.

Lôi kéo sự tham gia của các công ty trong nước

Ông Tạ Quang Thái, Giám đốc Công ty Asianux Việt Nam:

Việc Bộ GD-ĐT quyết định sử dụng PMNM đặc biệt có ý nghĩa tốt đối với tương lai của ngành CNTT trong nước, tạo cơ hội tiếp cận rộng rãi hơn cho thế hệ trẻ liên quan đến phần mềm máy tính.

Qua Thông tư này, các hãng phần mềm máy tính, cộng đồng phát triển phần mềm trong nước cũng sẽ nhìn nhận được một xu thế, một cơ hội lâu dài để điều chỉnh và cân bằng xu hướng sản xuất phần mềm của mình nhằm nắm bắt các xu hướng trong tương lai. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đi ban đầu, cần phải có những hành động cụ thể hơn nữa để hiện thực hóa mục tiêu và các mong muốn đặt ra.

Cá nhân tôi cho rằng, rào cản của nguồn mở Việt Nam nói chung cũng như của Bộ GD-ĐT trong việc áp dụng PMNM nằm ở chỗ chúng ta né tránh việc đề cập đến các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp phần mềm trong nước trong khi chúng ta mặc nhiên coi rằng các doanh nghiệp nước ngoài thì lại là tiêu chuẩn trong các dự án CNTT.

Vì vậy, để triển khai PMNM thành công, ngoài việc có những chính sách về nghiên cứu và sử dụng nguồn mở, chúng ta cần phải lôi các doanh nghiệp vào cuộc bằng những dự án cụ thể và để cho doanh nghiệp biết rằng nếu đầu tư vào ngành Giáo dục thì sẽ có được lợi ích trong cả ngắn hạn chứ không chỉ đơn thuần là dài hạn như thời điểm hiện nay. Cần phải có sự ưu tiên đối với các doanh nghiệp trong nước và sử dụng công nghệ do chính trong nước sáng tạo.

Đẩy mạnh đào tạo PMNM

Ông Lê Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Đào tạo - Dịch vụ CNTT-TT (thuộc Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số -NISCI):

Tôi đánh giá rất cao về quyết tâm của Bộ GD-ĐT, cộng đồng mã nguồn mở Việt Nam cũng đã nhiệt liệt ủng hộ quyết định này. Phải nói đây chính là quyết định cải cách giáo dục mạnh nhất của chúng ta, chuyển từ phương pháp đào tạo "mì ăn liền" sang đào tạo "ẩm thực" nghĩa là phải biết nấu ăn và biết hưởng thụ.

Theo tôi, không có cuộc cách mạng nào có thể thành công ngay từ đầu. Những chương trình hoành tráng trước kia cho dù có ý chí hay duy ý chí cũng đều có những ý nghĩa lớn lao cho mã nguồn mở VN. Nhưng kết quả chưa nhúc nhích được, theo tôi có những nguyên nhân sau: Thời cơ chưa chín muồi, mong muốn thì có nhưng phương thức thực hiện thì chưa, chưa có sự tham gia của ý chí lãnh đạo từ trên xuống dưới nên chưa có quyết tâm, và chưa có mô hình đào tạo và phát triển bằng xã hội hóa.

Tôi có thể đưa một bài tính đơn giản là nếu Bộ GD-ĐT chỉ cần dành tiền tiết kiệm được do không mua bản quyền Windows và MS-Office đã đủ để đưa quyết tâm này thành hiện thực. Nhưng quan điểm của tôi là ngành Giáo dục phải tiên phong trong đào tạo nguồn nhân lực cho toàn xã hội, tuy nhiên hiện nay đào tạo mã nguồn mở còn đang quá sơ khai tại Việt Nam nên bản thân Bộ GD-ĐT phải ưu tiên cho nhân lực của mình đi học và sau đó phổ cập như chúng ta đã từng phổ cập tin học cách đây 15-20 năm. Muốn gì cũng cần có ý chí và quyết tâm của lãnh đạo thì mới có sức lan tỏa.

Việc Bộ GD-ĐT chuyển đổi dần từ ứng dụng sang hệ điều hành là lộ trình hết sức phù hợp vì phải đi từ người dùng chứ không thể mang tính áp đặt. Nếu người dùng cảm thấy thoải mái với Firefox, Thunderbird, OpenOffice thì bước tiếp theo có thể chuyển đổi cả hệ điều hành được. Đương nhiên là nơi nào có điều kiện chuyển đổi được toàn phần vẫn là hay nhất và tiếp nhận được lợi ích nhiều nhất.

Tìm sự hỗ trợ của các công ty trong nước

Ông Nguyễn Văn Hiền, Tổng giám đốc công ty iNet Solutions:

Việc Bộ GD-ĐT yêu cầu sử dụng PMNM có ý nghĩa hết sức quan trọng, hấp dẫn các công ty phát triển ứng dụng có cơ hội cạnh tranh và phá bỏ lớp độc quyền Microsoft vốn đang cản trở các doanh nghiệp hoạt động trên nhiều nền tảng công nghệ. Hơn thế nữa, ngành CNTT Việt Nam sẽ đón nhận nhiều mặt tích cực hơn về nguyên tắc phát triển ứng dụng (tính mở và các chuẩn mở) để chúng (giữa các hệ thống) có khả năng tương tác, liên thông... và đây chính là cơ hội cho ngành CNTT bùng nổ hướng dịch vụ.

Tôi cho rằng, để thành công về PMNM cần có những chương trình ứng dụng rõ ràng hơn và dám chấp nhận thất bại để thành công. Ngành Giáo dục phải tìm ra được một chiến lược lâu dài và một nền tảng cho phát triển các dịch vụ giáo dục lâu dài dựa trên PMNM và không nên đi tìm các ứng dụng thật tốt để sử dụng một ít các tính năng. Dựa vào nội lực và cần hợp tác một cách mở với các nhà sản xuất phần mềm Việt Nam trong các chiến lược.

Bộ GD-ĐT có thể có hàng tá ứng dụng PMNM để sử dụng nhưng với cách tiếp cận này sẽ làm khó cho doanh nghiệp và người dùng trong tương lai... vì chúng ta sẽ thiếu sự hỗ trợ cần thiết trong chiến lược của mình cũng như nguồn "cầu" về nhân lực DN Việt Nam mà ngành Giáo dục sản sinh ra. Nói tóm lại, ngành Giáo dục cần tìm một sự hợp tác nội lực toàn diện từ các DN Việt Nam trong chiến lược CNTT hóa hiện nay thay cho lối tư duy "tự tìm" và sử dụng các hàng khủng trong kho phầm mềm nguồn mở một cách cô lập.

Duy An
(theo ICTnews)


 
 

 
     
 
Văn hóa - Giáo dục khác:


Ứng dụng CNTT trong giáo dục - Bài toán không dễTrung Quốc muốn là cường quốc gia công phần mềm
Những phong trào "lạ tai" trong trường Đại họcBài học từ cuộc sống
Trương Gia Bình: Con người của ý tưởngNước Nga và tham vọng xây dựng "thung lũng Silicon" của mình
  Xem tiếp    
 
Lịch khai giảng của hệ thống
 
Ngày
Giờ
T.Tâm
TP Hồ Chí Minh
Hà Nội
 
   
New ADSE - Nhấn vào để xem chi tiết
Mừng Sinh Nhật Lần Thứ 20 FPT-APTECH
Nhấn vào để xem chi tiết
Bảng Vàng Thành Tích Sinh Viên FPT APTECH - Nhấn vào để xem chi tiết
Cập nhật công nghệ miễn phí cho tất cả cựu sinh viên APTECH toàn quốc
Tiết Thực Vì Cộng Đồng
Hội Thảo CNTT
Những khoảnh khắc không phai của Thầy Trò FPT-APTECH Ngày 20-11