(Post 07/01/2006) Buổi thảo luận trực tuyến về giáo dục giữa Việt Nam - Hoa Kỳ diễn ra sôi nổi với những hỏi đáp thú vị từ 3 đầu cầu Hà Nội - Tp.HCM và California, Mỹ. Đây là phần làm việc tiếp theo của nội dung "Giáo dục ĐH Việt Nam: Nguồn lực và cơ hội" trong khuôn khổ hội nghị thường niên của Viện Hàn lâm Hoa Kỳ diễn ra 3 ngày tại Mỹ. Quang cảnh buổi thảo luận tại đầu cầu Hà Nội: Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo, các quan chức, chuyên viên của Bộ GD-ĐT và đại diện VEF. (Ảnh: Lê Anh Dũng) | |
Sau một chút trục trặc do đường truyền từ các đầu cầu Việt Nam chưa ổn định, buổi thảo luận bắt đầu với lời chúc mừng của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long, tiếp theo là phát biểu của GS Trần Xuân Giá. Đầu cầu Califonia khá hào hứng và thoải mái. Các đại biểu đều chuẩn bị sẵn sàng tâm thế tham gia phát biểu và chất vấn. Tuy nhiên, phía đầu cầu Hà Nội, với lý do phải họp lúc 9h30 sau đó nên buổi thảo luận kết thúc khá sớm sau gần một tiếng rưỡi. Nhiều bạn đọc tỏ ý nuối tiếc vì thời gian diễn ra quá ngắn. "Chương trình giao lưu đang có nhiều câu hỏi thì bên phía VN đã tuyên bố kết thúc. Trong lúc đó, phía Mỹ còn rất nhiều ngưòi muốn đặt câu hỏi. Những người theo dõi phải giật mình vì sự cắt ngang nhanh quá", theo dõi qua cầu truyền hình, bạn Trương Quang Trung, ở Chonju - Nam Hàn Quốc, thắc mắc. Dưới đây là nội dung buổi thảo luận: Trường ĐH phải có "ba tự chủ" Trong phần phát biểu của mình, GS Trần Xuân Giá đề cập tới vấn đề tự chủ ĐH trong lộ trình đổi mới các lĩnh vực xã hội - một lộ trình diễn ra chậm hơn so với đổi mới kinh tế mà ĐH lần thứ 10 của Đảng tới đây sẽ dành nhiều thời gian bàn bạc. Lâu nay, Chính phủ đã có nhiều văn bản liên quan đến đổi mới hệ thống giáo dục, y tế nhưng kết quả thu được không như mong muốn. Sắp tới, phải đổi mới theo hướng như mọi quốc gia trên thế giới trong điều kiện kinh tế thị trường: không thể giảm nhẹ mà tăng cường hơn nữa vai trò của Nhà nước đối với kinh tế, xã hội, đặc biệt là giáo dục, y tế. Trong đó, có việc tách quản lý hành chính Nhà nước ra khỏi quản lý của các đơn vị sự nghiệp công. Hướng này rất quan trọng, đi liền với nó là nâng cao một bước tính tự chi, tự chủ của các đơn vị công trong đó có giáo dục, y tế, công nghệ.. Trong hướng này, phải nói đến 3 chữ “tự chủ” của cơ sở đào tạo ĐH. Tự chủ về sản phẩm do trường ĐH tạo ra đối với xã hội về số lượng và chất lượng học, các bạn Mỹ thường nói rằng tạo ra không gian rộng lớn về tính tự chủ học thuật. Tất nhiên là trong khuôn khổ pháp luật. Tự chủ về nhân sự. Các trường phải tổ chức bộ máy làm sao cho sản phẩm tốt nhất để tạo ra khối lượng, số lượng đáp ứng nhu cầu xã hội. Tự chủ về tài chính thì có nhiều quan niệm khác nhau. Có người nói rằng phải tự chủ toàn bộ, còn tôi quan niệm tự chủ tài chính có giới hạn. Như vậy, không chỉ có Nhà nước mà từng đơn vị phải thay đổi nếp nghĩ. Nhiều người quản lý chưa sẵn sàng, mong muốn tự chủ nhưng nhưng xu thế tất yếu phải như vậy. Quang cảnh ở đầu cầu California. Đầu cầu Mỹ: đại diện Viện Hàn lâm khoa học Hoa Kỳ, những đại diện cao nhất của VEF, các GS Mỹ, Việt đến từ các trường ĐH nổi tiếng MIT, Stanford, Havard, Massachusetts và 143 nghiên cứu sinh VEF. (Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn)
| |
Các nước, đặc biệt là nước nghèo không thể trông chờ vào nguồn duy nhất từ Nhà nước mà có thể đảm bảo bù đắp chi phí giáo dục. Cách thức lâu nay sự hỗ trợ của Nhà nước thường qua các đơn vị cung ứng, còn người thụ hưởng các khoản tài trợ thì họ không kiểm soát được. Bây giờ, Nhà nước lo cho người nghèo có tiền đi học. Nếu kiểm soát được khoản tiền này, phải là người đem trả cho những đơn vị cung ứng. Học liệu mở: Cần giảng viên có thời gian và tâm huyết Sau giới thiệu ngắn gọn của Thứ trưởng Bành Tiến Long về đề án đổi mới GD ĐH Việt Nam với 7 nhóm giải pháp cơ bản, buổi thảo luận đã diễn ra sôi nổi. Huỳnh Tiến Phong (ĐH Rutgers) đưa ra 4 câu hỏi. 1.Chúng ta đang đưa học liệu mở (OCW) của MIT vào Việt Nam, nhưng cũng rất cần phải có những nguồn OCW khác nữa. Bộ sẽ làm gì để việc đưa OCW thâm nhập vào các trường ĐH Việt Nam có hiệu quả? 2. Nếu chỉ tiếp cận những tài liệu của OCW thì không đủ để giảng viên và SV có thể hiểu và tiếp thu được các kiến thức, mà phải cần thêm sách giáo khoa, sách tham khảo. Vậy Bộ sẽ làm thế nào để hỗ trợ các trường tiếp cận được nguồn sách này? Đặc biệt, bản quyền cũng là một vấn đề cần lưu tâm. Bộ có tính đến việc kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức, như World Bank chẳng hạn? 3, Thưa GS Trần Xuân Giá, GS có nói nhà nước sẽ tập trung đầu tư và phát triển các viện nghiên cứu. Nhưng hướng ưu tiên của Chính phủ sẽ như thế nào? Thành lập các viện nghiên cứu mới, hay nâng cấp các viện cũ đang có? 4.GS đã nhắc đến mục tiêu "đi tắt đón đầu" mà ĐH Đảng lần thứ 10 sẽ đưa ra. Nhưng chúng ta không thể đi tắt đón đầu trong tất cả các lĩnh vực. Vậy, Chính phủ sẽ tập trung vào những lĩnh vực nào, cụ thể trong giáo dục, để đạt mục tiêu tương đương trình độ khu vực và thế giới như trong đề án đổi mới giáo dục ĐH yêu cầu? Thứ trưởng Bành Tiến Long (Ảnh: Lê Anh Dũng) | |
Thứ trưởng Bành Tiến Long: Chúng ta sẽ lấy nguồn OCW ở các trường khác chứ không chỉ MIT. Trong các hội nghị hội thảo, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường tạo điều kiện tối đa để SV truycập internet. Với OCW, sẽ chọn một số ngành trọng điểm để Việt hóa, vì trình độ tiếng Anh của SV chưa được tốt lắm. Để làm việc này hữu hiệu, một tổ công tác đã được thành lập. Về vấn đề mua tài liệu, đã có các thư viện với ngân sách cho việc này. Các trường phải biết tên các tài liệu đó. Sách phải phù hợp với nội dung đào tạo. Vì vậy, tôi mong các em giới thiệu với tổ công tác những sách phù hợp, hữu ích. Vụ trưởng Trần Thị Hà: Trong 10 chương trình đào tạo tiên tiến, đã đề cập vấn đề mua tài liệu trong kinh phí hỗ trợ, giúp các trường làm phong phú thêm các nguồn học liệu. Các LHS có thể giúp các trường trong vấn đề này. Để chương trình OCW phát huy hiệu quả tốt nhất, chúng tôi đang chuẩn bị Việt hóa một số tài liệu, biên dịch sang tiếng Việt. Tổ công tác làm việc với các bên ký hợp đồng đề triển khai tới từng trường. Chúng tôi cũng mong các LHS tham gia các diễn đàn trao đổi khoa học. Nếu các bạn có đường truyền tới các kho học liệu khác trên thế giới thì mong cung cấp cho các bạn ở VN. Khi đã có kho dữ liệu riêng của VN, chúng ta có thể trao đổi. Chúng ta cũng có thể huy động các hỗ trợ của WB, ADB, v.v. Nhiều nhà xuất bản quốc tế đã tham gia vào thị trường VN. Ví dụ: Oxford University Press. Sách giáo khoa VN rất nhanh bị lạc hậu lỗi thời, vì vậy việc cập nhật sách nước ngoài là rất quan trọng. Việc địa phương hoá cái học liệu mở này rất quan trọng. Chúng tôi cũng hi vọng rằng, với số lượng nhà khoa học và các GS của Việt Nam hiện nay đang công tác trên toàn thế giới, chúng ta sẽ làm giàu hơn, phong phú hơn cái học liệu mở này. Giám đốc Trung tâm Tin học (Bộ GD-ĐT) Quách Tuấn Ngọc: Chúng tôi cũng tin rằng, khi đã địa phương hoá hay đã có một kho dữ liệu riêng, chúng ta có cơ sở để trao đổi với các cơ sở đào tạo của thế giới. Tôi tin rằng, với quan hệ hợp tác ngày càng mở rộng của chính phủ Việt Nam và Bộ GD-ĐT, chúng ta sẽ nhận được những khoản tài trợ cũng giống như MIT đã làm. Chúng tôi cũng vui mừng thông báo với các bạn rằng, sau khi chúng ta ký công ước Berne về việc bảo hộ quyền tác giả, hiện tại đã có nhiều nhà xuất bản quốc tế tham gia hoạt động tại Việt Nam. Đây là những cơ sở rất tốt để cung cấp SGK tiên tiến với giá phải chăng. Hiện nay, trong ban chỉ đạo chúng tôi cũng có 2 luồng ý kiến trái ngược nhau. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn thấy rằng, giai đoạn ban đầu, nhiều HS, SV và các giảng viên Việt Nam cũng có thể tiếp cận và sử dụng tốt kho tài liệu này. Chúng tôi cũng vui mừng thông báo trong nghị quyết 14 của thủ tướng Chính phủ về đổi mới giáo dục toàn diện ĐH Việt Nam, Thủ tướng đã cho phép sử dụng ngoại ngữ để dạy các môn trong các trường ĐH. Mấu chốt vấn đề không phải là nguồn OCW hay ở công nghệ mà là giáo viên có thời gian và tâm huyết tham gia vào việc này hay không. Đỗ Trung Thông (ĐH John Hopkins): Học liệu mở MIT sẽ được áp dụng đại trà hay chỉ tại một số trường trọng điểm? Đúng là có khoảng cách ngôn ngữ và năng lực chuyên môn giữa SV đại trà của các trường ĐH VN và MIT. Nhưng, Bộ có để ý đến một lực lượng SV đặc biệt của các trung tâm tài năng thuộc các trường ĐH lớn như ĐHQG hay ĐH Bách khoa không? Bởi theo em, đây chính là những đối tượng phù hợp nhất để học bằng OCW. Thứ trưởng Bành Tiến Long: Câu hỏi của em rất quan trọng. Chủ trương của OCW, đã là “mở” tức là mở cho mọi người, SV, giáo viên... Tất nhiên, việc sử dụng học liệu mở này không phải đơn giản, đòi hỏi trang thiết bị tốt, khả năng khai thác, cần phải có thời gian để khỏa lấp các khoảng cách ngôn ngữ, chuyên môn. Để có thể có được phương pháp giảng dạy, nội dung, chúng ta phải trao đổi với các trường MIT… về học liệu mở. Các em cũng cần có thời gian giúp đỡ. Kế hoạch phải có cách đào tạo, giao lưu từ xa… cho cả SV đại trà, tuy nhiên không phải em nào, trường nào, ngành nào cũng dùng được. Vấn đề thứ 2 trong câu hỏi của em là việc tập trung vào các đối tượng SV tài năng các trường. Các chương trình phải tương thích với các lớp tài năng. Hiện nay, tổ công tác trước sẽ triển khai ở 14 trường ĐH trọng điểm. Hôm qua làm việc, Bộ trưởng đã đề cập đến việc sử dụng đến mức độ nào. Kỹ sư tài năng cũng là một đối tượng khai thác học liệu. Ông Quách Tuấn Ngọc (Ảnh: Lê Anh Dũng) | |
Quách Tuấn Ngọc: Đề xuất mỗi nghiên cứu sinh của VEF và 322 tự xây dựng một hệ thống OCW hoặc cao cấp hơn nữa là một hệ thống e-Learning cho chính ngành học của mình. Như vậy, với 150 NCS VEF và hàng nghìn NCS của chương trình 322 (đề án Bộ GD-ĐT) trở về thì rất tốt. Hi vọng học liệu mở sẽ có nguồn đóng góp của các bạn du học của Việt Nam. Viện nghiên cứu tư nhân: đang chuẩn bị Trần Xuân Giá: Chính phủ đã có chủ trương hết sức quan trọng liên quan đến giáo dục là kết hợp ĐH với nghiên cứu khoa học. So với các nước, Sự kết hợp này ở ta chưa tốt. Tách rời nghiên cứu và đào tạo thì chất lượng đào tạo sẽ rất thấp - Những người giảng dạy nhìn thấy rất rõ. Đây là một hướng quan trọng chúng ta phải đổi mới, đặc biệt về mặt tổ chức. Không thể khẳng định đâu là hướng chính, nhưng rõ ràng đưa nghiên cứu lên tầm cao hơn, nghiên cứu gắn với thực tiễn còn quá xa với mong đợi. Ngô Đức Anh (Texas University): GS Trần Xuân Giá có nói, bên cạnh việc nâng cấp các viện nghiên cứu cũ, Nhà nước sẽ thành lập các viện nghiên cứu mới. Vậy Chính phủ có ủng hộ việc thành lập các viện nghiên cứu tư nhân không? Chính phủ có hỗ trợ bằng cách tạo hành lang pháp lý. Trần Xuân Giá: Về vấn đề này, Nhà nước có chủ trương và đang chuẩn bị hành lang pháp lý phát triển (tràng cười cất lên từ đầu cầu Mỹ). Đỗ Bá Thành (Michigan University): Vụ trưởng Trần Thị Hà đã nói đến việc hỗ trợ kinh phí cho các trường giảng dạy. Xin nói rõ hơn, các chương trình này sẽ được giảng dạy trong bao lâu? Hết thời gian đó, Bộ sẽ có những tiêu chí nào để đánh giá các chương trình đó có hiệu quả đến đâu? Thưa GS Trần Xuân Giá, chúng ta tiến đến sẽ trao quyền tự chủ cho các trường ĐH, các viện nghiên cứu. Với các doanh nghiệp, khi chuyển sang thành doanh nghiệp tư nhân (cổ phần), nếu họ làm ăn thất bại thì phải giải thể hoặc tuyên bố phá sản. Còn nếu các viện và trường không thực hiện cải cách được thì sao? Chúng ta có cho giải thể các viện, các trường đó không? Vụ trưởng Trần Thị Hà (Ảnh: Lê Anh Dũng) | |
Vụ trưởng Trần Thị Hà: 9-10 chương trình thực hiện theo cách có sự lan tỏa nên không cố định thời gian bao lâu. Về mặt tiêu chí, chúng tôi chọn các chương trình gốc của các trường uy tín, dạy bằng tiếng Anh, ở top trên nhưng không phải cao nhất để phù hợp với VN. Chúng tôi đang xây dựng tiêu chí nhưng sẽ bám theo các trường sử dụng chương trình này. Chúng tôi có mong muốn các nghiên cứu sinh VEF tham gia trợ giảng, giảng dạy… cho các trường đang triển khai các chương trình này. Thứ trưởng Bành Tiến Long: Chúng ta phải thay đổi cơ bản toàn bộ nội dung, phương pháp, trang thiết bị… đào tạo, đặc biệt là đội ngũ giảng viên và chất lượng SV. Đội ngũ giảng viên đóng vai trò quyết định cho sự thành công của chương trình. Chúng tôi cũng có chủ trương mời các GS ở nước ngoài về giảng dạy, xây dựng cơ chế chính sách để người có năng lực tốt nhất được tham gia, để 5-7 năm sau nếu có nhu cầu, SV nước ngoài cũng có thể tham gia chương trình này. Trần Xuân Giá: Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nếu không hoạt động được thì phá sản. Còn một trường ĐH, nếu họat động quá kém không thể cho phá sản như một doanh nghiệp bởi sản phẩm ấy 4 năm hay 5 năm mới có thể hoàn thành được. Sản phẩm đó phá sản phải theo hướng khác, tổ chức lại nó và không để phương hại đến lợi ích những người đang thụ hưởng. Nguyễn Thanh Tuấn (University of North Carolina): GS có nói, năm 2006 Chính phủ sẽ tăng đầu tư cho giáo dục lên 33%. Vậy đó là tăng cho đào tạo GD phổ thông, ĐH, dạy nghề hay sau ĐH? Chúng ta đều biết, để có tiền đầu tư thì ta phải vay tiền của các nước, các tổ chức quốc tế. Có vay thì phải trả, thế hệ này vay thì đến thế hệ sau sẽ phải trả. Vậy Chính phủ sẽ đầu tư những khoản vay đó như thế nào cho hiệu quả, để có tiền trả nợ? Trần Xuân Giá: Tăng đầu tư cho giáo dục trước mắt có điều chỉnh lương đối với hệ thống công chức nói chung, trong đó, có hệ thống giáo dục. Chính vì vậy, hiện nay, phần nhiều lại tăng vào khối phổ thông bởi khối đó giáo viên nhiều. Đương nhiên, tăng tương đối khá dành cho khối ĐH dành xây dựng cơ sở vật chất nhưng phần này trước mắt dành cho các trường chưa có đủ điều kiện. Hiện nay, chúng ta đang vay tiền của nước ngoài, tất nhiên vay ưu đãi. Nhiều nước trên thế giới vì vay nợ mà nghèo đi nhưng cũng có những nước nhờ vay nợ mà giàu lên. Tôi với tư cách từng là Bộ trưởng Bộ kế hoạch Đầu tư - cơ quan làm vận động vay nợ luôn luôn đặt ra vay nợ về làm gì, để có thể trả được nợ, để có thể không để lại gánh nặng cho con cái chúng ta. Bởi chúng ta vay nặng thường là 30-40 năm mới trả do đó những người đi vay như chúng tôi sẽ không phải là người trả mà là chính các em. Do đó những người đi vay như chúng tôi không phải là người trả mà là chính cách em (cả hội trường cùng cười). ĐH đẳng cấp quốc tế: Phải có đề án cụ thể Lê Tiến Dũng (ĐH Texas ở Austin): Gần đây có nhiều dư luận về một ĐH đẳng cấp quốc tế ở Việt Nam. Có 3 yếu tố chính để một trường như vậy được thành lập. Thứ nhất là tiền. Nhiều người cho rằng, tiền có thể có được từ sự giúp đỡ từ các nhà tài trợ. Thứ hai là về mặt nhân lực, cũng nhiều ý kiến cho rằng chúng ta không thiếu người vì có rất nhiều người tâm huyết và sẵn sàng tham gia những dự án như vậy. Thứ ba là Chính phủ hay nói cách khác là hệ thống. Vậy, điều gì khiến chúng ta còn băn khoăn trong việc cho phép một trường ĐH như vậy? Trong khi chúng ta đã bỏ tiền khá nhiều ra cho SV du học nước ngoài, và cho phép nhiều trường ĐH của nước ngoài thành lập trung tâm cũng như cơ sở đào tạo tại Việt Nam? Đầu cầu TP.HCM: Ông Trần Xuân Giá, cố vấn cao cấp của Thủ tướng (Ảnh: Cam Lu)
| |
Trần Xuân Giá: Có lẽ không phải bây giờ mới đặt ra về loại trường thế này. Tôi xin nói lại, hiện nay tên trường còn chưa thống nhất. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, mỗi người dùng một kiểu tên. Tôi quen dùng một từ bắt nguồn từ chuyến đi tháp tùng Thủ tướng sang Mỹ. Đó là ĐH đẳng cấp quốc tế. Tôi xin nhắc lại rằng, việc thành lập một trường như vậy không phải bây giờ mới đặt ra. Cá nhân tôi và nhiều người, trong đó có Thủ tướng đã đặt ra nhiều lần và ở nhiều nơi. Nhưng đến bây giờ chưa ra đời được chứ không phải là chúng ta không cho phép. Chúng ta rất mong muốn có một trường như vậy. Sau chuyến đi của Thủ tướng Phan Văn Khải sang Mỹ và trong cuộc hội đàm với Tổng thống Bush, chính Thủ tưởng đã đặt ra với Tổng thống Hoa Kỳ. Khi còn ở Boston, có lẽ trong tất cả phát biểu, Thủ tướng luôn đặt ra ở các diễn đàn rằng chúng ta mong muốn như vậy và kêu gọi các bạn quốc tế, các nhà khoa học, các GS nổi tiếng của Mỹ hỗ trợ chúng ra để ra đời loại trường như thế. Giờ đây, theo quan điểm của tôi, việc ra đời loại trường như thế là tất yếu và rất cần. Mục tiêu của nó để làm gì, tôi đã có dịp trả lời trên các phương tiện thông tin đại chúng và không nhắc lại ở đây. Tôi chỉ nhắc lại rằng, bước đi không thể vội vàng. Trước mắt, phải có một đề án thật hoàn chỉnh, thật tốt để trên cơ sở đó triển khai. Bởi vì sai lầm của việc ra đời một trường ĐH để lại hậu quả hết sức nghiêm trọng và kéo dài. Đặc biệt, không thể dễ phá sản trường ĐH như kiểu cho phá sản các doanh nghiệp. Vì vậy giai đoạn này hiện nay đang chuẩn bị hình thành dự án. Lúc này, có GS Vallely đang ngồi đây, chúng tôi từng bàn với nhau nhiều lần trước chuyến đi của thủ tướng Phan Văn Khải. Từ đó đến nay vẫn tiếp tục bàn. Bên Bộ GD-ĐT, tôi cũng có tham gia để ra đời một nhóm liên hợp Việt - Mỹ gồm những người làm việc trong hệ thống ĐH, những người có hiểu biết về ĐH, những người làm công tác quản lý... để bàn bạc hình thành một đề án. Thời gian dành cho khâu này, nhanh cũng phải một năm. Nếu không có đề án này ra đời thì không thể tiến hành được. Dự án ra đời mới tìm được nguồn vốn, cho dù đó là nguồn vốn của chính chúng ta. Bởi Nhà nước muốn bỏ vốn để làm gì cũng phải tính tới hiệu quả và mục tiêu cuối cùng. Hiện tại, chúng tôi có mong muốn và cũng đang có các hoạt động để chúng ta vay tiền để làm. Lộ trình cụ thể triển khai có người nói 3 năm, 4 năm. Do đó, giờ này chưa nên nêu thời hạn vội. Có người bàn đến việc xây dựng trường trên một bãi đất trống, xây từ đầu, không nên nâng cấp từ các trường nào đó.. Bản thân tôi, lúc trước chứng kiến việc hình thành 2 ĐH quốc gia. Bấy giờ, những người ra quyết định thành lập ĐHQG ở Việt Nam cũng có mong muốn nó na ná giống ĐH hàng đầu. Nhưng cuối cùng không đáp ứng được. Vì vậy, trong qúa trình chuẩn bị trường mới chúng ta phải mổ xẻ: tại sao có ý tưởng cách đây khá lâu rồi, tổ chức triển khai như vậy mà không thành công. Tôi đề nghị, mọi người cứ tham gia ý kiến, chưa nên kết luận vội ngay bây giờ. Buổi thảo luận kết thúc 9h30 với lý do các đại biểu ở đầu cầu Hà Nội bận họp theo lịch đã sắp xếp trước. Nhiều độc giả quan tâm đã tham gia bày tỏ ý kiến. Ngoài ra, các hình ảnh của buổi thảo luận này được phát trực tiếp (từ 8h đến 9h30) tại địa chỉ www.edu.net.vn/vconf.htm. (theo VietNamNet) |