(Post 21/12/2005) Trong một
ngành công nghiệp đòi hỏi kiến thức như lập trình, không có công ty to
và công ty nhỏ, chỉ có sự đam mê và sáng tạo mới là thước đo để đánh giá,
để hợp tác…
Chương 5:
Sự tiến hóa của Tổ chức và Con người
(xem các phần
1, phần 2,
phần 3, phần 4)
Như đã nhắc tới ở chương đầu, FPT bắt
đầu sự nghiệp với một mong muốn rõ ràng trở thành một công ty kiểu mới.
Rõ nét nhất là trong lĩnh vực Tin học. Tập hợp được một lực lượng tin
học thuộc loại cứng cựa của năm 1988 là công lao to lớn của anh Trương
Gia Bình. Tôi rất may mắn là ngay từ đầu được tiếp xúc với những người
giỏi và sẵn sàng chia sẻ kiến thức như anh Mai, anh Bảo, Trung Hà, anh
Công, anh Ngọc. Tổ chức tin học đầu tiên của FPT có tên gọi là Trung tâm
Dịch vụ Tin học (Informatic Service Center) viết tắt là ISC. Tên này do
anh Công nghĩ ra và lần đầu tiên được đóng biển treo trên một căn phòng
tầng 3 của tòa nhà 224 Đội Cấn của Viện cơ. Còn nhớ một lần trong các
máy của Olivetti có cài sẵn phần mềm demo lúc chạy hiện lên chữ ISC chúng
tôi đã vô cùng ngạc nhiên không hiểu vì sao bạn biết được tên của mình.
Sau này mới biết đó là tên của một công ty phần mềm Mỹ bị Olivetti mua
lại. Thời gian ở Đội Cấn, thực sự hầu như chúng tôi chẳng làm dịch vụ
Tin học cho ai cả, ngoại trừ việc phục vụ anh Nhuận và thỉnh thoảng cho
anh Đạo, anh Điệp Viện Cơ. Đại đa số thời gian là đọc sách và làm tất
cả những gì mà có ai đó cần. Thường xuyên nhất là soạn các văn bản cho
anh Đào Vinh và chị Thu Hà (phụ trách nhân sự FPT hiện nay). Hồi đó anh
em hay dùng một chương trình tiếng Việt tên là Don Joan có nhiều chức
năng rất tiện lợi và dùng chế độ graphic của màn hình để hiển thị tiếng
Việt. Một chương trình nữa là VietStar chạy nhanh hơn nhiều nhưng kém
chức năng nên hay được dùng cho bọn chế bản. Ngoài kiểu gõ telex, chương
trình này còn có một cách bỏ dấu rất dễ nhớ, dùng ngay các phím tương
tự trên bàn phím, tỷ nhưo. tương đương với ọ, o,= ơ, o' = ó, o~ = õ, o?
= ỏ, o` = ò,o^ = ô, . Nói thêm một ít về chị Thu Hà. Thực ra thì chị không
có mặt tại FPT từ ngày đầu tiên mà chỉ ngay sau đó. Lập công ty xong,
Anh Bình có một suất đi Đức học 1 năm. Trước khi đi, để vớt vát, anh tổ
chức một cuộc thi chọn thư ký. Rất phức tạp, công ty sử dụng điệp viên
đi thông báo dụ dỗ những thiếu nữ xinh đẹp đang ôm mộng kiếm việc và kiếm
chồng. Kết quả có mấy chục em kéo đến. Sau một buổi làm việc trong buồng
kín, kết quả 5 em được chọn làm việc thử một tuần. Cuối cùng còn lại mỗi
Thu Hà. Có thể coi chị là người thắng cuộc cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở
Việt nam. Anh Võ Mai quả là may mắn. Thực ra còn một em nữa tên là Thám
Hoa. Em này nghe đâu nhà Hàng Ngang, Hàng Đào nên luôn miệng bĩu môi chê
các anh Phó tiến sĩ mà cũng đòi đi buôn. Vì thế chẳng ai dám đuổi. Mãi
sau, lấy hết can đảm anh Lê Vũ Kỳ hạ bút ký xoẹt và ngay lập tức lên máy
bay chuồn sang Nga mặc cho anh Đào Vinh xoay xở. Anh Kỳ lúc đó là phó
giám đốc công ty. Anh Lê Quang Tiến cũng hay ký tên là Phó Giám đốc nhưng
anh thường biện hộ "Phó Giám Đốc" là bí danh họ Phó tên Đốc
chứ không phải là chức vụ, mỗi khi bị lộ tẩy. Quay về ISC, không phải
lúc nào chúng tôi cũng được làm việc nhàn hạ. Hai việc mà tôi nhớ nhất
đó là mỗi khi máy đi/về phải khênh lên khênh xuống tầng 3 và những chuyến
xuống Hải phòng áp tải sắt thép do đổi được bằng máy tính mang về. Do
không được phân công chức năng rõ ràng nên anh Ngọc rất ít khi lảng vảng
đến. Trung Hà thì suốt ngày tham gia vào các phi vụ buôn bán đổi chác.
Anh Bảo thì lúc đó đang tham gia đề tài nhận dạng cùng với Viện Tin học.
Anh Mai hì hụi viết một chương trình truyền tin trên UNIX, tôi chẳng hiểu
gì cả, thỉnh thoảng lại được anh cho xem menu, rất lấy làm khâm phục.
Hồi đó còn có hai anh sinh viên đến thực tập là Long và Cường. Thường
xuyên bị anh Công bắt quét nhà. Anh còn giao cho chúng việc debug một
chương trình truyền tin, hình như là Procom thì phải. Được một hồi chúng
sợ quá chạy mất. Sau đều thành cứng cựa của 3C. Cường bây giờ chuyển về
Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt nam. Chúng tôi vẫn gặp luôn. Đầu năm
1990, cùng với FPT, ISC chuyển về trường phổ thông cơ sở Giảng Võ. Được
ra chỗ rộng, anh Công mừng ra mặt. Anh tự tay theo dõi việc lắp từng ổ
điện. Chúng tôi được bổ sung Trần Ngọc Trí, Phan Thị Quyên. Phan Minh
Tâm cũng đang làm thực tập. Gần cuối năm có thêm Phan Quốc Khánh. Khi
mới vào anh Khánh trông cực giống thổ phỉ, đại úy quân đội nhân dân Việt
nam nhưng tóc dài đến vai, râu quai nón xồm xoàm. Giá như lúc đó đã có
Balance thì chắc không ai dám từ chối không mua.
Lúc đó ISC đã bắt đầu có ban bệ: Hệ thống,
Nhận dạng, Unix,...
Và bắt đầu có những xi-can-dan. Đó là
sự kiện liên quan đến anh Trần Xuân Thuận. Anh Thuận lúc đó đang lãnh
đạo một nhóm nghiên cứu lập trình truyền tin cho Unix dưới sự hướng dẫn
của anh Công. Sang Giảng Võ, có thêm chỗ mới, anh Công còn mời cả nhóm
chuyển về. Cùng với anh Thuận là Châu, Cường những sinh viên tài năng
của Đại học tổng hợp. Trần Ngọc Trí cũng được phân sang nhóm này. Cũng
chia sẻ quan điểm về sự thống trị của UNIX, anh Thuận và cả nhóm đã làm
việc miệt mài và tạo ra nhiều ứng dụng thú vị. Tiếc rằng không hiểu sao
anh không coi FPT là môi trường xứng đáng để anh đóng góp. Do đó anh đã
ký những hợp đồng kinh tế nhưng không cho FPT.
|
Về mặt mình, những thỏa thuận không rõ
ràng về tổ chức cũng như do sự thiếu sâu sát, anh Công đã vô tình tạo
ra một lỗ hổng trong quản lý. Sự việc không hay đã xảy ra và FPT chia
tay với anh Thuận không trong hòa thuận. Cần nhắc lại rằng, anh Thuận
là một trong những người tôi rất khâm phục vì niềm tin sâu sắc vào khả
năng của mình và lực lượng tin học Việt nam. Những năm 92-95, một mình
anh kiên trì triển khai chương trình T-Net, chương trình truyền tin trên
UNIX nhưng không theo chuẩn TCP/IP mặc cho những lời công kích về tính
du kích của nó (chương trình) của các đồng nghiệp trong Viện Tin học và
giới quản lý Tin học Nhà nước. Không thể không thừa nhận là anh là người
đặt nền móng cho những mạng diện rộng đầu tiên và khá phổ biến ở Việt
nam hiện nay là VinaNet và VietNet (xuất thân từ E-News của Khánh Hòa).
Là một người làm Tin học tôi nghĩ anh Thuận thừa hiểu tính ổn định lâu
dài của các chuẩn. Tuy nhiên, các cuộc tranh luận về chuẩn của trường
phái chính thống làm tôi chán ngấy. Họ chẳng mang lại lợi ích gì cho xã
hội cả.
Sau này anh lập ra Liên hiệp Công nghệ
Phần mềm CSE thuộc Viện Vật lý và Công ty TDACO, khá thành đạt trong lĩnh
vực truyền thông. Tôi cũng chưa bao giờ hỏi tại sao hồi đó anh lại xử
sự như vậy với FPT. Không biết có ai đặt câu hỏi đó không? Tôi không tin
rằng ngoài chúng ta ra mọi người đều ích kỷ và chỉ biết có tiền.
Tuy nhiên sự kiện bi thảm trong lịch
sử phát triển của ISC phải là việc ra đi của anh Công. Vào thời điểm thành
lập Công ty tháng 9/1988, không ai có thể nghĩ đến việc anh phải chia
tay FPT trong một tư thế như vậy. Sau khi chuyển sang Giảng Võ, bắt đầu
có cảm giác không ổn trong việc phát triển Tin học ở FPT. Có lẽ tiên đoán
ra điều đó sớm nhất là anh Bình. Anh đã nhận ra rằng việc bán máy tính
sang Liên xô cũ tuy rất có lời nhưng chỉ là tạm thời. Thị trường trong
nước mới thực sự là nơi FPT có thể phát triển những tham vọng công nghệ
của mình. Nửa cuối năm 90, đội mktg do anh Phan Quốc Việt chỉ huy bắt
đầu chạy. Hợp đồng với Hàng Không Việt nam tương đối thành công đã làm
lung lay một cách đáng kể vị trí lãnh đạo về Tin học của anh Công. Bùi
Quang Ngọc nổi lên như một ngôi sao mới.
|
Mầm mống đầu tiên của sự chia tay là
quyết định tách ISC làm hai, một tiếp tục hướng cũ do anh Công lãnh đạo.
Một sẽ mang tên mới là IDAC (Informatic Development Application Center)
do anh Ngọc chỉ huy. Tôi còn nhớ như in buổi họp nặng nề hôm đó do anh
Công chủ trì có anh Bình tham dự. Từng người một tự quyết định mình ở
đâu. Trừ Trung Hà đã chính thức thôi làm tin học, Võ Mai, Bảo quyết định
chuyển sang IDAC. Còn mỗi mình tôi, anh Công nhìn tôi hy vọng. Than ôi,
tôi không thể chia sẻ với anh sự mất mát đó được. Tôi nghĩ anh bị tổn
thương lớn. IDAC tồn tại cũng không lâu. Tháng 5 năm 1992, khi đang ở
HCM làm cho Pacific Airlines, tôi được anh Bình gọi điện báo anh Công
đã quyết định chia tay FPT. Thực ra lúc đó mọi người đều cảm giác đó là
một việc tốt đẹp cho cả hai bên. Ban lãnh đạo FPT, kể cả tôi nữa, lúc
đó thực chất đã không hiểu vai trò của anh Công là gì trong cơ cấu mới.
Cho đến tận năm 1996. Sự phát triển liên tục của Tin học tại FPT những
năm 1993-1994-1995, ngoài việc mang lại lợi nhuận còn thường xuyên đặt
ra những câu hỏi nhức đầu. Tại sao chúng ta không chơi với ORACLE? tại
sao không dùng HP? không tham gia Internet? không thành công trong GIS?,
không có phần mềm nhân bản như BKED, ATV? .... Chẳng ai hiểu tại sao cả,
cho đến khi chúng ta nhận ra rằng FPT muốn dẫn đầu không thuần túy trong
doanh số mà thực sự trong việc ứng dụng các công nghệ. Trong thách thức
đấy, chúng ta thiếu người định hướng. Tôi vẫn nghĩ là anh Bình đã không
nhầm khi chọn anh Công làm cố vấn về Tin học. Sai lầm ở đây chỉ có thể
là vấn đề về tổ chức và quản trị, nỗi đau muôn thuở của những Giám đốc
nghiệp dư đầy ý tưởng sáng tạo. Và làm thế nào để hòa hợp về công nghệ
và thương mại?
Sau khi chia tay FPT, anh Công lãnh đạo
một trung tâm cũng có tên là ISC trên Viện Công nghệ (giờ là Bộ KH&CN).
Mang nặng mặc cảm bị đánh giá là không biết kiếm tiền, anh đã bỏ nhiều
công sức cho thương mại và đạt được những thành công đáng kể trong thương
thường (với tư cách cá nhân). Tuy nhiên anh phải trả giá đắt cho việc
làm những việc không phải là sở trường của mình. Gặp anh, tôi thấy anh
tiều tụy, không còn đầy hào hứng và phong độ khi hô anh em quét rác, dọn
nhà, lắp mạng như thời 224 Đội Cấn nũa, và cũng không có dáng vẻ oai vệ
của các giám đốc kinh doanh. Anh lại rủ tôi: "hay tao với mày lại
làm phần mềm đi". Tất nhiên phải làm chứ anh Công.
Sau khi chia tay anh Công, chúng tôi
lại lấy tên ISC, IDAC đã vĩnh viến biến mất không dấu vết vì nó chỉ là
hậu quả của một sự ngây thơ trong kinh doanh công nghệ. Đại bản doanh
của ISC ở Trường Giảng Võ. Cần phải nhắc lại rằng trước đó tất cả Công
ty đều ở Giảng Võ. Giai đoạn này thật vui. Ăn tập thể chia ra đĩa. Mỗi
bữa ăn là một trận cãi nhau nổ trời. Đặc biệt phải chú ý anh Trương Gia
Bình. Vì ăn có xuất mà anh lại ăn rất khỏe, nên thường quãng 11h anh đã
chuồn ra xơi một xuất trước. Xong đợi cho đến 12h15 anh mới chạy ra ngạc
nhiên: "Đã có cơm rồi cơ à" Và điềm nhiên xơi tiếp một xuất
nữa. Đôi lúc, nhìn quanh không ai để ý, anh trút luôn đĩa thịt của tay
bên cạnh vào mình. Tất nhiên những cấp dưỡng như em Hòa, chị Thịnh và
mọi người đều biết cả. Nhưng thấy xếp ăn được ai cũng mừng. Một khẩu hiệu
thường nghe thấy là "của chung ăn trước, của riêng ăn sau" đã
nuôi béo biết bao nhiêu thanh niên FPT vốn còm nhom thành những tên bụng
bự ngày nay. To mồm nhất trong các cuộc cãi vã là Nguyễn Chính Nghĩa,
còn gọi là Nghĩa đen. Đỉnh cao là cuộc chiến tranh vùng Vịnh đã chia rẽ
FPT sâu sắc thành hai phe: chống Mỹ và chống những ai chống Mỹ.
Năm 1991 là năm chia ly. Đầu tiên là
Zodiac tách ra. Sau đó HQ chuyển lên Lý Thường Kiệt. Chỉ còn dân Tin học
ở Giảng Võ. Có thể nói đó là nơi có nhiều kỷ niệm với anh em Tin học.
Chắc chắn sâu sắc nhất là Khắc Thành đã từng hai lần bị chó cắn nhưng
kiên quyết không chịu đi tiêm. Cuối năm 1993, đội kinh doanh của ISC quyết
định chuyển ra mặt phố ở 146 Nguyễn Thái Học. Một tụ điểm cũng khá gây
tai tiếng. Bà chủ nhà đã từng tuyên bố: "Tưởng các anh Tin học là
trí thức, ai ngờ giám đốc thì chửi bậy (chỉ anh Ngọc), nhân viên nam thì
đánh bài uống rượu (chỉ bọn Hoài, Tiến béo, Phan Minh Tâm, Hải kều), nhân
viên nữ thì ăn mặc hở hang (chỉ Mỹ Hương), lại còn ôm nhau (chỉ SonTT
và bồ)". Thật là một nhận xét sắc sảo. Do đó chưa được một năm thì
anh Ngọc chuyển lên Nguyễn Bỉnh Khiêm, rộng rãi và độc lập hơn.
Sau khi anh Ngọc đi ở Giảng Võ chỉ còn
bọn phần mềm và kho. Và tháng 7/1994 chúng ta có buổi liên hoan toàn bộ
phần mềm sơ kết 6 tháng đầu tiên tại nhà hàng Ngọc Khánh, ăn toàn món
ăn Tàu chưa bày ra đã hết. Tháng 8/1994, đến lượt phần mềm cũng phải rời
khỏi Giảng Võ. Nhờ có việc liên hệ mượn máy chiếu để tài trợ cho cuộc
thi hoa hậu, Phan Quốc Khánh có mối quen tại xưởng phim tư liệu Ngọc Khánh.
Tháng 8/1994 nhóm phần mềm tiền thân của FSS chuyển sang 115 Ngọc Khánh,
nằm ngay cạnh rạp chiếu phim. Cũng tại rạp chiếu phim này, ngày 31/12/1994
đã chính thức ra đời FSS (còn có tên nữa là ABC: Accounting Banking and
Communication). Thực ra ban đầu anh Bình muốn thành lập một bộ phận kiểu
như đặc nhiệm có khả năng bao hết mọi vấn đề từ hardware cho đến maintenance,
nhưng chỉ nhằm 1,2 khách hàng chiến lược. Tuy nhiên tôi và Khánh đã quá
gắn bó với phần mềm để có thể nghĩ đến một cái gì khác và anh Bình cũng
nhượng bộ. Sau khi đã có quyết định thành lập bộ phận phần mềm, chúng
tôi nghĩ mãi vẫn chưa được tên nào ưng ý. Cuối cùng sau chuyến đi công
tác lên Lâm Thao của Khánh, chúng tôi thống nhất gọi là Xí nghiệp các
giải pháp phần mềm. Đặt tên là Xí nghiệp, chúng tôi mong muốn nhấn mạnh
tính sản xuất chứ không đơn thuần là Value Added Services. Khắc Thành
sau nghĩ thêm tên tiếng Anh là ABC. Tuy nhiên không được anh Bình chấp
nhận.
Một nhân vật mà tôi rất muốn nhắc đến
nữa là Trần Ngọc Trí. Trí là ngôi sao của K30 Đại học bách khoa Hà nội.
Khi còn là sinh viên anh đã tham gia đề án Typo4, được phân công viết
phần tự động nhận/chuyển bài đến nhà in và đã được anh Long đánh giá cao.
Tốt nghiệp xong anh về FPT và làm náo động dư luận bằng việc mời anh em
đi ăn cưới ngay trong tháng đầu tiên của cuộc đời công chức. Tôi nhớ đến
trường hợp của bản thân, công ty thành lập ngày 13/9, tôi cưới vợ ngày
25/9. Sau này trong lúc thân tình anh Bảo mới hé mở: "hồi đó lão
Công chửi mày, chưa làm được gì đã cưới vợ". Trí thì may mắn hơn
vì lúc đó anh đã làm được nhiều thứ. Anh lập tức được triệu vào đội lập
trình cho ngân hàng công thương rồi Phòng vé HKVN. Với năng khiếu thẩm
mỹ và sáng tạo, có thể nói anh đã tạo ra các thư viện giao diện cho tất
cả các chương trình mà chúng tôi viết hồi đó. Anh cũng rất mê tiếng Anh
và ham đọc sách. Anh là người đã viết lại chương trình bán vé cho HKVN
trên SCO-Fox, chạy qua terminal. Cũng không đến nỗi chậm lắm. Tóm lại
là một ngôi sao mới nổi của ISC. Sau khi xảy ra vụ chia ISC-IDAC, Trí
tiếp tục làm với anh Công trên UNIX. Khi anh Công chia tay FPT, anh cũng
đã lưỡng lự rất lâu trước khi quyết định đi cùng với anh Công, có lẽ anh
vẫn nặng nghĩa với người đã từng hướng dẫn mình và có lẽ anh vẫn còn vương
vấn con đường học vấn. Tôi còn nhớ là khi anh Bình thông báo cho tôi chuyện
anh Công, điều làm anh tiếc nhất là sự ra đi của Trí. Khi tôi ở HCM ra,
Phan Minh Tâm có nói chuyện rằng Trí vẫn muốn ở lại FPT. Tôi và Tâm có
gặp Trí, nhưng anh buồn rầu thông báo rằng mọi chuyện đã muộn rồi. Nhưng
không hẳn là thế. Cuối năm 1992, anh lại quay lại ISC. Tôi cũng không
hỏi vì sao. Có lẽ anh vẫn luyến tiếc đội ngũ anh em đã từng cùng chiến
đấu. Và Trí lại xông vào trận chiến với Nhà máy Phân đạmHà bắc, hợp đồng
phần mềm đầu tiên của FPT với một đơn vị sản xuất. Đề án này phá mọi kỷ
lục về thời gian thực hiện, giá tiền/quy mô công việc, số người tham gia.
Chính nó đã sản sinh ra chương trình QLVT nổi tiếng của anh Lê Quốc Hữu.
Tuy nhiên số anh không yên vị được lâu. Sau khi trụ sở FPT chuyển lên
25 Lý Thường Kiệt được ít lâu, anh Bình cho rằng đã đến lúc phải làm ăn
bài bản. Và anh lập ra phòng Kinh doanh để đảm đương việc đàm phán, lập
kế hoạch và nhập hàng. Thích hợp nhất cho việc đó là anh Võ Mai. Mặc dù
anh Ngọc không đồng ý lắm, nhưng anh Mai vẫn bị bốc lên ngồi ở HeadQuater
(theo cách gọi của Hùng Râu là Het-quát-to). Được chừng 1 năm, vì công
việc đòi hỏi, anh Mai được phân sang Singapore quan sát tư bản giãy chết.
Sau khi cân nhắc, Trần Ngọc Trí được bổ sung vào phòng kinh doanh do anh
Đào Vinh rồi anh Ngọc làm trưởng phòng. Mặc dù được anh Bình hết sức quan
tâm và đã có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng nên bộ mặt
quảng cáo hấp dẫn của FPT, Trí vẫn có vẻ không phù hợp với công việc.
Cuối năm 1994, ISC đã lớn mạnh đến mức cơ cấu tổ chức của nó không phù
hợp nữa. Buổi họp lịch sử ngày 20/12/1994 đã chấm dứt sự tồn tại của ISC,
đóng lại một trong những chương hào hùng nhất của FPT-Tin học. Từ ngày
đó, Tin học sẽ không chỉ còn là một phần, dù là đáng kể chăng nữa, mà
trở thành toàn bộ sự nghiệp của FPT. Từ ISC đẻ ra bốn đứa con, đó là FIS,
FSS, FCO, FCD. Năm 1996, thêm FSI. Các bộ phận mới thực sự đã tiếp thêm
nguồn sinh lực mới cho Công ty, biến năm 1995 thành một trong những năm
thành công nhất về kinh doanh. Nhưng cũng đặt ra những câu hỏi nhức đầu
nhất về tổ chức, quản lý và tài chính. Vượt qua được những khó khăn ấy,
chắc chắn FPT sẽ có thêm động lực để phát triển.
Quay về Trần Ngọc Trí, nhân sự cải tổ
ISC, anh làm đơn xin bỏ phòng Kinh doanh. Anh có hỏi tôi là nên về đâu,
FSS hay FIS. Tôi chẳng biết khuyên thế nào. Thực tình tôi luôn muốn có
Trí, nhưng tôi biết anh Hữu cũng đang rất muốn điều đó. Tôi dành phần
quyết định cho Trí. Và anh xin về FIS. Rất bất ngờ, chỉ 3 tháng sau, anh
xin ra khỏi FPT, chuyển sang một công ty nước ngoài. Mặc dù có biết là
anh có những vấn đề không hài lòng, đặc biệt là do những lần chuyển đi
chuyển lại trong công ty, anh có chịu nhiều thiệt thòi về thu nhập. Và
công việc của anh không phải lúc nào cũng đủ độ hấp dẫn và thách thức.
Tôi vẫn có cảm giác bất ngờ.
Gần đây mới thấy anh xuất hiện lại cùng
FPT trong Trí tuệ Việt nam với cái tên NET.TRITN. Chắc chắn là không nhiều
thần dân TTVN biết rằng chính Trí là tác gỉa của logo Trí Tuệ Việt nam
hình bản đồ đất nước với dải lụa bao quanh. Đó là quãng tháng 4/1995.
Và logo này đã được sử dụng trong buổi giới thiệu sản phẩm NICS (anh em
ruột của TTVN) lần đầu tiên do FPT tổ chức. Mỗi khi nhìn logo đó tôi lại
nhớ đến mấy câu thơ học từ lớp một:
Tổ quốc ta đẹp lắm
Cong cong hình lưỡi liềm
Trên núi cao trùng điệp
Dưới biển sóng mênh mông
Những cánh đồng phì nhiêu
Nằm phơi mình ở giữa
Những con sông xanh hồng
Uốn quanh trăm giải lụa
Không biết anh có cùng chung ý nghĩ khi
sáng tác ra nó không?
Có thể nói Trí là người duy nhất đã trải
qua tất cả các cơ cấu Tin học của FPT. Con đường của anh phần nào đó đã
phản ánh những mâu thuẫn đầy rẫy trong sự phát triển của Tin học Việt
nam những năm 1990-1995. Tôi tin rằng chỗ đứng hiện nay của anh tại Digital
vẫn chưa là chỗ đứng cuối cùng. Chỉ hy vọng là anh vẫn giữ những ấn tượng
đeẹp đẽ về FPT, nơi anh đã có quá nhiều kỷ niệm vui buồn.
Năm 1991, FPT HCM chính thức đi vào hoạt
động. Anh Hoàng Minh Châu, giám đốc chi nhánh là dân kỹ thuật. Có lẽ trong
tay anh cũng đã có hàng chục chương trình phần mềm để kiếm sống. Vì thế
cũng dễ hiểu khi ngay lập tức anh bắt tay vào xây dựng đội ngũ software
cho chi nhánh. Khác với anh Bình, anh Châu quan điểm: không cần định hướng
nhiều lắm, mình chỉ làm ứng dụng, việc gì mà chẳng làm được. Cần nhất
là có khách hàng, nếu không làm được thì thuê. Trung thành với bản thân,
anh ký ngay hợp đồng làm chương trình cho Pacific Airlines, công ty hàng
không cổ phần đầu tiên và duy nhất ở Việt nam. Tôi được cử vào làm phần
bán vé và giữ chỗ. Cả đội ngũ kỹ thuật của FPT HCM hồi đó có mỗi Mai Sung.
Phải nói đây là nhân vật hết sức đặc sắc. Mặc dù không hề có một sự đào
tạo cơ bản nào về tin học, anh đã nhanh chóng làm chủ tất cả những công
cụ tin học cả phần mềm cũng như phần cứng. Một con virus, modem không
chạy, card mạng chập chờn, hay Visual Basic lộn xộn, Web server có vấn
đề,... Tất cả Mai Xung đều có thể giải quyết. Thật là một con người tài
ba, xứng đáng là Trí tuệ Việt nam tay không bắt giặc. Lại nói về phần
mềm, hồi đó anh Châu đang kéo Quốc Hùng từ bên Đại học kinh tế sang. Tôi
có hứa sẽ mời Tuấn Hùng đang cộng tác với AppInfo. Trong hợp đồng với
Pacific Airlines, anh Châu trực tiếp viết và triển khai phần kế toán.
Phó Giám đốc Ngô Vi Đồng cũng phải xắn tay áo đi dây mạng cho phòng vé
Lê Thánh Tôn và trụ sở 27 Nguyễn Đình Chiểu. Một thời hào hùng. Anh Châu
còn tâm sự: "trước làm lẻ kiếm được nhiều hơn nhiều, bây giờ vẫn
phải thỉnh thoảng về nhà lén lấy vài chỉ đi tiêu. Nhưng sướng hơn".
Đấy cũng là cảm hứng cho bài hát: "Miền Nam chúng em xiết bao tài
nguyên phong phú".
Cho đến khi tôi, Thành, Phương vào cùng
làm hợp đồng cho EximBank và VietsoftPetro, FPT-HCM đã có đội phần mềm
chuyên gồm Tuấn Hùng, Quốc Hùng, Bảo Lâm (cùng năm với Phan Minh Tâm,
từ ngoài Bắc chuyển vào theo gia đình). Lúc đó còn có em Yến, rất chịu
chơi. Ai dè một thời gian sau em bỏ sang GenPacific, nghe đồn là còn copy
cả chương trình EximBank. Hiện tại Yến đang làm cho ORACLE tại HCM.Từ
đội ngũ ban đầu đó, FPT-HCM Software đã thực sự lớn mạnh với những lớp
đàn em rất nổi tiếng như Phong, Dũng nhỏ, Khiêm, Minh, Thọ,... và nhiều
người nữa tôi không biết. Chỉ tiếc rằng có lẽ anh Châu vẫn chưa đủ độ
tin tưởng để có thể coi phần mềm như một mũi nhọn về kinh doanh của FPT-HCM.
Anh hài lòng với việc là một trong số ít ỏi những công ty có khả năng
dùng phần mềm để nuôi phần mềm. Nhưng đối với một số anh em đã đa mang
với ngành, mục tiêu quá khiêm tốn như thế chưa đủ để kích thích sự tìm
tòi và sáng tạo. Biết anh Châu đã lâu, rất kính phục tài kinh doanh và
khả năng nhạy bén trong kỹ thuật của anh, tôi vẫn cảm thấy còn quá nhiều
điểu chưa hiểu hết anh.
Việc phát triển phần mềm ở Tp HCM, nơi
chiếm 75% thị trường tin học của cả nước, thực sự là một sự băn khoăn
lớn đối với tôi. Tại sao lại không thể có sự kết hợp chặt chẽ giữa hai
bộ phận, thực chất là cùng một công ty? Được rèn luyện bằng Typo4, ngay
từ đầu tôi đã hoàn toàn tin tưởng rằng chỉ có sự hợp tác thật sự mới có
thể làm nên chuyện lớn trong việc phát triển phần mềm. Nhưng không phải
ai cũng chia sẻ điều đấy. Các nhà lãnh đạo thì luôn luôn lo mất uy tín,
không có danh. Anh em kỹ thuật thì tự ái. Cái gì mình chẳng làm được,
việc gì phải hợp tác với người khác. Anh Long Việt kiều đã có lần nói
với tôi: "Nếu các anh muốn kiếm việc gì mà chưa có ai làm cả, chắc
phải quay ngược lại thời gian". Từ năm 1991, chúng tôi đã có ý định
tập hợp tất cả những anh em lập trình lại dưới một danh nghĩa nào đấy.
Buổi gặp mặt đầu tiên được tổ chức ở nhà anh Đinh Thế Lam (hiện là giám
đốc Tin học của Thiên Nam), còn có anh Quân (Viện Tin học) lúc đó đang
là người phụ trách đề án Tin học hóa Bộ Tài chính, anh Hùng hiện là phó
cho anh Lam, anh Dũng (lúc đó đang ở AIC, bây giờ phụ trách Vitranet).
Sau có thêm anh Lộc, Quang Sơn. Mọi người đều nói về sự cần thiết của
việc tập hợp lực lượng, tiếc thay chẳng ai có kế hoạch gì cụ thể. Thành
viên của nhóm này đều được anh Lộc đưa vào danh sách của VinaSoft Group
để đấu thầu cho vụ EC như đã nhắc đến ở trên. Cuộc đời đưa đẩy cuối cùng
cũng chẳng còn ai mạo hiểm gắn bó với phần mềm ngoài Lê Minh Quốc, giám
đốc VietSoft. Anh em đã từng làm ởAIC, AppInfo, 3C, Idea chắc chắn đều
còn nhớ đến anh. Mặc dù chưa lần nào có việc hợp tác cụ thể với Quốc,
tôi rất thích cách đặt vấn đề rõ ràng và một sự đam mê sâu sắc của anh.
Trong một lần đi thăm một công ty phần
mềm nước ngoài, tôi đặc biệt chú ý đến các khẩu hiệu họ dán lên tường
cho nhân viên: "Open Mind!". Tạm dịch là "Hãy mở rộng Tư
duy". Chỉ có qua các cuộc cọ xát, trao đổi, hợp tác với khách hàng,
với đồng nghiệp và người cạnh tranh, người lập trình mới có thể kiểm tra
đánh giá mình một cách chính xác nhất. Năm 1991, khi AppInfo đang tiếp
tục triển khai hợp đồng cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, tôi đã nhận
lời mời của anh Nguyễn Long vào đó làm chương trình cho kho hàng, tạm
thời giải phóng cho Kiên nghỉ dưỡng sức sau đợt triển khai phòng vé khá
vất vả. Vốn không tài làm chi tiết, tôi chỉ làm cái khung rồi giao lại
cho Tuấn Hùng và Cơ lúc đó đang làm cộng tác viên cho AppInfo phát triển
chương trình. Có lẽ Hùng & Cơ chưa nhận thức được điều đó nên không
dám sửa. Tất nhiên chỉ vài tháng sau là chương trình không phù hợp nữa.
Kiên già lại phải bay vào làm lại từ đầu. Dù sao cũng đã mở đầu một sự
hợp tác về phần mềm giữa FPT và một công ty khác. Thành công nhất là giai
đoạn có đội phát triển chung giữa FiBI và FPT. Chúng tôi đã cùng nhau
làm được nhiều việc, có hiệu quả kinh tế cao, anh em gắn bó chặt chẽ và
đoàn kết. Từ đó trở đi chưa có sự kết hợp nào có thể kể ra được nữa.
Chúng ta cùng nhau xây dựng một cái tên
chung, tự hào là người FPT. Nhưng đó cũng là một trở ngại lớn cho việc
hợp tác. Người FPT thường không quen được với ý nghĩ là mình có thể đóng
góp cho một sự thành đạt nào đó mà không phải là FPT. Trong một ngành
công nghiệp đòi hỏi kiến thức như lập trình, không có công ty to và công
ty nhỏ, chỉ có sự đam mê và sáng tạo mới là thước đo để đánh giá, để hợp
tác.
(còn nữa) |