Sang sông (3) – Phan Rô  
 

(Post 30/11/2005) Tôi mở tệp dữ liệu ra và nhìn thấy cơ man dữ liệu là dữ liệu. Mới liếc thoáng qua, tôi đã biết ngay đó là dữ liệu gốc, ở dưới dạng con số, sắp xếp thành những bảng vô cùng ngăn nắp. Thôi thì không ăn cắp được chương trình, ăn cắp được dữ liệu cũng tốt…

Nghe thấy hai tiếng “tiền chùa”, tai người lái thuyền vểnh lên. Nhưng nhà sư đã dừng câu chuyện. Người lái thuyền dụi dụi mắt, ngáp vài cái, đoạn mở nút lá chuối, tu một ngụm cuốc lủi, “khà” một tiếng, rồi ồ ồ ngân nga cái giọng vịt đực của mình:

Một tờ... đô... xanh,
Chấm thêm... cục... vàng,
Màu xanh dương, chấm thêm vàng, thế là... man man.
Một màu đen... đen,
Một màu trắng... trắng,
Màu đen-trắng lẫn lộn nhau, ôi... mơ màng.

Tai hại! Giọng lè nhè của người lái thuyền dễ làm cho người nghe bị ngộ nhận “mơ màng” thành “mỡ màng”. “Trần Tiến hả?” – Nhà-hoạch-định-chiến-lược hỏi. “Vầ..â..âng. Và sau đây!... Xin giới thiệu... nhạc sĩ... Thanh... Thanh Tùng” - người lái thuyền ề à đáp. Rồi y lèm bèm hát, chẳng ra đầu đũa:

Nếu anh nói, anh bắt Năm Cam
Là thực ra, anh đang dối mình.
Còn anh nói, anh trói Năm Cam rồi,
Là thực ra... Năm Cam trói anh.

Không khí trên thuyền như trầm đi, không ai nói với ai câu nào, cho đến khi Thám tử đằng hắng, kể cho cả thuyền nghe một câu chuyện kỳ bí.

Chuyện kể của Thám tử

Tôi theo nghề thám tử tin học một cách tình cờ. Ban đầu chỉ do những mày mò, nghịch ngợm. Hồi ấy, tôi thường ngầm thi đấu trò chơi với thằng em trai. Tôi đi học buổi sáng, nó đi học buổi chiều, cả hai cùng hay chơi một trò chơi tính điểm trên chiếc máy PC trong gia đình. Thật kỳ lạ, hầu như bao giờ kỷ lục của tôi cũng bị nó phá, không tồn tại nổi 24 tiếng đồng hồ. Mà phá quá khéo! Nó toàn hơn tôi 10 điểm. Tôi ức kinh khủng, vì có lần đã cố vượt lên hẳn 300 điểm – hôm ấy đánh lên tay, cứ như “nhập đồng” vậy – nhưng đến lúc đi học về, bật máy lên, vào trò chơi đã thấy tên nó chình ình trên bảng xếp hạng, hơn tôi đúng... chục điểm.

Nghi chú em ăn gian, tôi quyết tầm sư học đạo “báo thù”. Phải nhịn ăn sáng hai hôm, phải đi “đút lót” thằng T. “ngố” hai cái đĩa mềm, nói vã bọt mép, nó mới chịu bày cho tôi cách tác động vào tệp ghi bảng kết quả. Tôi hớn hở thực hiện, sửa lại các con số trong bảng sao cho tôi hơn cái thằng em “trời đánh thánh vật” kia hẳn 100 điểm cho bõ tức. Nhưng chỉ được một hôm. Hôm sau, hôm sau nữa, cho dù tôi đã sửa kết quả, trên màn hình vẫn luôn hiện ra một bảng thông báo đỏ lòm (tôi dốt tiếng Anh nên “bỏ qua!”), và thế là công sửa của tôi trở thành công cốc: thằng em vẫn đứng trên tôi, lần này hơn những... 1.000 điểm. Hỏi cái thằng thầy T. “ngố”, nó cũng chịu, cứ líu la líu lô, mãi sau phải hỏi thằng K. “hâm” mới sáng ra: chú em tôi đã đổi tệp kết quả thành tệp chỉ-đọc để cản tôi. Thế nên, cuộc chiến cuối cùng chả đi đến đâu. Về sau, tôi đổi phương châm đối đầu ra đối thoại, hòa hoãn và học mót được nhiều điều bổ ích. Đâm ra, vẫn đạt được cái mục đích tầm sư học đạo đề ra từ lúc trước, có điều, ở đây chính là thằng em mình.

Còn hơn thế, khi chú em trúng tuyển đi du học ngành nấu bếp (nó kết ngành này vì có tương lai hơn), tôi phải vận dụng những lời có cánh, nó mới ngoan ngoãn bàn giao cho tôi quyển sổ tay ghi chép chi chít các thủ thuật, toán pháp cao cường. Tôi đọc (và quan trọng nhất là phải thực hành cật lực) suốt gần nữa năm mới thủng. Còn những gì không hiểu, tôi viết thư hỏi thêm nó dần dần.

Một lần, bà thím tôi bị kẻ trộm cắt chấn song cửa hàng vàng, khuấn mất chiếc vi tính, sau nhờ các anh công an tìm lại cho, nhưng khốn khổ, cuốn sổ nợ bà lưu trong máy không làm sao mở ra được, vì bà quên mất mật khẩu. Đấy, cẩn thận lắm vào, nhiều khi đâm ra chết dở! Nhờ có quyển sổ tay nọ, tôi đã mò ra mật khẩu của bà. Bà khen tôi nức lời, và cố nhét vào túi áo tôi năm chục “để mày ăn quà”. Thực ra, công đầu thuộc về thằng em tôi, vì trong quyên sổ, nó viết: “...những bà bán vàng thường hay đặt mật khẩu là 4so9 (bốn số chín)...”.

Lần khác, các anh công an điện thoại tìm tôi – qua sự giới thiệu của bà thím - nhờ “chút đỉnh”. Tôi lên đồn và chứng kiến mấy anh trong Đội chống buôn lậu đang cởi trần đánh vật với chiếc PC tang vật. Chủ nhân của nó đã cài mật khẩu ngay từ lúc bật điện nguồn. À, chuyện vặt! Tôi hý hoáy tháo pin CMOS ra, dí vài nhát điện, ngồi nhâm nhi cốc cà phê đen đá. Bật điện lại, máy chạy ngay. Tuy nhiên, vẫn lại gặp cái trò đặt mật khẩu cho một tệp khả nghi, có tên là “nhập hàng”. Một anh công an gợi ý “Hay là nó đặt mật khẩu theo tên vợ, tên con nó?”. Thử một chặp, chả ăn thua gì. Tôi lần giở quyển sổ thần kỳ, thấy một dòng chỉ dẫn ghi nguệch ngoạc. Tôi dứt khoát đề nghị các anh công an tra hỏi xem đối tượng có quan hệ với cô gái nào không. Tên này ngoan cố không chịu khai. Khám trong ví của hắn, thấy có tấm ảnh một cô gái có nước da bánh mật, ký loằng ngoằng phía sau là B. Tuyết (chắc là Bạch Tuyết), nhưng hắn khăng khăng khai là không quen biết cô ta, chỉ “do tình cờ nhặt được tấm ảnh, thấy hay hay thì giữ lại, thỉnh thoảng giở ra xem chơi”. Tôi cùng mấy anh công an thử đưa mật khẩu tuyet, bachtuyet, rồi tuyeets vào, đều không được. Về sau, tôi dùng kính lúp soi thật kỹ, phát hiện ra 3 điểm đáng ngờ. Điểm thứ nhất, cô ta có một chiếc sẹo nhỏ bên dưới mí mắt phải, cho nên tôi thử mở bằng mật khẩu tuyetseo. Không ăn thua. Thứ hai, hàm rằng của cô ta hơi bị vẩu, nên tôi thử mở bằng mật khẩu tuyetvau. Cũng chẳng ăn ảnh. Để ý kỹ, cô này mắt một mí, vậy thì phải thử cả tuyetmotmi nữa. Vẫn không được. Cuối cùng, tôi liều thử tuyet1mi. Một phát ăn ngay. Thì ra, một nguyên tắc căn bản khi đặt – và khi dò - mật khẩu là nhớ kết hợp cả chữ cái và con số.

Lần thấm đòn nhất là lần giúp một doanh nghiệp đi ăn cắp chương trình phần mềm. Hồi ấy, ở tỉnh X. người ta phát hiện ra mỏ khí đốt to tướng ngoài biển. Một doanh nghiệp được giao nhiệm vụ quản lý tài nguyên mời một đoàn chuyên gia nước ngoài vào tư vấn. Họ đến và giới thiệu một phần mềm siêu đẳng: cứ như bạn đang chu du trên một chiếc tàu ngầm tí hon dưới đáy biển vậy, đi đến đâu biết thông tin đến đấy. Đủ hết: độ sâu, hướng gió, khí áp, dòng chảy... Quân mình mê tít thò lò, nhưng khi nghe phát giá, ai nấy đều thò đầu rụt cổ vì đắt quá. Tối hôm đó, các nhà tư vấn được mời đi ăn cơm và xem biểu diễn nghệ thuật. Dụng ý là quân ta sẽ cử người đột nhập phòng ngủ trong khách sạn để “mượn tạm” chiếc máy tính xách tay trong vài tiếng đồng hồ. Tôi, với tư cách là thám tử tin học, được bố trí ngồi trong một ga-ra ô-tô cách đó không xa, xung quanh có hai dàn máy bật sẵn, các đạo cụ bày la liệt. Chúng tôi cẩn thận chuẩn bị cả một chiếc máy phát điện cỡ nhỏ, đề phòng mất điện

Thám tử thứ nhất báo về từ khách sạn: “Vẫn đang mò mẫm, không dám bật đèn. Chưa thấy chiếc xách tay đâu cả”. Thám tử thứ hai bám theo đoàn, báo về: “Đã nhìn thấy chiếc xách tay. Tay trưởng đoàn kè kè đeo máy bên mình. Đi toa-lét nhẹ, hắn cũng mang máy theo”. Tôi nghe ai đó thở dài sườn sượt. Không ổn rồi! Được một lúc, may quá, thám tử thứ nhất lại lên tiếng: “Đã mở cửa tủ. Có một hộp nhựa đựng đĩa mềm bên trong, nhưng không mở được hộp. Hộp đĩa bị khóa. Chưa tìm thấy chìa khóa”. Thế này thì ăn mày cả nút! Tôi gằn giọng nói nhỏ vào máy bộ đàm: “Cứ mang cả hộp đĩa về đây!”. Mười phút sau, chúng tôi đã có hộp đĩa ước mơ trước mặt. Một thám tử nhanh nhẹn dùng dao kim cương cắt đít hộp, lôi ra gần 50 chiếc đĩa mềm.

Tôi hối hả copy dữ liệu vào đĩa cứng, nhưng vô hiệu. Các chú Tây ranh như rận, đã kịp sử dụng một thủ thuật chống copy trên đĩa mềm: tạo ra một rãnh không theo khuôn dạng thông thường, khiến cho lệnh copy của DOS 6.22 bị khựng lại. Tôi đành dùng công cụ DiskDup để sao chép từng đĩa mềm một. Ba tiếng đồng hồ thì chép xong đống đĩa đó. Thám tử thứ nhất nhét toàn bộ đĩa vào hộp, dùng keo “Con voi Pro” dán đít hộp đĩa lại, phớt một lớp cát mỏng lên đít đĩa trông “cho nó cu cũ một tí”, sau đó mới đặt nó trở về vị trí cũ trong khách sạn. Có tiếng thám tử thứ hai thì thầm: “Buổi biểu diễn đã kết thúc. Cả đoàn đang lên xe đi về khách sạn. Có cần cho ô-tô đâm vào dây thép gai để xịt lốp không?”, “Không cần, mọi việc ổn cả rồi!”

Tôi thức trắng đến năm giờ sáng, viết một phần mềm hợp ngữ dò xem cái rãnh chết tiệt kia là rãnh thứ mấy. Tôi vẫn còn nhớ như in, đó là rãnh thứ 126. Chín nút. Mệt quá, tôi lăn ra ngủ thiếp đi. Khi tỉnh dậy, thấy cậu trợ lý của tôi nhe răng cười toe toét: “Anh siêu quá. Em đã copy được cả đống dữ liệu ra ổ cứng rồi”, “Đâu nào?”, “Báo cáo anh, bọn này nén cả dữ liệu, nhưng em đã giải nén rồi. Đây anh ạ”. Tôi mở tệp dữ liệu ra và nhìn thấy cơ man dữ liệu là dữ liệu. Mới liếc thoáng qua, tôi đã biết ngay đó là dữ liệu gốc, ở dưới dạng con số, sắp xếp thành những bảng vô cùng ngăn nắp. Thôi thì không ăn cắp được chương trình, ăn cắp được dữ liệu cũng tốt.

Mười giờ sáng hôm sau, chúng tôi gọi điện thoại cho vị giám đốc doanh nghiệp nọ, đề nghị cử chuyên gia đến để ghi nhận kết quả . Theo hợp đồng, doanh nghiệp hứa sẽ bù đắp cho chúng tôi một món tiền “lại quả” kha khá. Năm phút sau đã thấy giám đốc cùng hai chuyên viên phi ô-tô đến. Cả ba cười, trông cực kỳ rạng rỡ. Nhưng rồi, mới xem dữ liệu chừng được hai phút, tôi đã thấy mặt ông giám đốc méo xệch đi. Ông ôm đầu kêu lên, giọng ú a ú ớ: “Bắt... bắt lấy chúng nó! Chúng nó ăn cắp dữ liệu của mình!”. Chúng tôi cắp báo điện thoại cho phía công an, yêu cầu sân bay quốc tế ngừng làm thủ tục cho đoàn chuyên viên kia bay về nước. Nhưng không kịp! Máy bay của họ đã cất cánh trước đó 10 phút. Nghe đâu, mãi về sau này cũng không tài nào phát hiện nổi, tại sao họ lại có trong tay các dữ liệu quan trọng như thế của quân mình.

(theo Tin học & Đời sống - còn nữa)


 
 

 
     
 
Văn hóa - Giáo dục khác:


Sang sông (2) – Phan RôSang sông (1) – Phan Rô
Lá thư từ Ca-na-đaKhuyến khích mở đại học trong các tập đoàn, các doanh nghiệp lớn
Huyền thoại phố phường (4) – Phan RôHuyền thoại phố phường (3) – Phan Rô
  Xem tiếp    
 
Lịch khai giảng của hệ thống
 
Ngày
Giờ
T.Tâm
TP Hồ Chí Minh
Hà Nội
 
   
New ADSE - Nhấn vào để xem chi tiết
Mừng Sinh Nhật Lần Thứ 20 FPT-APTECH
Nhấn vào để xem chi tiết
Bảng Vàng Thành Tích Sinh Viên FPT APTECH - Nhấn vào để xem chi tiết
Cập nhật công nghệ miễn phí cho tất cả cựu sinh viên APTECH toàn quốc
Tiết Thực Vì Cộng Đồng
Hội Thảo CNTT
Những khoảnh khắc không phai của Thầy Trò FPT-APTECH Ngày 20-11