(Post 26/11/2005) Càng học,
mới càng thấy xung quanh mình có nhiều cao thủ. Bần tăng đang mày mò làm
bộ gõ chữ Nôm, và tìm cách làm chương trình nhận dạng chữ Hán-Nôm. Dùng
tiền chùa cả thôi…
Chuyện kể của Học trò
Nghe chuyện của các anh, em thấy thèm
quá. Em ngày xưa hoàn cảnh lắm, không được học, phải bỏ ngang, theo ông
chú vác mỏ hàn chữa ti-vi kiếm sống. Học mót được một ít võ. Đến
hồi vi tính lên ngôi, em xin vào làm ở cửa hàng T.X. “Ông chủ”
“già” hơn em 5 tuổi, thử tay nghề bằng cách bảo em chữa một bộ nguồn máy
tính khách vừa mang đến. Loay hoay thế nào mà em chữa được (đâu như chỉ
cháy cầu chì), được nhận vào làm. Cứ táy máy nghịch ngợm, dần dần em cũng
nắm vững “yếu lĩnh” của vi tính: có hơn chục bộ phận ráp vào nhau thôi
mà. Cài phần mềm, ban đầu em không biết làm, tiếng Anh thì một chữ bẻ
làm đôi không biết, nhưng rồi làm mãi cũng hóa quen. Buổi tối, em ngồi
chép lại các câu thông báo tiếng Anh của uyn-đâu (Windows) để biết
cách xử trí khi gặp chúng nó. Đến giờ thì có thể nói, em đã biết
rôm, ram, xê-pê-u, mô-nít-to, cạc này cạc nọ. Không những thế,
em còn mày mò tháo máy in (pờ-rin-tờ), u-pê-ét, mau (mouse) ra
xem, chủ yếu xem các bảng mạch. Máy in kim chẳng hạn, có một cái lổ nhỏ
phía sau chuột rất hay chui vào và “tè” ở đó. Nhiều khi chỉ cần lấy giấy
ráp đánh sạch chổ bẩn và hàn lại vài thứ là ngon. Sau tết, trời
nồm, động tác chữa máy chủ yếu là sấy khô các bảng mạch bằng một cái máy
sấy tóc. Lần hồi như thế, hiện nay em đã có một cái vốn tri thức kha khá
về máy tính. Em xin phép “ông chủ” hạ sơn, về quê lập nghiệp.
Em nghĩ, đất Thủ đô nhiều anh tài, mình
không chen chân được. Về các thị xã, thị trấn em có cơ hội làm trùm.
Quả thế thật. Ở đấy thuê nhà cũng rẻ hơn. Em làm cả phô-tô-co-py, dạy
thư ký đánh máy, dạy lãnh đạo cách lấy thư điện tử, diệt vi-rút (tính
công theo số lượng con vi-rut bị diệt!), buôn bán máy cũ, sao chép đĩa
CD, mở Internet cà phê cho học sinh chat... Em tư vấn cho các trường
học mua máy cũ rẻ tiền. Tiền trao cháo múc, khỏi bảo hành. Vụ hè vừa rồi,
sơ sơ em cũng làm được vài chục công. Bây giờ, em đã có cửa hàng
riêng 3 tầng. Chúng em ở trên tầng ba. Vợ em kiêm luôn kế toán, thủ quỹ.
Em thuê dăm cậu trẻ tuổi. Con cháu các vị chức sắc ở địa phương, phải
nói khó mãi, em mới nhận kèm cặp. Vợ em giục em đi học lấy cái bằng kỹ
sư. Cũng là do tự ái, bực mình.
Chuyện là một lần, đang giữa trưa thì
có một chiếc ô-tô con đỗ xịch trước cửa nhà em. Anh lái xe bê chiếc máy
tính vào, theo sau là ông giám đốc và cô kế toán, mặt mày nhợt nhạt. Hỏi
ra, chương trình kế toán không chạy. Nó hiện ra thông báo, đại ý là file
dữ liệu bị hỏng (corrupted). Ông giám đốc đã nhờ mấy anh kỹ sư
tin học ở phố huyện giúp. Không giải quyết nổi. Ông ấy hoảng hốt nói,
trong máy có số liệu kế toán của 5 năm qua, và chì chiết cô kế toán chủ
quan, chả bao giờ chịu cóp dữ liệu ra đĩa mềm, nếu em làm cho máy
chạy thì ông ấy trả 5 triệu. Em chả biết gì về lập trình, nhưng nghĩ,
mình cứ cố gắng, chắc ông trời ông ấy thương. Mấy hôm trước, em vừa mua
quyển sách FoxPro nên mang sách ra giở bừa, như kiểu bói toán. Chẳng ngờ
mình ở hiền gặp lành, vớ được đoạn nói về các file sao lưu của
FoxPro. Thế là em tìm file có đuôi bak và đổi tên file
này thành file dữ liệu. Máy chạy, phải nói là, vù vù. Em gặt 5
triệu – mua quà cho các cháu, ông giám đốc bảo thế - lại được khen
là chuyên gia lập trình, giỏi hơn mấy anh trên huyện. Có tiền, em quyết
định nghe lời vợ ôn thi đại học tại chức. Trước hôm đi thi, vợ em ghé
qua thầy giáo biếu cô giáo gói quà và cái phong bì. Em đỗ. Chỉ ba bốn
năm nữa là em có bằng. Hưởng ứng phong trào thi đua, vừa rồi em giúp cả
lớp lắp ráp máy vi tính (chúng nó chỉ việc chi tiền mua linh kiện), tiết
kiệm cho mỗi đứa 5 đô-la tiền công lắp máy. Không những thế, môn học “Làm
chủ công nghệ tuốc-lơ-vít”, cả lớp đạt điểm 10. Cười phe phé.
Có đi học, em mới biết mấy anh chuyên
viên tin học trên huyện đã đỗ đạt như thế nào. Các anh ấy học đại học
Đ., được nợ đầu vào. Nói trắng ra các anh ấy thi trượt đại học, nhưng
vẫn được nhận vào học đại học với điều kiện: trong 5 năm học đại học,
nếu kiếm được giấy gọi học đại học (của bất cứ trường nào?!?) thì
sẽ được phát bằng, còn không kiếm được thì thôi. Thế là mấy năm sau, các
anh ấy đăng ký dự thi vào một trường thật dễ, ở vùng sâu vùng xa, đấm
thêm ít tiền, đỗ chắc nịch. Chưa kể cái trò nhờ người khác thi hộ. Học
giả có bằng giả. Mình là học trò thì phải bày trò.
Chuyện kể của Sinh viên
Cháu là sinh viên thứ thiệt, đỗ hẳn hoi,
không nhờ đến các thủ thuật. Cháu đang học khoa tin học kiêm công nghệ
thông tin kiêm công nghệ tin học kiêm toán-tin kiêm điện toán kiêm xử
lý thông tin. Nghe hơi nhức đầu nhưng ai cũng hiểu. Đời sống sinh viên,
chắc các chú các bác biết đấy. Thảm hại lắm. Không đủ ăn, đủ mặc (diện),
không đủ giáo trình... Trăm thứ bà dằn. Bố cháu bảo, đói thì đầu gối phải
bò. Cháu bò được hai năm và cứ mong, giá mình là sinh viên mãi
mãi. Cháu nói thật lòng đấy. Cháu xin kể, cháu đã bò như thế nào.
Cháu có cái may là có ông anh cùng cha
khác mẹ ở trong Sài Gòn làm nghề dịch vụ vi tính. Anh ấy làm dịch vụ cao
cấp, chứ không thèm làm những dịch vụ tầm thường. Gặp buổi du học
mọc như nấm, anh ấy phải đi theo người yêu sang bên Úc, tiếc lắm, nhưng
buộc phải sang tên cho cháu toàn bộ dụng cụ đồ nghề cộng các bí
quyết. Đồ nghề bao gồm một chiếc máy tính cấu hình vững. máy quét
rẻ tiền, máy in phun mầu, cạc sang hình ảnh từ đầu vi-đê-ô. Đầu vi-đê-ô,
ti-vi thì cháu đã có. Trước khi đi, anh ấy truyền cho cháu thủ thuật làm
ăn: sao chép phần mềm, đĩa nhạc MP3, đĩa VCD phim, ca nhạc. Stu-đi-ô của
cháu đặt trong phòng ngủ. Giá bán ra của cháu rất mềm. Cháu gọi
hai thằng bạn cùng lớp đi đưa hàng. Đưa tận nhà. lấy công chỉ 1.000
đồng. Ra quân tháng đầu tiên, mỗi đứa đút túi được 100.000 đồng. Về sau,
cháu câu được chương trình MTV và soạn thành các đĩa CD nhạc trẻ,
bán chạy không kể xiết. Cháu rao bán trên Internet, tương đối hiệu quả.
Internet còn là một cái kho vô tận, có đủ thứ thượng vàng hạ cám, cả những
cái vật thể và phi vật thể (kinh nghiệm chẳng hạn). Nhiều
người sẵn lòng mua hàng của cháu, dủ biết chả có tí bản quyền nào. Ôi
dào, có ai quan tâm đến bản quyền phần mềm đâu! Chỉ chín tháng mười ngày,
cháu lên được xe máy, di động, và được các bạn trong lớp nhìn với con
mắt kính nể. Làm quen với bạn gái cũng dễ hơn. Việc học hành của cháu
có phần chểnh mảng, nhưng cháu thuê hẳn mấy đứa kha khá trong lớp chép
bài và giảng lại cho cháu, vì cháu toàn làm đêm, sáng ra mới ngủ bù. Cháu
khiêm tốn tự đánh giá, kết quả học tập của cháu vào loại khá trong lớp,
đạt “Đoàn viên bốn tốt”. Và cũng khiêm tốn tự nhận mình là chuyên gia
tin học có lương tâm: cháu không bao giờ sao chép các dữ liệu “đen”.
Cháu không thích mở cửa hàng, quản lý
thị trường lò dò đến thì nguy. Tiền đâu mà mời họ đi ăn thịt chó! Làm
tại nhà thôi. Bây giờ, cháu kiêm cả bán sỉ cho các tỉnh lẻ và bán cả phôi
trắng. Đầu ghi đĩa CD rớt giá, toàn xã hội làm tin học. Nói chung, tin
học đòi hỏi nhanh tay nhanh mắt và nhạy bén. Cộng một cái vốn tiếng Anh
bằng B. Cháu tiếc là sắp phải chia tay trường đại học. Mỗi cái tết già
thêm một tuổi, làm sao cháu có thể nắm bắt kịp thời nhu cầu của giới trẻ
nữa đây?
Năm ngoái, anh chị cháu từ bên Úc về
tổ chức đám cưới. Làm kiểu tiền trảm hậu tấu, tiền hôn hậu thú,
giống những dự án công nghệ cao xứ mình. Cháu mừng thằng cu anh chị chiếc
xe nôi và một đống đồ tã lót trẻ con. Nếu các chú các bác cho phép, cháu
xin được thanh toán tiền đò hôm nay, để cả thuyền sớm được lên bờ.
Nhà sư bảo: “A di đà phật! Không được!”.
Bèn kể tiếp câu chuyện của mình…
Chuyển kể của Nhà sư
Bần tăng mồ côi cả cha lẫn mẹ năm 12
tuổi. Ông chú đưa bần tăng lên chùa cắt tóc đi tu. Ông chú bảo, giờ đây
giáo hội đang đà đổi mới, chùa đang tìm những thanh thiếu niên tr3 có
năng lực để đưa đi du học bên trời Âu. Nghe thích quá, bần tăng đồng ý.
Sang đấy, ở giáo đường thì mặc trang phục nhà chùa, nhưng ra ngoài phố
thì mặc áo phông, quần bò. Được học các môn thần học, thiên văn học, tiếng
La-tinh. Đến năm cuối mới học tin học và lái ô-tô. Sau thời gian tu nghiệp
ở châu Âu, bần tăng được chọn gửi đi học thêm về Phật học ở Pháp và Ý
và học võ thuật ở chùa Thiếu Lâm bên Trung Quốc. Việc khổ luyện võ thuật
đầy gian nan vất vả, nhưng đã rèn luyện con người rất nhiều.
Các vị cao tăng bảo, tuy tin học đã cắm
chân nhiều nơi, nhưng chả thấy ai đặt vấn đề làm phần mềm cho nhà chùa.
Thỉnh thoảng thấy xuất hiện những chuyên gia tin học rởm ôm máy
tính, máy in kim ngồi mạn Chùa Hương tích lấy lá số tử vi cho khách vi
hành cửa Phật kiếm tiền, không gọi đấy là ứng dụng tin học được.
Cho nên nhà chùa phải tự lo liệu lấy. Quản lý tăng ni phật tử, quản lý
tài sản của chùa, quản lý tiền công đức... có rất nhiều việc phải dùng
đến tin học. Bần tăng tự hào nói với các chư vị rằng, các máy trong nhà
chùa là số ít trong số các máy vi tính không chứa bất cứ trò chơi điện
tử nào. Máy của nhà chùa cũng dùng đánh máy, làm văn bản, nhưng đôi khi
là văn bản Hán-Nôm. Bần tăng được dạy cách bẻ khóa, khám phá mật khẩu,
vượt qua bức tường lửa, nhưng bần tăng giữ vững lời thề “chỉ làm việc
thiện”. Một bận, bần tăng đã giúp các anh công an mở hơn 100 văn bản có
cài đặt mật khẩu của bọn buôn lậu, được tặng giấy khen. Cái hồi cơn sốt
Y2K rộ khắp, bần tăng đã thưa với các vị cao tăng trong chùa là các vị
cứ an tọa, máy tính trong chùa không làm sao cả. Quả nhiên sau thế thật.
Vì các pho kinh Phật soạn bằng chữ Phạn
hoặc chữ Nôm nên bần tăng phải theo học thêm hai thứ chữ ấy. Càng học,
mới càng thấy xung quanh mình có nhiều cao thủ. Bần tăng đang mày mò làm
bộ gõ chữ Nôm, và tìm cách làm chương trình nhận dạng chữ Hán-Nôm. Dùng
tiền chùa cả thôi.
(theo Tin học & Đời sống - còn nữa) |