Huyền thoại phố phường (2) – Phan Rô  
 

(Post 05/11/2005)

Chiến chuyển về công tác ở phòng thí nghiệm các vấn đề về âm học. Anh theo đuổi đề tài nhận dạng âm thanh. Chiến thu thập được một thư viện âm thanh đáng kể, ghi đầy 50 đĩa DVD. Thôi thì đủ cả: hổ gầm, chim kêu, vượn hót... Một lần, bầy ngựa vằn con trong Vườn bách thú vừa mới nhập từ Kê-ni-a về xổng ra ngoài, chạy lung tung. Thật may là Chiến đang cùng con gái đi chơi ở đó. Anh hạ chiếc máy tính xách tay đeo trên vai xuống bãi cỏ, làm vài thao tác. Tự nhiên, có một tràng hí vang của ngựa mẹ gọi con. Đàn ngựa con nghển cổ vểnh tai, quay đầu chạy lại phía anh ngồi, tề tựu đông đủ. Ông giám đốc vườn thú cứ tưởng anh là diễn viên xiếc thú, bắt tay cảm ơn rối rít, tặng ngay cho anh cặp vé vào cửa vĩnh viễn. Lần khác, một con hổ dữ thọt chân thường về bản Mù Cang Chải bắt trâu bắt lợn, không ai trị được. Hay tin, Chiến khoác máy tính lên vai. Đêm hôm đó, người ta buộc một con trâu mộng ở bên bờ này dòng suối, còn Chiến nấp trên một cây chò chỉ cao vút. Mười hai giờ đêm. Con hổ mềm mại bò sát sườn núi đá và lừ lừ lội qua suối, hai mắt đỏ như hai hòn than nung. Bỗng một tiếng gầm ghê rợn bao trùm khắp bản. Con hổ khựng lại, dường như bất động. Bốn thanh niên lực lưỡng – đã có sự chuẩn bị chu đáo từ trước: cả bốn đều nhét bông vào tai, đầu đội mũ biên phòng kín mít - mang đòn gánh ra xốc nó vào bờ. Người nó mềm nhũn như bún, mồ hôi toát ra bê bết cả lông, hai mắt trồi ra như mắt ốc nhồi. Đáng thương thay cho nó! Khi nghe thấy tiếng gầm của voi ma-mút thời tiền sử, nó khiếp đảm hiểu ra rằng, đời nó đã bước sang một trang sử mới. Để trả công, ông trưởng bản biếu Chiến bộ da hổ và hai lọ cao hổ cốt.

Góp một tay để vực dậy nền nông nghiệp của nước nhà, Chiến cho ra đời hệ thống CA-TMK (Computer-Aided Tiếng Mèo Kêu). Bà con nông dân chỉ cần đào một cái hố thật to và bố trí hệ thống loa mi-ni theo sơ đồ của Chiến (từ dùng chuyên môn gọi là cấu hình hệ thống). Nháy đúp chuột một cái, các chú chuột đồng sẽ ùn ùn theo nhau lao xuống chiếc huyệt đào sẵn kia, bởi bao bọc chung quanh chúng là tiếng kêu của hàng chục ngàn binh đoàn mèo. Nhưng việc ứng dụng tin học vào thực tế không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Đã có lần, Chiến đã gặp phải tai nạn nghề nghiệp. Ở xã Z., chương trình CA-TMK tỏ ra vô hiệu. Đích thân Chiến xuống tận nơi cài đặt, song cũng chả có con chuột nào sa hố. Chiến kiểm tra đi kiểm tra lại, hay là tại chương trình copy không có bản quyền, hay là tại vi-rút? Không phải. Sau ba ngày tác giả bở hơi tai, một em học sinh cấp hai đã phát hiện ra nguyên nhân. Chẳng qua, do ở xã này dùng một loại thuốc bảo vệ thực vật rởm của Trung Quốc nên đàn chuột ăn lúa non bị điếc, không nghe thấy bất kỳ âm thanh nào!

Thỉnh thoảng, Chiến lại bán những file âm thanh của mình cho các nhà làm phim tài liệu (tiếng tàu điện leng keng), hoặc phục vụ các đám cưới vàng, đám cưới bạc (tiếng pháo nổ) lấy tiền đưa vợ mua rau. Tuy nhiên, ở trường hợp sau, các cô dâu chú rể bị buộc phải đeo tai nghe, tránh cho âm thanh lọt ra ngoài. Ban quản lý các di tích cổ quyết định mua đứt bản quyến bộ sưu tập Tiếng rao của anh – đâu như với giá 500 triệu đồng - nhằm thỏa mãn những tấm lòng nôn nao, khắc khoải, day dứt của những Việt kiều về thăm quê, sau bao năm đằng đẵng xa cách. Tâm hồn họ thiếu những lời rao tưởng chừng mộc mạc, dân dã và đơn sơ: Chè chai đồng nát bàààn... ơ, Ai mua muốốối... đê. Họ trọ ở ngay khu phố cổ, cách Bờ Hồ chỉ vài trăm mét, nhưng tai ù đặc bởi tiếng gầm của ô tô, mô-tô, xích-lô máy, không làm sao ngủ được, nên rất cần bộ sưu tập này. Có người khi trở lại Pa-ri hay Ca-li-phoóc-ni-a đã kiếm được việc làm: cứ đêm đến, anh ta (hay chị ta) lại đi rao ở các khu phố có đông người Việt ở, được trả thù lao không đến nổi nào. Họ gửi e-mail cho Chiến bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc. Chiến cũng viết thư hồi âm cho họ và không quên nhắc nhở họ phải xin phép sử dụng bản quyền của Ban quản lý.

Công trình đáng kể nhất của Chiến trong lĩnh vực âm thanh là Hệ nhận dạng tiếng ho. Các bệnh nhân ở Viện lao trung ương ho nhiều quá, bác sĩ không sao phân biệt được ai với ai. Sau ba tháng nghiên cứu quên ăn quên ngủ, Chiến đã đưa ra câu trả lời dương tính, giúp cho các chị hộ lý ban đêm đưa thuốc đến đúng bệnh nhân nào vừa ho tức thì.

Năm ngoái, Chiến tham gia cuộc thi "Sáng tạo Hạ Long" và đoạt giải Bàn phím vàng với đề án "Hải trung địa" hay "Tiểu Hạ Long trong đất liền". Theo đề án này, Chiến dự định cho xây một bức tường thành khổng lồ có chu vi 200km bao bọc toàn bộ khu vức núi đá vôi ở tỉnh X., lót ny-lông hay nhựa tổng hợp ở dưới đáy, rồi bơm nước sông vào. Trường hợp không đủ nước sẽ gây mưa nhân tạo cục bộ. Để nước có vị mặn, sẽ ứng tiền thu mua toàn bộ số muối của diêm dân ven biển miền Trung đem pha vào. Ngầm phía dưới có hệ thống máy tạo sóng - chế tạo dựa trên nguyên lý rối nước cổ truyền - điều khiển bằng hệ thống phần mềm thông minh: các chấn động giao thông trên bề mặt các con đường bao quanh sẽ được tập hợp lại và chuyển hóa thành sóng. Năng lượng dùng trong khu vực hoàn toàn là năng lượng gió hoặc năng lượng mặt trời. Những cánh quạt gió cao lêu nghêu cùng các tấm pin mặt trời xinh xắn hẳn sẽ làm quan cảnh ở đây thêm sinh động . Nghe nói, hãng phim quốc gia Tây Ban Nha đã ký hợp đồng thuê quang cảnh để quay bộ phim trứ danh "Kỵ sĩ Đông Ki-sốt". Một lập trình viên gạo cội của Việt Nam trải qua đợt thi tuyển hình thể gay gắt (phải cởi trần!), đã chính thức được mời thủ vai chính trong bộ phim này.

Sẽ có khu du lịch mạo hiểm. Chỉ cần bỏ ra 100 triệu đồng, bạn sẽ được cung cấp 2 cục đá lửa, 1 chiếc bè làm bằng thân cây chuối, 1 súng kíp, 100 viên đạn, cộng với 2 bộ quần áo thổ dân. Bạn sẽ được mời lên bè và tận hưởng những cú xô mạnh mẽ của các đợt sóng biển nhân tạo và bị đẩy lên một hòn đảo hoang vắng. Ở đây, bạn sẽ gặp một người người da đen tên là Thứ Sáu (người thật đến từ châu Phi, mức giá 1000 USD; còn người ít thật hơn đến từ Biển Hồ, mức giá 1000 riên) và kết bạn với anh ta. Bạn sẽ phải tự tay làm hàng rào, trồng sắn, vắt sữa dê rừng và bắt cá suối để sinh sống. Tóm lại là bạn sẽ được đóng vai Rô-bin-sơn. Số người đăng ký loại hình du lịch này đã quá tải. Người ta ước tính, số dê rừng mà các Rô-bin-sơn sẽ nuôi được có thể lên đến hàng nghìn con. Một phần để bán cho các quán bia lột da chế biến làm mồi nhắm, phần chủ yếu sẽ được chế biến thành thuốc chống lãnh cảm toàn năng, xuất khẩu ra nước ngoài.

Hoặc bạn chọn dạng thứ hai của du lịch mạo hiểm là ngủ đêm trong hang động với một chú hổ no bụng. Được cung cấp thuốc ngủ miễn phí. Nếu trả thêm tiền thì người ta sẽ chỉ thả vào hang một con hổ làm bằng plastic biết cử động. Đảm bảo y như thật! Một khu vực độc đáo khác là khu tắm bùn. Hoàn toàn không thiếu bùn, vì Hà Nội đang nạo vét sông Tô Lịch. Tất nhiên, trước khi trát lên thân người, bùn đã được làm nóng lên và tẩm thêm tinh dầu kinh giới, bạc hà, tía tô để tăng tính năng chữa bách bệnh. Ai muốn nóng hơn nữa, có thể gia giảm bằng tinh dầu gừng, sả hoặc tinh dầu ớt chỉ thiên.

Đề án mở ra cơ hội kinh doanh du lịch, phục vụ tưới tiêu, cải tạo môi trường, và tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động. Bức tường thành dài 200km, dầu chưa thể sánh với Vạn lý trường thành, cũng thừa cơ hội chào đón một tương lai tươi sáng: trở thành kỳ quan thế giới. Hơn thế, đây sẽ là đường đua xe đạp tiêu chuẩn của Liên đoàn xe đạp quốc tế. Một công ty tư nhân được đề nghị góp vốn đầu tư bằng 1000 con cá heo, 500 con dã tràng đực và 500 con dã tràng cái. Một công ty bảo hiểm tính mạng con người xin góp 1000 con cá mập trắng và 1000 chiếc phao cứu hộ. Chiến nghĩ khác. Theo tính toán của anh, nếu trang bị hệ thống gương phản chiếu gồm 1000 chiếc thì chỉ cần đến 1 con cá heo, 2 con dã tràng khác giới và 1 con cá mập là đủ. Sau khi trằn trọc thêm một đêm, anh lại thấy, nếu đã có sự giúp sức của công nghệ thông tin thì chả cần đến con vật nào. Đấy chính là điểm tuyệt vời của công nghệ thông tin. Tuy nhiên, phao thì luôn luôn phải đủ 1000 chiếc.

Các núi đá vôi dự kiến sẽ được khoét rỗng, tạo nên những hang động kỳ thú. Các hang động này không chỉ là nơi tham quan, mà còn như những thành phố nhỏ: làm nơi ở, phòng hòa nhạc, phòng nghiên cứu, thư viện, bến tàu ngầm, trang trại nuôi cấy ngọc trai... Thậm chí cả nghĩa trang và nhà tù. Giá đất tha hồ mà hạ xuống! Đương nhiên, khi xây dựng hệ thống này phải cần đến sự góp sức của các công ty phần mềm trong nước. Để trả công, không nhất thiết cứ phải trả bằng tiền. Hãy xây dựng cho họ một Trung tâm phần mềm trên đỉnh núi cao nhất! Các kỹ sư phần mềm vốn là những con người hết sức mơ mộng và lãng mạn, họ sẽ phát huy hết khả năng sáng tạo của mình trên những mỏm cao bồng bềnh đó. Vừa câu cá mực vừa lập trình, thử hỏi còn gì khoan khoái hơn? Ngoài ra, anh chàng nào có ý định lười biếng hay trốn việc cũng sẽ bị phát hiện ngay, vì chỉ có duy nhất một chiếc cầu nối ra ngoài. Bơi vào bờ ư? Đá vôi khi gặp nước, người ta gọi là... “vôi-đang-tôi”. Dự kiến, mọi công việc sẽ hoàn tất trước lễ hội 1000 năm Thăng Long.

*****

Gần đây, Chiến vừa khoe với tôi đi dự Đại hội VINASA về. Anh kể chuyện, Đại hội tổ chức trên tầng 9 của tòa cao ốc 11 tầng. Đã cẩn thận lên kế hoạch đề phòng khủng bố của Bin La-đen. Thế mà hôm họp trù bị, đúng lúc chuẩn bị bầu ra Ban chấp hành thì nghe một tiếng rít chói tai: nhìn ra, một mảnh thiên thạch xé trần rơi xuống. May! Không ai làm sao cả. Mọi người xúm lại thì thấy trên phiến đá vũ trụ có khắc bài thơ thất ngôn tứ tuyệt bằng chữ Hán. Nguyên văn như sau:

Tam nguyễn hoài văn tấn nhị minh
Song trương hoàng võ thảo trang đình
Quang hà gia nhật mai công phạm
Hiệp doanh phần thế thắng châu bình

Chả ai giải nghĩa được bài thơ trên. Một đại biểu tức tốc lên đường mời một chuyên gia hay chữ đang công tác tại Viện nghiên cứu Hán Nôm đến. Xoay ngang xoay dọc, cụ cũng không sao cắt nghĩa được bài thơ. Mà cũng không rõ thơ đời nào nhỉ: Đường, Tống, Nguyên? Mãi sau, Chiến vận công, mới nhớ ra bộ Thủy Hử anh hay mang theo người để trong ca-táp. Lúc này, anh mới “à” lên một tiếng. Thì ra, bài thơ đã đề sẵn họ, đệm và tên của các đại biểu đang ngồi dự hội nghị được nhắm vào chân Ban chấp hành. Chỉ duy có ba từ ở câu cuối “hiệp, doanh, phần” là chẳng trúng tên ai cả. “Ai là Hiệp, Doanh, Phần đề nghị lên ngay Chủ tịch đoàn nhé!” – có tiếng ai “loa, loa” trên mi-crô. Không thấy ai lên. Hay là có bác nào sử dụng bí danh mà kín tiếng không cho anh em biết? Chiến lại vận công, và anh lại “à” thêm tiếng nữa. Trời đất ơi, chúng ta nhầm cả rồi, đó chẳng qua chỉ là cách viết tắt độc đáo của Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm mà thôi!

Đấy, danh bất hư truyền. Chiến bạn tôi quả là một huyền thoại của phố phường.

(theo Tin học & Đời sống – còn nữa)


 
 

 
     
 
Văn hóa - Giáo dục khác:


Huyền thoại phố phường  – Phan RôKiếm sắc – Phan Rô
Những người thợ xẻ - Phan RôViệc xây dựng đại học hàng đầu là khẩn cấp
Chuyện trò cùng Phan Huy TiệpThương LẮM đồng quê!
  Xem tiếp    
 
Lịch khai giảng của hệ thống
 
Ngày
Giờ
T.Tâm
TP Hồ Chí Minh
Hà Nội
 
   
New ADSE - Nhấn vào để xem chi tiết
Mừng Sinh Nhật Lần Thứ 20 FPT-APTECH
Nhấn vào để xem chi tiết
Bảng Vàng Thành Tích Sinh Viên FPT APTECH - Nhấn vào để xem chi tiết
Cập nhật công nghệ miễn phí cho tất cả cựu sinh viên APTECH toàn quốc
Tiết Thực Vì Cộng Đồng
Hội Thảo CNTT
Những khoảnh khắc không phai của Thầy Trò FPT-APTECH Ngày 20-11