(Post 29/10/2005)
Thuở thiếu thời, cụ nhà thơ Giang Nam
nhập tâm câu thơ trong sách giáo khoa ở lớp đồng ấu: Ai bảo chăn trâu
là khổ? Đến thế hệ bố mẹ tôi – là thế hệ “ba-lô lộn ngược xuôi tầu
Bắc Nam” – những chàng trai cô gái đã sửa câu thơ trên thành: Ai bảo
đi Tây là khổ! Rồi đến cái thế hệ vi-tính-tinh-tướng chúng
tôi, phát huy truyền thống cha anh, bọn trẻ “phối kết hợp” hai câu thơ
thành: Ai bảo chăn Tây là khổ!?
***
Nghe đồn, thời Nguyễn Huệ - Gia Long,
cái hồi “Tây chưa hạ thành Hà Nội”, người ta gọi là “Tây”, là vì những
cố đạo mắt xanh mũi lõ từ phương Tây tới. Những cố đạo người Tây-Ban-Nha
do vậy hiển nhiên “Tây” những hai lần. Thời Liên Xô phóng tàu vũ trụ Phương
Đông, vẫn là các ông bà mũi lõ mắt xanh, trước mặt thì gọi là “ông Liên-Xô,
bà Liên-Xô”, sau lưng gọi thầm là “ông Tây, bà Tây”. Hướng xuất hành của
các vị ấy không được “Tây” cho lắm, nhưng vì địa danh thì có dính tí chút,
bởi vì một số đến từ Tây-bá-lợi-á (Xi-bê-ri). Cố vấn Trung Quốc tuyệt
nhiên chả ai gọi là “ông Tây”. Đến thời chúng tôi, nực cười là những chuyên-gia-chuyên-vào
người Đài Loan, Hàn Quốc - sống thì sống ở phương Bắc, gốc tích thì ở
phương Đông, da thì vàng, mắt thì đen, mũi thì tẹt, đầu gối củ lạc - cũng
được gọi là “Tây”. Chẳng nhẽ gọi là “Đông”! Còn mấy anh bạn Lào từ hướng
Tây sang Việt Nam hẳn hoi, chả thấy ai gọi là “Tây” hộ. Phải chăng vì
họ học ở Trường con em cán bộ Lào đóng ở Hà…Đông? Nhưng xét kỹ
thì thấy thị xã này thuộc địa phận Hà…Tây. Thế cho nên, bảo rằng ai đó
hãy cho một định nghĩa chính xác về “Tây” – để cho “Tây nó cũng phải tâm
phục khẩu phục” – chắc là khó.
|
Ai bảo chăn Tây là khổ!?
K. “quái” là một trong những dũng
sĩ diệt Tây. Lăn lộn trên thương trường được vài năm, K. tỉ mẩn âm
thầm lưu lại đầy đủ giá mua giá bán, nhờ thế đã phát hiện ra biểu đồ tụt
dốc của máy vi tính. Cộng với tính phiêu lưu bản hữu, K. thường cung cấp
cho các tổ chức quốc tế hay phi chính phủ những bản báo giá được đánh
giá là “giật mình”, “chết người”, “không hiểu được”: bao giờ giá bán của
K. cũng thấp hơn giá của bản hãng phân phối cho đại lý cỡ 20-30 đô
một dàn! Tự sát chăng? Không hề. Rửa tiền chăng? Cũng không hề. K. cười
hề hề khi đưa tay đón nhận những tờ đô-la xanh phẳng phiu có in
hình Tổng thống Oa-sinh-tơn mắt tròn, ghim vuông vắn mười tờ một, kẹp
trong những chiếc phong bì in màu đẹp đẽ, bốc mùi nước hoa sực nức, chi
chít tiếng Tây ở bên ngoài. Và không quên gửi lại chút tiền son phấn
cho mấy em thư ký “xinh như mộng” của mấy ông Tây “bụng đầy mỡ,
phục phà phục phịch”. K. giải thích, từ khi báo giá cho tới lúc “mấy bố
Tây” mua thật, cũng phải ngót nghét vài tháng. Đến lúc ấy thì giá máy
đã rớt rồi. Cho nên K. đâu có sợ lỗ. Năm được mùa, tổng
cộng K. mần vài trăm con, thu đô-la mặt, lại khỏi xuất hoá
đơn tài chính, đỡ được các khoản thuế má, lòng vui như mở hội, miệng ông
ổng hát “Cuộc đời vẫn đẹp sao”.
Có lần, một tổ chức quốc tế yêu cầu báo
giá để thực hiện việc cung cấp máy vi tính cho cả năm, K. liều lĩnh lấy
giá nhập hàng hiện thời trừ đi hẳn 200 đô để hô giá. Tất
nhiên là thắng được các đối thủ khác về khoản báo giá. May cho cái thân
K., đến tận tháng 11 tổ chức quốc tế ấy mới yêu cầu giao máy. Quả là giá
máy có hạ, nhưng cũng chỉ xuống có…200 đô, tức là nếu thực hiện hợp đồng
thì bao nhiêu công sức “đổ xuống sông xuống biển hết”. K. trằn trọc vắt
óc mất ba đêm. Hay là… ba mươi sáu chước? Nhưng cái kiểu gửi một
lá thư trình bày hoàn cảnh lấy lý do ốm đau, bận đi công tác vùng
sâu vùng xa, công tác nước ngoài, thậm chí…giải tán công ty, chỉ là hạ
sách, vì sau đó thì “quên đi”, đừng có mà bán hàng cho họ nữa. Những đối
thủ cùng tham gia gửi báo giá chào hàng đang khấp khởi mừng thầm “để xem
chuyến này nó xoay xở thế nào”, thì K. đã đi một nước cờ lạ. Dò biết được
quy luật thưởng theo doanh số của bản hãng và tình hình doanh số hiện
nay của các nhà phân phối, K. đã đến gặp trực tiếp một nhà phân phối để
đàm phán. Cuối cùng, nghe ra những lý lẽ phân tích sắc sảo của K., họ
đã chịu lùi cho K. mỗi dàn 20 đô, để dành phần thưởng doanh
số, trị giá 2000 đô, cộng một chuyến du lịch Đài Loan. Đôi bên
cùng có lợi. Từ đấy, bài tủ của K. mỗi khi đi Karaoke là bài “Đời
chúng ta là… đâu có giặc là ta cứ đi”.
Không chỉ có các ngành bưu điện, hàng
không hay du lịch biết cách chặt chém Tây, K. cũng chứng tỏ là
một tay đồ tể loại cừ. Cài đặt bộ chữ tiếng Việt tại nhà, “xin
anh” 100 đô. K. bảo, đối với Tây nếu mình lấy giả rẻ còn “bị nó khinh
cho”. Vả lại, cứ thử nghĩ, khi mình sang Singapore chẳng hạn, đói quá
mò vào một quán ăn, “chúng nó” lại chẳng chém cho 27 đô-la một đĩa cơm
rang “tầm thường”, chắc chắn là dưới xề cơm rang “ao nhà mình”.
Hướng dẫn đào tạo cho mấy cô thư ký của Tây học gõ văn bản tiếng Việt,
K. kiếm gọn 200 đô “trên một cô”. Mấy ông Tây cũng thoải mái. Vì giá ở
bên Tây chắc còn chát hơn thế nhiều. Tất nhiên, đã làm dịch vụ
cho Tây để thu tiền thì điều đầu tiên phải ghi lòng tạc dạ là hãy “làm
cho ra làm”.
Tiếp xúc với Tây nhiều, vào hàng có thâm
niên, K. nhận thấy họ có những phẩm chất mà người mình không có. Ví như,
họ được giáo dục dạy bảo rất kỹ, luôn bảo vệ lợi ích cơ quan. K. nói khó
tiếp cận họ lắm. Thứ nữa là họ rất tôn trọng luật pháp, tự giác
chấp hành, không đợi người khác phải nhắc nhở. Có người bổ sung thêm tính
nguyên tắc: họ mà đánh mất Phiếu bảo hành thì chẳng bao giờ thèm
kỳ kèo xin xỏ sự thông cảm như mấy “cha Việt cộng”, mà sẵn sàng bỏ tiền
túi để được phục vụ chu đáo. Tuy nhiên, có nằm mơ họ cũng chẳng
bao giờ để mất thứ giấy quý giá đó!
Và nói chung, họ mắc bệnh sợ sếp,
sợ đến rúm ró, chứ không nhơn nhơn như những nhân viên ở các công
ty nội địa. Những phẩm chất này thấm nhuần vào số nhân viên quốc
tịch nước mình được họ dày công tuyển chọn. Tuy vậy, K. cũng đôi lần chứng
kiến các cô thư ký Việt Nam chơi dài dài khi sếp đang bận công
tác bên Hồng Công Ma Cao, và tỏ ra miệt mài chăm chỉ làm việc đến tận
9-10 giờ đêm mỗi ngày, khi sếp xuất hiện ở Việt Nam. Đua nhau làm
việc. Làm việc đến mức người ngoài nhìn vào cũng thấy ái ngại thay cho
cái nghề thư ký Tây: khô…ô…ổ, sao mà nặng nhọc thế!
Đổi lại, một số tính cách của dân mình
cũng thấm ngược trở lại ông Tây bà đầm. Một lần, K. chào bán cho
một tổ chức quốc tế nọ 20 bộ phần mềm có lai-sần (bản quyền). Sau
khi xét báo giá, cô thư ký điện thoại nói, sếp muốn gặp trực tiếp
K. Tưởng chuyện gì, hóa ra sếp muốn mua thật chỉ 5 bộ thôi, nhưng
cứ ghi hóa đơn bán hàng đủ 20 bộ, để còn đối phó với kiểm toán quốc tế.
Nếu không đáp ứng được yêu cầu khiêm tốn đó, sếp cho nghỉ
luôn. K. gật đầu nhận lời ngay vì có mất gì đâu - hóa đơn thường, không
phải hóa đơn đỏ, chế thoải mái - mà lại nhận được thêm một khoản
phụ phí nho nhỏ, đủ nuôi mấy cái tàu há mồm ở nhà trong vòng ba bốn tháng.
K. ngán nhất những vụ đấu thầu
trực tiếp, công khai. Hơn hai chục công ty tin học nhận được giấy mời
đem báo giá đến văn phòng Tây để đấu. Nộp báo giá xong, tất cả được mời
vừa nhâm nhi cà phê máy lạnh, vừa lắng nghe giọng đọc đều đều đơn điệu
của cô thư ký. Trước bàn dân thiên hạ mọi giá cả bị trương ra hết.
Những vụ ấy, người thắng thầu cũng mệt mỏi, “tổn thọ” ít nhất vài tháng
tuổi, vì chỉ cần sơ sểnh một chút thôi là lỗ liền à. Có
cảm giác, thân phận mình như một đàn cừu bị lùa vào một thung lũng hoang
vắng, phía trên cao có một con chó sói đang ngồi chồm hỗm, liếm mép liên
tục.
|
Đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma. Một lần,
có một ông “Tây” yêu cầu tìm cho ông ta một thầy giáo tin học để làm gia
sư cho cậu con trai đang học lớp 11 của ông. Mức giá 50 đô một
giờ. Chương trình: tùy chọn. Yêu cầu: làm cho cậu con trai say mê PC,
không cảm thấy buồn chán. Chuyện vặt! K. điều ngay một thạc sĩ
tin học xuất sắc đến căn biệt thự Hồ Tây lộng lẫy để dạy thử “nắm tình
hình”. Sau hai buổi dạy thử, nhận tiền công 100 đô đàng hoàng,
thầy giáo đành hậm hực ra về vì “vớ phải thằng học trò giỏi quá, cái gì
nó cũng biết”. Nói chung là Windows, Word, Excel, kể cả bộ Office
nói chung, chế bản điện tử Ventura, quản lý tiền bạc Quicken,
ngôn ngữ lập trình Foxpro, C, Pascal, Basic, AutoCAD, vẽ vời thiết
kế đồ họa CorelDraw, Photoshop, kỹ xảo điện ảnh Adobe Premier,
mạng mủng Windows NT, Novell Netware, quản trị cơ sở dữ liệu SQL
server, truyền tin PCAnywhere… nó biết tuốt. Biết một cách
sâu sắc, làm thành thạo, hơn hẳn “ông thầy”. Nghe bố nó bảo, thằng này
đoạt giải nhì tin học Hàn Quốc. Đâm ra, ôi thôi rồi, còn đâu quê nhà!
Một lần khác, ông bạn thân của K. thắng
thầu cung cấp 150 máy cho một dự án “Tây”, đã phải “bỏ của chạy lấy người”,
“ôm mặt khóc hu hu”, mất trắng 50 triệu đồng đặt cọc, vì thời gian thực
hiện dự án là 3 tháng, mà Tây lại dã man buộc phải báo giá bằng
tiền Việt. Thắng xong thầu, ký hợp đồng được hai tuần thì giá đô
lên vù vù, chóng hết cả mặt. Ông bạn K. hãi quá, chuồn thẳng cẳng. Đừng
có tưởng cứ làm với Tây thì chỉ có “thắng trở lên”. Làm gì có nhiều mỡ
thế cho mà húp!
K. “nhớ đến già” cái lần hí hửng chào
giá năm chục bản Microsoft Office cho một văn phòng tư vấn pháp
luật của Tây. Trong khi các đối thủ khác báo những giá “trời ơi đất hỡi”
thì K. dường như “một mình một ngựa” ung dung “ăn chặt” 70 đô một
bản. Đến lúc giao hàng, K. mới ớ ra là Tây thì cần bộ Professional,
mà mình thì đang ôm trong tay năm chục bộ Standard. Thôi rồi, Lượm
ơi! Nhìn kỹ lại báo giá, K. mới ngẩn tò te: trời ơi, mình đã nhầm to,
chỉ vì dốt tiếng Tây. Lỗ đặc. Sau đó, K. hăng hái bỏ tiền thuê hẳn một
giáo viên dạy tiếng Anh tại nhà. Cô giáo nhiệt tình kinh khủng. Sinh con
được ba tháng vẫn vùng dậy nhận bồi dưỡng hội thoại cho K., nên
K. đã có thể “thao thao bất tuyệt” trong hội nghị khách hàng của IBM.
Cô giáo có một chức danh không mấy khi in lên các-vi-dít, ấy là
bà xã của K. Bằng lòng đi em, về với quê anh…
Giờ đây, thậm chí K. có thể hiểu thấu
đáo mọi điều khoản (cố tình) rắc rối trong các hợp đồng kinh tế do Tây
soạn thảo. Kiểu như “bên mời thầu có quyền tự định đoạt xem ai là người
thắng thầu mà không có nghĩa vụ giải thích bất cứ điều gì”, hay “số tiền
hợp đồng sẽ được trả đủ làm một lần sau khi việc lắp đặt thiết bị hoàn
tất và chạy thử tại tất cả các địa điểm trên lãnh thổ Việt Nam do bên
mời thầu chỉ định”… Tiếng Anh của K. siêu đến mức, cầm Thư mời
thầu hay Quy chế đấu thầu bằng tiếng Việt, do người Việt mình
soạn thảo, cho dù trong đó có vô số câu dài lê thê, cực kỳ tiết kiệm dấu
phảy, mang nặng tính đánh đố, K. vẫn biết ngay nó được dịch từ đâu, có
mấy chữ “A”, có mấy chữ “N” và bao nhiêu chữ “H”.
***
Đọc đến đây, hẳn sẽ có nhiều bạn đọc
thắc mắc tại sao trong bài viết ngắn ngủi nàychẳng có lấy một Đặng Phú
Lân dũng mãnh hay một thanh bảo kiếm chém sắt như chém bùn. Xin bật mí
cùng các bạn, đầu đề của bài viết nhẽ ra phải là “Kiêm sắc…kiếm” mới đúng,
là để kể về những thủ thuật kiếm tiền của Tây (rất tùy thuộc xem dấu ngắt
đứng sau chữ kiếm hay sau chữ tiền). Nhưng vì tác giả cũng
có ý định kiêm sắc…tí chút, nên mới đặt cái đầu đề lạc hướng đến
như vậy. Giờ đây, nếu ai hỏi bài hát tiếng Anh mà tôi yêu thích nhất là
gì, câu trả lời quá đơn giản: đó là bài “Money, money, money. It’s
funny. In the rich men’s world…” của nhóm ABBA. Tôi đã từng được nghe
anh chàng K. dịch là:
Tiền tệ, tiền bạc, tiền nong
Ôi buồn cười quá. Mấy ông nhà giàu…
(theo Tin học & Đời sống) |