“Tôi đi học tin học” - Phản hồi từ người đọc  
 

(Post 12/10/2005)

Tôi đi học tin học” của Phan Huy Tiệp đã nhận được khá nhiều phản ứng của bạn đọc với không ít ý kiến trái ngược nhau.

Theo tôi tác giả quá bôi bác với những nỗ lực của nhiều người đang cố gắng đóng góp cho CNTT của Việt Nam. Giáo viên tin học mà còn chưa phân biệt được tên của hai nhà khoa học Newton và Norton, tác giả đã làm luận án phó tiến sỹ lại “Nâng cao tin học” lần ba chỉ để có khả năng phụ đạo cho con chương trình MS Paint của Microsoft và tập đánh máy 10 ngón! Còn bạn đồng môn của tác giả thì sao? Người học vì muốn gian lận với nhà nước, người khác chỉ để ‘kiếm được chồng” hoặc có suy nghĩ “…Tin học cũng dễ. Mình cần cái gì cứ Entơ là xong!”…

Kính thưa tác giả, trong thế giới văn chương của ông từ người dạy đến người học đều chẳng ra làm sao cả và nó không thể là tiêu biểu cho bất cứ cái gì hết… CNTT Việt nam không phải là một cái chợ chồm hỗm, nhầy nhụa như trong cách nhìn, cách nói của tác giả, và chúng ta cần những tiếng nói tích cực để xây dựng chứ không phải để làm nản lòng mọi người…

Lê Dũng, ledung1960@yahoo.com

 

Tôi chỉ là một người ngoại đạo, hiểu biết không nhiều về công nghệ tin học. Đọc xong bài “Tôi đi học tin học”, tôi thật không hiểu dụng ý tác giả là gì. Nếu là miêu tả cảnh học tin học ở một lớp buổi tối thì không thành công. Học tin học gì mà toàn thấy ăn thịt chó, bánh rán nóng, hoa hậu, lấy chồng! Bản thân tác giả học tin học đến lần thứ ba mà cũng chỉ để “vẽ, tô màu, gõ bàn phím”. Không hiểu, vậy thì trình độ “nâng cao” là nghĩa như thế nào? Tác giả hy vọng nước ta sẽ đuổi kịp nước Mỹ. Thử hỏi: vậy hiện nay chúng ta đang kém Mỹ sao? Tôi thấy tác giả viết “vui thật, thánh thật, ghê thật, giỏi thật”, nhưng tôi xin thành thật hỏi tác giả: “thật” đến mức nào? Tôi hoàn toàn thất vọng khi đọc những bài kiểu này…

Một bạn đọc ở Quảng ninh

 

Tôi là giáo viên dạy tin học buổi tối. Vừa rồi có đọc bài “Tôi đi học tin học” và xin được phát biểu ý kiến bức xúc của mình. Để có tiền cho con đi học tin học, bà mẹ tác giả đã phải “bán lứa lợn”. Chi tiết này thực sự hạ thấp việc học tin học ở nước ta hiện nay. Tác giả đề cập đến chương trình học rất ấu trĩ. Học về DOS thì tác giả đi so sánh với “học phòng cháy chữa cháy”. Trong thâm tâm, tôi nghĩ ngược lại, tác giả đang so sánh việc học DOS với việc “đốt lửa” hơn là “dập lửa”. Tác giả khen người nước ngoài giỏi? Giỏi cái gì? Tác giả “hoan hô”, nhưng tôi thấy tiếng vỗ tay hờ hững, giả tạo, mặc dù kêu bôm bốp. Đang nói về học tin học, tác giả lại xọ sang chuyện… học ngoại ngữ. Thật quá đáng hết chỗ nói.

Một giáo viên ở Cà mau

 

Nhân đọc bài “Tôi đi học tin học”, tôi xin tham gia trao đổi ý kiến của mình. Có thể có những chỗ còn chưa tới, mong bạn đọc xa gần lượng thứ. Trước hết, phải nói tác giả đã cố tình tạo dựng một bức tranh lộn xộn, hỗn tạp, xáo trộn (không chỉ về vấn đề dạy và học tin học), mà về CNTT ở nước ta hiện nay. Mỗi câu văn như một nhát dao đâm vào lòng người đọc. Cách hành văn thực sự gây khó chịu. Ai đời, lúc nào cũng “tôi bảo, vợ tôi bảo, thầy bảo…”. Ngữ nghĩa của cậu văn, đoạn văn, thậm chí của cả bài, không thể gọi là sáng sủa. Mạch văn chát chúa, luôn luôn thay đổi, như đang dẫn đắt người đọc vào mê hồn trận. Nhiều câu ngắn nhưng như đánh đố, trêu ngươi, chọc tức. Công bằng mà nói, ở đoạn cuối, tác giả thể hiện một lối hành văn trong sáng, giàu hình ảnh, giàu cảm xúc. Tuy nhiên liệu có nặng quá không, nếu coi ở đoạn này, tác giả đã ví von kinh phí tiêu tốn cho ngành CNTT đang đề nặng lên vai nền kinh tế của cả nước?

Một nhà phê bình văn học

 

Trước hết xin “báo cáo” là tôi chưa hề đọc bài “Tôi đi học tin học”. Tôi chỉ nghe đọc lại (tôi có thói xấu là thích nghe vợ đọc thoang thoảng, hơn là mình tự đọc). Cảm giác đầu tiên của tôi là có nhiều chuyện bâng quơ, giông giống với những gì tôi đang phải đối mặt hàng ngày. Từ chuyện học hành không ra sao (chúng ta chỉ học sử dụng, chứ chưa thể gọi là học tin học), đến chuyện trang bị máy tính (lúc thì quá cực đoan, đòi hỏi máy vi tính phải biết làm đủ mọi thứ, tính đủ lỗ lãi của một doanh nghiệp; lúc thì lại sử dụng máy tính chủ yếu để “chat” với nhau), rồi cả chuyện “quân ta giết quân mình”, “thị trường hẹp quá”, “đụng độ nhau” (trên cả mức “huynh đệ tương tàn”). Rồi chuyện bản quyền phần mềm (hơi bi quan, nếu nghĩ rằng tình thế sẽ giống chuyện bản quyền trong âm nhạc), chuyện thống nhất (hay không cần thống nhất?) thuật ngữ tin học, đề tài Internet Việt nam…

Tôi nghe không thật kỹ, chỉ nằm nghe, cảm nhận là chính, nên không dám phán xét, mổ xẻ từng từ ngữ, từng câu văn, từng ý văn (vả lại, tôi không có năng khiếu về mặt này). Song tôi tin vào thiện chí của tác giả, nhất là ở đoạn cuối bài. Phải chăng, dù còn phải trải qua nhiều khó khăn, tin học Việt nam sẽ có ngày ngẩng cao đầu?

Một người làm tin học

 


 
 

 
     
 
Văn hóa - Giáo dục khác:


Tôi đi học tin học - Phan Huy TiệpĐề cương thảo luận: Xây dựng trường ĐH hàng đầu tại VN
Lập trình sư - Bàn Tài CânMê cung ảnh - tiểu thuyết giả tưởng của Sergei Lukianenko (Minh Hy)
Giáo dục: mỗi ngày một chuyện! - Lê Trường TùngMềm mãi mà không cứng - Nguyễn Thành Nam (phần 4)
  Xem tiếp    
 
Lịch khai giảng của hệ thống
 
Ngày
Giờ
T.Tâm
TP Hồ Chí Minh
Hà Nội
 
   
New ADSE - Nhấn vào để xem chi tiết
Mừng Sinh Nhật Lần Thứ 20 FPT-APTECH
Nhấn vào để xem chi tiết
Bảng Vàng Thành Tích Sinh Viên FPT APTECH - Nhấn vào để xem chi tiết
Cập nhật công nghệ miễn phí cho tất cả cựu sinh viên APTECH toàn quốc
Tiết Thực Vì Cộng Đồng
Hội Thảo CNTT
Những khoảnh khắc không phai của Thầy Trò FPT-APTECH Ngày 20-11