Tôi đi học tin học - Phan Huy Tiệp  
 

(Post 11/10/2005)

Năm 18 tuổi, tôi thường vẫn hay lông bông. Mẹ tôi bảo: "Mẹ vừa bán được lứa lợn. Con đi học vi tính đi!", tôi bảo: "Mẹ ơi, ích gì?", mẹ bảo: "Cha bố anh! Thế anh không biết, thế kỷ tới là thế kỷ của vi tính à?". Vậy là tôi ghi tên vào lớp vi tính buổi tối. Lớp học không đông, có đúng 21 người. Cái Hoa ngồi cùng bàn tôi bảo: "Vui thật! Đón đầu thế kỷ 21, chỉ cần 21 người". Cái Hậu ngồi bàn trên cãi: "Không phải thế. Hai mươi mốt tức là ba nhân bảy. Ba bảy hai mốt ngày, thế nào cũng có người bỏ". Lời cái Hậu thế mà thiêng. Đến ngày thứ hai mốt, ông giám đốc tóc muối tiêu muối-nhiều-hơn-tiêu ngồi cạnh tôi giơ tay xin thầy giáo nghỉ mươi hôm vì bận ký hợp đồng. Thầy giáo bảo: "Tin học có một cái hay là lúc nào cũng có thể bập ngay vào giữa. Anh cứ nghỉ!". Ông giám đốc bảo: "Ký xong hợp đồng em xin khao cả lớp một chầu thịt chó", cả lớp cười ồ lên. Thầy bảo: "Thôi, không cười nữa. Ta tiếp tục. Anh chị nào biết, trong rạp chiếu phim, làm thế nào để hai người có thể đổi chỗ cho nhau?". Chả ai giơ tay. Cái Hoa thì thào: "Khiếp, muốn đổi chỗ thì cứ việc đổi, ai cấm?". Tôi giơ tay: "Thưa thầy, em không hiểu câu hỏi ạ!", thầy bảo: "Anh chị nào bảo không hiểu tức là đã hiểu câu hỏi rồi đấy. Thôi ngồi xuống!". Tôi ù cả tai. Tin học hơi bị rắc rối, nhưng mà hay thật. Giờ ra chơi, cái Hậu đãi thầy bánh rán nóng, thầy bảo: "Em Hậu đã hiểu bài đổi chỗ chưa?", cái Hậu ỏn ẻn: "Chưa ạ", thầy bảo: "Muốn đổi chỗ cho nhau, một trong hai người phải tìm một ghế trống để tạm ngồi. Thế mới đổi được. Bộ nhớ của máy tính cũng ví như các ghế ngồi trong rạp...". À thì ra vậy. Sau giờ ra chơi, thầy giảng về các lệnh đốt. Cái Hoa bảo: "Vui thật, cứ như phòng cháy chữa cháy ấy", thầy bảo: "Bậy nào, đốt là DOS, viết tắt của Hệ thống điều hành đĩa. Đấy là tiếng Tây". Tây giỏi thật, nghĩ ra toàn những từ viết tắt khó nhớ. Tôi dốt nên không làm sao học thuộc lòng các lệnh đốt. Buổi khác lại học các lệnh Noọc-tơn. Cái Hoa bảo: "Thưa thầy, ông này có phải cái ông bị táo rơi vào đầu không ạ?", thầy bảo: "Không phải, ông kia người Anh, ông này người Mỹ", cái Hậu bảo: "Thưa thầy, bây giờ người ta cho phép hai quốc tịch rồi ạ", thầy bảo: "Ông người Anh có ba định luật vật lý, ông người Mỹ chỉ phát biểu định luật về tin học", tôi bảo: "Thưa thầy, định luật gì ạ?", thầy bảo: "Định luật về phần mềm tin học. Theo định luật này, 90% những điểm mới mẻ của những cải tiến của sản phẩm phần mềm tin học là vô dụng mà người dùng vẫn phải trả tiền". Ghê thật! Thế nhưng ở nước mình, người dùng vẫn tài hơn mấy anh tin học. Chả ai giả tiền mà vẫn cứ có phần mềm dùng đàng hoàng.

Buổi học thứ mười, ông giám đốc muối tiêu huých khuỷu tay vào sườn tôi, hỏi: "Cậu có biết chỗ nào bán máy tính không?". Tôi bảo: "Có", ông bảo: "Dẫn tớ đi với, có phần trăm đấy", tôi bảo: "Bác cứ vô tư đi, em không lấy phần trăm của bác đâu". Sau tiết học, tôi dẫn ông lên thẳng Hàng Đào, vào cửa hàng của bà chị tôi. Ông bảo: "Đâu, máy tính đâu?", tôi bảo: "Đầy Ca-sin-nô đấy thôi", ông bảo: "Không, máy vi tính cơ", tôi bảo: "Chết thật, em xin lỗi bác, em dốt quá". Buổi học sau, ông bảo: "Mấy thằng bán máy nó lừa tôi. Mua máy xong, chả được tích sự gì". Tôi bảo: "Thế bác ứng dụng phần mềm gì ạ?", ông bảo: "Cậu nói lằng nhằng quá, tớ không hiểu. Cái máy mua mất toi mấy chục triệu mà đến cuối tháng chẳng tính ra được lỗ lãi gì sất". Giờ tôi đã hiểu, thật đáng đời, ai bảo ông đi sử dụng máy vi tính. Bảy năm ba tháng sau, tôi gặp lại cái ông giám đốc này. Gặp trên vô tuyến. Trong chuyên mục Vì an ninh Tổ quốc. Ông đang bị hỏi cung về tội sửa chữa các số liệu kế toán để cố tình làm sai các số liệu của lò gạch. Còn phải nói, chắc là thạo vi tính lắm.

Năm 28 tuổi, tôi lập gia đình. Vợ tôi bảo: "Buổi tối, anh ngồi không ở nhà, phí đi. Em tính, anh nên đi học tin học. Anh đang làm luận án phó tiến sĩ, đá thêm một ít tin học vào, như thế chắc ăn hơn". Tôi nghe bùi tai, thế là đăng ký vào lớp nâng cao buổi tối. Chẳng ngờ gặp bọn cái Hoa, cái Hậu ở đấy. Người ta bảo, cái gì nhỉ? À, trái đất tròn. Gì nữa nhỉ? À, Hà nội hẹp quá. Ồ mà không, tin học hẹp quá. Đi loanh quanh đâu cũng gặp người nhà mình. Cái Hoa bảo: "Tin học có ích thật. Nhờ học tin học mà chúng em kiếm được chồng". Tôi đần người ra không hiểu. Cái Hậu cười hi hí bảo: "Khổ, nhờ In-tơ-nét". Cái Hoa bảo: "Lấy chồng cũng như học tin học. Ban đầu thinh thích, vì mới mẻ quá, sau rồi lại thích, vì cần thiết quá". Cái Hậu bảo thêm: "Với lại, tin học cũng dễ. Mình cần cái gì, cứ En-tơ là xong". Bởi thế cho nên, tin học là ngành dễ xã hội hóa nhất trần đời .

Giảng viên của lớp là cô giáo. Cô lên lớp cho chúng tôi về Windows. Cô bảo: "Chương trình này do một nhóm các nhà lập trình tài ba nghĩ ra. Muốn vào, các anh chị cứ bật máy tính lên, khắc vào được". Cái Hoa bảo: "Thưa cô, thế muốn ra ạ?", cái Hậu bảo: "Thôi, đã vào, còn ra làm gì nữa". Cả lớp cười ồ. Cô bảo: "Muốn ra, vào Start, rồi vào Shutdown, sau đó Ô-kê". Tiếng Anh của tôi lõm bõm nhưng cũng hiểu được Start là "khởi động", Shutdown là "tắt máy", còn Ô-kê là "đồng ý". Thánh thật, bạn đã gặp cỗ máy nào mà khi muốn tắt máy người ta lại khởi động máy chưa? Đi học vi tính thời ấy có cái hay là học được thêm rất nhiều từ tiếng Anh tiếng Mỹ. Cô giáo thường nói xen kẽ cả tiếng Tây, cho nên dù không muốn nghe nó vẫn cứ ngấm vào đầu. Thì đấy, về sau này, có ai hiểu Windows là "cửa sổ" nữa đâu. Windows là "uyn-đầu", thế thôi. Chả mấy chốc nước mình đuổi kịp Mỹ. Hoan hô tin học! Tôi cũng bị nhiễm cái tật nói xen tiếng Tây lúc nào không biết.

Năm 38 tuổi, tôi lại phải đi học lần thứ ba. Quá tam ba bận. Chả là vợ tôi đi họp phụ huynh cho cái Vi, thấy cô giáo phổ biến đóng tiền học tin học năng khiếu: nào vẽ, nào tô màu, nào tập gõ mười ngón. Cái Vi phụng phịu bảo: "Bố đi học tin học để về nhà phụ đạo lại cho con với nhé". Cái Hoa, cái Hậu không thấy đi học nữa. Chắc đã thành tài rồi vì một lần tôi thấy hai nàng đang cai quản một lũ trẻ con chúi đầu vào 8-10 chiếc vi tính mới tinh. Đang chát chiếc gì đấy, có vẻ say sưa lắm. Nghe vợ tôi nói, nghề này bở, kiếm được.

Tôi viết cái bài này sau khi đèo mẹ tôi đi thắp hương ở đền mẹ Cả ngoài bãi giữa sông Hồng. Rằm tháng bảy, nước sông réo cuồn cuộn, phù sa sủi bọt đục ngầu. Vài thân cây tróc vỏ trôi dạt từ trên miền ngược về nhấp nha nhấp nhô trên đầu sóng, lúc chìm lúc nổi, trông rợn cả người. Vẳng nghe một tiếng "Đò ơi!" rất nhẹ giữa không trung. Chiếc đò nan nhỏ phía bờ bên kia nhẹ nhàng lướt tới. Khách đi đò là một đôi thanh niên. Hàng hóa chả có gì, có độc chiếc xe máy Đờ-rim và một bộ Pi-xi. Người chèo đò là một cô bé còn ít tuổi, đầu đội chiếc nón mê đã sờn. Khuôn mặt rắn rỏi, đôi mắt cương nghị. Khi chiếc đò nan rời bến, tôi như thót tim. Hình ảnh chuyến đò hôm ấy cứ đeo đuổi tôi mãi. Chỉ gần một nghìn năm nữa là đến năm ba nghìn. Dưới kia, dòng sông vẫn đang thao thiết chảy...

(Theo Tin học & Đời sống)


 
 

 
     
 
Văn hóa - Giáo dục khác:


Đề cương thảo luận: Xây dựng trường ĐH hàng đầu tại VN Lập trình sư - Bàn Tài Cân
Mê cung ảnh - tiểu thuyết giả tưởng của Sergei Lukianenko (Minh Hy)Giáo dục: mỗi ngày một chuyện! - Lê Trường Tùng
Mềm mãi mà không cứng - Nguyễn Thành Nam (phần 4)Mềm mãi mà không cứng - Nguyễn Thành Nam (phần 3)
  Xem tiếp    
 
Lịch khai giảng của hệ thống
 
Ngày
Giờ
T.Tâm
TP Hồ Chí Minh
Hà Nội
 
   
New ADSE - Nhấn vào để xem chi tiết
Mừng Sinh Nhật Lần Thứ 20 FPT-APTECH
Nhấn vào để xem chi tiết
Bảng Vàng Thành Tích Sinh Viên FPT APTECH - Nhấn vào để xem chi tiết
Cập nhật công nghệ miễn phí cho tất cả cựu sinh viên APTECH toàn quốc
Tiết Thực Vì Cộng Đồng
Hội Thảo CNTT
Những khoảnh khắc không phai của Thầy Trò FPT-APTECH Ngày 20-11