Giáo dục: mỗi ngày một chuyện! - Lê Trường Tùng  
 

 

Nguyên lý nước máy

Phụ huynh nộp hồ sơ tuyển sinh vào lớp 10 Trường THPT Trần Đại Nghĩa năm học 2004 - 2005. Mặc dù mỗi thí sinh được đăng ký bốn nguyện vọng, nhưng kỳ tuyển sinh vào lớp 10 ở TP.HCM vẫn khiến nhiều phụ huynh lo lắng, không an tâm - Ảnh: Như Hùng
Có thời kỳ nước máy chảy rất yếu. Một biện pháp cải thiện tình hình là áp dụng nguyên lý nước chảy chỗ trũng bằng cách đào hố hạ thấp vòi nước máy xuống.

Sau khi hạ vòi xuống thấp thì đúng là nước chảy mạnh hơn thật, nhưng khi tất cả mọi người đều hạ thì nước lại chảy yếu như cũ. “Nguyên lý nước máy” có hai tính chất sau:

- Rộng khắp: ai cũng phải tham gia (bạn không thể bình chân như vại chấp nhận vòi nước nhà mình không chảy trong khi hàng xóm đã hạ vòi xuống hết).

- Vô bổ: sau khi mọi người đều tham gia - đồng nghĩa với tốn một khoản chi phí xã hội rất lớn - thì mọi chuyện lại tồi tệ như cũ.

Tại VN, nguyên lý nước máy cũng đã được hiện thực hóa trong thời kỳ thiếu điện với việc nhà nhà sắm bộ tăng/giảm điện áp. Việc học thêm, luyện thi của con em chúng ta hiện nay cũng đang theo đúng nguyên lý nước máy này.

Giải quyết việc thiếu nước không thể bằng việc cấm hạ vòi nước hoặc tăng cường phát triển ngành dịch vụ hạ ống nước (mà bằng giải pháp “nước Phần Lan”), giải quyết việc thiếu điện không thể bằng giải pháp cấm sử dụng bộ tăng/giảm điện áp hoặc tăng cường phát triển các xí nghiệp sản xuất bộ tăng/giảm điện áp (mà bằng giải pháp điện Hòa Bình và đường dây 500kV). Tương tự như vậy, giải quyết việc học sinh cả nước học thêm không thể bằng giải pháp cấm dạy thêm/học thêm hoặc phát triển hệ thống dạy thêm chất lượng cao được.

Điểm chuẩn và phở mậu dịch

Khi thi vào đại học, mỗi thí sinh được ghi ba nguyện vọng. Tại TP.HCM, quyền lựa chọn của học sinh ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường còn được “đảm bảo” hơn: mỗi học sinh khi đăng ký vào lớp 10 được chọn tới bốn nguyện vọng. Không hiểu có địa phương nào có ý định vượt kỷ lục này không?

Sau nguyện vọng là điểm chuẩn, và mặc nhiên các trường công lập đặt mức điểm chuẩn cao, và về mặt lý thuyết các trường dân lập (hoặc tư thục) đặt điểm chuẩn thấp. Năm học 2004-2005, một số trường dân lập ở TP.HCM thấy “lý thuyết” này hình như không đúng, nhất là trong bối cảnh một số trường đã vươn lên có chất lượng đào tạo còn “ngon” hơn trường công, và cũng bởi vì bức bối không lý giải được tại sao trường dân lập nói chung đã yếu kém lại cứ phải mặc nhiên nhận nhiệm vụ xã hội rất khó khăn là đào tạo học sinh chất lượng đầu vào kém. Thế là hiệu trưởng một số trường dân lập đổi mới tư duy bằng việc thiết lập điểm chuẩn cao không kém, thậm chí còn cao hơn trường công, “đầu vào tốt đẹp thì đầu ra an toàn”.

Tôi nghĩ nếu cái đà này cứ tiếp tục thì hậu quả tất yếu sẽ là nhiều học sinh lớp 9 không có lớp 10 nào nhận. Trượt đại học là chuyện bình thường, nhưng “trượt lớp 10” lại là vấn đề xã hội lớn, vì hiện nay nhiều địa phương cũng đang phấn đấu để phổ cập giáo dục đến hết THPT. Trong bối cảnh đó chắc các trường công lập - nơi nhận được đầu tư lớn của Nhà nước - đành phải gánh trách nhiệm xã hội là nhận học sinh dốt mà thôi. Khi đó tình hình sẽ đổi khác: giỏi vào trường tư, dốt vào trường công (tất nhiên không tính các trường chuyên) chứ không phải như hiện nay.

Trong thời gian qua có khá nhiều hội nghị bàn về chất lượng đào tạo, bàn mãi không ra. Anh bạn tôi cho rằng cũng giống như bàn về việc nâng cao chất lượng “phở mậu dịch”, chất lượng “gạo sổ” mà thôi. Ngẫm nghĩ thấy dường như cũng có lý.

Nền “công nghiệp luyện thi”
Hằng năm có gần 1 triệu thí sinh thi đại học, tương đương gần 2 triệu thí sinh học luyện thi (thông thường việc luyện thi phải từ lớp 10, 11 chứ không thể chờ đến lớp 12).

Chỉ cần tính rẻ mỗi thí sinh chi cho học thêm 100 USD/năm (tức hơn 100.000 đồng/tháng), thì doanh số của ngành “công nghiệp luyện thi đại học” đã vào khoảng 200 triệu USD/năm, gấp đôi doanh số ngành công nghiệp phần mềm VN năm 2003.

Tương tự như vậy có thể ước tính doanh số chung của “công nghiệp dạy thêm” ở VN vào khoảng 1 tỉ USD/năm, gấp đôi doanh số chi tiêu cho công nghệ thông tin VN hiện nay.

Mạnh vì gạo bạo vì tiền, các “luyện thi viên” hình như đang nhìn dân lập trình viên bằng nửa con mắt!

Khác biệt hóa những gì không khác biệt

Thí sinh lựa chọn trường đại học có cái lý của nó vì các trường đại học có bằng cấp khác nhau, nội dung đào tạo khác nhau. Nhưng chọn trường phổ thông thì có gì đó không ổn khi chương trình đào tạo giống nhau, sách giáo khoa giống nhau, bằng cấp cũng giống nhau nốt. Thế nhưng việc chọn trường phổ thông hiện nay lại là một thực tế, thậm chí được thể chế hóa bằng qui định của các cơ quan quản lý nhà nước về việc chọn nguyện vọng và qui định điểm chuẩn.

Chính thể chế về “khác biệt hóa những gì không khác biệt” đã tạo ra sự rối loạn xã hội không cần thiết, mỗi mùa tựu trường từ các cơ quan quản lý giáo dục đến phụ huynh, học sinh và các phương tiện thông tin báo chí cứ nháo nhào cả lên mà không hiểu vì sao lại phải nháo nhào như vậy.

Nên chăng thực hiện một kế hoạch quốc gia “bình thường hóa những gì bình thường” bằng cách loại bỏ sự “khác biệt hóa những gì không có sự khác biệt”? Biện pháp đầu tiên có thể làm ngay là hợp lý hóa việc giao trách nhiệm cho các trường, các cán bộ giáo dục và các thầy cô: nếu là trường tốt ư, tức là phải dạy được học sinh dốt; hiệu trưởng giỏi ư, tức là phải đưa một trường kém thành một trường tốt; giáo viên giỏi ư, tức là có khả năng dạy các em dốt trở thành khá giỏi. Tóm lại là giao việc khó cho người giỏi, chứ không phải cơ chế “thầy giỏi dạy trò giỏi, thầy dốt dạy trò dốt” như hiện nay.

Nhật Bản: không còn khái niệm trường công

Thành tựu kinh tế của Nhật có thể xem như một trong các kỳ tích vĩ đại của thế kỷ 20. Từ đống tro tàn năm 1945, Nhật đã nhanh chóng vươn lên thành một cường quốc kinh tế chỉ sau 15-20 năm. Nguyên nhân sâu xa có lẽ chính là sức mạnh của nền văn hóa và con người Nhật, trong đó hệ thống giáo dục đóng một vai trò quan trọng.

Trong chuyến công tác Nhật giữa năm 2004, tôi có hỏi Đại học Keio (Tokyo) về mối tương quan giữa trường công và trường tư ở Nhật như thế nào! Câu trả lời là từ tháng 2-2004, Nhật không còn khái niệm trường công nữa, các trường công đều đã được tư nhân hóa.

Năm 1945 có thể xem như khởi đầu của sự cải cách giáo dục đào tạo của Nhật - mặc dù không phải hoàn toàn tự nguyện mà do sức ép của Mỹ. Tháng 11-1945, tư lệnh tối cao của Mỹ tại Tokyo đã ra lệnh cho Chính phủ Nhật phải thực hiện năm cải cách cơ bản, trong đó cải cách thứ ba là “thiết lập hệ thống trường học tự do”. Lúc đó chắc nước Mỹ không nghĩ rằng các biện pháp trên cộng với tinh thần Nhật đã góp phần hình thành một cường quốc kinh tế qua mặt Mỹ trong rất nhiều lĩnh vực.

TP.HCM, 9-2004

 


 
 

 
     
 
Văn hóa - Giáo dục khác:


Mềm mãi mà không cứng - Nguyễn Thành Nam (phần 4)Mềm mãi mà không cứng - Nguyễn Thành Nam (phần 3)
Mềm mãi mà không cứng - Nguyễn Thành Nam (phần 2)Mềm mãi mà không cứng - Nguyễn Thành Nam (phần 1)
  Xem tiếp    
 
Lịch khai giảng của hệ thống
 
Ngày
Giờ
T.Tâm
TP Hồ Chí Minh
Hà Nội
 
   
New ADSE - Nhấn vào để xem chi tiết
Mừng Sinh Nhật Lần Thứ 20 FPT-APTECH
Nhấn vào để xem chi tiết
Bảng Vàng Thành Tích Sinh Viên FPT APTECH - Nhấn vào để xem chi tiết
Cập nhật công nghệ miễn phí cho tất cả cựu sinh viên APTECH toàn quốc
Tiết Thực Vì Cộng Đồng
Hội Thảo CNTT
Những khoảnh khắc không phai của Thầy Trò FPT-APTECH Ngày 20-11