(Post 14/10/2005) Chiếc ca-nô phăm phăm lướt sóng, hướng thẳng tới du thuyền Nàng tiên cá, đang chầm chậm dạo trên mặt hồ. Tới nơi, Bường rướn người nhảy lên boong. Anh quay lại, đưa cho đồng chí tài xế chiếc đĩa mềm chống vi-rút mới nhất của mình, có cập nhật bản mới viết đêm qua. Người lái ca-nô bẽn lẽn gãi đầu: "Dạ thưa... Anh cho em... xin tiền ạ!". "Bao nhiêu?". "Dạ, xin anh năm chục!". Bường thở phào. Thế là suýt mất toi thành quả lao động chất xám của mình. Anh rút tờ giấy bạc màu xanh, đưa cho người lái ca-nô: "Cám ơn nhé!". Trên boong lố nhố kẻ đứng người ngồi. Trông ai cũng hớn hở. Chuyện là chiều nay, theo lời mời của công ty Xtico, các công ty tin học trong thành phố sẽ có buổi họp mặt để bàn kế hoạch phối hợp hành động. Đang dở tay ký hợp đồng, đến cận giờ, Bường mới kịp bỏ bút đứng dậy vẫy một chiếc tắc-xi phóng ngay ra hồ. Tới nơi thì chiếc du thuyền đã rời bờ. Bường nhanh trí thuê ca-nô đuổi theo. Trước kia, Bường vốn bị điên nặng. Ấy là anh tự mạo nhận thế. Bởi anh học ngành điện tử, đã điên nặng, lại còn tử nữa mới chết chứ. Vào thời giá-lương-tiền, anh xách mỏ hàn lê la khắp nơi, đi chữa ti-vi kiếm chút tiền còm mua sữa cho con. Anh từng tham gia chuyển hệ cho ti-vi màu, một việc nổi đình nổi đám thời ấy. Bí quyết kỹ thuật cũng đơn giản như quả trứng của Crit-xtốp Cô-lông. Thay vì bắn lần lượt cho đủ 625 dòng ngang của màn hình vô tuyến, anh cho bắn các dòng chẵn trước, dòng lẻ sau. Mắt người bị quán tính lưu giữ hình trên võng mạc, không thể phân biệt nổi độ trễ này. Các thủy thủ viễn dương - mà xã hội quen gọi là dân tàu biển, hoặc dân vốt-cô - mỗi đợt tàu về, buôn đến 400 - 500 cái ti-vi màu second-hand, nên Bường không thiếu việc làm. Sau mỗi phi vụ ấy, Bường cũng rủng rỉnh. Sau, Bường mới xoay sang lọ mọ tìm hiểu và học mót về máy vi tính, điều mà khá nhiều người đồng nhất với tin học. Giờ, anh đã là giám đốc của một công ty tin học trung bình. Trong con mắt anh, buổi họp mặt hôm nay có cái gì đó giống như Quần anh hội (anh vốn mê Tam quốc diễn nghĩa), hơn là Hội nghị Diên Hồng, theo như cách nống lên của một số nhà báo trẻ. Bường liết mắt nhìn khắp một lượt. Kia là T, một người được phong là "nghệ sĩ ưu tú". Gã vốn rất mê các trò chơi vi tính. Đã có lần, T ngồi lỳ trên máy suốt từ 7 giờ sáng đến 12 giờ đêm, mà lại chui vào một góc ngồi, nên cả nhà bổ đi tìm không thấy, tưởng gã bị mất tích, đã tính báo công an. T. có thể chơi trò "Pacman" không chán. Trong bản nhạc vi tính rộn rã, T. "chạy" và để cho 4 tên hung thần xanh đỏ tím vàng đuổi theo mệt nghỉ. Gã không thèm ăn các hạt cứu mạng nhấp nháy ở 4 góc màn hình, cứ ung dung lượn giữa các mê lộ, ngoặt lên ngoặt xuống, đảo vòng, chui vào hang ngầm trông rất ngoạn mục. Chán thi đấu đủ các thể loại, gã bày ra quy tắc đấu mới: ai ít điểm nhất sẽ thắng. Và không thể tưởng tượng được: Gã dùng hai ngón tay khống chế cho con ngáo ộp tiến lên lùi xuống liên tục đến mức độ nó đứng yên tại chỗ và đạt kỷ lục... 0 điểm, trong khi người bên cạnh chỉ cần "mất điều khiển" là bị ngay 100 điểm. Còn ở trò chơi "Xếp gạch", khi đã nâng đến tốc độ tên lửa, người bình thường chỉ trụ được giỏi lắm là 2 giây, thì T. chơi vài ba tiếng là chuyện vặt. Bàn tay gã múa trên bàn phím như một nghệ sĩ pi-a-nô tài hoa. Tuy nhiên, như gã nói, trong các trò chơi nhanh mắt nhanh tay, đến một mức nào đó, trò chơi đã được lập trình để vượt quá khả năng cơ học của con người (ví như người thường không thể nhảy cao quá 5 mét, hay gõ 100 từ trong một phút), cho nên muốn thắng được máy tính, phải gần như bắt được cái vía của trò chơi thì mới vượt qua nổi các mức trên. Nếu có một giải đấu "năm môn phối hợp" - ngụ ý năm trò chơi điện tử thông dụng nhất - nhiều người tin rằng T. sẽ vô địch toàn quốc. Còn kia là D. người duy nhất thắng mọi kỳ thủ trên máy vi tính. Y thuộc lòng các chiêu của mọi đối thủ: tay bợm cờ chột mắt, cô gái tóc vàng có khuôn mặt đàn ông, mụ bà ba béo, tên tóc xù, và cả ông cụ râu tóc bạc phơ nữa. Không những thắng được, mà y còn khoái chí biểu diễn cho mọi người xem khả năng tiên đoán thần thoại của mình. "Trông kìa, hắn chuẩn bị xuất xe!", "Nếu mình gẩy tượng, thế nào hắn cũng đấm tốt", "Hà hà, cho hắn thịt mã mình, thế nào mình cũng tóm được xe hắn!"... Đại loại thế. |
Bên cạnh D. là K., một anh tài xuất thân từ chân chữa đồng hồ. Cái tính hay tò mò tìm hiểu và loay hoay tìm cách tháo tung mọi đồ vật "trông hay hay" ngay cả trong lần gặp đầu tiên của anh đã giúp anh chữa được nhiều thiết bị tin học xương xẩu như máy in, bo mạch chính... và được tôn lên hàng sư phụ. Ổ mềm chỉ là vớ vẩn, máy in la-de mới là đáng kể! Nghe đâu, nhà sư phụ có nghề nuôi gà công nghiệp. Bà già lại chuyên về các kiểu gà "tàn tật", tức là chuyên đi thu gom các chú gà bị dị tật: Đui, què, mẻ, sứt,... có giá bán gần như cho không, về nuôi. Lũ gà này thường không thể tự ăn được, hoặc có tự ăn thì rất chuệch choạc, do đó chúng thường gầy như que củi. Nhưng dưới tay bà già K., mọi chuyện đã đổi khác. Bà chịu khó lụi hụi bón chúng ăn, tiêm thuốc phòng dịch cho chúng, thậm chí cả khi chúng đã cân nặng 2-3kg. Còn hơn cả chăm con mọn! Đến giáp Tết, bao giờ bà cũng có những con gà béo nhất để cân cho hàng phở. Có lẽ K. cũng hấp thu được tinh hoa của bà già: anh chuyên trị mua bán đồ vi tính cũ, hỏng, bỏ đi... để rồi "mông má" lên những chiếc máy vừa tốt vừa rẻ. Trong số các khách hàng, có mấy ai biết đến công sức (và cả chất xám!) mà sư phụ đã bỏ ra nhiều như thế nào! Hiện giờ, sư phụ đã có trong tay hơn 3 tỷ và đang tính đầu tư để làm một con đường ở mạn chùa Hương. Nghe mà thấy sởn. Xếp L. đang vẫy vẫy Bường. Xếp vốn chân trong chân ngoài, nhưng có biệt tài đặc biệt về buôn bán. Chưa thấy ai "chửi khách như hát hay" như xếp, song lại đông khách đến thế. Vừa thấy bóng một ông khách quen , L. đã xua tay, mặt giả vờ nhăn như bị: "thôi, xin ông đi hàng khác cho con nhờ!". Ông đây là một thanh niên mặt non choẹt, búng ra sữa, chỉ nhỉnh hơn con trai xếp vài... tháng tuổi. L. thủng thẳng nói tiếp: "Mày sang cửa hàng thằng N. ấy, đĩa Quantum hôm nay nó để có bốn mươi thôi. Còn của tao bốn ba tiền ngay!". Ai ai cũng nghĩ cu cậu sẽ biến, thế nhưng thật kỳ lạ, cậu bé đã móc từ sau đít ra một xấp tiền cạnh sắc như dao cạo, chơi ngay tắp lự năm con đĩa cứng. Sau một hồi kiểm tra kỹ lưỡng như một cảnh sát điều tra ma túy, không phát hiện dấu hiệu tiền giả, L. mới hớn hở nở một nụ cười tiết kiệm, khẽ phán: "Chú mày giỏi! Anh bớt cho một giá". Nghe đúng giọng Bá Kiến nói với Chí Phèo. Bường chợt chú ý đến thím N. Năm nay, thím đã gần sáu mươi xuân, tóc hoa râm, đôi mắt tinh nhanh như mắt đại bàng, xứng đáng được mệnh danh là "hổ tướng" trong làng tin học thành phố. Thím chuyên buôn bán lặt vặt các mặt hàng kiểu như kính chắn màn hình, bàn di chuột... tính khí khá rắn (không biết có phải thím tuổi Tỵ hay không?), làm việc không biết mệt mỏi là gì, thu nhập vào hàng đáng nể, mấy anh chàng lẹt đẹt buôn ổ cứng ổ mềm khó mà theo kịp. Một tháng đôi lần, thím đích thân thuê xe ôm đến các hang cùng ngỏ hẻm thăm thú, làm công tác chăm sóc khách hàng và ngọt nhạt với các thượng đế của mình. "Ấy, oan cho cô quá, hàng hiếm nên giá có hơi nhỉnh lên tý thôi, không phải cô bán đắt đâu", hoặc thề thốt: "Cô ngần này tuổi đầu mà còn bán đắt cho các con thì giời cứ bắt tội cô!", hoặc thi thoảng cho mấy thằng cháu đi tàu bay giấy: "À, thế thằng này có người yêu chưa? Đẹp trai như mày, thiếu gì con gái nó theo! Chưa có thật à? Thôi, để cô làm mối cho. Cô có con cháu gái trông kháu mà ngoan lắm. Con nhà lành đấy nhá. Thứ bảy này ghé qua cửa hàng cô đi!", và cả mơi nữa: "À, cô nghe nói tuần sau RAM khan lắm. Hai nhà máy sản xuất RAM bên Đài Loan vừa mới cháy rụi cả hai. CNN đưa tin đêm qua đấy! Hay là hai cô cháu mình cùng ôm vào đi. Có mỗi 500 thanh thôi, nhiều nhặn gì cho cam. Quả này thắng, nhớ lại quả cho cô với nhé!". Thím đang ngồi khoanh chân, tay cầm cốc nước cam nhấp nhè nhẹ trên môi, mắt lim dim như hổ rình mồi. Thò cổ vào, dao chém đánh phập! Đó là những chiến tướng phần cứng. Còn H., một tay lập trình thuộc loại mả, là chiến tướng phần mềm. Không có tài liệu, tên này tự mày mò lập trình Pascal để bắt chiếc máy in la-de hiếm hoi đầu tiên ở đất Việt nam phải in ra tiếng Việt. Với tư duy lô-gích sáng sủa, cộng với một lòng nhẫn nại kiên trì còn hơn cả "dã tràng xe cát biển Đông", H. đã thử in ra từng chấm nhỏ li ti trong cái ma trận điểm bao la của từng con chữ trong bảng mã 256 ký tự, từ đó rút ra quy luật in của chiếc máy in la-de, khiến cho các chuyên gia nước ngoài phải tròn mắt bái phục. Ngồi trong góc là V., không xuất sắc lắm, nhưng là người biết sử dụng hết công suất cái bằng phó tiến sĩ của mình. Phần mềm kế toán của V. chạy còn đầy lỗi đỏ chon chót, song bán chạy như tôm tươi, bởi V. quảng cáo rất chi rầm rộ: trên báo chí, trên truyền hình, phát không đĩa mềm, mở lớp hướng dẫn miễn phí (hoặc thu phí gọi là)... Theo V. thì trong buổi tranh tối tranh sáng, người-sử-dụng-cuối-cùng (ông phó tiến sĩ dịch từ chữ end-user mà ra) chưa biết phân biệt thật giả trắng đen, cần tranh thủ tiếp thị quyết liệt. Một trùm phát-xít Đức nào đó đã nói, đại ý: "Lời nói dối được lặp đi lặp lại 99 lần sẽ trở thành lời nói đáng tin". Nếu sau này Bường trở thành Bin-ghết của Việt Nam, chắc chắn anh không tuyển V. làm lập trình viên, cho dù hắn có bằng phó tiến sĩ lập trình, nhưng lại tuyển ngay hắn vào đội ngũ kinh doanh sản phẩm phần mềm, dù rằng hắn chả có bằng cấp gì về lĩnh vực ấy. Bên cạnh H. là M, vốn là bác sĩ nhi, có bằng về dinh dưỡng, nhưng có sự đam mê chết người với ngôn ngữ lập trình, đặc biệt với ngôn ngữ FoxPro. Cứ theo lời khen của một giáo sư danh tiếng thì M. có thể "làm xiếc với FoxPro". Chả biết M học lập trình ở đâu và khi nào, chỉ cần ai đó nói tường minh ý đồ của anh ta (hoặc chị ta), ngay lập tức, M. sẽ viết một đoạn chương trình súc tích, không thiếu cũng không thừa. Nhiều công việc cứ tưởng chỉ có ngôn ngữ C mới giải quyết nổi, thế mà đến tay M. trôi ngay. Chương trình lại rất khôn. Quả là "ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm...". Nhìn đội ngũ hùng hậu ngồi kia, Bường lạc quan thầm nghĩ, chả mấy chốc mà Việt Nam mình trở thành cường quốc tin học thế giới, đánh đông dẹp bắc. Trong lúc chờ đợi, mấy em gái Thái (chắc là Thái... loan, vì nói tiếng Kinh sõi quá) lên biểu diễn một tiết mục văn nghệ để lấp chỗ trống. Bài Inh lả ơi. Đám đông ổn định chỗ ngồi dần dần theo kiểu đi đêm trong tam cúc. Ổn định xong, lại phải ổn định lại ba bốn lần, vì cái sự quen nhau ở chốn này quá ư là chồng chéo. Giám đốc công ty Xtico có tên là B., người dong dỏng, nước da tai tái, bước tới chiếc mi-cro, hắng giọng: -Thưa toàn thể anh em! Hôm nay chúng ta họp mặt tại đây là để bàn một công việc hệ trọng. Từ trước tới nay, chúng ta hoạt động trên lĩnh vực công nghệ thông tin một cách tự phát, mạnh ai nấy làm. Có những sự liên danh liên kết của một số công ty nào đó, nhưng vẫn còn mang tính chất manh mún, tản mạn. Kết quả là có những lúc những nơi đã xảy ra tình trạng cạnh tranh lẫn nhau gay gắt, phá giá vô tội vạ. Điều đó chỉ có lợi cho khách hàng và các công ty nước ngoài. Vì thế, tôi đề nghị trong buổi họp hôm nay, toàn thể chúng ta hãy hợp sức cùng nhau, trụ lại thành một khối thống nhất để chiến đấu và chiến thắng. Tôi xin phép dùng từ "chiến đấu", vì người ta thường nói "thương trường là chiến trường". Cực kỳ quyết liệt. Các bạn hãy tưởng tượng, nếu trong một cuộc đấu thầu, tất cả chúng ta cùng đồng lòng bán một mức giá thống nhất từ trước, lợi nhuận sẽ cao như thế nào. Do đó, tôi nói từ "chiến đấu" với ý nghĩa là "chúng ta sẽ chiến đấu với các hợp đồng, dự án của Nhà nước"! Vài tiếng vỗ tay lộp bộp. Lác đác ý kiến. Chả ma nào nghe. Một nhóm các thủ lĩnh tin học mặt đỏ bừng đang nốc bia lon, nhai thịt bò khô nhồm nhoàm, hứng chí kể cho nhau nghe "chuyện cười hay nhất tuần". Đó là chuyện một công ty "phát triển đầu tư" bị giới thiệu nhầm thành "phát triển đầu ti". Hai em gái "Thái" len lỏi giữa đám đàn ông ồn ào, cợt nhã, mất trật tự, mờ ảo bởi khói thuốc lá, phân phát các tờ rơi "Dự thảo Hợp đồng liên doanh liên kết". Theo tinh thần của Hợp đồng này, các Công ty cam kết sẽ không bán máy Compaq quá giá X. đô la, ai vi phạm sẽ bị cả hội phạt bằng cách "tẩy chay", kiểu như cấm vận I-rắc. Bằng cứ để xác định có vi phạm hay không là Hóa đơn xuất hàng có chữ ký (hoặc dấu) của công ty đương sự. Một tuần sau, đã có những ý kiến kiện tụng về việc vi phạm Hợp đồng, nhưng không sao moi được bằng cứ. Hai công ty nọ không bán chác cho nhau mà áp dụng hình thức hàng-đổi-hàng. Ông đưa chân giò, bà thò chai rượu. Có quỷ mà biết được họ trao đổi hàng hóa theo mức giá nào. Một công ty khác thì viết hóa đơn, nhưng đôn ngày xuống. Bản thân công ty Xticô thì áp dụng chiêu lờ. Không phải lừa, chả phải lọc. Nếu ai đó phôn đến, phản ánh với giám đốc B. về việc bán máy Compaq dưới giá quy định thì B. nổi xung lên: "À, thế à? Mấy cậu Phòng Kinh doanh liều thật! Tôi thật tình không biết chuyện này. Xin lỗi nhé! Thôi, được rồi! Để tôi sẽ kỷ luật mấy cậu làm bậy này!". Một giờ đồng hồ sau, đâu lại vào đấy. Bậy vẫn hoàn bậy. Cũng phải thôi, giá cả máy tính xuống rầm rầm từng ngày. Điều kiện kinh doanh, vốn liếng của các công ty khác nhau, cách thức dụ khách hàng cũng hoàn toàn khác nhau, làm sao bán cùng một mức giá được! Quả là thế gian này không có vua. ***
Năm trăm năm sau, trong lần khai quật một ngôi mộ cổ bên bờ sông Chảy, người ta tìm thấy một chiếc đĩa CD mạ vàng, trên đó có chứa bộ Sử ký của nhà viết sử lừng danh Ma Như Bường. Ở chương thứ 110, hồi 35, ông viết: "Mùa xuân năm..., tình hình thế giới có nhiều biến động. Những giá trị cổ điển thay đổi mang màu sắc nhị nguyên. Nghệ thuật và điện ảnh chuyển động về quá khứ. Âm nhạc và hội họa tiến tới tương lai. Sân khấu và văn học đầy những mảng sáng tối đan xen, có xu hướng dậm chân tại chỗ. Ấn Độ trở thành một cường quốc công nghệ thông tin nô lệ. Trung Hoa cổ đại phát kiến ra bát quái, cơ sở của hệ bit-byte cổ điển, nhưng không thăng hoa tiếp được, đành chịu phận trở thành thị trường khổng lồ cho các quốc gia Âu-Mỹ khai thác. Nhật Bản với những Dự án "Máy tính thần kinh thế hệ thứ 5" táo bạo không thành, đang lui dần vào thế ẩn mình chờ đợi. Châu Âu vốn già cỗi nay già cỗi hơn: tuổi trung bình của các nhân viên tin học là 70. Họ đành tuyển mộ chất xám từ Châu Á. Tại một số quốc gia, ban đầu nảy sinh tình trạng cát cứ, sau chuyển thành loạn IT hai mươi hai sứ quân. Năm mươi năm sau, xã hội thông tin ra đời...". (theo Tin học & Đời sống) |