Việc xây dựng đại học hàng đầu là khẩn cấp  
 
Giáo dục đại học nước ta có số lượng sinh viên khá đông đảo nhưng chất lượng cần phải nâng lên nhiều mới đạt yêu cầu

(Post 22/10/2005)

Hiện nay, Việt Nam không có một ĐH nào có thể xếp hạng trong khu vực ASEAN. Không có một ĐH nào, ngay cả các Đại học Quốc gia tại Hà Nội và TPHCM, có thể xem là nổi trội hơn hẳn các ĐH khác.

Trong vài năm trở lại đây, cải tổ giáo dục tại Việt Nam là một đề tài thảo luận rất sôi động trên các diễn đàn công cũng như tư.

Sau chuyến viếng thăm Đại học Harvard của Thủ tướng tháng Sáu vừa qua, các thảo luận có xu hướng tập trung vào Đại học Đẳng cấp quốc tế, Đại học Chất lượng cao (ĐHCLC) và Đại học hàng đầu (ĐHHĐ).

Gần đây nhất, GS Thomas Vallely - Giám đốc Chuơng trình Việt Nam tại Đại học Harvard, đã gửi đến Chính phủ Việt Nam một đề cương về xây dựng ĐHHĐ tại Việt Nam.

Nội dung của đề cương này cũng tương tự như các đề xuất, đề án trong xêmina Cải cách giáo dục (do GS Hoàng Tụy chủ xướng) hay Hội thảo Hè 2005 Đà Nẵng (do một nhóm Việt kiều trí thức tổ chức).

Mục đích bài này là phân tích một số khía cạnh trong vấn đề xây dựng ĐHHĐ tại Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam không có một đại học nào có thể xếp hạng trong khu vực ASEAN. Ngoài ra, không có một đại học nào, ngay cả các Đại học Quốc gia tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, có thể xem là nổi trội hơn hẳn các đại học khác.

Vì thế, cải tổ đại học tại Việt Nam phải bắt đầu bằng việc xây dựng một vài ĐHCLC với kỳ vọng các trường này sẽ trở thành ĐHHĐ trong nước, và dần dần đạt được các tiêu chuẩn của đại học danh tiếng trong khu vực.

Xin lưu ý là một ĐHCLC sẽ là một ĐHHĐ tại Việt Nam, nhưng một ĐHHĐ tại Việt Nam chưa chắc thỏa mãn các đòi hỏi của một ĐHCLC. Vì thế, chúng ta không ngạc nhiên khi GS Vallely bắt đầu với ĐHHĐ, nhưng dần dần chuyển sang ĐHCLC. Trong bài này, chúng tôi dùng chữ ĐHHĐ với hàm ý ĐHHĐ cũng là ĐHCLC.

ĐHHĐ là một tổ chức giáo dục sáng tạo ra 2 sản phẩm chính có tiêu chuẩn tốt.

Thứ nhất, sinh viên tốt nghiệp phải có khả năng suy xét độc lập, hiểu biết chuyên môn cao và cập nhật, kỹ năng giải quyết vấn đề tốt và biết áp dụng kiến thức thu thập khi đi học vào các vấn đề cá biệt trong việc làm.

Thứ hai, các giáo viên ĐHHĐ phải có những nghiên cứu học thuật sáng tạo và nghiêm túc, hay các phát minh, sáng chế có thể ứng dụng vào công nghệ. Bất kỳ một quốc gia đang phát triển nào cũng cần một vài ĐHHĐ như thế để đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng trí tuệ và phát triển của dân tộc.

Trong trường hợp Việt Nam, một ĐHHĐ sẽ: 1. Thu hút chất xám của nghiên cứu sinh Việt Nam và Việt kiều trí thức trên toàn thế giới; 2. Đóng vai trò cầu nối giữa đại học Việt Nam và đại học nước ngoài; 3. Giúp chuyển giao kiến thức và công nghệ đến Việt Nam; 4. Làm mô hình kiểu mẫu cho các đại học trong nước noi theo.

Nói gọn lại, nếu xem cải tổ đại học là chuyện tất yếu, thì việc xây dựng ĐHHĐ tại Việt Nam không những cần thiết mà còn khẩn cấp. Trong phạm vi bài này, chúng tôi xin góp ý với một số câu hỏi cụ thể như sau.

Thứ nhất, nên xây dựng một hay nhiều trường? ĐHHĐ rất tốn kém về ngân sách và nhân lực, nhất là vấn đề tuyển chọn giáo viên. Vì thế, trong bước đầu chỉ nên tập trung vào một hay tối đa là 2 trường ĐHHĐ.

Vì những lý do thực tế, các trường ĐHHĐ này phải được thành lập tại gần TP Hồ Chí Minh hay Hà Nội. Phương cách và kinh nghiệm hoạt động của các trường kiểu mẫu này sẽ giúp nâng cấp hay chấn hưng các đại học khác trong nước.

Thứ hai, nên xây dựng từ đầu hay phục hồi và kết hợp các đại học và các viện nghiên cứu có uy tín hiện nay?

Phải xây dựng từ đầu vì các lý do chính như sau: 1. Cơ sở vật chất của các trường hiện nay tương đối nhỏ, cũ và tách biệt, không thích hợp cho mô hình khuôn viên; 2. Quy chế tổ chức và điều hành hiện thời cứng nhắc, kém hiệu năng, không phù hợp cho môi trường làm việc năng động; 3. Có quá nhiều quyền lợi cá nhân trong hệ thống cũ; 4. Rất khó giải quyết vấn đề nhân sự cho các giáo viên không hội đủ tiêu chuẩn làm việc của ĐHHĐ. Nói tóm lại, phải xây mới từ đầu vì nền móng cũ đã lung lay, không thể xây cất tốt bên trên được nữa.

Thứ ba, nên hợp tác với nước nào và hợp tác như thế nào? Trong việc xây dựng ĐHHĐ, Việt Nam cần sự giúp đỡ của các quốc gia có truyền thống đại học tốt như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật... cũng như cộng đồng trí thức người Việt nước ngoài.

Không thể tùy thuộc hoàn toàn vào một đại học nước ngoài hay một quốc gia nào đó mà cần gây ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các đại học nước ngoài.

Trong dài hạn không một đại học nước ngoài nào có thể giúp Việt Nam xây dựng ĐHHĐ một cách hoàn toàn vô vụ lợi. Trong bước đầu, Chính phủ Việt Nam có thể mời các ĐHHĐ thế giới và Việt kiều trí thức tham gia một hội thảo quốc tế để giải trình các đề án chi tiết cho ĐHHĐ tại Việt Nam. Đây cũng là một cơ hội tốt để huy động chất xám người Việt nước ngoài.

Thứ tư, nên theo mô hình của ai? Tuy có nhiều điểm chung, mô hình đại học thường có ít nhiều khác biệt giữa các quốc gia, hay ngay cả trong cùng một nước.

ĐHHĐ không thể tổ chức như là một vệ tinh của một trường đại học nước ngoài, mà cần dựa trên một mô hình tổng hợp, phù hợp với điều kiện hiện tại và nhu cầu phát triển tương lai của quốc gia.

Nói chung, ĐHHĐ nên phỏng theo mô hình khuôn viên và đa lĩnh vực của các viện đại học quốc tế. Nhưng cũng chỉ nên bắt đầu với các bộ môn có nhu cầu cao mà tương đối ít tốn kém như luật, thương mại (kế toán, kinh tế, quản trị...), toán, vật lý thuần lý, quản lý tin học... hay một số bộ môn “mũi nhọn” như công nghệ thông tin và sinh học nông nghiệp.

Vì hạn chế của ngân sách và nhất là số giáo viên, để bảo đảm chất lượng, ĐHCLC nên thu nhận ít sinh viên, tối đa 10.000 sinh viên sau 5 năm mở cửa.

Cuối cùng, các thay đổi nào là cần thiết để có ĐHHĐ thật sự tại Việt Nam? Chính yếu là sự quyết tâm và nâng đỡ của Chính phủ, thể hiện qua những hành động sau: 1. Cam kết ngân sách dồi dào cho ĐHHĐ (so với số sinh viên theo học); 2. Đồng ý một cơ chế riêng cho ĐHHĐ; 3. Cho phép ĐHHĐ là nơi phát huy tư duy độc lập và phê phán; 4. Sử dụng khéo léo sự giúp đỡ của các ĐHHĐ nước ngoài và tiềm năng chất xám của trí thức Việt Nam, nhất là người Việt ở nước ngoài; 5. Sự thật tâm ủng hộ của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Dĩ nhiên việc xây dựng ĐHHĐ cũng cần tiến hành cùng lúc với các cải tổ trung và tiểu học.

PGS. TS Trần Nam Bình
(Viện Đại học New South Wales, Úc)

(Theo báo Tiền Phong)


 
 

 
     
 
Văn hóa - Giáo dục khác:


Chuyện trò cùng Phan Huy TiệpThương LẮM đồng quê!
Không có vua - Phan Huy Tiệp“Tôi đi học tin học” - Phản hồi từ người đọc
Tôi đi học tin học - Phan Huy TiệpĐề cương thảo luận: Xây dựng trường ĐH hàng đầu tại VN
  Xem tiếp    
 
Lịch khai giảng của hệ thống
 
Ngày
Giờ
T.Tâm
TP Hồ Chí Minh
Hà Nội
 
   
New ADSE - Nhấn vào để xem chi tiết
Mừng Sinh Nhật Lần Thứ 20 FPT-APTECH
Nhấn vào để xem chi tiết
Bảng Vàng Thành Tích Sinh Viên FPT APTECH - Nhấn vào để xem chi tiết
Cập nhật công nghệ miễn phí cho tất cả cựu sinh viên APTECH toàn quốc
Tiết Thực Vì Cộng Đồng
Hội Thảo CNTT
Những khoảnh khắc không phai của Thầy Trò FPT-APTECH Ngày 20-11