(Post 16/10/2005)
Tôi tên là Nhâm. Năm nay tôi mười bảy
tuổi. Tôi sinh ra và lớn lên ở nông thôn.
Bố mẹ tôi sinh được ba người con trai.
Tam nam bất phú, các cụ đã dạy vậy. Anh trai tôi từ nhỏ đã được
bố mẹ tôi cho học hành tử tế. Giờ, anh tôi đang công tác mãi trên
Hà Nội. Anh làm ở Viện công nghệ tin học hay công nghệ sinh học gì đấy,
nghe nói cao siêu lắm. Cho dù là công nghệ sinh học hay công nghệ tin
học thì cũng vậy, đều là những ngành mũi nhọn của đất nước cả. Vả lại,
nếu trải hết cỡ ra mặt giấy thì hai ngành ấy cũng chỉ khác nhau vài con
chữ mà thôi! Em trai tôi còn bé, nó đang học lớp mẫu giáo ở đầu làng.
Bố mẹ tôi vẫn chưa quyết định đầu tư cho nó, hay lại cho nó đi
chăn bò như tôi. Sáng sáng, tôi dắt bò ra khỏi chuồng, đưa bò lên ăn cỏ
ở triền đê sông Cái hay ra bãi tha ma cuối làng. Chiều, tôi dong bò về
với cái bụng căng mượt, nước da vàng bóng loáng, cùng với gánh phân bò
đầy tú hụ hót ngoài đường. Thày u tôi rất vừa lòng. Tôi đọc được sự vừa
lòng ấy trong đôi mắt ấm áp của u tôi, mỗi khi u xới cho tôi bát cơm độn
sắn bốc khói nghi ngút trong nồi. U bảo, tôi đã biết đỡ đần u, chứ như
anh trai tôi chỉ là niềm hy vọng tiềm năng, còn thằng em tôi chỉ
là một niềm hy vọng của tương lai. Tôi ít học, nên chỉ hiểu mang
máng những câu nói của u tôi. Cuộc sống, nếu thiếu đi những niềm hy vọng,
sẽ chán chường biết nhường nào! Tôi biết vậy nên vẫn gắng sức đi chăn
bò, ngày này qua ngày khác.
Sáng nay, trong lúc dắt bò lên triền
đê, tôi mới để ý đến những giọt sương long lanh đọng trên những ngọn cỏ
còn non tơ. Ban nãy, ngồi đợi bọn thằng Hải “dớ” và cái “Mộng Dung” đi
hái cỏ gà về chọi, tôi chợt phóng tầm mắt phóng vút ra xa, nơi ngoài kia,
có những đợt sóng lớp lớp nối đuôi nhau, như níu kéo mời chào dòng sông
ra với biển cả. Và lúc này đây, tôi nằm ngửa mặt nhìn bầu trời, dõi theo
những đám mây xốp màu trắng đục không hình thù lững lờ trôi. Tôi bắt đầu
suy nghĩ miên man. Phải, những suy nghĩ của tôi hình thành sau cái lần
u tôi sai tôi đi đón em tôi ở lớp mẫu giáo.
Hôm ấy, lần đầu tiên tôi trông thấy
cô giáo thằng Quý. Thú thật, trong lòng tôi dâng lên một cảm giác xao
xuyến lạ thường, không sao tả được. Cô giáo mặc chiếc áo màu tím hoa cà
cổ trái tim, trông thật nhã. Nghe nói cô người xã bên, xã Quyết
Tiến (còn xã tôi là xã Tương Lai). Cô đang giảng bài Môi trường xung
quanh em. Cô kể chuyện về cuộc phiêu lưu của những giọt nước bé nhỏ:
từ trên trời rơi xuống, ngấm vào lòng đất, trôi theo dòng suối dòng sông,
đổ ra biển cả, rồi dưới ánh nắng mặt trời gay gắt, bốc lên cao, tụ lại
thành những đám mây. Tôi đứng ngây ra bên cửa sổ lớp học, nghe như nuốt
lấy từng lời. Sau lần ấy, tôi có vẻ chăm đi đón em hơn, thậm chí còn hay
bị cô giáo phê bình là đi sớm giờ. Tôi lờ mờ nhận thấy, tuy cô phê bình
với thái độ nghiêm khắc, song ý cô vẫn mong tôi đi sớm giờ.
Tôi nhớ tới buổi chủ nhật tuần trước,
anh trai tôi có mời các anh các chị cùng công tác ở Viện công nghệ về
thăm quê tôi. Do anh đã hẹn trước, gia đình tôi chuẩn bị sẵn đầy đủ mọi
thứ để tiếp đón. Mẹ tôi cất một mẻ mắm tép và muối một vại sung, còn tôi
bỏ hai buổi trưa bắt một giỏ đầy chặt cua đồng, đặt hom đêm được một mớ
cả lươn lẫn chạch, hái một rổ tướng mồng tơi, trẩy vài quả mướp hương,
cắt mấy cái hoa chuối và đánh bẫy lưới được một lồng chim sẻ, ba con chim
ngói. Hôm các anh các chị về, không khí thật là vui vẻ. Sau khi chào hỏi
bố mẹ tôi và thăm thú xung quanh nhà, chúng tôi kéo nhau ra đồi bạch đàn
của các cụ phụ lão. Tôi đã chuẩn bị chục vắt cơm nắm và một nồi ngô nếp
luộc non nõn nà để ăn trưa.
Anh Mậu “béo” vui chuyện đáo để. Anh
kể chuyện ở Viện anh một thời nghiên cứu ứng dụng vận trù học.
Đúng bốn mươi phó tiến sĩ dùng xe Mô-kích chạy ngoằn ngoèo trên bờ ruộng
đếm số trâu bò ra đồng buổi sớm. “Kết quả đếm ảnh hưởng rất cơ bản
đến lời giải tối ưu”, anh bảo thế. Bốn mươi người cho ra 20 kết
quả đếm. Tôi những tưởng đếm thế là giỏi giang lắm, vì quân bình có tới
hai người đếm giống nhau. Sau, anh giảng giải cho tôi là hai người đi
một xe, và những ai là tài xế bất đắc dĩ thì không đếm, không hẳn là vì
không biết đếm, mà vì còn bận... tránh ổ gà. Có lẽ, đấy là bài học đầu
tiên về cái giống trâu bò mà anh cần biết. “Phải cho chúng nó ăn, anh
ạ” - tôi bảo. Ý tôi là khi cho trâu bò ăn, chúng sẽ đứng yên, không nhúc
nhích, mình tha hồ đếm. Anh cười, bảo, mãi hai năm sau, anh mới đọc một
bài báo ở Thư viện Khoa học kỹ thuật trung ương nói về kinh nghiệm đếm
voi rừng độc đáo ở Kê-ni-a hay Tăng-da-ni-a gì đó, mà theo
anh, kinh nghiêm này có thể xếp vào hàng kinh điển. Đấy, bên Phi
Châu người ta không dạy “phải cho voi ăn, voi uống!”, mà dạy một điều
hoàn toàn khác: “hãy đếm các bãi phân voi!”. Tôi không khỏi ngả mũ kính
phục người nào đã phát minh ra cái nguyên lý hay ho ấy. Người ta bảo,
những điều cao siêu đều giản dị (chứ không phải đơn giản). Có điều,
áp dụng cái kinh nghiệm quốc tế ấy vào nước ta, tôi e chưa chưa chắc đã
tìm ra lời giải tối ưu.
|
Chị Tân “cận” sôi nổi tường thuật lại
cuộc tranh luận nảy lửa về quan điểm mua máy vi tính ngoài Hà Nội. Một
quan điểm là thích mua giá rẻ, tiết kiệm cho Nhà nước, chứ không mua đồ
đắt tiền. Một quan điểm khác là phải mua máy hiệu, tức là những
máy lắp ráp ở nước ngoài, có mác mỏ hẳn hoi. Người ta lắp ráp máy trên
những dây chuyền hiện đại, ISO này ISO nọ; người ta kiểm tra, test
máy trong những lò bát quái, kiểu như Thái Thượng Lão Quân thời
Tôn Ngộ Không luyện đan vậy. Có đắt hơn một tí, vài tí, thì nó vẫn nồi
đồng cối đá hơn, đáng đồng tiền bát gạo hơn. Dân nhà quê chúng
tôi, mua gì cũng thế, đều hay thích nồi đồng cối đá. Thế nên, dễ đồng
tình với quan điểm này. Nhưng chị Tân lại bảo, máy vi tính không giống
như cái ti-vi. Nó có phần mềm, đấy là linh hồn của máy. (Chị nói
thế, chẳng hóa ra ti-vi không có linh hồn sao?). Và phần mềm của máy cứ
vài năm lại đổi một lần. Chỗ này, cũng có thể tôi nhớ nhầm: “Một năm đổi
vài lần” thì phải. Người nào mà linh hồn “vài năm đổi một lần” đã thấy
ác, chứ đừng nói “một năm đổi vài lần”. Một khi phần mềm thay đổi,
nếu vẫn chạy trên máy đời cũ, nó sẽ ì à ì ạch, chả khác gì cái
cảnh ‘con trâu đi trước, cái cày theo sau”. Cho nên, khi trang bị máy
vi tính, nếu mua máy rẻ tiền thì “tưởng tiết kiệm, mà hóa ra lãng phí”.
Anh Bính “đen” đế thêm vào, với vẻ thích thú nhấm nháp câu nói của một
nhà đại tư bản nào đó: “Xin lỗi, tôi không đủ tiền để mua máy 386, chỉ
đủ tiền mua máy 486 thôi!”. Tôi còn đang phân vân không hiểu nên ngả theo
phái nào thì anh đã đột ngột giải thích: “Mày theo phái nào cũng được!”.
Tôi cứ tưởng theo phái nào thì cũng đều tiết kiệm tiền cho Nhà nước cả,
nhưng hóa ra tôi đã lầm to. Nhờ đã nghe cô giáo trẻ giảng bài Môi trường
xung quanh em, nên tôi đã có sự liên hệ tự tin cần thiết khi nghe
anh Bính “đen” nói về “vòng xoắn trôn ốc” của sự phát triển của những
chiếc máy vi tính đắt tiền: phần cứng, phần mềm, phần cứng rồi lại phần
mềm. Nghe hơi có vẻ “lừa lọc”, nhưng lô-gích của sự vật đúng là
như vậy.
Còn anh trai tôi kể, trên Hà Nội đang
có một cao trào “lổi” lắm, tiêu phí nhiều tiền lắm. Tôi thấy anh
nhắc đến mấy tiếng ơ-rê-ca hay y-hai-ca gì đó. Tiếng Nhật
thì phải, vì hôm nọ tôi thấy anh xin tiền u tôi học tiếng Nhật. Anh hứa,
nếu được chọn sang Nhật làm da-công, có nhiều tiền, anh sẽ xây
nhà cho u tôi và cho tôi tiền để dành cưới vợ. Tôi nghe loáng thoáng u
tôi mắng anh là “trăm voi không được bát nước xáo”. Còn tôi như ếch ngồi
đáy giếng, nghe đến đâu biết đến đấy, không hiểu da-công tiếng
Nhật nghĩa là gì. Hay anh đã giải nghệ, xin đi học để về làm giám đốc
vườn chim Bách Thảo. Đối với tôi là “bị học tiếng Nhật”, chứ không
phải là “được học tiếng Nhật”. Học tiếng Nhật khó lắm, phải suy
nghĩ nhiều, làm sao sung sướng như ăn một bắp ngô nướng trong mùa gió
bấc!
Anh Canh “hóm” say sưa nói về những ứng
dụng tuyệt vời của máy vi tính. Ví như, người ta có thể lập chương trình
phần mềm nướng ngô để làm chín từng hột ngô trên một bắp ngô. Làm như
thế, sẽ không có hột nào bị cháy đen cả. Chương trình này dễ dàng phát
triển (chỉ thêm vài ba mô-đun) thành chương trình đốt lò gạch:
sẽ chẳng hề có nửa viên gạch nào bị đốt già quá hay non quá. Hay một ông
chủ quán phở có thể ứng dụng trình quản lý (thú thật, tôi “ăn cắp”
thuật ngữ này của anh Canh) để bán hàng cho khách. Ai xơi món gì, anh
kỹ sư tin học của ông sẽ kích chuột đánh dấu vào ô chọn tương ứng: phở
tái, phở chín, phở gầu, phở nạm, có hành, không hành, nước béo, nước gầy...
Xin kính mời. Chắc những người lập trình đầu óc phải cao siêu lắm, vì
sẽ phải lường trước cả nghìn lẻ một tình huống, kiểu như “cho một bát
phở chín nhé!”, nhưng là bát phở ba trứng chín nghìn.
Chúng tôi chuẩn bị bữa ăn trưa nhanh
chóng và đơn giản. Tôi cắt tiết chim sẻ vào chiếc cốc nhỏ, pha vào chai
rược cuốc lủi. Chim mổ bỏ hết lòng, chỉ để lại quả tim be bé xinh xinh
nhỏ xíu, nhét lá chanh lá bưởi và tí tẹo bột gia vị vào bụng, dùng gai
bưởi khâu lại, đem bọc đất sét rồi mới nướng. Lươn và chạch làm sạch nhớt,
sát nghệ vàng ươm, kho với sung muối. Canh cua nấu mồng tơi, điểm chút
mướp hương. Hoa chuối sắt nhỏ làm rau sống. Thật kỳ lạ! Các anh chị trên
thành phố dường như thích cuộc sống ở nông thôn lắm thì phải. Ai cũng
khen bữa trưa ngon miệng. Anh Canh “hóm” kể chuyện một lần vào dịp 8-3,
các anh chiêu đãi toàn thể chị em trong Viện mỗi người hai quả trứng vịt
lộn có đủ gừng thái chỉ và rau răm, sau đó tráng miệng một quả chuối tiêu
trứng cuốc và một cốc sữa chua. Ăn xong, các anh cười rũ ra, còn các chị
chẳng hiểu gì. Lúc trưa ngủ dậy, các anh mới nói làm chị nào chị nấy đỏ
bừng mặt. Một vài chị còn khạc rát cả họng mà chả ra được thứ gì. Chị
Tân long lanh mắt, bảo: “Đồ quỷ sứ!”, càng làm nhiều người rúc rích cười
hơn. “Đã ăn rồi, làm sao mà khạc ra được!”, anh Canh nói. Còn anh Mậu
“béo” góp thêm: “Giá mà các phần mềm của Việt Nam cũng long lanh
như mắt phụ nữ mỗi khi họ giả vờ tức giận thì hay biết mấy”. Cho đến giờ,
tôi vẫn chưa hiểu họ cười gì. Người thành phố thâm thúy thật! Thế mà anh
Kỷ “bác học” đeo kính lại bảo, các anh đã học được nhiều điều ở thôn quê,
làm tôi mát gan mát ruột. Anh ca ngợi cuộc sống làng quê hết lời. Nào
là yên tĩnh, nào là rộng rãi, nào là thoáng mát. Mỗi tội hơi lắm ruồi.
May mà ăn gần xong buổi trưa, mấy binh đoàn ruồi mới kéo đến tham chiến.
Tôi nghĩ, trên thành phố nhiều ruồi hơn mới phải chứ. Bởi vì trên ấy nhiều
thức ăn hơn, và thức ăn cũng ngon hơn, bổ hơn. Song, cũng có thể, do ở
đây không có đủ thức ăn nên khi có một chút thức ăn là cả đám đông ruồi
bu đến, còn ở thành phố, ruồi đã no nê rồi, đâu còn cần đi lùng sục thức
ăn nữa. Vì thế mà trên thành phố người ta ít nhìn thấy ruồi, chứ không
phải có ít ruồi.
Ăn xong, cả hội trải ny-lông ra nằm
nghỉ. Tôi đã cẩn thận mượn thêm 2 cái võng dù, quả không thừa. Gió hây
hây thổi, lá bạch đàn khẽ lao xao. Tôi nghe thấy giọng khàn khàn đùng
đục của anh Giáp “hói”:
Đưa nhau ta thì về...
Đưa nhau ta thì về...
Nơi mẹ đưa nôi,
Nơi sáo diều chơi vơi,
Với dòng sông bên lở bên bồi...
Tiếng hát thanh thanh của chị Tân “cận”:
Cùng nhau khoác chiếc áo tơi ra đồng,
dù cho trời nắng chang chang vẫn quàng...
Rồi một giọng khác vút lên tha thiết:
Bằng lòng đi em, anh đón qua cầu,
Trời mưa, đường trơn, dẫu khó đưa dâu,
Bằng lòng đi em, dưới mái tranh nghèo,
Về đây! Người quê chỉ có tấm lòng,
Với chiếc xuồng ba lá để yêu nhau...
Mấy bài hát này chắc do máy vi tính
sáng tác ra. Hay quá!
Tôi nghe thấy những tiếng lòng chân
thật, nhưng vẫn hơi ngờ ngợ, không rõ các anh các chị có thích về nông
thôn ở thật hay không, vì anh Đinh tôi bảo, phòng anh là Phòng Hiện
thực ảo.
Tôi ước mình được làm hạt nước bé nhỏ,
đi chu du đến những nơi phồn hoa đô hội xa xôi, cờ đỏ bay rợp đường phố.
Tôi mơ đến một ngày người thành thị vui lòng đổi chỗ cho người nhà quê
chúng tôi, dầu chỉ vài ba hôm. Được thế, cả hai bên đều thỏa mãn.
Tôi mơ đến cái ngày quê tôi ngập tràn
máy vi tính. Nhiều như châu chấu. Bọn thằng Quý tha hồ chơi điện tử, tha
hồ vào Internet. Tôi sẽ xui thằng Ất “còi” bạn thằng Quý (thằng bé vốn
lanh lợi và láu lỉnh nhất lớp) gửi một lá thư tỏ tình điện tử nặc danh
cho cô giáo nó: Cô ơi cô, chú cháu yêu cô lắm... À, mà thể
nào tôi cũng nhờ anh Canh lập hộ chương trình phần mềm tự động bắt ve
cho bò mới được. Những con ve chết tiệt đáng ghét kia, hãy cầu nguyện
đi!
Dưới cánh đồng, tiếng cuốc kêu ra rả
như đang khắc khoải đợi chờ.
Dưới đây là ba đoạn kết hiến cho bạn
đọc.
Đoạn kết
thứ nhất
Anh Đinh thi trượt tiếng Nhật, chán
nản bỏ về quê lấy vợ. Anh lấy con gái rượu ông chủ tịch huyện. Năm sau,
huyện cải cách hành chính, mua sắm nhiều máy vi tính, vợ chồng anh trúng
thầu, vớ bẫm, xây được một cơ ngơi tầm tầm. Nhâm không lấy cô giáo, cô
giáo không lấy Nhâm, mà hai người lấy nhau. Họ sống giản dị và hạnh phúc.
Vợ Nhâm phấn đấu trở thành hiệu trưởng trường mẫu giáo “Chim non”. Nhâm
bỏ nghề chăn bò, chuyển sang chăn ngỗng, vì mốt mới trên thành phố là
phở ngỗng. Chả ai ăn phở bò nữa, dai lắm! Nhâm có sáng kiến trộn phân
ngỗng với tro lá tre và than bùn để tạo thành một thứ đất nuôi trồng phong
lan, bán chạy như tôm tươi. Nhưng tính Nhâm gàn nên cũng chẳng giàu, chỉ
đủ ăn. Thằng Quý tốt nghiệp trung tâm đào tạo lập trình viên cao cấp,
nhưng cái giống ấy đông quá, không có việc làm, về giữ chân quản
lý chiếc máy tính Pentium trong Ủy ban, chuyên trị tính sản lượng lúa
ở từng thửa ruộng cho xã viên, sống nhàng nhàng. Ai gặp bố Nhâm cũng chép
miệng bảo: “Quả là tam nam bất phú”.
Đoạn kết
thứ hai
Anh Đinh thi đỗ sang Nhật học. Anh học
giỏi, lại chuyên cần nên được các Công ty của Nhật mời chào làm cho họ.
Anh nhập quốc tịch bên ấy, lấy vợ Nhật, cuộc sống ổn định. Được 10 năm,
hai vợ chồng anh định cư về Việt Nam, mở một Trung tâm đào tạo công nghệ
thông tin tầm cỡ ở Đông Nam Á, lấy tên là IAT. Thằng Quý tốt nghiệp trường
IAT, trở thành hacker trắng - cho dù thằng bé đen như củ súng -
thi đỗ cảnh sát tin học, giờ đang làm chuyên gia tin học cho nước bạn
Lào. Nhâm cưới cô giáo. Cô giáo nổi tiếng nhờ áp dụng các thành tựu của
tin học vào trường mẫu giáo chất lượng cao, ví như trang bị một loạt ca-mê-ra
để các bậc phụ huynh luôn luôn có thể quản các quý tử của mình,
kể cả lúc chúng ngồi bô. Về sau, anh Đinh cải tiến bằng cách lắp thêm
con chíp nhỏ xíu do Việt Nam chế tạo mang nhãn hiệu Toto vào đáy
bô. Vì vậy, có thể phân tích tức thời, biết chính xác thành phần dinh
dưỡng của chất thải, được các bậc phụ huynh hoan nghênh nhiệt liệt. Vợ
Nhâm đi học thêm lấy bằng sư phạm, được cử làm hiệu trưởng trường cấp
hai của xã. Nhâm trở thành trợ thủ đắc lực của vợ: Anh giữ chân đánh trống
của trường. Anh vừa đem về cho Tổ quốc tấm Huy chương vàng trong cuộc
thi “Liên hoan Tiếng trống trường” khu vực Châu Á. Ai gặp mẹ Nhâm
cũng nức nở khen: “Bác có ba người con trai thật là tài!”.
Đoạn kết
thứ ba
Tôi tên là Tưởng. Năm nay tôi hăm bảy
tuổi, công tác ở Viện nghiên cứu nông thôn.
Nhà tôi có hai anh em: tôi và thằng
Diễn. Hôm qua là chủ nhật. Tôi đang đọc báo thì thằng Diễn rủ tôi đi xem
bóng đá. Nó bảo: “Anh đọc gì đấy?”, tôi bảo: “Tao đọc báo Đời sống”,
nó bảo: “Anh đọc bài nào?”, tôi bảo: “Tao đọc bài Thương lắm đồng quê”,
nó bảo: “Sao lại đi đọc bài đấy?”, tôi bảo: “Để nâng cao kiến thức chuyên
môn”, nó bảo: “Vậy thì anh nhầm rồi”, tôi bảo: “Sao vậy?”, nó bảo: “Bài
ấy viết về đề tài khác”, tôi bảo “Đề tài gì?”, nó bảo: “Phòng chống tệ
nạn xã hội”, tôi bảo: “Tao không tin”, nó bảo: “Thế anh đã đọc chưa?”,
tôi bảo: “Rồi”, nó bảo: “Không đủ”, tôi bảo: “Thế mấy lần thì đủ”, nó
bảo: “Hai lần”, tôi bảo: “Tao cũng đang đọc lần nữa đây. Nhưng chẳng thấy
chống tệ nạn xã hội gì cả”, nó bảo: “Thế anh thấy cái gì?”, tôi
bảo: “Phong cảnh nông thôn”, nó bảo: “Gì nữa?”, tôi bảo: “Con người nông
thôn”, nó bảo: “Chưa đủ”, tôi bảo: “Thì món ăn dân dã nông thôn!”, nó
bảo: “Vẫn chưa đủ. Anh có thấy các con vật không?”, tôi bảo: “Thấy”, nó
bảo: “Những con gì?”, tôi bảo: “Thì bò, voi, vịt, chim, ruồi...”, nó bảo:
“Ờ, đúng...”, tôi bảo: “Đúng cái gì?”, nó bảo: “Đúng là chống tệ nạn”,
tôi bảo: “Tao đếch hiểu”, nó bảo: “Đoạn đếm bò có câu: Phải cho chúng
nó ăn thì mới đếm được. Anh có biết ăn gì và đếm gì
không?”, tôi bảo: “Ờ, chịu mày 1-0”, nó bảo: “Đoạn đếm voi có câu: Hãy
đếm các bãi phân voi. Anh có biết chủ trương khai báo tài sản trước
và sau khi nhậm chức của công chức không?”, tôi bảo: “Giỏi, 2-0. Thế liên
quan gì đến vịt”, nó bảo: “Vịt thì không, chỉ liên quan đến vịt thiếu
nhi. Có cái đoạn: Ăn rồi không khạc ra được...”, tôi bảo: “3-0.
Tiếp nữa đi!”, nó bảo: “Đoạn mật ít ruồi nhiều thì dễ quá, coi
như 4-0”, tôi bảo: “Ờ, thế thì tao hiểu rồi”, nó bảo: “Chưa hết đâu. Sẽ
có bàn thắng thứ năm”, tôi bảo: “Còn cái gì?”, nó bảo: “Lộn lên đầu, đến
cái đoạn tờ mờ hiểu. Anh có nhớ thái độ của cô giáo không?”, tôi
bảo: “Nhớ”, nó bảo: “Nhớ cái gì?”, tôi gắt: “Thế mày bảo nhớ cái gì?”,
nó bảo: “Cô giáo có nghiêm khắc phê bình không?”, tôi bảo: “Lại hiểu rồi”.
Thằng Diễn chưa tha tôi. Nó bảo: “Vẫn
còn một điều anh không hiểu”, tôi bảo: “Điều gì?”, nó bảo: “Anh có biết,
tại sao em biết những điều đó không?”, tôi bảo: “Ờ, quả thật tao quên
hỏi... Tao cứ nghĩ mày là thằng sâu xa”, nó bảo: “Sâu xa mẹ gì. Em đi
toa-lét, bắt được đề cương sáng tác của ông-hay-bà tác giả”, tôi bảo:
“Chịu mày”.
Từ hôm ấy, tôi mắc thêm cái bệnh hay
liên tưởng và suy diễn, đọc báo nào cũng nhâm nhi đọc hai lần trở lên.
Và mỗi khi nhặt được một tờ giấy viết lung tung, cứ hay mở ra đọc, đọc
ngang rồi lại đọc dọc, cứ như là đang ngâm cứu bản đồ của một đảo
giấu vàng.
(theo Tin học & Đời sống)
|