Chuyện trò cùng Phan Huy Tiệp  
 
Giấc mơ của nghệ sĩ
Tranh sơn dầu của Nguyễn Đình Đăng, 1990

(Post 19/10/2005)

Các bài viết của Phan Huy Tiệp đã gây ra không ít phản ứng từ phía bạn đọc, người trong ngành có, ngoài ngành có. Vì thế chúng tôi “đành” chuyện trò cùng Phan Huy Tiệp mong hiểu rõ ngọn ngành hơn…

-         Anh đi học tin học hồi nào?

-         Tôi được học những bài đầu tiên về PC trên chiếc máy tính Quả táo 2 (Apple II) du nhập vào Việt nam những năm đầu của thập kỷ 80. Còn những kiến thức cơ sở liên quan đến khoa học tính toán như Phương pháp tính, Thuật toán, Ngôn ngữ lập trình FORTRAN… tôi học ở trường đại học.

-         Viết “Tôi đi học tin học”, anh dụng ý gì?

-         Thực ra tôi chẳng dụng ý gì. Trong lần đi uống cà-phê, một anh bạn thân bảo: “Ngành tin học của các cậu đang thời thượng. cậu thử viết một bài pha trộn giữa tin học và văn học, báo chí. Tớ tin sẽ có nhiều người thích đọc”. Tôi chỉ làm theo lời khuyên của anh ta.

-         Bài báo làm cho một số người tức giận. Anh có ý thức được điều đó?

-         Sau khi bài được đăng, Ban biên tập có cho tôi biết điều đó. Nhưng không sao cả. Tôi sợ nhất khi một cuốn sách hay một bài báo viết ra không ai đọc nó, hoặc đọc xong mà chả có ý kiến gì.

-         Giờ đây đọc lại, anh có nghĩ là bài báo có gì thái quá không?

-         Không, tôi không nghĩ như vậy.

-         Trong bài báo nói nhiều điều “chưa được”. Thế còn những điều “được”?

-         Tôi nghĩ, mỗi người một tạng. Một ai đó sẽ viết về những điều “được”.

-         Viết toàn những điều “chưa được” sẽ làm đau lòng nhiều người…

-         Nhà tôi có hai cháu nhỏ. Nhiều lúc, rất muốn vỗ về các cháu, nhưng chỉ sợ làm các cháu . Có lần, cháu lớn mải chơi, bị mẹ chấu đánh đòn đau, thậm chí mắng, đòi “tống cổ nó đi đâu thì đi”. Nhưng thật lạ, cháu không chạy đi mà ngồi im chịu để mẹ đánh đòn.

-         Trong bài báo có dùng cụm từ “dòng sông thao thiết chảy”. “Thao thiết” nghĩa là gì?

-         Tôi biết từ “thao thiết” mới vài năm trở lại đây. Theo tôi cảm nhận, “chảy thao thiết” nghĩa là thao thức chảy (chảy suốt cả đêm, không ngủ), và chảy tha thiết (chảy liên tục).

***

-         Vì sao anh lấy tên cho một bài viết khác của mình là “Không có vua”?

-         Tôi đã từng phân vân giữa 3 cái tên: Vua có không, Vua không có,Không có vua. Còn bạn, nếu muốn, bạn có thể viết bài “Không, có vua!”.

-         Theo anh, thế nào là một ông vua “tốt”?

-         Theo tôi, một ông vua “tốt” cần hội tụ đủ nhiều yếu tố: thu phục được nhân tâm, tập hợp được sức mạnh những người xung quanh, thậm chí làm cho sức mạnh ấy cộng hưởng lên nhiều lần. Tức là phải tạo ra động lực.

-         Anh đã gặp ông vua nào vậy chưa?

-         Tôi đã đọc Pi-e đệ nhất.

-         Anh thường lấy nguồn tư liệu ở đâu?

-         Xin của bạn bè. Tôi không biết uống bia, nhưng quen biết ít nhiều ông bạn thuộc diện “sâu bia”. Mỗi khi có dịp (sinh nhật ai đó chẳng hạn), các “sâu bia” lại ời ời gọi nhau tụ họp. Tôi sắm một chiếc máy ghi âm bỏ túi và chịu khó mỗi tuần tổ chức sinh nhật một lần. Đêm đến, mở máy ghi âm ra, cắm tai nghe vào và cặm cụi ghi lại những câu chuyện “trên trời dưới bể” tiếp thu được lúc chiều.

-         Những người ‘bị” nêu chuyện của họ lên mặt báo có “ghét” anh không?

-         Không. Bởi họ với tôi không quen biết nhau. Các “sâu bia” thường nói đến chuyện của người khác là chủ yếu. Hơn nữa tôi không có ý định “bôi xấu” ai nên không bị ai “ghét”.

-         Anh có hơi bi quan?

-         Tôi là người hay lo xa. Lây phải cái “tính xấu” này của nhà sử học Ma Văn Bường. Ông này còn dự báo “phải năm mươi năm nữa, xã hội thông tin mới ra đời”.

***

-         Chúng tôi đoán chuyện “Thương LẮM đồng quê” là của anh?

-         Vâng, tôi viết.

-         Vì sao chữ “lắm” lại phải viết khác 3 chữ kia?

-         lắm lý do: phải nhấn nhả, kéo dài khi phát âm, và nhấn mạnh. Sung sướng và chua sót.

-         Nhâm trong truyện làm nghề chăn bò, song đôi lúc tôi nghĩ anh ta là giảng viên đại học…

-         Quả thế. Một anh bạn tôi có phàn nàn rằng trong các tờ khai Sơ yếu lý lịch thường có sự trộn lẫn giữa “trình độ văn hoá” và “trình độ học vấn”. Nhâm đi chăn bò (có lúc còn làm nghề đánh trống trường học), song trình độ văn hoá của Nhâm cũng ngang với trình độ của giảng viên đại học.

-         Anh “tô hồng” cuộc sống ở nông thôn?

-         Không hẳn. Tôi được nhiều bạn bè mời đi thăm nông thôn. Nông thôn ở trong truyện này còn xa mới đuổi kịp những nông thôn mà tôi từng đến. Nhưng đó không phải là mục tiêu trong bài viết này.

-         Thế mục tiêu của bài viết là gì?

-         Tôi muốn nói lên một thực tế xót xa: ngành công nghệ thông tin chưa vươn tay đến nông thôn là mấy. Mà nước ta lại là một nước có 90% dân số là nông dân. Xuất khẩu gạo đem về nhiều ngoại tệ cho đất nước, song thử hỏi đã có mấy ai quan tâm đến việc áp dụng tin học vào lĩnh vực rộng lớn này?

-         Vì sao truyện có đến 3 đoạn kết?

-         Tôi nghĩ, tin học nước nhà đang đứng giữa ngã ba đường.

-         Đoạn kết thứ ba có vẻ không ăn nhập với 2 đoạn kết kia?

-         Phải. Nếu viết cho nó ăn nhập với 2 đoạn kết kia thì khó cho tôi, vì nhiều bạn đọc (không cần đọc) sẽ đoán ra được mất.

-         Anh có nói đến nghề “cảnh sát tin học”. Đề nghị anh nói rõ hơn.

-         Đó là lực lượng cảnh sát được tổ chức để ngăn chặn các hành vi phạm tội chủ yếu nhờ công cụ máy tính. Ngày nay, tin học đã thâm nhập sâu rộng vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội nên tội phạm tin học cũng gia tăng. Do đó cần có lực lượng cảnh sát tin học để trấn áp, răn đe các loại tội phạm này.

-         Anh có nói đến các chương trình phần mềm “nướng ngô”, “đốt lò gạch”, “bán phở”, “bắt ve cho bò”… Liệu trên thực tế có những phần mềm như vậy không?

-         (cười) Vâng, làm gì có. Bài viết chỉ muốn nhắn nhủ với bạn đọc: đừng lý tưởng hoá, tuyệt đối hoá vai trò của máy vi tính. Nó có thể giúp bạn làm được nhiều việc, nhưng không phải là tất cả mọi việc. Vả lại, cần đến đâu thì dùng đến đó, không nên khiên cưỡng bắt máy tính phục vụ mọi ý đồ của mình.

-         Anh đặt tên các nhân vật trong bài viết theo quy tắc nào không?

-         Tính tôi nhát gan, hay sợ bị hiểu nhầm. Cho nên, để đơn giản đã lấy các tên: Ất, Giáp, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh,… để ghép vào. Tên Tưởng và Diễn, như trong bài viết đã giải trình, là lấy từ “liên tưởng” và “suy diễn”.

-         Thế còn tên “công ty IAT”?

-         À, ở Băng-cốc (Thái lan) có Học viện Công nghệ Châu Á AIT. Vì vậy, công ty của hai vợ chồng anh Đinh lấy tên là IAT, hơi đảo đi một tí. Nếu bạn hiểu là Công ty Công nghệ IA cũng không sao.

-         Nhân vật cô giáo trong bài viết được nhận xét là “dễ chiếm được cảm tình” của bạn đọc?

-         Cô bé đội nón mê trong “Tôi đi học tin học” cũng vậy. Ngày này, nhịp sống trong xã hội bị đẩy nhanh hơn trước kia rất nhiều. Cho nên, trong nhiều lĩnh vực của văn học nghệ thuật người ta sính đưa ra những nhân vật có thiên nữ tính, nhằm giảm bớt những căng thẳng trong đời thường. Có thể coi đó như những cái xoa dịu.

-         Sao anh không cho họ một cái tên?

-         Hồi tôi mới đi bộ đội, được phát quần áo mới, ai cũng lấy kim chỉ thêu tên mình vào, sợ lẫn với quần áo của ngươi khác. Duy nhất có một anh bạn ngồi chơi nhởn nhơ. Mọi người nhắc thì anh ta thủng thẳng nói: “Các cậu đã đánh dấu tên hết rồi, tớ cần gì đánh dấu nữa”.

***

-         Có một số chi tiết, theo một số người, không nên đưa vào…

-         Tôi cũng định thế. Nhưng một người bạn khác giới lại khuyên “bỏ đi thì phí”. Một mặt, cho nó có vẻ “tả thực”, “đời thường”, “cho nó phong phú”. Mặt khác, cũng là một cơ hội để những người ngoài “làng tin học” hình dung ra: những người công tác dính đến tin học không hẳn là những con người khô khan, họ cũng là “những người thích đùa”. Thành thử, nếu chiều người này thì thành ra không chiều người kia.

-         Có người bảo anh hay “vòng vèo”…

-         Tôi nhớ tới một nghịch đề: không phải bao giờ đường thẳng cũng là đường ngắn nhất. Hoặc một “nghình nghịch đề”: con đường ngắn nhất dẫn tới trái tim đàn ông là con đường xuyên qua dạ dày.

-         Cũng có người góp ý, anh hơi “tham”…

-         Cũng có thể. Tôi biết là trong một bài viết ngắn, khó có thể đề cập đến quá nhiều vấn đề. Mọi thứ sẽ bị loãng ra. Nhưng ngay bản thân tôi nhiều khi cũng không lý giải nổi mình đang đề cập đến vấn đề gì. Mọi thứ chỉ phảng phất bay như một làn sương mỏng và nhẹ. Còn thì phải chờ đợi vào sự cảm nhận riêng tư của mỗi người đọc.

-         Anh mong gì ở người đọc?

-         Mong họ soi thấy một phần hình ảnh của mình trên trang viết của tôi.

-         Công việc chính của anh?

-         Làm một người viết ảo.

-         Anh bảo sao? Người viết ảo? Xin anh giải thích thêm…

-         Một trang WEB ở châu Âu đã xây dựng – theo đúng nghĩa đen của từ này - một nữ phát thanh viên bằng cách lắp ghép các bộ phận khả ái trên khuôn mặt của các nữ diễn viên, người mẫu nổi tiếng… rồi đặt cho “cô ấy” cái tên là An-na-nô-va. Khi An-na-nô-va đọc tin tức, cô cũng có những cử chỉ giống hệt như nguời thật: cụp mắt xuống, ngước nhanh mắt lên, miệng chúm chím cười duyên, rút khăn mùi soa thấm thấm mồ hôi trên trán vì… “hồi hộp”, thậm chí cũng có lúc “bập bập”, “xin lỗi”. Đến nỗi, có rất nhiều chàng trai bằng xương bằng thịt hâm mộ cô. Họ viết cho cô những lá thư điện tử nồng nàn. Cô cũng… e thẹn trả lời các bức thư đó. Vì thế, khi các bạn giao lưu với ai đó trên báo chí hoặc truyền hình, đặc biệt là trên Internet, rất có thể các bạn đang gặp một người-ảo. Cô Thanh Tâm của báo Phụ nữ Việt nam là một ví dụ!

-         Hầu như tất cả những người trong nghề biết các câu chuyện của anh là thật. Anh giữ vị trí ảo để làm gì?

-         Tôi giữ con người thực trong nghề.

-         Liệu có ngày anh làm nghề viết?

-         (cười) Có thể…

-         Anh hay trích dẫn “Tam quốc diễn nghĩa”?

-         Vâng, vô tình thôi. Thỉnh thoảng tôi mới đọc truyện này.

-         Có phải anh thích nhất câu “hư là thực, thực là hư” của Tào Tháo?

-         Không, Tôi thích câu “khiển tướng không bằng khích tướng” hơn.

-         Xin cảm ơn anh.

(theo Tin học & Đời sống)


 
 

 
     
 
Văn hóa - Giáo dục khác:


Thương LẮM đồng quê!Không có vua - Phan Huy Tiệp
“Tôi đi học tin học” - Phản hồi từ người đọcTôi đi học tin học - Phan Huy Tiệp
Đề cương thảo luận: Xây dựng trường ĐH hàng đầu tại VN Lập trình sư - Bàn Tài Cân
  Xem tiếp    
 
Lịch khai giảng của hệ thống
 
Ngày
Giờ
T.Tâm
TP Hồ Chí Minh
Hà Nội
 
   
New ADSE - Nhấn vào để xem chi tiết
Mừng Sinh Nhật Lần Thứ 20 FPT-APTECH
Nhấn vào để xem chi tiết
Bảng Vàng Thành Tích Sinh Viên FPT APTECH - Nhấn vào để xem chi tiết
Cập nhật công nghệ miễn phí cho tất cả cựu sinh viên APTECH toàn quốc
Tiết Thực Vì Cộng Đồng
Hội Thảo CNTT
Những khoảnh khắc không phai của Thầy Trò FPT-APTECH Ngày 20-11