Những người thợ xẻ - Phan Rô  
 

(Post 26/10/2005)

Ở cái xóm tôi ở ngày còn bé, có một chị hơn chúng tôi bảy tuổi, xinh gái, rất hay đầu têu bày đặt các trò chơi. Chính chị đã dạy lũ trẻ con chúng tôi những bài đồng dao Nu na nu nống, Chi chi chành chành, Thả đỉa ba ba, Kéo cưa lừa xẻ... Kể cả sau khi đã có bằng cao học về tin học của một trường đại học danh tiếng, tôi vẫn không sao cắt nghĩa cho gãy gọn từng câu từng chữ trong bài đồng dao thưở nào. Cũng phải thôi, vì trên trường đại học, chúng tôi đâu có được các giáo sư danh tiếng bổ túc cho cái môn có cái tên cũng rất chi “tập mờ” là tu từ học. Vả lại, có lẽ do chúng tôi không theo kịp các lớp đàn anh, phong cách học tập, nghiên cứu bị nhiễm nặng căn bệnh “đại khái, đại ý, đại thể”, nên chả bao giờ chịu tự đặt cho mình một vài câu hỏi thường trực trong đầu, không dám đi tới cùng của sự việc. Thế nên, phải đến lúc đã “băm mấy nhát”, nhân đọc truyện ngắn đăng trên báo Tuổi trẻ kể về một nhóm thanh niên trai làng kéo nhau lên rừng làm nghề xẻ gỗ, tôi mới bắt đầu hiểu ra: Chữ “lừa” trong câu “kéo cưa lừa xẻ” có nghĩa là... lừa.

* * * * *

Cách đây chục năm, sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa, H. cùng bốn người bạn quyết chí góp vốn mở công ty tin học. Vốn điều lệ 105 triệu, phải chạy vạy đi vay. Giải thích cho ông bố khó tính về chuyện này, H. bảo: “Chúng con muốn công ty hoạt động một trăm năm”. Những ngày đầu, H. áp dụng một số bài tự cho là độc đáo: sai nhân viên đi khắp thành phố ghi chép lại số phôn số phắc của các công ty, cửa hàng, cơ quan... để gửi báo giá tiếp thị; đi xin các hộp các-tông rỗng về bày trong cửa hàng lấy oai; mua một lượng hàng lớn (vỏ máy tính chẳng hạn) và bán hòa, thậm chí lỗ in ít để tạo uy tín cho cả người bán lẫn người mua... Khốn nổi, cái mặt còn trẻ quá nên mặc dù đã để râu và thức đêm vài ba buổi liền “trông cho nó phờ phạc”, mấy ông giám đốc – là bố của mấy cậu bạn thân - vẫn không chịu mua hàng cho, lại còn bông lơn. Về sau, H. phải nhờ một đàn anh cứng tuổi giúp, bằng cách in cho anh ấy các-vi-dit chức danh Phó giám đốc và rủ đi tiếp thị cùng. Kết quả mỹ mãn. Đi sáu nơi thì ăn được năm hợp đồng. Hồi ấy, giá máy cao vòi vọi nên mỗi hợp đồng chỉ tức là... một máy.

Hôm chuẩn bị thực hiện hợp đồng số 05 (không năm) thì xảy ra sự cố chết người: hết máy! Cũng chỉ tại bên A đến bất ngờ, không báo trước. May mà H. đã phản ứng kịp thời, phân công cô thư ký xinh đẹp ngồi tiếp khách, nói bô lô ba la đủ các thứ chuyện trên trời dưới biển, còn bản thân thì luồn cửa sau, đích thân phi đến một cửa hàng cách đấy chừng dăm trăm mét để đàm phán vay nóng tạm một con máy. Lọ mọ thuê xích lô chở máy về, đến gốc cây xà cừ to cách cửa hàng hơn chục mét, H. đã phanh vội xích lô, trả tiền rồi lễ mễ ôm hàng vòng cửa sau, làm vẻ tỉnh bơ: “Bác thông cảm, hôm nay bộ phận lắp ráp nhiều việc quá nên máy của bác hơi bị chậm trễ. Đến bây giờ chúng cháu mới cài xong phần mềm”. Xuất thân được đào tạo về lập trình nên H. hăng hái nhận cả việc viết phần mềm kế toán. Giám đốc đi khảo sát, nhưng chỉ dám khai là nhân viên lập trình. Có ai hỏi “giám đốc đâu” thì trả lời là “đang bận đi công tác Liên Xô”. Cái ngày H. bắt đầu ăn nên làm ra, được nhiều người biết tiếng, cũng là ngày anh nhập học thêm môn... diễn kịch.

Lần ấy, bà cô vợ mua hộ cho ông anh họ bà ta một chiếc máy vi tính đa-phương-tiện ở cửa hàng của H. Vốn là một con người chỉn chu và cẩn thận hết mực, H. lẳng lặng cộp toàn bộ nội dung chiếc đĩa CD vào ổ cứng và thủ luôn chiếc đĩa CD nọ. Không may cho H., “ông anh họ” tí toáy nghịch ngợm xóa lung tung thế nào, xóa luôn cả một đống các bài nhạc hải ngoại véo von mà bà cô vợ yêu thích. Thế là bà cô vội vã gọi điện thoại cho H., yêu cầu sáng mai phải có cho bà những bài nhạc nọ. Phước bất trùng lai, họa vô đơn chí. Đầu giờ sáng hôm sau, đến cửa hàng, H. mới thủng: chiếc CD nọ vì dùng quá nhiều đã lâm vào tình trạng hỏng nặng, xước rất nhiều. Nghĩ mãi nghĩ mãi, H. mới nghĩ ra một kế. Anh gọi một nhân viên của mình, thì thầm vài câu. Mặt anh chàng nhân viên dài ngoằng ngoẵng. Độ 30 phút sau, có tiếng xe máy, bà cô xộc vào cửa hàng hét thất thanh: “H. ơi, đĩa CD của cô đâu?”. H. tươi cười bước ra đón: “Cháu mời cô vào uống nước!”. Khi bà cô đã an tọa, H. mới hỏi vọng sang phòng bên: “Quân ơi, thế đĩa CD âm nhạc đâu?”. Cậu Quân (không chắc đã là tên Quân) thất thểu bước ra, mặt trông quá ư thiểu não, trình bày hoàn cảnh éo le, đã bị bọn xấu giật túi xách như thế nào. Mất tiền mất bạc đã đành, còn bị mất luôn chiếc đĩa CD quý giá nọ!? H. hò hét một hồi, gầm gừ dọa sẽ trừ lương, xén bớt tiền thưởng, khiến bà cô vợ cảm thông, rút ngay ví ra bù hai trăm ngàn cho anh chàng nhân viên xấu số. Sau đó, bà cô vợ một ra đi không trở lại. Trong Tam quốc diễn nghĩa, người ta gọi đấy là khổ nhục kế.

* * * * *

C. ban đầu đi làm cho một công ty liên doanh về tin học, sau đủ lông đủ cánh bèn mở một công ty riêng. Trải qua những giờ phút “có khách mà không có hàng”, hoặc “có khách mà phải đầu hàng”, và không ít lần phải đi lạy lục “nhà phân phối” - vốn bị C. ra một câu “tử đối”: phân như cứt, cứt gì cũng phân - hoặc bị chẹt ép giá, C. liều mạng quyết định thế chấp nhà để vay ngân hàng, lấy tiền nhập thẳng hàng về. Vợ C. kêu như cha chết. Được hơn một năm thì đủ tiền chuộc lại nhà. Thấm thía đến mức ấy, C. thường hãnh diện nói với đám bạn bè: “Nếu các cậu chưa bao giờ thế chấp nhà để vay tiền, thì chưa thể gọi là kinh doanh tin học”. Để thoát hàng ở cảng được nhanh, dĩ nhiên C. phải “làm luật” với đám nhân viên ở cảng. Tuy nhiên, C. đã “phát triển” việc này lên một mức cao hơn. Cuối mỗi năm, khi các cơn sốt nóng lạnh của máy móc và thiết bị tin học nổi lên, C. chủ động ấn thêm tiền cho đám nhân viên nọ để họ ghìm hàng của các “đội bạn” lại, giải phóng hàng của C. trước. Nhờ thế, C. đã có nhiều lần “thắng quả đậm”. Cao tay hơn nữa, C. còn chủ động share (chia sẻ, nói lóng là chim sẻ) với những tay phụ trách phân phối hàng của các hãng nước ngoài (chả phải Tây tiếc gì, người châu Á mũi tẹt da vàng thôi!) để nắm bắt thông tin đặt hàng của các đối thủ Việt Nam khác, tránh được những cú đặt hàng dở khóc dở cười. Mãi nhiều năm sau, nhiều người mới té ngửa phát hiện ra một chiêu “mỹ miều” của C: đặt in ca-ta-lô ở nước ngoài (rẻ thôi, 5 đô một bản) cho một số hàng độc với giá cao ngất trời để bịp những ông giám đốc sính ca-tô-lô tiếng Anh in màu. Hồi ấy đã có mấy ai biết đến Internet!

* * * * *

Thời sinh viên, S. đã tỏ ra là một con người đầy mưu mẹo. Trong ký túc xá sinh viên có một anh chàng keo kiệt. Ai cũng ghét anh ta, nhưng không thể nào ghét lây chai nước mắm Cát hải thơm lựng của hắn để ở đầu giường được. Mắm ngon quá! Chường mặt ra xin hắn thản nhiên từ chối. Một hôm, không có hắn ở nhà, S. sai anh bạn nằm giường bên cạnh đi mua thịt thủ về luộc và tỉnh bơ lấy chai nước mắm ra, rót ra một bát đầy để cả phòng thưởng thức. Ăn uống no nê xong , ai cũng lo S. sẽ phải hứng những lời mắng mỏ cay độc, khó mà tìm được vết nứt ở dưới chân để chui xuống. Nhưng không! S. điềm nhiên pha chè, đổ đầy ngay chai nước mắm lưng lửng. Hôm sau anh bạn về, đĩnh đạc mở chai nước mắm đãi cô bạn gái đồng hương ở ký túc xá trường sư phạm, đã nhăn như khỉ phải mắm tôm: “Quái, nước mắm hôm nay làm sao ý nhỉ?”. S. bốp luôn: “Chắc cậu để hở nút, không khí vào, nước mắm hỏng rồi”, làm cả lũ một phen suýt chết sặc vì... nhịn cười.

S. học giỏi khủng khiếp nên sau khi tốt nghiệp được giữ lại trường làm giảng viên ở bộ môn Linh kiện điện tử. Sau đó, được nhà trường cử đi bổ túc tiếp ở Liên Xô. Đói kém quá nên ban đầu S. bỏ thời gian công sức đi lùng các loại đèn bán dẫn thông dụng và được giá để buôn về Việt Nam. Đèn bán dẫn nhỏ nhẹ, giá trị cao, chứ không cồng kềnh dễ vỡ, lại không hợp thời như đèn điện tử. Thế nhưng do nhiều người lùng quá, mặt hàng này dần trở nên khan hiếm. Trăn trở mất cả tháng trời, S. quyết định buôn loại đèn thật-mà-là-giả. Nghĩa là S. luôn luôn nắm bắt xem thứ đèn nào đang khan hiếm ở chợ Giời Hà Nội, liền mua tức thì một loại đèn khác rẻ tiền, nhưng có bề ngoài giống hệt với loại kia, để bán cho dân buôn, mỗi đợt cũng đến vài công (công-ten-nơ). Các thợ nhà quê hoặc người tiêu dùng lớ ngớ không tinh sẽ vớ phải thứ đèn giả cầy này. Mang về lắp vào ti-vi, đài đóm, nổ đôm đốp là chuyện thường ngày ở... quận. Sau khi mua được hai cái nhà, có lẽ áy náy về cái kiểu làm ăn “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”, S. chuyển hướng. Bợm xoay sang móc nối với các thủ kho trong các nhà máy, xí nghiệp ở Liên Xô để mua lại các đèn điện tử đã hỏng bét nhè để đánh hàng về Việt Nam. Chẳng phải để cải tiến cải lùi gì cả, đơn giản chỉ để các lò phân kim tách vàng từ chân đèn. Lãi phết. Về nước, do trường vốn nên S. mở một cửa hàng vi tính, chủ yếu buôn màn hình. Có ngày, S. giải được hơn 1000 chiếc, ra 2 đô một chiếc. Buôn thứ này sướng cái là khỏi lo lắp đặt, cấu hình cấu hiếc mệt người. Ngoài ra, nhờ áp dụng chiêu “hư thực thực hư” của Tào Tháo mà S. kiếm thêm được tiền. S. kể chuyện, một lần nhập 2000 chiếc màn hình từ Xinh về (Singapore), có 4 chiếc bị vỡ, có lẽ do khâu bốc hàng hơi bị mạnh tay, S. phắc (fax) qua báo cho người bán, được trả lời là cứ gửi lại số hàng vỡ nát qua Xinh, sẽ được bù ngay 4 chiếc. Tuy nhiên, do thủ tục xuất ngược hàng về Xinh của nước ta quá rườm rà, mà khách lại đang giục giã liên hồi kỳ trận, nên S. mạnh dạn phắc qua, đề nghị người bán cứ gởi 4 màn hình bù sang trước. Ai ngờ, đề nghị đó được chấp thuận. Lúc lo xong thủ tục gửi ngược thì S. nhận được phắc của người bán, với nội dung là nhờ S. “vứt hộ 4 chiếc màn hình đã vỡ đi”, vì có gửi sang Xinh thì họ cũng “chẳng biết dùng để làm gì”. Tất nhiên, S. chả dại gì vứt đi cái nào. Bợm tận dụng linh kiện để sửa chữa. Hơn thế nữa, từ đấy trở đi, mỗi lần công màn hình nào của S. về đến cảng Hải phòng hay sân bay Nội bài, thể nào cũng “bị” vỡ nát vài ba chiếc, lại có cả chứng nhận của phía Việt Nam hẳn hoi! Vốn tính cẩn thận, bao giờ bợm cũng chuẩn bị vài thùng cac-tông mới, nhưng ruột toàn những đồ hầm bà làng vỡ nát để nếu người bán làm găng thì cho lên đường.

S. tự phong mình là “chuyên gia hạ giá”. Nghe nói, số lần báo giá kỷ lục mà S. đã thực hiện cho một cơ quan Nhà nước những... 36 lần. Bản chất của các đợt hạ giá này phỏng theo câu chuyện tiếu lâm dân gian “Mày phải, nhưng thằng ấy nó phải gấp hai lần mày!”. Giờ đây, bên cạnh công ty tin học bề thế, S. còn là giám đốc của một nhà máy sản xuất... xi-măng. Chả có chiêu gì mới! S. cho sản xuất loại xi-măng mác thấp rẻ tiền – xin lưu ý, xi-măng thật 100% - nhưng được mến mộ, vì các cửa hàng buôn xi-măng dùng nó để trộn vào các loại xi-măng có tiếng tăm, làm thành một thứ hàng thật-giả, ăn chênh lệch. Trong việc này, S. chả tội tình gì, chỉ phải cái tội “bán hàng hơi bị chạy”. Ngẫm cho kỹ thì đó cũng là một kiểu năng động.

* * * * *

Công việc bán hàng tin học cũng ví như đi xẻ gỗ cho thiên hạ vậy. Gặp những cây thớ dọc thớ xiên, nhiều mắt, nhiều nhựa độc... phải biết luồn lách lưỡi cưa, hầu mới mong xẻ được. Cưa đến đâu chèn ngay con nêm đến đấy, không thể cậy sức mà làm ào ào. Phải biết lựa chiều gió để mùn cưa khỏi tạt vào mặt mình. Đắng lắm!

Chợt nhớ đến câu chuyện in trên tờ Tuổi trẻ ngày nào, tôi bỗng thấy hiện ra lừng lững con gấu ngựa và cuộc chiến một mất một còn của những tay thợ xẻ nghiệp dư can trường, giỏi võ. Rốt cuộc thì họ cũng hạ được con gấu (nhà văn bao giờ chả hư cấu!), nhưng điều làm tôi thấm thía hơn cả là trước khi được dân làng và công nhân nông trường công kênh lên vai, họ đã phải nở nụ cười chiến thắng ngơ ngácméo xệch.

(theo Tin học & Đời sống)


 
 

 
     
 
Văn hóa - Giáo dục khác:


Việc xây dựng đại học hàng đầu là khẩn cấpChuyện trò cùng Phan Huy Tiệp
Thương LẮM đồng quê!Không có vua - Phan Huy Tiệp
“Tôi đi học tin học” - Phản hồi từ người đọcTôi đi học tin học - Phan Huy Tiệp
  Xem tiếp    
 
Lịch khai giảng của hệ thống
 
Ngày
Giờ
T.Tâm
TP Hồ Chí Minh
Hà Nội
 
   
New ADSE - Nhấn vào để xem chi tiết
Mừng Sinh Nhật Lần Thứ 20 FPT-APTECH
Nhấn vào để xem chi tiết
Bảng Vàng Thành Tích Sinh Viên FPT APTECH - Nhấn vào để xem chi tiết
Cập nhật công nghệ miễn phí cho tất cả cựu sinh viên APTECH toàn quốc
Tiết Thực Vì Cộng Đồng
Hội Thảo CNTT
Những khoảnh khắc không phai của Thầy Trò FPT-APTECH Ngày 20-11