(Post 02/11/2005)
Tôi học với Đoàn Ngọc Chiến từ hồi mẫu
giáo cho đến hết đại học, cộng thêm 3 năm cao học nữa, vị chi là
hơn hai chục năm. Các bạn trong lớp đều coi Chiến là “huyền thoại phố
phường” bởi anh có rất nhiều điều khác người.
Bà mẹ Chiến kể, hôm đẻ Chiến ở tầng hai
bệnh viện phụ sản, có ai đó ném từ cửa sổ tầng trên xuống một chiếc giày
bata và cái bàn phím cũ. Cô y tá đỡ đẻ nhanh mồm nhanh miệng phán
rằng, thằng bé sau này sẽ phát về đường thể thao và đường tin học.
Lên 4 tuổi, trong một lần đi xem ảo thuật
ở rạp xiếc, Chiến tỏ ra vô cùng thích thú. Điều ngạc nhiên là về nhà,
Chiến đã mày mò tự mình làm được một “quả trứng biết đi”. Cả lớp mẫu giáo
chúng tôi “mắt chữ ô, mồm chữ o” xem Chiến biểu diễn tiết
mục của mình. Một quả trứng gà thông thường đặt trên mặt bàn. Khi Chiến
ngậm nước và phun vào nó, kèm theo tiếng hô: “Trứng gà, mày hãy đi đi!”,
tức thì vài phút sau, quả trứng bắt đầu rục rịch chuyển động và...lăn
đi thật. Buổi biểu diễn diễn ra ban ngày ban mặt, không thể có sự can
thiệp bàn tay của Chiến. Nhiều năm sau, tình cờ tôi mới khám phá ra bí
mật cực kỳ đơn giản của tiết mục ảo thuật đó. Chiến xin mẹ một quả trứng
gà sống, lấy kim tiêm hút hết lòng đỏ lòng trắng ra. Sau đó, lấy một con
đỉa phơi khô nhét vào, và dán giấy, rồi dán ny-lông trám kín vết thủng.
Đỉa là loài sống dai. Nó không chết, nhưng bị phơi khô, nó nằm im. Khi
phun nước vào, con đỉa tỉnh táo và sống lại. Cử động của con đỉa làm quả
trứng lăn đi. Bái phục, bái phục!
Lên 6 tuổi, Chiến đã biết đánh cờ vua.
Điểm đặc biệt là trước khi đi một nước cờ, Chiến thường rúc đầu vào một
chiếc hộp đen to xù trông như một chiếc mũ xe máy, mắt thao láo, thay
bấm bấm như là bắt quyết, mồm lẩm bẩm như là đọc thần chú. Ấy thế mà Chiến
thắng hết các bạn đồng lứa tuổi, đoạt ngôi quán quân cấp quận một cách
dễ dàng. Tôi nhớ một lần, mấy ông mãnh trong lớp tôi rủ rê Chiến
ra cổng trường chiêu đãi món kẹo mạch nha để tạo điều kiện cho các thám
tử Cô-nan trong lớp điều tra xem có gì trong chiếc mũ đó không, nhưng
cả bọn thất vọng tràn trề, vì chỉ phát hiện một chiếc hộp to bằng bao
diêm. Mở hộp ra thì trong đó là một chiếc đồng hồ nhỏ xíu hình vuông,
có vài nút bấm bên cạnh. Các thám tử bấm thử, thấy hiện ra đầy những dãy
số bí ẩn: e2-e4, d7-d8... Hơn hai mươi năm sau, Chiến mới tiết lộ cho
tôi biết, chiếc hộp đen kia là món quà sinh nhật của ông cậu Chiến - là
dân kỹ sư điện toán, đang cư ngụ bên Pháp - tặng: chiếc máy chơi cờ chạy
bằng pin có nạp sẵn 2 vạn thế cờ cổ điển.
Năm 12 tuổi, Chiến được bố mẹ cho học
môn bóng bàn ở Câu lạc bộ Thiếu nhi. Trong khi các bạn say sưa tập các
động tác cơ bản: giáo bóng, phát bóng, cắt bóng, đập bóng... thì Chiến
lặng lẽ tập nhả bóng vào một vị trí thật chính xác trên mặt bàn. Cách
tập của Chiến phải nói là cầu kỳ. Bước một, Chiến lấy một chiếc rổ đặt
lên mặt bàn bên kia và hì hục tập hất bóng vào rổ. Bước hai, Chiến đặt
cùng lúc 9 chiếc rổ và nhờ cậu em họ đứng bên cạnh bàn. Khi cậu em hô
“Sáu!”, lập tức Chiến phải hất quả bóng vào rổ 6, còn hô “Chín!” thì hất
vào rổ số 9. Sau đó, Chiến thay các rổ có kích thước nhỏ dần và đặt rổ
ở các vị trí khó xơi hơn. Cứ thế, Chiến luyện chưởng thành tài
lúc nào không ai hay. Hôm đấu giải vô địch toàn thành phố, mang tiếng
là đấu thủ tự do nhưng Chiến cho hết đấu thủ này đến đấu thủ khác “đo
ván”, chỉ nhờ vào những cú gài bóng hiểm hóc vào...mép bàn. Trận chung
kết, Chiến gặp phải đối thủ chẳng vừa: cậu ta chắc cũng đã tập đỡ bóng
ở nhà quá nhiều rồi, nên phi qua phi lại như con thoi, chống trả quyết
liệt. Trận quyết đấu trở nên ngang ngửa. Bất thần, Chiến tung ra một chiêu
mới, cứ nhè vào lưới mà đẩy bóng. Quả bóng đang bay băng băng, vướng mép
lưới bỗng nhiên khựng lại, làm đối thủ mất đà chới với, không kịp phản
xạ kịp. Chẳng những thế, khi rơi từ lưới xuống mặt bàn, nó dường như hết
sạch đà, chỉ nẩy tí tì ti, khó mà luồn vợt vào được. Đến quả thứ tư thì
đối thủ đỏ lựng mặt, trông ức chế, tưởng phát khóc đến nơi. Quả thứ năm,
Chiến vừa đỡ bóng vừa giậm chân, mồm hô: “Lưới!”, nhưng nhanh tay gài
bóng vào góc xa, làm đối thủ nhoài người lên mặt bàn, không kịp giật ngược
trở lại, ngón tay út chống xuống mặt bàn bị sưng tấy, không tiếp tục thi
đấu được nữa phải xin thua. Chiến không dám bắt tay, sợ làm đau đội bạn.
Ai cũng nghĩ bố mẹ Chiến sẽ xin cho Chiến
vào đội tuyển quốc gia, nhưng không ngờ đến năm 16 tuổi, Chiến lại bỏ
sang tập bóng đá. Mấy bạn trong đội tuyển bóng bàn thấy vậy hí hửng noi
gương Chiến, không thèm tập cơ bản nữa, mà chuyển sang tập luyện theo
phương pháp “cần cù bù thông minh”, hy vọng có ngày chinh phục huy chương
vàng thế giới. Bọn họ đâu có biết, trong trận đấu hôm nào, cậu em họ của
Chiến – nhân lúc giả vờ lau bụi chiếc chụp đèn chiếu sáng ở giữa bàn,
khi chưa bắt đầu trận đấu - đã bí mật gài lên vành chụp đèn một chiếc
quạt thổi gió tí hon điều khiển từ xa. Còn tôi, nhờ ngậm miệng mà ăn tiền:
hôm ấy, tôi được Chiến chiêu đãi một chầu kem que túy lúy.
Chiến khổ luyện tự hành hạ mình để tập
đá bóng. Anh chia cầu môn thành 48 ô vuông nhỏ để tập sút bóng cho chính
xác. Anh tập đi tập lại cú sút phạt 11 mét và đạt đến trình độ điệu nghệ:
bóng bao giờ cũng chạm đủ hai cột dọc và đập nhẹ vào mông thủ môn trước
khi xoáy vào lưới. Cho đến một lần... Hôm ấy, tỉ số đang là 2-2 thì đội
chúng tôi được hưởng quả phạt đền vào phút 89. Biểu quyết, ai cũng giơ
tay nhất trí để Chiến sút quả này. Bên đội bạn thay người, cho Bình “quái”
vào bắt. Như thường lệ, Chiến tự tin đặt bóng và lùi lại lấy đà. Khi bàn
chân của Chiến chạm bóng thì cũng là lúc Bình “quái” bị vấp phải một mô
đất nhỏ, ngã dúi dụi, đập mặt xuống mặt cỏ. Có lẽ tên này đã bị choáng
trong giây lát. Khỉ một nỗi là đúng lúc đó thì trái bóng đã lần lượt đập
xong hai cột và bắt đầu nẩy hai lần trên mông Bình “quái”. Hắn chợt bừng
tỉnh như sáo, ngửa bụng ra ôm gọn trái bóng vào lòng, mặt vô cùng hể hả.
Chiến tức tối lầu bầu gì đó, và bắt chước các danh thủ thế giới, anh chạy
ra đường biên nhổ toẹt bãi nước bọt trong mồm. Chiến thề, không bao giờ
thèm đá phạt 11 mét nữa.
Bẵng đi một dạo, tôi nghe người ta đồn
tiền đạo Đoàn Ngọc Chiến - được người hâm mộ gọi thân mật là Đoàn Ngựa
Chiến - đã đổi mới kỹ thuật, sút bóng cực kỳ lắt léo. Tôi nửa tin nửa
ngờ song những gì mà tôi tận mắt chứng kiến trên sân vận động Ô-lem-pích
Thủ Đô chiều chủ nhật đã buột tôi phải xem xét lại mình. Chiến sút bóng
bay không căng, mạnh như bóng của Rô-béc-tô Các-lốt, nhưng vòng vèo hình
sin, kiểu lá vàng rơi trong không gian ba chiều, rất khó đoán.
Thủ môn đội bạn vặn sườn đảo người qua lại như chú rắn hổ mang gặp phải
tay thợ kèn Ả-rập, nhưng rồi cũng phải ngoan ngoãn vào lưới nhặt bóng.
Sau đó vài phút, một pha nữa khiến tôi dụi mắt, với một ý nghĩ
vụt qua rất nhanh: “Giê-su-ma, lạy Chúa tôi!”. Bóng tạt ngang khung thành
đang căng như kẻ chỉ, bỗng đến trước mặt Chiến – anh đang bận buột lại
dây giầy - thì như hết hơi, rơi phịch xuống đất. Chiến ung dung dùng má
trái tâng bóng nhẹ nhàng vào góc thấp khung thành, làm cả sân vận động
lặng đi, không ai há mồm kêu được một tiếng nào. Tất nhiên, tiếp theo
là những tràng vỗ tay như sấm dành cho Chiến. Tôi để ý quan sát kỹ, trên
nóc khán đài không hề có thiết bị thổi gió nào. Chiến nhanh nhẹn vào lưới
nhặt bóng, đá mạnh lên giữa sân. Động tác này của anh đã đánh lừa được
cả ba ông trọng tài. Sau này, trong một lần ngây ngất hơi men, tôi gặng
hỏi, Chiến với thú nhận với tôi không ra đầu ra đũa, nhưng đại ý là hôm
đó, lợi dụng cơ hội trong một dịp ném biên, anh đã nhanh tay gài một bộ
cảm biến nhỏ xíu vào trái bóng, và dùng bộ điều khiển từ xa cài trên giầy
để khiến đường đi, cũng như tốc độ bay của trái bóng tuân theo ý muốn.
Lúc vào lưới nhặt bóng cũng là lúc anh nhanh nhẹn gỡ bỏ bộ cảm biến đi.
Thật thông minh!
Đóng góp của Chiến cho bộ môn bóng đá
còn thể hiện ở chỗ anh là ngưới đầu tiên sử dụng phần mềm Bình luận
viên ảo do người Việt Nam mình viết. Lâu nay, mọi người rất thành
kiến với phần mềm bản xứ, cho là không thể đáp ứng các yêu cầu rối rắm
của khách hàng. Nay, tình thế đã đổi khác. Chuyện là, một lần do đau chân
nên Chiến không được đá, phải ngồi ghế dự bị. Bất ngờ, anh chàng bình
luận viên bị trúng gió, không thể tiếp tục công việc. Thấy ông đạo diễn
lúng túng như gà mắc tóc, Chiến mủi lòng quyết định cứu ông một bàn thua
trông thấy. Anh lấy chiếc máy tính xách tay ra, nối dây vào ca-mê-ra đặt
trên nóc xe thu phát. Do máy của anh đã kết nối với cơ sở dữ liệu quốc
gia về bóng đá thông qua siêu-mô-đem, nên việc bình luận bóng đá
hết sức đơn giản. Bóng đến chân cầu thủ nào, phần mềm của Chiến tự động
nhận dạng và phát âm tên họ của cầu thủ đó ngay lập tức. “Hồng Sơn!”,
“Huỳnh Đức!”. Máy còn nhận dạng được trọng tài, quan chức bóng đá, huấn
luyện viên. “Mớp-phi!”, “Rít-đần!”. Và cả cổ động viên nữa. Một lần, nhờ
áp dụng phần mềm này ở Thành phố Hồ Chí Minh, Chiến đã được thưởng huy
chương “Vì an ninh Tổ quốc”. Số là hôm đó, một cầu thủ trong sân phá bóng,
quả bóng bay lên phía khán đài, trúng ngay đầu một cổ động viên đeo kính
đen sùm sụp. Máy tức thì hô lớn: “Năm Cam!”. Mấy anh cảnh sát hình sự
thành phố xông tới kiểm tra căn cước, bắt ngay được Trương Văn Cam, là
trùm xã hội đen.
*****
Có hồi, cơn sốt về Hệ chuyên gia
nổi lên hầm hập. Chiến tham gia vào thiết kế một trong những hệ chuyên
gia đầu tiên của nước nhà. Hệ này lần lượt hỏi người nuôi từng câu từng
câu về chế độ dinh dưỡng cho vật nuôi - giống như bác sĩ vẫn thường hỏi
bệnh tình của bệnh nhân - sau đó mới đưa ra kết luận cuối cùng: người
chăn nuôi cần mua loại thức ăn như thế nào cho phù hợp. Hệ chuyên gia
này được báo chí, chủ yếu là các loại báo Cuối tuấn và Chủ nhật,
khen ngợi nức lời. Về sau, Chiến thành thật tâm sự với tôi là chương trình
anh viết còn nhiều chỗ chưa hoàn hảo, nhưng sếp của Chiến có chỉ
đạo biếu cho mỗi ông nhà báo một con lợn sữa béo quay để các ông viết
bài cổ súy cho phong trào nuôi dế-mèn-hướng-nạc, phục vụ xuất khẩu
sang Thái lan.
Chiến có tham vọng lập một chương trình
phần mềm có tên Cánh đồng ảo. Xét về thực chất, đó là một cơ sở
dữ liệu về đất đai, cây trồng, vật nuôi khổng lồ. Người sử dụng có thể
gieo cấy (ảo!) trên cánh đồng đó và theo dõi kết quả sinh trưởng của các
giống cây mình trồng từng ngày, thậm chí từng giờ từng phút. Có thể bón
phân, tưới nước, cho nắng chiếu nhiều lên... bằng cách thay đổi các tham
số trong chương trình. Một cửa sổ bên cạnh cho người sử dụng nhìn thấy
tức thời các tác động vào cây trồng như thế nào. Làm như vậy đỡ đi rất
nhiều công sức, thời gian, kinh phí để nghiên cứu, thí nghiệm.
Một đề tài nữa cũng lôi cuốn Chiến là
ứng dụng các thành tựu của công nghệ chọn giống. Anh tìm hiểu trên Internet,
được biết loại gạo dẻo Thái lan đang được bán rộng rãi trên thị trường
thực ra được lai tạo theo phương pháp này. Về bản chất công nghệ thì cần
đến sự nghiên cứu của các nhà nông học, sinh học. Nhưng về mặt kỹ thuật
thực thi cụ thể thì cần đến nghững kỹ sư canh nông - tin học như
Chiến (gọi tắt là canh tin), bởi khối lượng tính toán để chọn gen
quá nhiều, nếu không có những “chiến thuật lựa chọn tổ hợp” hợp lý thì
máy tính có chạy “đến mùa quít” cũng không ra nổi kết quả. Nhưng rồi Chiến
hoạt động đơn thương độc mã, mọi thứ vẫn chưa đâu vào đâu.
(theo Tin học
& Đời sống – còn nữa...)
|