(Post 12/11/2005) Sau khi xem xong bản đề án “Hải Trung Địa” của Chiến, thằng Phóng thủng thẳng bảo: “Theo con, chả phải đi đâu xa, ở ngay Hà Nội cũng có thể sản sinh ra một đề án kiểu ấy”. Chiến hơi hậm hực, thấy cay cay sống mũi, nhưng rồi anh hoàn toàn bị thuyết phục. Thằng Phóng đề xuất biến 3 bãi nổi trên sông Hồng thành 3 hòn đảo, đặt tên đề án là “Sơn Trung Giang” hay “Tam Đảo Bồng Lai”. Theo kế hoạch của nó, trước tiên cần xây móng xung quanh các hòn đảo. Xây đến đâu, hút phù sa bồi đắp ngay đến đấy, dần dần sẽ tạo ra ba quả núi giữa lòng sông. Làm như vậy, bản thân dòng sông cũng được khơi dòng chảy cho thông thoáng hơn. Ba hòn đảo nối tiếp nhau bằng hệ thống cầu cáp treo trên mặt sông và cả một hệ thống đường tàu điện ngầm chằng chịt như mê cung dưới lòng sông. Thằng Phóng dự định đặt tên cho 3 hòn đảo là: hòn Phúc, hòn Lộc và hòn Thọ. Hòn Phúc dùng làm nơi vui chơi cho thiếu nhi. Các em sẽ có nhiều sân chơi lý thú kích thích các em tưởng tượng, phát huy trí thông minh, thử thách với những khó khăn, vận động thân thể, khéo léo ứng xử... Các em sẽ được “đối đầu” trực tiếp với các con người nổi tiếng của mọi thời đại: được đá bóng với Pê-lê, được chơi cờ với Ca-xpa-rốp, chơi trận giả với Đinh Bộ Lĩnh, đấu khẩu với Cao Bá Quát... Những điều này chỉ có thể thực hiện được nhờ một hệ thống máy tính cực kỳ tinh xảo trong thế giới hiện thực ảo. Hòn Thọ dùng làm khu điều dưỡng cho người tàn tật, thương binh và người cao tuổi. Có hẳn một khu vườn cây trái, cây cảnh cho các cụ vun trồng, bắt sâu. Đặc biệt, có riêng một khu - gọi là Khu tích lũy chất xám - cho những cụ già nào muốn truyền lại kinh nghiệm của mình cho lớp trẻ: cả những kinh nghiệm thành công và những kinh nghiệm thất bại trên con đường đời. Các cụ có thể truyền lại kinh nghiệm dưới mọi hình thức: kể lại, ghi ra giấy, viết hồi ký, thậm chí ngẫm nghĩ, suy tưởng. Máy vi tính sẽ nhận dạng hết và lưu lại dưới dạng điện tử, sau đó đưa vào kho siêu-dữ liệu để đối chiếu, so sánh và quyết định có lưu “đơn vị kinh nghiệm” đó không. Một khi kinh nghiệm sống, kinh nghiệm làm việc được tích lũy theo kiểu ấy, sẽ tạo nên những bước chuyển đột phá bất ngờ cho xã hội. Vả lại, có nhiều cụ lúc trẻ hay khư khư ôm giữ bí quyết cho riêng mình, nhưng đến khi sắp vĩnh biệt thế giới mới thấy cần phải truyền thụ lại cho con cháu, cho dân tộc. Trong các sáng kiến thì sáng kiến độc đáo nhất của thằng Phóng là Phòng Tỉnh ngộ. Cụ nào vào đó với những ý nghĩ sám hối bất chợt đến, sẽ được máy tính nhận dạng và khích lệ ngay lập tức, và nếu cụ già có yêu cầu bồi đắp vật chất cho những thiệt hại một thời xa xưa nào đó, sẽ được máy tính thực hiện ngay tác vụ chuyển tiền từ tài khoản bí mật của cụ (chỉ một mình cụ biết) vào tài khoản phát triển của đảo. Việc này xảy ra trong nháy mắt, nhanh đến nổi, nếu cụ nào có ý định hối hận thì cũng không sao mà “undo” nổi. Hòn đảo-hòn núi cao nhất ở giữa - hòn Lộc - dùng vào mục đích kinh doanh. Trên đó sẽ xây dựng sân vận động, cung thể thao, bể bơi và các khu giải trí thu tiền. Trên đỉnh cao nhất đặt một bông hoa sen khổng lồ bằng sợi thủy tinh. Bông sen này mỗi ngày chỉ nở một lần, vào đúng 12 giờ đêm và chỉ nở trong 30 phút. Vào giây phút ấy, cả đỉnh núi đột nhiên bừng sáng, tiếng chuông êm dịu đổ nhè nhẹ trong không gian, mùi hoa ngọc lan bay thoang thoảng cùng một làn gió mát rượi đón chào bông sen thủy tinh từ sâu trong lòng đất chầm chậm ngoi lên phía trên một mặt hồ. Theo tư duy kinh doanh của nhóm thằng Phóng thì cho bông sen nở 30 phút sẽ thu được nhiều tiền hơn là cho nở trong 1 giờ, vì bản tính của con người ta là hiếu kỳ. Chắc chắn, ai đó muốn mua được vé để ngồi trong bông sen cùng bạn bè người thân, sẽ phải đăng ký vé trước cả tháng trời. Một đồn mười, mười đồn trăm. Và bông sen dần dần sẽ trở nên một thứ đặc sản của Thủ đô Hà Nội. Ngoài đề án trên, bọn thằng Phóng còn táo bạo “mách nước” cho một tỉnh gần Hà Nội có nhiều ưu thế về khai thác đá. Xẻ đá để bán, kể cả để xuất khẩu thì được bao nhiêu tiền? Hiện tỉnh đó đang đầu tư xẻ đá để xây dựng một khu làng hoàn toàn bằng đá: lối đi, cổng làng, giếng nước, ao làng, hàng rào, đình làng, đàn trâu, thúng ngô, cối xay gạo... đều bằng đá. Các bức tượng thì hẳn rồi. Đến cả những khóm hoa dâm bụt, nụ tầm xuân cũng bằng đá. Và tất nhiên, các ngôi nhà đều là nhà đá. Danh sách khách du lịch đăng ký tham quan ngôi làng này đã chật ních, mặc dầu nó mới bắt đầu được khởi công. Trong quyển sách hướng dẫn du lịch, có hẳn một câu tiếng Việt dành cho khách du lịch: “Thưa ông (bà), đề nghị quý ông (quý bà) làm ơn chỉ đường cho tôi đến thôn Cảm Thạch. Tôi muốn vào nhà đá”. ***** Nhóm thằng Phóng xông pha cải tiến các phần mềm của Chiến ngày nào. Một lần đi chợ quê, thằng Phóng gặp một cô thôn nữ quẩy một gánh ngô rất ngọt và ngon. Hỏi dò ra mới biết đó là giống ngô lai. Thằng Phóng liền bổ sung chương trình Cánh đồng ảo của Chiến thêm chức năng thụ phấn nhân tạo cho ngô. Chính nhờ những công trình thí nghiệm ảo kiểu thế mà giờ đây, ngoài siêu thị mới thấy có bán loại táo-pha-lê không giống ai, ăn hay hay, thời gian trồng thì ngắn, mà năng suất lại cao. Thằng Phóng hăng hái viết thêm một mô-đun chiết cành (ảo!) cho các cây ăn trái có múi, rồi mô-đun lai gà và... cá. Cứ cái đà này, có ngày chúng ta ăn thịt gà, nhưng lại cứ tưởng là đang ăn cá, vì thức ăn của gà chứa quá nhiều bột cá. Chương trình CA-TMK version 2.0 Tiếng Mèo Kêu đã có thêm tiếng chó sủa gâu gâu, tiếng rắn hổ mang gầm gừ, tiếng trăn phun phì phì, tiếng cú vọ man dại, Chiến hỏi nó thì nó bảo: “Thế hệ của bố là thế hệ Mèo trắng mèo đen, miễn bắt được chuột. Thế hệ chúng con là thế hệ Con gì trắng, con gì đen, miễn bắt được chuột. Chưa ăn thua đâu bố nhé! Bố biết không, thế hệ bây giờ là thế hệ Miễn bắt được chuột”. Chiến mắng: “Mày học ở đâu ra cái thứ triết lý thực dụng ấy?”. Thằng Phóng bảo: “Các cụ dạy cả thôi, bố ạ. Dĩ độc trị độc. Ngoài ra, chúng con học ở đời sống. Bố có thấy, các chú công an cũng dùng tội phạm để bắt tội phạm đấy thôi!”. (theo Tin học & Đời sống) |