(Post 09/11/2005)
Tôi quên chưa kể các bạn về cậu con trai
của Chiến. Thằng này sinh sau ngày giải phóng đất nước, nên ông
nội đặt tên cho nó là thằng Phóng (cũng như tên Chiến là bởi anh sinh
hồi chiến tranh). Thằng này sinh vào giờ Ngọ, ngày Ngọ, tháng Ngọ,
năm Ngọ, tử vi đóng ở chòm sao Thiên Mã. Ông thầy số phán rằng hậu
sinh khả úy.
Năm Phóng lên bốn, Chiến dắt nó đến Cung
Thiếu nhi thành phố. Có bao nhiêu là trò chơi ở đó, nhưng thằng Phóng
mê nhất mấy chiếc PC cục mịch. Nó chỉ chịu ra về khi Chiến cho nó ngồi
lên chiếc ghế hình con ngựa, bấm bàn phím loạn xạ chừng mười lăm phút.
Lên 12 tuổi, Phóng lập được kỳ tích đầu tiên.
Số là, nó cùng nhóm bạn yêu vi tính ở
Cung Thiếu nhi hướng dẫn viết một phần mềm lấy tên là “Bầu trời của em”.
Phần mềm này – thông qua chiếc chảo pa-ra-bôn cổ lỗ sĩ đặt trên nóc Cung
- thu thập thông tin từ trên trời cao xuống. Khi dò tìm tín hiệu ở các
tần số khác nhau, nhóm thằng Phóng thu nhận được những mẩu thông tin rời
rạc vô nghĩa, từ chuyên môn gọi là rác thông tin. Thằng Phóng mầy
mò viết một phần mềm ghép nối các mẩu đó với nhau. Bữa nọ, do cùng cả
nhà đi nghỉ mát 3 ngày quên tắt máy tính, khi về đến nhà, thằng Phóng
phát hiện ra trong vô vàn các kiểu lắp ghép, máy tính đã lọc ra một đoạn
tin ngắn ngủi có chút ý nghĩa. Chẳng ngờ, đó chính là mệnh lệnh tác chiến
phát đi từ một chiếc tàu ngầm ở Vùng Vịnh! Thằng Phóng nghịch ngợm sửa
tất cả các số 0 thành số 8 và ném trở lại không trung bản mật lệnh đó.
Hôm sau, người ta thấy phát thanh viên của đài CNN khịt khịt mũi đưa tin
“không hiểu vì lý do gì, các máy bay ném bom trên hàng không mẫu hạm H.
đều đến thả bom ở một tọa độ Y. không người trên vùng biển Ấn Độ Dương”.
Không ai hay biết, nhờ thằng Phóng mà quốc gia Châu Á nọ đã tránh được
một trận ném bom hủy diệt.
Sau này, chương trình “Bầu trời của em”
được nâng cấp, đã bất ngờ thu được tín hiệu từ các vệ tinh do thám kinh
tế của Hoa Kỳ. Các vệ tinh này quanh năm suốt tháng chuyên trị chụp ảnh
trộm những cánh đồng lúa, ngô, cà phê, ca cao... trên phạm vi toàn thế
giới, làm cơ sở dự đoán sản lượng cũng như chất lượng các thứ nông sản,
từ đó đưa ra được những dự báo về sức mua bán nông sản giữa các quốc gia
với nhau khá chính xác. Vỏ quýt dày đã có móng tay nhọn! Một lần, nắm
bắt thông tin là cà phê robusta đang rộ, còn cà phê arabia
của thế giới đang hiếm - bị sâu phá hoại ghê quá - thằng Phóng kiến nghị
Sở Nông lâm chỉ đạo cho các trang trại bón thúc loại phân super-NPK
để chuyển đổi hàng trăm hec-ta cà phê robusta ở Tây Nguyên thành
cà phê arabia, làm lợi cho Nhà nước hàng trăm tỉ đồng. Và giờ đây,
chẳng ai ngạc nhiên khi thấy các tấm lưới ngụy trang có in hình hàng đàn
sâu đục thân xám ngoét giăng khắp cánh đồng. Bà con ta làm như vậy là
để đánh lừa vệ tinh. Đến đêm, sẽ đồng loạt bỏ lưới ra cho cây lúa cây
ngô hít thở không khí.
Kỳ tích thứ hai của thằng Phóng là xóa
sổ sòng bài ở gần nhà Chiến. Sòng bài này vốn có từ lâu, Chiến và một
số bà con trong ngõ đã làm đơn gửi lên các cấp chính quyền, nhưng không
hiểu sao nó vẫn trơ trơ tồn tại. Thằng Phóng bảo: “Bố để con!” và đúng
ba hôm sau, sòng bạc tự xóa sổ, chuyển đi nơi khác. Chiến gạn hỏi, thằng
Phóng chỉ tủm tỉm cười. Thì ra, thằng Phóng cùng hai thằng bạn là thằng
Tế và thằng Phi đã ngầm theo dõi sòng bạc và nhận thấy chủ nhà thông đồng
với hai têm bợm để bịp khách. Tên vào chơi bạc quấn một thiết bị thu phát
tín hiệu mỏng dính vào đùi và liên lạc với tên ngồi ngoài quán - vốn là
một cao thủ trên chiếu bạc, nhưng sợ bị các con bạc khác nhận diện. Thằng
Tế hí hoáy mất một buổi tối hàn hàn nối nối cải tiến chiếc ăng-ten, còn
thằng Phi miệt mài lập một chương trình gây nhiễu. Nhờ thế, chúng đã làm
cho tên ngồi trong nhà lúc nào cũng nhận sai chỉ thị của tên ngồi ngoài.
Hai tên đỏ mặt tía tai cãi vã nhau, đến nỗi suýt nữa xảy ra án mạng. Khi
bọn chúng mang máy thu phát ra quán đối chiếu thì vẫn đúng, bởi thằng
Phóng đã nhanh trí tắt ngay chương trình gây nhiễu. Cuối cùng, hai tên
thống nhất nhận định ở khu vực này có “ma”: chúng bàn với chủ nhà chuyển
sòng bạn đi làm ăn nơi khác.
*****
|
Thằng cu Phóng không có nhiều gen
thể thao như bố nó, nhưng cũng đạt thành tích đáng nể trong môn bắn súng.
Sáu viên đạt 60 điểm là chuyện bình thường. Hôm nào hứng chí lên, nó tuyên
bố “hôm nay chỉ bắn 59 điểm” là y như rằng, hôm đó nó bắn trúng một vòng
9. Duy nhất có hai lần gặp trục trặc. Lần thứ nhất, chuẩn bị bắn thì súng
của nó bị hóc. Ban tổ chức đưa cho nó khẩu súng khác. Kết quả thật tệ:
22 điểm. Rút kinh nghiệm, từ đấy trở đi, đi đâu thằng Phóng cũng luôn
luôn thủ theo người 2 khẩu dự bị nữa. Thế mà ngày nọ, nó vẫn đen,
bắn chỉ được có 25 điểm. Một khán giả nữ hâm mộ thằng Phóng rất tinh nhận
xét rằng hôm đó nó bị “bướm ám”. Có một con bướm trắng cứ bay vật và vật
vờ trước bia thằng Phóng. Thằng Phóng đảo vị trí bắn sang bên cạnh, con
bướm lập tức bám theo ngay. Hư thật chuyện này ra sao, mãi về sau Chiến
mới vỡ nhẽ. Chả là thằng Phóng theo gương bố, đã cùng nhóm bạn ngầm chế
tạo được những bộ mắt thần nhỏ xíu gắn vào đầu viên đạn. Một chương trình
phần mềm cài trong ROM nhận dạng các vòng tròn điểm sẽ hướng viên đạn
bay vào vòng 9 hay vòng 10 tùy ý. Tuy nhiên, khi gặp phải chướng ngại
vật kiểu như con bướm bay vật vờ nọ, mắt thần bị mất tác dụng. Thằng Phóng
nhanh chóng khắc phục điểm yếu này bằng biện pháp sinh học. Nó
dày công huấn luyện một chú chim sâu dũng mãnh, có nhiệm vụ xua đuổi lũ
bướm tệ hại kia. Thời gian sau, nghe nói thằng Phóng cải tiến phần mềm
này thành phần mềm bắn gấu để giúp một huyện miền núi bảo vệ đàn ong mật.
Những viên đạn “có mắt” trước khi bắn què chân gấu bao giờ cũng lượn tròn
3 vòng quanh con thú dữ - nhằm mục đích cẩn thận nhận dạng đấy là gấu
thật hay là người thợ săn đội da gấu - rồi mới lao thẳng đến mắt cá gấu.
Trong những lần đi ăn quà sáng với bố,
thằng Phóng có nhận xét là mấy bà bán xôi ít khi ăn xôi, ông bán phở chả
bao giờ ăn phở... Thế nên, các ông bà ở đài truyền hình chắc chắn ít xem
truyền hình. Phóng ta liền viết một phần mềm bắt lỗi tự động cài trên
máy tính gắn với chiếc ti-vi ở nhà, cho chạy suốt 24 trên 24 ở chế độ
đa nhiệm (multi-tasking), thu liền một lúc đủ các kênh. Phần mềm
của thằng Phóng tóm các cảnh quay có lỗi, ví như phát thanh viên
đọc sai, ậm à ậm ừ, ngắc ngứ, râu ông nọ cắm cằm bà kia (thuyết minh và
cảnh quay bị chênh nhau), tiêu đề phụ sai lỗi chính tả (“n” nhầm
thành “l”, tên riêng không chịu viết hoa)... Thằng Phóng nối các
cảnh này lại thành bộ phim truyền hình, đặt tên là “Nụ cười ngớ ngẩn”,
gửi đi tham dự “Liên hoan phim truyền hình hài”, nghe đâu đoạt giải “khuyến
khúc khích”.
Năm ngoái, vợ chồng Chiến thực sự ngạc
nhiên khi thấy thằng Phóng đăng ký ghi tên tham dự cuộc thi “Đường lên
đỉnh Chô-mô-lung-ma” trên Đài truyền hình. Nó thắng liên tiếp và dành
quyền tham dự vòng chung kết. Điều này ngoài sức tưởng tượng của Chiến,
vì anh biết rõ cậu quý tử của mình: thằng này học môn điều khiển học thì
tàm tạm, chứ các môn Văn-Sử-Địa còn yếu lắm, “làm sao ra đua
tranh với thiên hạ được”! Chiến mạnh mồm hứa sẽ mua cho nó một chiếc
xe máy Trung Quốc, nếu nó thắng cuộc. Nhưng anh chẳng thấy nó lôi sách
vở ra học, chỉ suốt ngày đi xem biểu diễn mô hình máy bay, tàu lượn. Đến
hôm thi, thấy nó trả lời vanh vách trên truyền hình, đoạt vòng nguyệt
quế, Chiến giật nảy mình, bản thân vừa hãnh diện, vừa xấu hổ, lại vừa
xót... tiền.
Giỏi thật! Nhưng nó học những thứ ấy
ở đâu ra nhỉ? Đến tận đêm khuya, thằng Phóng mới dắt tay Chiến vào phòng
riêng của nó và chỉ cho anh xem một chiếc áo may-ô màu xám. Nó giải thích,
đây là chiếc áo đặc biệt, trên áo có gắn rất nhiều vi điện cực. Nó với
tay lấy trên giá sách một chiếc lọ thủy tinh đựng “con kiến điện tử” nhỏ
đúng bằng cái móng tay. Con kiến điện tử này do máy vi tính điều khiển.
Khi thằng Phóng đi thi, nó chỉ việc mặc chiếc áo may-ô vào trong người
và kẹp con kiến trong nách. Hai thằng bạn của nó – thằng Tế và thằng Phi
- sẽ túc trực trước một đống sách giáo khoa và các loại sách vở, Bách
khoa toàn thư... Gặp câu hỏi nào, hai ông bạn vàng ngay tắp lự dùng một
máy quét hình cầm tay đưa ngay câu trả lời vào máy tính. Máy tính chuyển
thông tin này đến chú kiến điện tử. Râu của chú ta chính là chiếc cần
ăng-ten nhỏ xíu. Chú kiến bò đến đâu, thấy buồn buồn ở lưng, Phóng ta
biết ngay câu trả lời đến đấy
Gần đây, bọn thằng Phóng hứng chí chế
tạo rô-bốt tự động tham dự cuộc thi “Chinh phục đỉnh núi Nùng”. Tiếng
chuông báo hiệu vừa thổi lên, rô-bốt của nhóm thằng Phóng đã xông ra chiếm
lĩnh trận địa. Khỏi phải mất công đề ra chiến lược thả bóng cao siêu làm
gì. Nghe lời thằng Phóng, cả bọn chúng nó dùng các mũi tên nhọn hoắt bằng
nhựa bắn tới tấp vào đám bóng bay của đội bạn, khiến cho đám bóng bị bẹp
dí. Thế là xong. Bây giờ, muốn thả bóng vào đỉnh núi nào thì thả. Đủng
đà đủng đỉnh mà giành thắng lợi! Nói hoa mỹ theo kiểu binh pháp Tôn Tử
là dĩ dật đãi lao.
Cái hơn của thằng Phóng so với Chiến
là ở chỗ nó nhạy bén, biết “thương mại hóa” các kết quả nghiên cứu của
mình. Một chiều mùa hè, đứng trú mưa dưới hiên một ngôi nhà, thằng Phóng
nghe được đoạn đối thoại của một đôi trai gái. “Đố em biết: sang phải,
sang trái, đúng rồi, sướng quá, nghĩa là gì?”, “Chịu”, “Động não đi,
cưng!”, “Cái anh này!”, “Sao?”, “Em không đùa đâu đấy!”, “Ai đùa!
Lại nghĩ vớ vẩn hả?”, “Thế là gì nào?”, “Là... gãi lưng”, “Ồ, dễ quá nhỉ!”.
Về nhà, nó lay hoay cùng bọn thằng Tế thằng Phi sáng chế ra chiếc máy
gãi lưng. Rồi chúng nó rao bán trên Internet với điều kiện “cho khách
hàng dùng thử miễn phí 3 ngày, ai không ưng ý sẽ xin nhận lại”. Lớ ngớ
thế nào mà một đoàn khách du lịch của Hàn Quốc đặt mua liền ba chục chiếc.
Hái ra tiền. Không những thế, chúng nó còn có thêm việc làm vào các vụ
hè. Ba ông tỷ phú to béo người Hàn Quốc trong đoàn ngỏ ý thuê bọn thằng
Phóng lên sân gôn Đồng Mô làm chân nhặt bóng. Bọn họ thích thuê bọn thằng
Phóng vì hình như “vía chúng nó rất hên”. Cứ hôm nào chúng nó làm
chân nhặt bóng là y như rằng, hôm ấy các ông đánh đâu trúng đó. Đến mức,
hôm nào không thấy chúng nó lên, cả ba ông mất luôn cái hứng chơi gôn.
Ba ông “Tây” không biết một sự thật giản dị là, bọn thằng Phóng thường
đưa cho các ông những quả bóng đã được “điều chế”: chúng biết tìm ra con
đường đi đúng của mình. Bởi vậy, chi phí học hành bọn thằng Phóng đã có
mấy nhà tỷ phú kia bao cấp. Có bao giờ chúng nó phải ngửa tay xin tiền
bố mẹ đâu!
(theo Tin học &
Đời sống) |