(Post 19/11/2005) Một anh - từng học đại học
Havard - bảo anh ấy vắt óc vẫn không hiểu nổi bài viết nói gì, ngoài tác
dụng “nhẹ nhàng đưa anh ấy về một chốn xa xăm”. Mình phải bào chữa cho
bạn là tác giả chỉ muốn “mua vui cũng được một vài trống canh” thôi, không
có ý xa xôi gì cả để làm yên tâm những người đọc ngoại đạo…
Tiệp thân,
Đã lâu mới nhận được thư Tiệp,
biết cậu vẫn khỏe, mình mừng lắm. Lại còn gửi kèm cho mình chùm các bài
viết của cậu nữa, cám ơn nhé. Công việc bận lu bù, nhưng mình hứa là sẽ
góp đôi dòng ý kiến, theo như đề nghị của Tiệp. Lâu quá không cập nhật
tin tức quê nhà, nay đọc những bài viết của cậu, mình xúc động thực sự.
Nói thật, mình quan tâm đến công nghệ thông tin Việt nam chỉ với quan
niệm, cái nhìn bình thường như những mặt khác, như xây dựng đô thị, cải
tạo hệ thống cấp thoát nước, đầu tư nước ngoài… không hề có gì thiên vị,
chủ tâm. Nhưng bạn đã hỏi thì mình phải suy ngẫm và hồi âm. Mong Tiệp
hiểu, đó là sự cố gắng của mình.
|
Bài “Tôi đi học tin học",
mình nghĩ là bạn đang “đùa đùa chơi chơi” để xem có ai hưởng ứng không
mới viết tiếp, có đúng thế không? Đọc xong, mình thấy ngổn ngang quá.
Có lẽ vì mình ở bên này mọi thứ ngăn nắp gọn gàng quen rồi, nay bước vào
một căn phòng đồ đạc bị xới tung lên, mình không quen mắt chăng? Mình
muốn tin là sẽ có ai đó (tự nguyện, hoặc được phân công) xắn tay gỡ rối
từng việc một – như nàng Bạch Tuyết dọn dẹp trong nhà bảy chú lùn - để
căn phòng được sạch sẽ, thơm tho, trật tự. Để phòng bừa bộn thì các chù
lùn cũng “chẳng chết ai”, nhưng rõ ràng, sắp đặt lại trật tự vẫn hơn.
Nhưng là bao giờ? Mình nhất trí với nhận định của bạn: “Chỉ còn
gần 1.000 năm nữa là tới năm 3.000”. Mấy ý kiến bức xúc ở cuối bài, mình đoán là
Tiệp tự sáng tác ra, chứ chả có “bạn đọc” nào hết. Nếu đúng vậy thì thú
nhận đi!
|
Bài “Không có vua",
mình đưa cho một cô bạn gái đọc. Ý kiến phản hồi là “Khiếp, nói
năng sao mà giống cảnh ở chợ giời thế?”. Hồi bé, mình và Tiệp đã từng
ra chợ giời vài lần, Tiệp còn nhớ không? – “rùng rợn” đấy chứ - nên mình
nghĩ, nền kinh tế thị trường nó buộc con người ta phải thế. Ngay cả những
nước phát triển cũng đầy chợ giời ra đấy chứ, điều này có khi Tiệp còn
biết rõ hơn mình. Mình hiểu là bạn chỉ muốn truyền lại cái hơi thở, cái
không khí khốc liệt, căng thẳng, và “tính hướng mục đích” (nếu gọi tên
thẳng thừng thì là “vì đồng tiền”, mình xin bạn hai cái nháy kép), vào
cuộc sống công nghệ thông tin hôm nay. Ngày xưa, ai cũng thuộc câu nói
nổi tiếng của một nhà triết học mác-xít nói về “các ngài tư bản”, đại
ý là, vì lợi nhuận 300% hắn ta sẵn sàng treo cổ… cả chính mình.
Ngày nay, chả ai nhắc lại câu nói ấy nữa, song việc làm thì “như rứa”
mà thôi. Ý mình nói, “Mọi lý thuyết đều là màu xám…”. Cho dù một người
lớn có khuyên răn một đứa trẻ và dặn dò nó đủ điều, nhằm mục đích cho
nó “đừng có ngã”, thì kết cục, thế nào nó cũng vẫn cứ ngã, thậm chí ngã
lên ngã xuống nhiều lần, có điều “mỗi lần ngã là một lần bớt dại”.
Đoạn cuối của bài “Không có vua”
hơi ỡm ờ. Liệu bạn có thể giải thích cho mình thế nào là “nhị nguyên”
không? Giáo sư Bường dự báo “50 năm nữa” xã hội nước nhà mới biến chuyển
thành xã hội thông tin, vậy có bi quan quá không? Hay là giáo sư thuộc
tip người “cầu toàn” quá? Thư tới, Tiệp nhớ trả lời các câu hỏi
của mình nhé!
|
Đã nói đến anh Bường, thế nào cũng nghĩ
ngay đến “Những người thợ xẻ”.
Nhưng rồi hoá ra không phải vậy: Bường vẫn là Bường, không đi xẻ gỗ. Đoạn
mở đầu và kết thúc của bạn trong “Những người thợ xẻ” có
một chút duyên. Đoạn giữa thì… Không ngờ những câu chuyện chẳng mấy lý
thú - cả mình và bạn đều chứng kiến - được bạn thêm mắm dặm ớt,
“nhai nhộm nhoạm” cũng tạm được. Người ngoại đạo có dịp ngó vào “hậu trường
bếp núc” của những con-buôn-tin-học, những con người chập chà chập
chờn, lẫn cả tốt-xấu, sáng-tối, thật-giả. Và vì thế, trong số họ cũng
có người thành đạt, ô-tô nhà lầu, cũng có người cũng chỉ đủ ăn, nuôi vợ
nuôi con, cũng có người ăn đong từng bữa, hệt như những ngành nghề khác
trong xã hội. Bạn mà đi sâu thêm nữa thì thành ra “vạch áo cho người xem
lưng”, còn đi “nông choèn choẹt” thì dễ làm mếch lòng người đọc. “Bài
viết về công nghệ thông tin mà chả thấy thông tin gì”, ai đó sẽ có
quyền kêu lên như vậy.
Câu đối nêu trong bài viết là câu đối
khó, cực khó. Vừa khó đối, vừa khó nghe. Mình nói thật, nếu các cấp lãnh
đạo không thèm liếc mắt đến các bài viết của cậu thì mọi việc chỉ như
“nước đổ lá khoai”, hoặc “đâm đầu vào vách đá”, ích gì? Hay thôi, kệ.
Khi người ta quá bức bách trong lòng thì hét lên một tiếng cũng là biện
pháp giải tỏa bớt, nếu không, ra đường lại đi gây gổ với mọi người thì
còn tệ hơn... Chả ai đánh thuế cái tiềng hét đó cả, đúng không
Tiệp?
|
Bài “Thương lắm đồng quê” được, có vẻ
dầy công. Cậu lan ma lan man, câu giờ, nhưng là cái câu-giờ-đáng-yêu.
Mấy anh bạn mình góp ý là “ngắn lại thì tốt”, nhưng mình để ý kỹ thì hình
như các anh ấy lại “mong đọc dài hơn”. Đọc xong bài ấy, mình cũng phát
sinh những mâu thuẫn nội tại kiểu ấy. Khó nói lắm. Cách kết chuyện bắt
chước “Vàng lửa”, chưa phải “cao tay”, nhưng gây được sự bất ngờ, thu
hút tâm trí của người đọc. Tất nhiên, đoạn kết cuối cùng hơi… tàn nhẫn
(mình xin phép dùng từ nặng này, để Tiệp hiểu và thông cảm với
tâm lý người đọc, vốn là những người rất lương thiện. Không phải một mình
mình đâu!). Một bác Việt kiều sống ở bên này đã lâu nhận xét: “Chắc tay
nào viết bài này học môn Hán văn ra, bất cần đời quá”, khiến mình
phải đỡ lời hộ bạn: “Ấy chết, không phải đâu, bác ạ! Anh ấy trông thế
thôi chứ hiền lành lắm, không mấy khi nổi loạn đâu. Cháu biết anh
ấy từ bé mà. Vả lại, anh ấy một chữ Hán bẻ đôi cũng không biết”.
Sau chuyện này, mình nghĩ là bạn sẽ có
“Phẩm tiết”, nhưng chờ hoài không thấy. Phải chăng, bạn đang né
tránh điều gì? Nói vậy thôi, chứ mình thành thực khuyên bạn, đừng xa vào
cái bẫy lùng nhùng này. Xử lý “thấp tay”, dễ mang tiếng lắm. Một ông bạn
vong niên của mình từng khuyên mình: “Chú chỉ nên làm những gì chú rành”.
Mình thấy trong trường hợp này, lời khuyên thật chí lý.
Những bài hát do “máy tính sáng tác”
Tiệp đưa vào có tác dụng “giảm tải” cho lứa bạn đọc như bọn mình. Quả
thật, đọc một bài “chê” nhiều quá, vạch ra quá nhiều khiếm khuyết này
nọ, dầu cho anh có lý đến 101% và dụng công sử dụng một đống bằng chứng
xác thực (lại hùng hồn biện luận như một ông quan toà nữa chứ) để chứng
minh cái lý đó, vẫn làm cho bạn đọc “mỏi mệt”, mà cuộc sống thì đã có
quá đủ những chuyện “buồn bã” rồi, kể ra thêm làm gì nữa. Nay, làm cho
bạn đọc nhếch môi cười mỉm, mình nghĩ bạn đã ghi được điểm. Mình
góp ý vậy, bạn chớ nghĩ là mình quá khen bạn.
Mình đã phỏng vấn thử một số người không
hoạt động trong lĩnh vực tin học. Một anh - từng học đại học Havard -
bảo, sau khi đọc “Thương lắm đồng quê” đôi ba lần,
anh ấy vắt óc vẫn không hiểu nổi bài viết nói gì, ngoài tác dụng “nhẹ
nhàng đưa anh ấy về một chốn xa xăm”. Mình phải bào chữa cho bạn là “tác
giả chỉ muốn Mua vui cũng được một vài trống canh thôi, không có
ý xa xôi gì cả” để làm yên tâm những người đọc ngoại đạo. Cho nên,
nếu mình nói bài viết ấy “kén người đọc” thì bạn cũng đừng phiền lòng
nhé. Mình đoán mò, bạn viết bài báo đó sau khi đọc dăm ba quyển sách viết
về ẩm thực và bị ảnh hưởng khá rõ rệt. Dùi đục chấm mắm cáy như
bạn, làm gì biết nấu ăn. Hay là bà xã gà cho bạn?
|
Bài “Kiếm sắc” của bạn,
mình thấy không sắc lắm. Xét về mặt cung cấp tư liệu, “kể chuyện”
thì chấp nhận được (những chuyện ấy mình biết hết cả rồi). Tiệp có thấy
mình là một bạn đọc khó tính không? Đằng sau những câu chuyện bạn kể,
mình nhìn thấy nhiều điều “phũ phàng” hơn nữa, nhưng hình như bạn chưa
“dám” kể hết. Mình chưa xem phim “Thung lũng hoang vắng” nên không đồng
cảm hết được với tâm trạng bị “chó sói rình” của bạn. Anh chàng, à quên,
giáo sư Ma Như Bường đã có ý đổi họ tên thành Ma Văn Bường từ lúc
nào vậy? Ngoài ra, cho mình đính chính hộ bạn phải viết “thiên tính nữ”
thay vì “thiên nữ tính” ở bài phỏng vấn của bạn.
Bài này, chắc ông lại tự phỏng vấn mình(?!), soát thử lại
xem! À, mà sao bạn không dùng tên thật, lại đi dùng bút danh Phan Rô
làm gì? Mình đoán già đoán non: một là bạn định đóng giả “anh chàng đầu
trọc” Rô-nan-đô, hai là có ý gì đó dựa trên câu thành ngữ Thả
con săn sắt bắt con cá rô, và ba là, gọi theo từ ngữ của Bộ
đội biên phòng gọi phỉ… Phun-rô (để dọa dẫm trẻ con, một dạng của
Ông ba bị sáu tai, mười hai con mắt). Phán đoán nào đúng, hả Tiệp?
|
“Huyền thoại phố phường”
(phần 1, phần 2, phần 3, phần 4) hay và lạ. Lại
đúng dịp ăn theo SeaGames nên có vẻ bốc. Có phải cậu lôi
chuyện của Đoàn Ngọc Ch. lớp mình ra viết không? Hồi xưa, nó đã bao giờ
kể các chuyện này với mình đâu? (Nói cho bạn biết, trong lớp, mình mới
là đứa thân nhất với Ch., đâu phải bạn!). Đọc xong, mình thấy bóng dáng
anh chàng kỵ sỹ Đoàn Ngựa Chiến đơn độc quá, “tang thương”
quá, “hiên ngang” quá, “hồn nhiên” quá, cứ như là
Đông-ki-sốt đang chiến đấu với cối xay gió vậy. Tài đấy, cho dù cái tài
ấy không phải là kết quả của một quá trình học tập bài bản, nhưng ai sử
dụng tài của anh? Bạn mà dựng thêm được một anh chàng Xăng-sô quốc
tịch Việt nam nữa thì tuyệt diệu.
Nói thật lòng, mong bạn đừng buồn, phần
sau của bạn hơi yếu và hụt hơi. Mình cố “đãi cát tìm vàng” ra cái ý “phải
đào tạo thế hệ tương lai, không thì hỏng bét” của bạn để cứu vãn, nhưng
không nổi. Những câu chuyện kể của bạn làm mình nghĩ đến lời thú nhận
của bọn con gái lớp mình hồi đi cắm trại ở hồ Đại lải: “Biết chuyện ma
là bịa mà vẫn muốn biết, biết lời khen là nịnh mà vẫn thích nghe. Thế
mới là con gái”. Một đứa con của anh bạn – cháu năm nay học lớp 12 - hỏi
mình: “Chú ơi, thế cháu có thể lắp những bộ cảm biến điều khiển thiết
bị như chú Đoàn Ngọc Chiến không?”. Mình cho rằng, thế là bài viết của
bạn đã thành công phần nào rồi, vì bạn đã thắp-đốt-thổi-khơi-châm lên
được một “ngọn lửa nhỏ”.
Cái đoạn “Bài thơ vũ trụ” phải
là ai từng đọc Thủy Hử mới hiểu được ẩn ý của Tiệp, còn nếu chưa
đọc cũng chẳng sao, chỉ hiểu mang máng, tương tự mấy bà mấy chị theo dõi
bóng đá WorldCup trên ti-vi, dẻo mồm khen các chàng cầu thủ “đá
bóng khoẻ quá”. Tuy nhiên, bắt bạn đọc giở Thuỷ Hử ra đọc (hoặc
đọc lại) thì bất công quá, mà chắc cũng chả ai hơi đâu mà đọc. Hy vọng
mấy anh bên Vinasa có tên trong bài thơ không phật lòng. Đọc kỹ bài
này, thấy bạn “ưu ái” các lập trình viên phần mềm quá! Nào thì “tuyển”
các anh ấy làm diễn viên điện ảnh, nào thì “tung hô” các anh ấy lên đỉnh
cao chót vót (dễ ngã lắm đấy!), cho đi “tàu bay giấy” đến tận mây xanh,
nào là trao cho các anh ấy sứ mạng thuận thiên “thay trời hành
đạo”. Có nhiều quá không? Mình hiểu, mình hiểu… Đôi khi bạn cho anh chàng
Đoàn Ngọc Chiến “cân đẩu vân” lên mây, song một lúc sau lại “đá” anh ta
ngã lăn xuống đất “thậm tệ”. Nói có sách, mách có chứng, ví dụ
như cái đoạn “sút bóng 11 mét”, hoặc đi “cài đặt chương trình CA-TMK”
không thành công ấy, ai dám bảo Chiến là anh hùng, vĩ nhân? Bạn lại còn
“vờ vịt” gán cho các anh lập trình viên “ngù ngờ”, “không cần tiền”. Đã
chắc? À, mà bạn trở thành “cộng tác viên” quảng cáo du lịch từ hồi nào
vậy, và đã ngủ trong hang với chú hổ nào chưa? Mình hỏi khí không phải…
(theo Tin học
& Đời sống, còn nữa) |