Sang sông (1) – Phan Rô  
 

(Post 23/11/2005) Thời đại Internet, mọi thứ đều ở phía trước cả. Tôi kể câu chuyện của tôi để các bạn trẻ đừng lý tưởng hóa, thần thánh hóa cụm từ tin học. Bên cạnh sự sắc bén của trí thức, sự chuyên cần trong lao động, ngày nay tin học đòi hỏi ở các bạn cả một hệ thần kinh thép…

Hôm ấy trời nắng gắt. Các đại biểu dự Hội nghị Tin học xong, mạnh ai nấy chạy, vội vàng tìm đường ra phà để trở về thị xã. Phà đông quá, tay bảo vệ ngang nhiên khóa tạch cửa sắt lại, không cho phép ai xuống nữa. Loáng thoáng thấy dăm ba đại biểu nối đuôi nhau bươn xuống một chiếc thuyền đậu ở ven bờ. “Nào, mời các vị ngồi dịch vào cho khách xuống mấy nào!”, người lái thuyền giục giã.

Giờ thì thuyền đã đến gần giữa sông. Người lái thuyền thả chiếc mũ cối màu xanh lá cây xuống lòng thuyền, thong thả nói: “Các bác cho em xin tiền đò”, “Bao nhiêu?”, “Xin mỗi bác năm đồng ạ”, “Năm ngàn hay năm mươi ngàn đấy?”, “Dạ, các bác tính, năm ngàn làm sao em đủ nuôi các cháu?”, “Năm mươi ngàn, nhiều thế?” – ai đó nói, “Dạ, đúng giá đấy ạ”, “Lên bờ tôi giả được không?”, “Dạ không được. Các bác cho em xin luôn ạ”, “Chết, chúng tôi không mang đủ tiền đâu!” – ai đó kêu lên, “Vậy thì em mời các bác cứ ở đây ngắm sông!”. Người lái thuyền thả phịch mái chèo, nằm ngửa ra, kê đầu lên chiếc mái chèo, uể oải úp chiếc mũ lên mặt. Gió phả những luồng hơi nước dọc theo mặt sông, lên cả thuyền, vừa hâm hấp lại vừa mát. Các đại biểu nhìn nhau.

Trên thuyền có một ông sư. Ông sư nói: “Mô phật! Không phải bần tăng không có tiền. Cũng không phải bần tăng không biết bơi. Nhưng bần tăng không thể đồng tình với cách bóp chẹt của nhà thuyền được!”. Người lái thuyền đã ngủ, ngáy khò khò. Chắc hẳn, hắn phải là một tay thạo sông nước vì con thuyền như bị giam vào một tam giác vô hình - với ba đỉnh là ba cái hõm xoáy sâu hoắm - loanh quanh không sao thoát ra được. Nhà sư quay sang các vị đại biểu: “Mô phật! Xin mạo muội hỏi, các vị là ai mà vị nào cũng có một chiếc phù hiệu trên ngực giống nhau thế?”. Nhà-hoạch-định-chiến-lược trả lời: “Chúng tôi đi dự Hội nghị Tin học của tỉnh về”. Mắt nhà sư sáng lên: “Nam mô a di đà Phật! Vậy thì hay quá! Bần tăng trộm nghĩ, những lúc như thế này, không gì hơn là chúng ta tự hầu chuyện nhau. Bần tăng có may mắn đã theo một khóa huấn luyện về khoa học máy tính, cũng có hiểu biết ít nhiều về lĩnh vực này. Xin các chư vị cứ tự nhiên cho!”.

Lúc ấy đột nhiên có đám mây bay đến che kín mặt trời. Khí trời dịu hẳn, thật thích hợp cho những lời kể chuyện.

Chuyện kể của Việt kiều

Tôi tên là..., trước 1975 cùng gia đình định cư tại Hoa Kỳ. Lớn lên, tôi say mê ngành tin học, theo đuổi và ra đời làm việc cho hãng đĩa cứng Q. lừng danh ở bang Texas. Tôi là kỹ sư phần cứng, công việc của tôi là thiết kế các ổ cứng có dung lượng ngày một lớn, tốc độ ngày một nhanh, chống được sốc. Máy tính bán chạy, đương nhiên ổ cứng bán chạy. Thu nhập của chúng tôi không tồi, cỡ 100.000 đô-la Mỹ một năm. Ai cũng nghĩ chúng tôi sung sướng, vợ con chúng tôi hạnh phúc. Cả chúng tôi cũng nghĩ như vậy. Chỉ khi chúng tôi bắt đầu bị cuốn vào cơn lốc của tin học, chúng tôi bắt đầu giãy giụa. Tôi không hề đùa.

Một ngày, sếp quẳng lên bàn tôi (tôi là trưởng nhóm a-en-đi, R&D = Research and Development = Nghiên cứu và Phát triển) một chiếc đĩa CD chứa đầy thông tin về sản phẩm sắp ra của hãng đĩa cứng S., một đối thủ của chúng tôi. Chúng tôi hiểu, sếp muốn chúng tôi chạy đua với họ: đua về kỹ thuật, đua về thời gian. Chúng tôi bố trí phân công nhau làm thêm giờ. Ban đầu chỉ làm thêm đến 7 giờ tối, về sau làm thêm cả thứ bảy (được trả gấp đôi), rồi làm thêm cả chủ nhật (được trả thêm gấp ba). Sản phẩm của chúng tôi ra trước họ, bán chạy như tôm tươi. Sếp tổ chức một buổi liên hoan thịnh soạn ở nhà hàng, có cả sâm-banh, tất nhiên. Hôm sau, sếp cho gọi tôi và bảo, đây chỉ là “chiến thắng tạm thời”, còn rất nhiều thử thách ở phía trước. Hãng nọ đã chiêu mộ thêm nhân tài, đầu tư thêm tiền, tăng thêm giờ làm việc, mua thêm một số pa-tăngknow-how, quyết ra loạt sản phẩm “ấn tượng” hơn cái mà chúng tôi sắp làm. Cho nên, nhóm chúng tôi lại cần phải tăng tốc. Chúng tôi rà soát lại mọi việc, tối ưu hóa các công đoạn, cặm cụi nghiên cứu, chế thử. Thất bại xen lẫn thành công nho nhỏ. Đơn vị chúng tôi dùng để tính khối lượng công việc là số lượng cốc cà phê đã uống. Chúng tôi nói với nhau: Việc A làm mất 500 cốc cà phê, việc B mất 800 cốc...

Chúng tôi buộc phải hủy bỏ các buổi đi nghỉ cùng gia đình, thậm chí không dự cả sinh nhật của những đứa con của mình. Song lần này, hoàn cảnh không chiều ý chúng tôi. Hãng nọ cho ra đời sản phẩm tốt hơn, giá cả cạnh tranh hơn. Mọi nỗ lực của chúng tôi bị đổ xuống sông xuống biển. Sếp lại họp với nhóm chúng tôi, động viên, bố trí thêm các phương tiện làm việc, nghỉ ngơi, giải trí ở ngay tại hãng cho chúng tôi, chỉ nhằm giành lại thị phần... Guồng máy chạy suốt như thế hơn 15 năm trời. Có lần, con bé con nhà tôi nằm bệnh viện, công việc túi bụi, tôi không thể vào thăm nó. Mười một giờ đêm tôi mới trở về nhà, sáng thì sáu giờ đã lái ô-tô đi. Vợ con tôi thậm chí đã quá quen với sự vắng mặt của tôi, không càu nhàu hay phàn nàn nữa. Ơn chúa, chúng tôi cũng kiếm được một món tiền kha khá. Nhưng tôi cảm thấy căng thẳng quá. Thần kinh giống như một sợi dây chun bị kéo căng ra, căng mãi, chưa biết lúc nào được đàn hồi trở lại. Tôi quyết định xin sếp cho nghỉ việc

Sếp hơi bị bất ngờ, hỏi thăm tôi xem “có vấn đề” gì không: tiền lương, điều kiện làm việc, cách đối xử? Hay là có nơi nào trả cao hơn? Khi nghe tôi nói ngắn gọn là “không”, sếp bàng hoàng, vẫn có vẻ chưa tin.

Tôi nghỉ ở nhà hai tháng, thấy người khỏe ra. Thỉnh thoảng bật ti-vi xem bóng đá, tôi nhận thấy những cầu thủ bóng đá sao giống mình thế (hay tôi giống họ?). Họ không chơi bóng đá. Cuộc chơi của họ đầy khắc nghiệt: họ lao động. Và các ca sĩ, nghệ sĩ cũng không hơn gì. Họ hát đấy, múa đấy, cười đấy, nhưng thật ra là họ lao động. Vợ tôi giục tôi phải “làm một việc gì đó”. Tôi nảy ra ý định lập một công ty nhỏ, buôn ổ cứng về Việt Nam. Nói thật lòng, chưa bao giờ tôi có ý nghĩ sẽ đi đầu quân cho hãng đối thủ

Sếp cho người đến tìm tôi. Người đó đưa cho tôi xem bản dự thảo hợp đồng lao động mới. Tôi bảo, tôi sẽ suy nghĩ. Tôi còn đang băn khoăn vì vợ tôi muốn chuyển nhà đến thành phố P., thủ phủ bang K. Người đó quay về. Hôm sau, người đó lại đến và mang theo bản dự thảo mới. Nói một cách ngắn gọn, sếp đồng ý hỗ trợ tôi mọi chuyện: từ chuyện chuyển nhà đến chuyện xin cho vợ tôi một công việc ở thành phố P. Thú thực, các điều khoản đã cuốn hút tôi, không thể không nhận lời.

Nhưng rồi làm được ba năm tiếp, tôi lại bắt đầu sa vào trạng thái bất an. Và khi đó thì đầu óc chả sáng tạo thêm được gì. Tôi lên gặp sếp, cám ơn về mọi sự tạo điều kiện, và xin thôi việc. Tôi cũng nói, tôi rất buồn khi phải làm cái việc này.

Hiện giờ, tôi tranh thủ thời gian về thăm quê hương, định bụng lập một công viên ảo về công nghệ thông tin. Tôi kể câu chuyện của tôi để các bạn trẻ đừng “lý tưởng hóa”, “thần thánh hóa” cụm từ tin học. Bên cạnh sự sắc bén của trí thức, sự chuyên cần trong lao động, ngày nay tin học đòi hỏi ở các bạn cả một hệ thần kinh thép.

Chuyện kể của Lập trình viên quốc tế

Sau khi tốt nghiệp khoa tin học ở trường V., tôi may mắn được hãng phần mềm Z. cho đào tạo miễn phí. Cuối khóa học, họ tuyển 30 người trong số 54 học viên. Tôi may mắn nằm trong danh sách trúng tuyển. Hồi ấy, phần mềm Z. đang nổi như cồn, có thể gọi là mốt, được nhiều ngành trong nước dự kiến đưa vào ứng dụng. Lãnh đạo quyết định đầu tư: Cử người đào tạo tại chỗ, cử cả người ra nước ngoài đào tạo, mua bộ phần mềm (15 cán bộ tin học được thăm quan công viên Walt Disney 2 tuần), thuê tư vấn, thuê nước ngoài phần tích thiết kế và lập trình (để anh chị em có dịp làm quen, học hỏi thêm)... Thế nên, chúng tôi có ngay công ăn việc làm.

Bố tôi bảo: “Mày nứt mũi ra, học có 3 tháng đã được phong chuyên gia chuyên vào của hãng nước ngoài. Tao không thể hiểu nổi!”. Được sáu tháng, gặp hồi khủng hoảng tài chính-tiền tệ, hãng Z làm cuộc liên hoan tiễn đưa hơn 40 người ra khỏi hãng. Bùi ngùi. Hãng cũng tốt bụng, thuê lại chúng tôi một số việc còn tồn đọng. Thu nhập ngang với lương cũ, chỉ có điều không có bảo hiểm. Bảo hiểm dành cho người già và trẻ nhỏ, chúng tôi trẻ khỏe, bảo hiểm chả cần. Về sau hết việc, chúng tôi ngồi nhà chở đợi, bóc lương khô ăn dần. Mấy anh em chí cốt tập hợp nhau lại, định khai sinh công ty cổ phần XYZ gì đó. Nhưng rồi: sợ làm ăn không ra sao (ai cũng ngán cái chân tiếp thuế), nên đành bỏ dở kế hoạch.

May mắn là nhân lúc Singapore thiếu nhân lực, họ tuyển lao động. Tôi tham gia phỏng vấn, thi tuyển không tự tin cho lắm. Bởi làm cùng đội với nhau nhiều rồi tôi biết, so với mấy anh bạn, tôi còn kém lắm. Vậy mà không hiểu sao tôi lại trúng tuyển. Có lẽ quan điểm tuyển người của họ khác với suy nghĩ đã hằn thành nếp nhăn của quân ta. Tôi về nhà tạm biệt bố mẹ, người yêu, lên máy bay ra đi.

Đất nước bên ấy tươi đẹp, điều kiện làm việc lý tưởng, thu nhập không gọi là cao, nhưng đủ sống và dành dụm đôi chút. Hai đứa Việt Nam chúng tôi được phân một căn hộ 2 phòng, đầy đủ tiện nghi, ở tầng thứ 24. Phía dưới là công viên, bể bơi, siêu thị, bến tàu điện. Công việc là gia công phần mềm. Y chang người công nhân trong phân xưởng vậy. Anh không cần biết sản phẩm đó là gì, hãy tuân thủ đầu vào, đầu ra, cổng, giao diện, chuẩn, nghi thức... Tôi láng máng hiểu, đấy gọi là ISO 9000. Cuối tuần, chúng tôi được tự do. Đi pích-ních, tham quan, đi chơi đây đó. Thỉnh thoảng, chúng tôi cũng được về Việt Nam thăm gia đình (tự túc vé!). Làm gia công phần mềm không đơn thuần là một tua du lịch!

Làm được 2 năm, chúng tôi bỗng thấy anh chàng Mô-ha-mét cùng làm “biến mất”. Khoảng hơn một tháng sau mới nhận được thư của hắn báo tin hắn đang ở Mỹ. Hắn còn tận tình chỉ bảo chúng tôi lối đi. Thế là lao đầu vào học để lấy các chứng chỉ về phần mềm. Và bắt đầu săn tìm các công ty cần thuê nhân công ở Mỹ. Được sáu tháng thì chúng tôi – noi gương Crit-xtốp-Cô-lông - tìm ra (phát kiến ra) Châu Mỹ. Tôi vào làm cho một hãng phần mềm bên ấy. Mọi thứ có vẻ tốt hơn bên Sing. Đổi lại, sức ép công việc, sức ép tự nâng cao trình độ lớn hơn khoảng bốn năm lần. Lúc ngủ cũng mê đang vào mạng để lấy chứng chỉ. Còn vừa gặm bánh mì vừa học là chuyện bình thường. Thời gian giải trí, pích-ních, đọc báo rất ít. Phù phiếm quá!

Tôi cũng có bạn bè. Ban đầu tôi cứ tưởng người Mỹ giỏi lập trình lắm. Hóa ra, họ chỉ giỏi thương mại. Họ không phải là người xấu, nhưng phong cách ngang tàng của họ dễ bị hiểu lầm là ngạo mạn, khinh người. Để quen phong cách này, đòi hỏi nhiều thời gian và sự kiên nhẫn. Nhóm lập trình của tôi lác đác người Mỹ, có mấy người Ấn Độ, Trung Quốc, và Do Thái (Ít-xra-en). Còn thì khá đông người Nga. Tôi thân với A-li-ô-sa nhất. Cậu ấy vui tính, hay kể chuyện. Khi xa nhà, những câu chuyện kể làm vơi đi nỗi buồn.

A-li-ô-sa kể, lần đầu tiên lên thủ đô Mat-xcơ-va được đi tàu điện ngầm như thế nào. Ôi, một thế giới đẹp rực rỡ dưới lòng đất. Mỗi ga là một tòa lâu đài lộng lẫy, ngắm nhìn không biết chán. Pha lẫn cả cảm giác choáng, ngợp. Ngợp nhất là những ga chuyển tuyến, phải đi qua dãy hành lang sâu hun hút. Tự nhiên thấy xung quanh mình có vài ba trăm người, mà ai nấy đều bước đi vội vã như bộ đội hành quân, đầu gối không kịp gập, không nói không cười, không chiêm ngưỡng xung quanh gì sất, gặp ngã ba, ngã tư gì cũng chẳng hề giảm tốc độ, cứ lừ lừ tiến như người máy. Nhưng chính vì đã quen với cảm giác đó, nên A-li-ô-sa tập làm quen với nhịp sống Mỹ chóng hơn tôi.

A-li-ô-sa rất nhộn, lập một trang Web cá nhân, đặt tên là “Chiếc máy ảnh của bạn”. Vào trang Web đó, sẽ nhìn thấy một chiếc máy ảnh khá là kỳ quái, vừa cổ kính vừa hiện đại. Bấm vào nút “Bạn có muốn chụp ảnh không?”, sẽ hiện ra hai nút: một nút là “Muốn chụp” và nút kia là “Thoát ra”. Bấm vào nút “Muốn chụp”, máy tính bắt bạn phải sửa sang lại áo quần, chải lại tóc tai (con gái thì phải cài thêm nơ)... rồi mới cho chụp. Bấm tiếp nút “Chụp ảnh”, sẽ có tiếng máy chạy sè sè và đèn flash lóe sáng, rồi có tiếng xoạch. Bấm tiếp nút “Rửa ảnh”, bạn sẽ thấy hình một... con khỉ ăn mặc đẹp đang nhăn răng cười. Đấy, đùa kiểu Mỹ là thế đấy.

Có câu chuyện cậu ấy kể làm tôi cười ra nước mắt. Quê A-li-ô-sa ở quần đảo Xa-kha-lin cách nước Nhật chưa đầy 100 cây số. Hàng ngày - A-li-ô-sa kể - có hai đội tàu của Nga và Nhật ra khơi đánh cá. Chiều về, bao giờ cũng thấy tàu của người Nhật đầy ắp cá, còn tàu của người Nga thì lèo tèo vài con. Sau một tuần, những người Nga sốt ruột đoán già đoán non, hay là người Nhật đã dùng loại thức ăn đặc biệt gì để thu hút hết cá về phía tàu họ? Họ cử người cải trang, trà trộn vào đám đông đứng trên bờ, mua cá của người Nhật vừa đánh dưới biển lên, mang về mổ ruột ra xem chúng ăn thức ăn gì. Chả có gì đặc biệt. Họ quyết định cử một đoàn đại biểu sang tàu Nhật, thẳng thắn hỏi xem người Nhật đã làm thế nào để đánh được nhiều cá thế. Người Nhật nói, họ vô cùng ngạc nhiên khi nghe người Nga nói không đánh được cá, bởi vì “biển có quá nhiều cá để đánh”. Người Nga hỏi: “Thế bí quyết của các ông là gì?”. Người Nhật trả lời: “Chả giấu gì các ngài, chúng tôi chả có bí quyết gì. Chúng tôi đi ra biển, thả lưới xuống, kéo lưới lên. Nếu không có cá, chúng tôi lại thả lưới xuống và kéo lưới lên. Cho đến khi có cá. Thế còn các ngài thì sao?”. Người Nga đỏ mặt trả lời: “Khi chúng tôi kéo lưới lên mà không có cá thì chúng tôi... chúng tôi tổ chức... họp chi bộ”.

Nga kiều ở Mỹ rất đông. Một lần, tôi cùng A-li-ô-sa đến thăm một ông bác tên là I-van I-va-nô-vích, được nghe kể, người Mỹ rất quan tâm đến các nhân tài ở Nga. Họ ghi nhớ tên các học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi Liên bang và Quốc tế, và năm năm sau, theo dõi xem các học sinh đó đã đi theo lĩnh vực khoa học nào, đã công bố những công trình nghiên cứu khoa học của mình trên các tờ tạp chí uy tín nào. Điều ngạc nhiên là họ thấy nhiều tên tuổi tự nhiên “biến mất”. Họ cho rằng, những nhân tài này đã được trưng dụng vào làm việc ở các trung tâm nghiên cứu bí mật của Nga. Việt Nam chưa thấy có thống kê nào nói về những học sinh xuất sắc trước đây hiện giờ đang làm gì, để cho thế hệ trẻ noi gương học tập. Thống kê về những hoa khôi, hoa hậu thì nhiều, song tôi ít đọc.

Hiện giờ, tôi bắt đầu cảm thấy chán chường cuộc sống ở đây. A-li-ô-sa đã trở về quê hương. Cậu ấy là con một, còn bố mẹ già. Ngạn ngữ tiếng Anh cũng có câu xa mặt, cách lòng. Người yêu tôi đã bỏ rơi tôi, sáo đã sang sông. Tìm bạn gái bên Mỹ như mò kim đáy bể. Về Việt Nam cưới vợ chớp nhoáng theo kiểu “cưới liền tay” thì chán chết. Về Việt Nam ở hẳn thì... Thôi, tôi đã là một Việt kiều. Dịp lễ Tết, hay đúng hơn, khi có thời gian, tôi sẽ về thăm quê hương, xứ sở.

Một bạn đồng nghiệp đang rủ rê tôi sang Ca-na-đa. Anh ta ví von những lập trình viên như những cầu thủ quốc tế. Sân cỏ của một cầu thủ “chân chính” là sân cỏ thế giới. Anh bảo, câu phỏng vấn cửa miệng hiện nay không phải là “Anh có bao nhiêu chứng chỉ?” mà là “Khả năng bắt nhịp của anh vào môi trường lập trình mới có nhanh không?”. Vài ba cậu bạn tôi ở Việt Nam đã dỗi, bỏ Nhà nước lập công ty riêng, viết và bán phần mềm, thất bại, giải tán công ty và bắt đầu cuộc đời “cầu thủ tự do”. Chúng nó khoe đã mở trang Web để bắt mối, chuyên nhận gia công theo những đơn đặt hàng bé xíu, kiếm “dăm bảy trăm đô một tuần”. Chúng nó khen Tây sòng phẳng. Kiến tha lâu đầy tổ, không giàu nhưng đủ sống. Thời đại Internet, mọi thứ đều ở phía trước cả.

(theo Tin học & Đời sống - còn nữa)


 
 

 
     
 
Văn hóa - Giáo dục khác:


Lá thư từ Ca-na-đaKhuyến khích mở đại học trong các tập đoàn, các doanh nghiệp lớn
Huyền thoại phố phường (4) – Phan RôHuyền thoại phố phường (3) – Phan Rô
Huyền thoại phố phường (2) – Phan RôHuyền thoại phố phường  – Phan Rô
  Xem tiếp    
 
Lịch khai giảng của hệ thống
 
Ngày
Giờ
T.Tâm
TP Hồ Chí Minh
Hà Nội
 
   
New ADSE - Nhấn vào để xem chi tiết
Mừng Sinh Nhật Lần Thứ 20 FPT-APTECH
Nhấn vào để xem chi tiết
Bảng Vàng Thành Tích Sinh Viên FPT APTECH - Nhấn vào để xem chi tiết
Cập nhật công nghệ miễn phí cho tất cả cựu sinh viên APTECH toàn quốc
Tiết Thực Vì Cộng Đồng
Hội Thảo CNTT
Những khoảnh khắc không phai của Thầy Trò FPT-APTECH Ngày 20-11