(Post 25/09/2010) Huy động trí tuệ tập thể,
khuyến khích các nhân viên bình thường tham gia nghiên cứu và đóng góp
giải pháp cho những vấn đề mà công ty đang gặp phải là "mỏ vàng mới"
mà các hãng công nghệ vừa phát hiện.
Sáng tạo
tập thể đã trở thành chìa khóa thành công cho các đại gia công
nghệ |
|
Pitney Bowes, hãng sản xuất thiết bị cho ngành bưu chính;
AT&T, Electronic Arts, Cisco Systems... là những gương mặt điển hình
nhất của xu thế “mới mà không mới” này. Sự khác biệt lớn nhất của việc
huy động trí tuệ tập thể ở các hãng công nghệ này là họ đã sử dụng cả
phần mềm chuyên dụng hay các công
cụ khác đưa công việc này lên mức chuyên nghiệp hơn. Các phần mềm này
sẽ có nhiệm vụ tiếp nhận giải pháp, ý kiến của các nhân viên, phân loại
thành từng nhóm giải pháp và sau đó là dự đoán giải pháp nào sẽ có nhiều
khả năng thành công nhất.
Ở hãng Pitney Bowes, trước kia người ta sử dụng các “hộp
thư góp ý” nhưng kể từ năm 2008 đến nay họ sử dụng phần mềm có tên Idea
Central. Lãnh đạo hãng cho biết, khi Idea Central ra đời, họ đã đặt ra
tới 42 vấn đề khó và “thách đố” các nhân viên của mình giải quyết. Kết
quả là họ đã nhận được tới hơn 3.000 ý tưởng hiệu quả với khoảng 10.000
nhân viên thường xuyên sử dụng Idea Central.
Ông Luis Solis, phó chủ tịch điều hành Imaginatik, hãng
chuyên cung cấp các giải pháp phục vụ cho việc nghiên cứu tập thể, cho
biết hiện nay mỗi năm các hãng
công nghệ thường chi khoảng 250 triệu USD cho các công cụ này và thị
trường này sẽ còn tiếp tục tăng trưởng với tốc độ khoảng 20-30% trong
các năm tiếp theo. Ví dụ, Electronic Arts - hãng chuyên sản xuất trò chơi
điện tử nổi tiếng thế giới muốn thăm dò loại game nào sẽ ăn khách nhất
thị trường trong thời gian tới, họ sử dụng phần mềm có tên Crowdcast và
đề nghị toàn bộ nhân viên trong hãng tham gia nghiên cứu và dự đoán. Mat
Fogarty - CEO của hãng cho biết, các dự án phát triển game mới có sự tham
gia của các nhân viên bình thường có tỷ lệ thành công cao hơn rất nhiều.
Còn tại AT&T, hãng viễn thông lớn nhất nước Mỹ, người
ta không chỉ khuyến khích nhân viên tham gia nghiên cứu mà họ tạo hứng
thú cho họ bằng cách cho phép mỗi người đặt cược một số tiền ảo vào giải
pháp mà họ cho là có tính khả thi nhất. Sáng kiến này của AT&T đã
lôi kéo được tới 40.000 nhân viên tham gia. “Mục đích của chúng tôi
là muốn đưa công việc nghiên cứu và phát triển của AT&T vượt ra khỏi
các phòng thí nghiệm truyền thống và biến toàn bộ các nhân viên của mình
thành những cỗ máy sáng tạo”, Patrick Asher, giám đốc phụ trách R&D
của AT&T nói.
Nhưng việc huy động trí tuệ tập thể không phải lúc nào
cũng suôn sẻ như vậy. Đã có không ít doanh nghiệp đành chịu thất bại khi
các nhân viên của họ không tham gia còn các nhà quản lý tầm trung thì
coi đó là một việc làm phí thời gian. Để lôi kéo các nhân viên của mình
quay trở lại, các lãnh đạo của AT&T đã phải sử dụng đến những quỹ
khuyến khích bằng tài chính, bao gồm cả việc “quay xổ số” với phần thưởng
là 500 USD mỗi tháng hay quy đổi số tiền ảo mà nhân viên nào đó đặt cược
cho giải pháp thành công nhất thành tiền thật…
Cho đến nay, hầu hết các nhà lãnh đạo và quản lý đều
đã phải thừa nhận lợi ích mà doanh nghiệp nhận được từ “phong trào” này
là lớn hơn mức họ tưởng tượng rất nhiều. “Khi các nhân viên của bạn
nhận ra vấn đề và có thể giải quyết nó trong lĩnh vực này, họ có thể phối
hợp với các đồng nghiệp trong lĩnh vực khác để cùng giải quyết những vấn
đề lớn hơn. Qua thời gian, các nhóm nghiên cứu sẽ tự động hình thành”,
Hagel, đồng chủ tịch của hãng Deloitte Center nói. “Khi đó, bạn sẽ
thấy quá trình sáng tạo mới thực sự được bắt đầu và doanh nghiệp được
hưởng lợi”.
Lê Trí
(theo Bloomberg) |