(Post 02/11/2010) Sáng này vừa online để xem
tin tức từ bạn bè, tôi thoáng giật mình khi nhận được lời nhắn của cô
bạn trên Facebook: "Này, từ nay có viết gì lên tường nhà tớ thì
phải cẩn thận nhé, mẹ tớ có Facebook rồi đấy”. Ồ, hóa ra người lớn
cũng có Facebook. Nhưng các bậc phụ huynh làm gì trên mạng xã hội vốn
dành riêng cho giới trẻ này nhỉ?
Cùng con
trẻ "online" và chia sẻ - Ảnh minh họa: Internet |
|
“Mẹ tớ làm Facebook để trò chuyện với tớ cho đỡ nhớ
khi tớ đi học xa ấy mà”, cô bạn tôi hồ hởi cho biết lý do. Cô còn
khoe mẹ mình có cả yahoo để hai mẹ con thường xuyên chat chit với nhau.
“Nhưng thấy vậy vẫn chưa đủ, mẹ tớ đòi làm cả Facebook để cập nhật
hình ảnh và tin tức của tớ nhiều hơn trước”, bạn tôi cho biết thêm.
Như vậy, một trong những lý do khiến các bậc phụ huynh
tham gia vào thế giới ảo là để cập nhật và giữ liên lạc tốt hơn với con
cái khi chúng ở xa. Hoặc họ cũng có nhu cầu giữ liên lạc với bạn bè và
người thân đang sinh sống trên khắp thế giới.
Nhưng không phải ai cũng may mắn như cô bạn tôi khi có
mẹ làm Facebook để chia sẻ với con nhiều hơn, với một phần lớn các vị
phụ huynh, lập Facebook là để tăng cường kiểm soát các hoạt động “ngoài
luồng” của con cái. Và chuyện phụ huynh lập Facebook để theo dõi con cái
cũng có lắm bi hài.
Chuyện bên Tây
Tại Mỹ, làn sóng phụ huynh, đặc biệt là các bà mẹ, tham
gia Facebook ngày càng có chiều hướng gia tăng. Lấy lý do giữ liên lạc
với bạn bè cũ cũng như theo dõi tình hình của con cháu ở xa, các bà mẹ
có thể đường hoàng tham gia vào cộng đồng đông đúc vốn được xem như dành
riêng cho giới trẻ này. Tuy nhiên một số đã “đi quá giới hạn” bằng cách
tìm cách add friend (làm bạn) với tài khoản Facebook của con cái họ để
theo sát hoạt động của con.
Với đặc thù văn hóa đề cao chủ nghĩa cá nhân, dĩ nhiên
giới trẻ Mỹ sẽ kịch liệt phản đối điều này. Chẳng thế mà một chàng trai
trẻ đã sáng tác hẳn một bài hát rất thảm thiết với tên gọi “Mẹ tớ
đã vào Facebook” (My mom’s on Facebook) để mô tả cuộc sống của anh
đã bị đảo lộn thế nào từ ngày bị mẹ mình add friend trên Facebook. Bài
hát có đoạn “và bây giờ mọi cơn ác mộng đã thành hiện thực, mẹ tớ
vừa add Facebook của tớ rồi” đã trở thành “thánh ca” của những bạn
trẻ có bố hoặc mẹ đang sử dụng Facebook.
Nhiều phụ
huynh vẫn còn chưa thật sự hiểu những nỗi niềm tâm sự của con
trẻ - Ảnh minh họa: Internet |
|
Tệ hơn, một số bạn trẻ quá khích đã lập ra trang web
MyParentsJoinedFacebook.com để phản đối chuyện bố mẹ tham gia Facebook.
Với lời đề tựa “chúc mừng bạn, bố mẹ bạn vừa tham gia Facebook, cuộc sống
riêng tư của bạn thế là hết”, trang web này được dành riêng để đăng những
lời chế giễu các status hay “wall post” (lời nhắn) được cho là quê mùa
và buồn cười của các vị phụ huynh trên Facebook được các bạn trẻ cực kì
hưởng ứng.
Chuyện bên Ta
Tuy không rầm rộ như bên trời Tây nhưng tại Việt Nam
vẫn đang có những ông bố bà mẹ ngày ngày theo dõi Facebook của con mình
để theo sát tình hình con cái. Phản ứng của các bạn trẻ Việt bị cha mẹ
theo dõi Facebook cũng không đến nỗi tiêu cực đến mức lập hẳn một trang
web như giới trẻ phương tây, nhưng chắc chắn cũng không phải là dễ chịu,
vì trẻ thường cảm thấy bị xúc phạm quyền riêng tư khi cha mẹ tìm hiểu
Facebook của mình.
Hơn cả 1 trang nhật ký, Facebook là nơi chứa đựng tất
cả những gì diễn ra trong cuộc sống hằng ngày của con cái. Đó là những
câu status than phiền bài vở nhiều, những hình ảnh của những chuyến vui
chơi cùng bè bạn, hay là những dòng nhật ký tình yêu.
Đó cũng có thể là những dòng tâm sự buồn vì cô đơn, thiếu
sự quan tâm của cha mẹ, hay những bộc bạch về khoảng cách không thể lấp
đầy giữa cha mẹ và con cái. Khi xem Facebook của con, cha mẹ có thể từ
đó hiểu được nỗi lòng của con cái, từ đó nhìn lại và sửa đổi để mối quan
hệ cha mẹ con cái tốt hơn. Tuy nhiên, cũng có trường hợp bố mẹ xem việc
theo dõi Facebook của con là cách hiệu quả nhất để theo sát các hoạt động
của con và sẵn sàng la mắng khi con sai phạm. Rõ ràng đây là một cách
làm sai, thiếu hiểu biết về tâm lý con trẻ. Điều đó chỉ khiến mối quan
hệ cha mẹ con cái ngày càng xấu đi.
Thùy Dung, học sinh lớp 12, tâm sự “mình chỉ có Facebook
là thế giới riêng, thế mà ba mẹ cũng xâm phạm. Giờ mình còn biết trút
tâm sự vào đâu đây?”
Nỗi lòng mẹ cha
Lẽ đương nhiên, tham gia các mạng xã hội, và cụ thể là
Facebook, không phải là đặc quyền của giới trẻ. Những người lớn tuổi vẫn
có nhu cầu giữ liên lạc với bạn bè, con cháu cũng như chia sẻ hình ảnh,
thông tin của họ. Và việc kết nối với con cái trên Facebook, trong một
chừng mực nào đó, cũng là nỗ lực của cha mẹ để “kết bạn” với con, điều
mà đôi khi họ không thể thực hiện được trong thế giới thật. Xã hội ngày
càng nhiều cạm bẫy và hiểm nguy, ngay cả trong môi trường học đường cũng
có quá nhiều chuyện không hay xảy ra, việc cha mẹ không an tâm hoàn toàn
có thể hiểu được.
Tham gia
mạng xã hội, cùng chia sẻ với bạn bè cùng lứa tuổi và con trẻ
cũng là nhu cầu của người lớn tuổi - Ảnh minh họa: Internet |
|
Điều cần lưu ý là phải tôn trọng thế giới riêng của con
cái. Trẻ đã lớn và thường có xu hướng thoát hỏi sự kềm cặp, kiểm soát
của gia đình, cũng như cần có không gian riêng để giải tỏa nỗi lòng và
nhận được sự chia sẻ của những bạn bè cùng lứa. Nếu không muốn con đi
sai đường thì phải tìm phương pháp hiệu quả hơn là lén lút xâm phạm vào
sự riêng tư của con cái như vậy.
Hãy để sự kết nối giữa cha mẹ và con cái là hoàn toàn
công khai, tự nguyện bằng cách hỏi ý kiến con cái trước khi kết nối, cũng
như đừng có những phản ứng thái quá hay can thiệp quá sâu vào những hoạt
động của con cái trên Facebook. Thay vào đó là dùng những comment nhẹ
nhàng, hóm hỉnh nhưng mang tính định hướng, giúp cho trẻ không đi sai
đường. Có như vậy thì cha mẹ mới thật sự là bạn của con cái, và cả gia
đình mới có thể cùng nhau chia sẻ những khoảnh khắc hạnh phúc của cuộc
sống, cả trên Facebook lẫn ngoài đời thật.
Lương Nguyễn
(theo báo Tuổi Trẻ)
Tin liên quan:
|