Đầu tư vào đại học: Vì sao khó ?  
 

(Post 13/01/2011) Chủ trương xã hội giáo dục đã tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp… đầu tư ngày một mạnh mẽ hơn vào hệ thống các trường đại học tư thục. Vậy mà nhiều nhà đầu tư vẫn than phiền, vì sao?

Theo FPT, việc xây dựng hoàn chỉnh trụ sở chính của trường đại học FPT tại khu công nghệ cao Hòa Lạc vào năm 2015 sẽ tiêu hết hơn 2.000 tỷ đồng

Việc một tổ chức, cá nhân hay doanh nghiệp đầu tư xây dựng đại học là một giải pháp quan trọng để gắn đào tạo với nhu cầu xã hội, đồng thời huy động thêm nguồn đầu tư cho giáo dục trong bối cảnh đầu tư từ ngân sách dù đã cố hết mức cũng không đáp ứng được nhu cầu học tập của người dân. Có thể kể đến các tên tuổi như FPT với trường ĐH FPT (thành lập từ năm 2006), Tân Tạo với Trường ĐH Tân Tạo (khánh thành 8/2010), Becamex với trường ĐH Quốc tế Miền Đông, hay VTC cũng đang xem xét đầu tư vào ĐH Văn Hiến…Theo TS Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng trường ĐH FPT thì đây là dấu hiệu đáng mừng, vì Việt Nam đang là quốc gia thu hút đầu tư ngoài ngân sách cho đào tạo đại học ở mức độ rất thấp (sinh viên ngoài công lập hiện nay chỉ khoảng 13%, gần như thấp nhất trong các nước ASEAN).

Cần vốn lớn...

“Cuộc đời của một trường đại học không đo bằng vài năm mà hàng chục, hàng trăm năm" - TS Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng trường ĐH FPT

Để thành lập một đại học và đưa nó vào hoạt động cần một số vốn rất lớn. Năm 2005, nhà nước quy định vốn tối thiểu của đại học là 15 tỷ đồng. Con số tối thiểu này trong quy định năm 2009 tăng lên thành 50 tỷ đồng, và mới đây nhất, trong dự thảo quy định thành lập trường đại học mà Bộ GD&ĐT vừa đưa ra năm 2010 tăng lên thành 150 tỷ đồng. Tuy nhiên theo ông Tùng, với quy định một trường đại học có ít nhất 5ha đất, chỉ riêng kinh phí làm hạ tầng (san lấp, đường sá, vỉa hè, hàng rào, cấp thoát nước, điện, viễn thông, trồng cây…) với định mức khoảng 3 triệu đồng/m2 đã vào khoảng 150 tỷ đồng! Khi thành lập năm 2006, vốn đầu tư ban đầu của trường ĐH FPT là 130 tỷ đồng - gấp gần 10 lần vốn tối thiểu theo quy định ở thời điểm đó. Theo đề án đã được duyệt, việc xây dựng hoàn chỉnh trụ sở chính của trường ĐH FPT tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc vào năm 2015 sẽ tiêu hết hơn 2.000 tỷ đồng. Đến nay đầu tư của tập đoàn FPT vào trường ĐH FPT khoảng trên 300 tỷ đồng, theo phương án cần tiền đến đâu bổ sung và giải ngân vốn đến đó. Số vốn này chủ yếu dùng để đầu tư các hạng mục lớn của trường, còn chi thường xuyên và đầu tư nhỏ thì dựa vào các nguồn thu của trường. Sự tốn kém này cũng có thể nhìn thấy rất rõ nét ở một số trường ĐH thuộc các tập đoàn khác khác. Đại học Tân Tạo cũng dự tính có tổng kinh phí đầu tư lên tới 400 triệu USD, hay như Becamex cũng đầu tư vào ĐH Quốc tế Miền Đông với con số dự tính khoảng 1.700 tỉ đồng…

"Khi sinh ra từ doanh nghiệp, nền tảng tài chính của trường đại học vững vàng hơn rất nhiều so với việc đóng góp của một vài cổ đông cá nhân" - TS Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng trường ĐH FPT

Do có mức kinh phí đầu tư thực tế cao như vậy nên theo ông Tùng, mỗi trường đại học cần có vốn ít nhất 500 - 1.000 tỷ đồng và nên áp dụng không chỉ cho các trường chuẩn bị thành lập mà cả các trường đang hoạt động để mỗi trường có lộ trình tăng vốn, tăng tiềm lực cho phù hợp. “Hoạt động đào tạo đại học có những yêu cầu đặc thù, cho nên việc quy định vốn đủ lớn cho tất cả các trường đại học là cần thiết, gần giống như quy định vốn tối thiểu của các ngân hàng vậy, nhằm đảm bảo hoạt động đủ tầm, đầu tư đủ mức cần thiết và an toàn trong hoạt động”, ông Tùng nhấn mạnh.

Như vậy có thể thấy, đầu tư vào đại học là một cuộc chơi hao tiền tốn của mà không phải bất cứ doanh nghiệp nào cũng có thể tham gia.

Nhưng có 4 lỗi?

Là một trường đại học tư thục, được phép chia lãi cho chủ đầu tư nhưng trong các năm qua, trường ĐH FPT hoạt động theo dạng phi lợi nhuận vì hầu hết lợi nhuận - nếu có - đều giữ lại để tái đầu tư cho trường. Nhìn từ góc độ kinh doanh, theo chia sẻ của người đứng đầu Đại học FPT, cái lớn nhất trường mang lại là góp phần xây dựng hình ảnh và vai trò xã hội của Tập đoàn FPT. Về tài chính thì doanh thu của trường ĐH FPT chỉ chiếm chưa đến 1% tổng doanh thu trên 1 tỷ USD của toàn tập đoàn FPT, so với FPT là không đáng kể, tuy nhiên năm nào trường cũng đóng góp vào ngân sách nhà nước qua các khoản thuế phải nộp, đồng thời đóng góp một phần vào lợi nhuận chung của tập đoàn.

78 trường đại học tư thục đã được thành lập tại Việt Nam, tính đến 3-2010

GS Huỳnh Hữu Tuệ, Hiệu trưởng trường ĐH Bắc Hà cho biết, tính đến tháng 3/2010, cả nước đã có 78 trường đại học tư thục được thành lập. Với kinh nghiệm của một người có nhiều năm làm về giáo dục đại học tại nước ngoài, nay về làm hiệu trưởng của một trường đại học trong nước, GS Tuệ cho rằng, nếu nhìn vào góc độ kinh doanh của nhà trường từ khi thành lập tới nay (gần 3 năm) thì mới chỉ ở mức “cân đối ngân sách”. Ông thẳng thắn chia sẻ, trong năm đầu tiên, nhà trường chỉ tuyển được 22 sinh viên, trong đó có 3 sinh viên sau phải thôi học vì không đủ tiền, đủ sức, sau thêm 3 sinh viên bị loại còn 16 sinh viên. “Vốn đầu tư để đào tạo 1 khóa học với 16 sinh viên là rất lớn, trong khi đó số tiền thu về lại không nhiều. Nhưng Hội đồng quản trị vẫn quyết định làm, một mặt là để đánh giá tình hình, sau là để quảng bá hình ảnh của trường, rút kinh nghiệm xem nên làm như thế nào. Vấn đề kinh phí là rất quan trọng, nhưng chất lượng là mục tiêu số 1 mà chúng tôi muốn hướng tới và mang tới cho cộng đồng. Hàng năm chúng tôi vẫn phải loại ra khoảng 30% sinh viên, điều đó có nghĩa là ngân sách thu về sẽ giảm đi một con số không nhỏ. Tuy nhiên, chúng tôi xác định đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho lâu dài, không thể tính chuyện ngày một, ngày hai”.

Đồng tình với quan điểm của GS Tuệ, TS Lê Trường Tùng cho rằng, khi đầu tư vào đại học, doanh nghiệp không nên xem nặng vấn đề hiệu quả kinh doanh ngắn hạn, vì “cuộc đời” của một trường đại học không đo bằng vài năm mà đo bằng hàng chục, hàng trăm năm. Đồng thời ông Tùng cũng nhấn mạnh việc Chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp tham gia thành lập đại học là hoàn toàn đúng đắn, vì khi sinh ra từ doanh nghiệp, nền tảng tài chính của trường đại học vững vàng hơn rất nhiều so với việc đóng góp của một vài cổ đông cá nhân. Trường đại học sinh ra từ doanh nghiệp cũng tránh được các mâu thuẫn tài chính nảy sinh giữa các cổ đông, vì ngay từ đầu các hoạt động đã dựa trên nền tảng doanh nghiệp với các quy định khá chặt chẽ.

Theo Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục được Thủ tướng Chính phủ ban hành (số 61/2009/QĐ-TTg, ngày 17/4/2009), việc thành lập trường phải có ít nhất từ 3 thành viên (tổ chức hoặc cá nhân) tham gia góp vốn điều lệ, trong đó mỗi thành viên chỉ được góp vốn điều lệ ở không quá 2 trường đại học, cao đẳng tư thục với mức vốn góp tại mỗi trường tối đa 51%.

Việc thành lập trường đại học do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Dự án thành lập trường đại học được thực hiện theo 2 bước:

* Bước 1: Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận Dự án đầu tư thành lập trường, thẩm định các điều kiện và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư thành lập trường.

* Bước 2: Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ và các cơ quan liên quan tổ chức thẩm định dự án đầu tư thành lập trường và các điều kiện được quy định tại Quyết định này, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thành lập trường.

Những mong mỏi của nhà đầu tư

Theo chia sẻ của đại diện nhiều nhà đầu tư, khó khăn hiện nay trong việc thành lập và đưa một trường đại học vào hoạt động không chỉ đơn thuần là phải có quyết tâm, đủ tiềm năng tài chính, phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe theo các quy định pháp lý, mà còn phải có được bộ máy điều hành đại học đủ mạnh, có tâm, chia sẻ tầm nhìn của doanh nghiệp. Bộ máy đó phải vừa mang tính học thuật cao, lại vừa phải có tư duy doanh nghiệp, đủ năng lực đưa đại học phát triển và bảo toàn vốn đầu tư. Điều mà GS Huỳnh Hữu Tuệ băn khoăn nhất hiện nay, đó là việc Nhà nước đã cho phép các trường đại học tư hoạt động như một doanh nghiệp, tuy nhiên việc bổ nhiệm Hiệu trưởng lại do Bộ GD&ĐT thông qua. “Đây chỉ là một chi tiết nhỏ trong cơ cấu tổ chức nhưng cũng phần nào cho thấy sự “can thiệp” của Bộ vào quy trình hoạt động của trường. Đến giờ tôi vẫn không hiểu tại sao Bộ lại phải làm như vậy. Từ góc độ cá nhân, tôi cho rằng đã là một tổ chức tư nhân, thì mọi quyết định về tổ chức, về nhân sự phải do chính Hội đồng quản trị của tổ chức đó chịu trách nhiệm”.

FPT APTECH cung cấp cho các bạn đam mê học tin học, học công nghệ thông tin chuyên sâu về học lập trình cơ hội được đào tạo Công Nghệ Thông Tin trong môi trường tiêu chuẩn chất lượng quốc tế ISO9001.

Học CNTT - Học Aptech - Học tại FPT

Bên cạnh đó, trước thông tin Đoàn giám sát Quốc hội đề nghị Chính phủ xem xét hạ cấp, giải thể một số trường đại học đã được thành lập 10 năm mà vẫn chưa có cơ sở riêng, trên diễn đàn của nhiều trường, sinh viên đã bày tỏ mối quan ngại về việc sẽ “đi đâu về đâu” nếu kiến nghị này được áp dụng. Chia sẻ về vấn đề này, GS Tuệ cho biết trường Bắc Hà có 15 ha đất tại Bắc Ninh nhưng đến giờ vẫn chưa thể xây dựng được vì rất nhiều lý do khác nhau, đơn cử như không có đường vào! Sau nhiều lần đàm phán, cuối cùng UNBD tỉnh Bắc Ninh đã quyết định cho phép ĐH Bắc Hà thương thuyết với dân để mua đất làm đường. Tuy nhiên khi “ván đã gần đóng thuyền” thì nhiều người dân Bắc Ninh lại không đồng ý nên đến nay, 15ha vẫn chỉ là 1 khu đất trống. Và trường Bắc Hà vẫn đang phải “tá túc” tạm thời trong khuôn viên của trường THPT Việt - Úc. “Đây là một kinh nghiệm rất lớn mà chúng ta cần phải rút kinh nghiệm khi đầu tư xây dựng một đại học. Chúng tôi vẫn đang cố gắng hết sức để sớm xây dựng được trường và cho đi vào hoạt động. Trong điều kiện khó khăn nhất thì sẽ phải xin phép Bộ Giao thông Vận tải cho phép sử dụng một con đường, và cứ trong 6 tháng sẽ phải xin phép lại”, ông Tuệ bày tỏ mong muốn.

Rõ ràng, việc một tổ chức, cá nhân hay doanh nghiệp đầu tư để xây dựng và thành lập một trường đại học không phải là dễ dàng. Để thu hút nhiều vốn đầu tư hơn nữa cho lĩnh vực này, cần có sự thay đổi; không chỉ từ phía các nhà quản lý mà cả toàn xã hội...

Đắt có “xắt ra miếng”?

Với số tiền học bỏ ra hàng năm lớn, người học kỳ vọng sẽ được hưởng một môi trường đào tạo tiên tiến, có chất lượng cao. Nhưng liệu chất lượng đào tạo có thực sự tỷ lệ thuận với học phí? Dưới đây là ý kiến của đại diện doanh nghiệp - người sử dụng “sản phẩm” của các trường tư thục và sinh viên đại học tư thục về vấn đề này:

Ông Vũ Hoàng Tâm (Giám đốc điều hành VHT Corp)

Với tư cách là người đứng đầu một doanh nghiệp, tôi sẽ chỉ chọn những người làm được việc chứ không phân biệt người đó đã từng học trường công lập hay tư thục. Tuy nhiên, có một điều mà tôi nhận thấy ở đây, đó chính là chất lượng sinh viên hiện nay, dù là công hay tư vẫn đang ở mức rất thấp. Tôi vừa mất một ngày để phỏng vấn nhân sự mới cho công ty mình. Nhưng đáng tiếc là đã không tuyển được ai trong mấy chục hồ sơ gửi tới. Nhiều bạn học trường công lập, bằng rất “đẹp” nhưng lại rụt rè trả lời không biết làm gì và xin được đào tạo thêm. Có bạn là sinh viên trường tư, cũng đã được tiếp xúc với môi trường doanh nghiệp nhưng kiến thức nền thì lại rất hổng. Kỹ năng giao tiếp là thứ mà các sinh viên ấy thiếu nhất, dù là sinh viên trường công hay tư. Do đó chúng tôi cũng phải xác định, nếu tuyển vào thì sẽ phải đào tạo lại.

Bản thân tôi cũng là người làm về đào tạo nên rất muốn các trường đại học của ta ngoài việc trang bị những kiến thức nền thì phải dạy cho sinh viên biết họ cần phải làm gì khi ra trường và đi làm. Giống như khi chúng ta xem chương trình quảng cáo của nước xả Comfort, nhà làm phim đã cho người ta thấy ngay là nó giúp tiết kiệm nước chỉ vì 1 lần xả, hay nước xả Downy giúp tiết kiệm điện vì quần áo sẽ thẳng sau khi giặt. Đào tạo con người làm được việc trong xã hội này cũng vậy: phải cho người ta thấy cái mà người ta đang học là cái gì và ra trường sẽ phải làm gì với những cái người ta học đó.

Sinh viên Nguyễn Thị Hoàn (Trường ĐH Tư thục Thành Đô)

Học phí của trường tư thục so với trường công lập dĩ nhiên là rất cao. Phương pháp đào tạo ở trường tư thục là gắn liền với đời sống thực tiễn hơn, sinh viên được tiếp xúc nhiều hơn với các phương tiện làm việc hiện đại như máy tính, máy chiếu… Tuy nhiên, những gì mà nhà trường giảng dạy vẫn chưa thực sự áp dụng được nhiều vào công việc mà tôi đã làm và công ty vẫn phải đào tạo thêm. Tôi hy vọng trong môi trường học tập mới nhà trường sẽ tạo nhiều điều kiện hơn nữa để chúng tôi có thể tiếp xúc với môi trường làm việc của doanh nghiệp, nâng cao các giờ học ngoại khóa, tổ chức nhiều buổi thảo luận trực tiếp với lãnh đạo các công ty…

Bích Ngọc
(theo báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp)

Tin liên quan:


 
 

 
     
 
Văn hóa - Giáo dục khác:


Malaysia tự tin thu hút các đại học danh tiếng10 nghề có giá nhất năm 2011 ở Mỹ
Phía sau sự thành công của Intel5 bước đi thông minh của ông chủ Facebook
Gia công phần mềm Trung Quốc hướng tới phố Wall7 sự kiện giáo dục năm 2010
  Xem tiếp    
 
Lịch khai giảng của hệ thống
 
Ngày
Giờ
T.Tâm
TP Hồ Chí Minh
Hà Nội
 
   
New ADSE - Nhấn vào để xem chi tiết
Mừng Sinh Nhật Lần Thứ 20 FPT-APTECH
Nhấn vào để xem chi tiết
Bảng Vàng Thành Tích Sinh Viên FPT APTECH - Nhấn vào để xem chi tiết
Cập nhật công nghệ miễn phí cho tất cả cựu sinh viên APTECH toàn quốc
Tiết Thực Vì Cộng Đồng
Hội Thảo CNTT
Những khoảnh khắc không phai của Thầy Trò FPT-APTECH Ngày 20-11