(Post 05/04/2011) Có một luật ngầm mà các trường tư thục, dân lập hướng đến “chiến dịch 100%”: từ đầu năm học các trường cam kết với phụ huynh nếu con họ không tiến bộ và không thể đậu tốt nghiệp thì sẽ phải chuyển sang thi hệ bổ túc. Tình trạng học sinh mệt mỏi vì học, học sinh bơ vơ cứ thế tiếp diễn suốt ba tháng trước mùa thi tú tài... Học sinh lớp 12C4 Trường THPT dân lập Thanh Bình, Q.Tân Bình (TP.HCM) tự dò bài trước khi vào lớp ôn thi sáng 2-4 - Ảnh: Như Hùng | |
Tỉ lệ tốt nghiệp Trung Học Phổ Thông đạt 100% đang là mục tiêu mà tất cả các trường THPT ngoài công lập hướng đến. Trong khi nhiều trường “nỗ lực” đẩy học sinh yếu ra khỏi trường để đạt mục đích nói trên thì những trường tư thục, dân lập nhỏ và cả hệ bổ túc cũng bắt đầu ngưng nhận học sinh khối 12 từ các trường khác chuyển đến để đảm bảo kết quả thi tốt nghiệp. Tình trạng học sinh mệt mỏi vì học, học sinh bơ vơ cứ thế tiếp diễn suốt ba tháng trước mùa thi tú tài. “Chiến dịch 100%” gồm các đợt kiểm tra trước kỳ thi tốt nghiệp, thi thử cao đẳng, đại học dành cho học sinh lớp 12 Trường Quốc Văn Sài Gòn, với mục tiêu 100% HS tốt nghiệp THPT và 80% HS trúng tuyển cao đẳng, đại học. Tại tất cả trường tư thục, dân lập trên địa bàn TP.HCM, những “chiến dịch” học tập, thi cử với mục tiêu đạt đến con số 100% đang gây một sức ép nặng nề lên học sinh. Mệt mỏi vì học H., học sinh một trường tư thục tại Tân Bình, cho biết: “Cách đây hai tuần nhà trường đề nghị chuyển em qua học ở một trường trung cấp, vì với sức học của em rất khó đậu tốt nghiệp mà như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến tỉ lệ tốt nghiệp của trường. Học ở trường trung cấp em sẽ có điều kiện học bổ túc và vẫn có bằng tốt nghiệp như bình thường. Em đang phân vân vì cảm thấy học không nổi nữa nhưng nếu qua học nghề thì sợ gia đình buồn”. L., “cựu” học sinh Trường THPT tư thục TP, ngao ngán nói: “Từ đầu học kỳ nhà trường đã tổ chức dò bài tới tận 12g đêm, vừa ôn thi tốt nghiệp vừa kết hợp ôn thi đại học, em không thể theo nổi vì quá mệt, cha mẹ cũng động viên em chuyển sang trường khác để ôn tập thoải mái hơn, không ảnh hưởng đến sức khỏe. Cũng may còn có trường nhận nếu không em vẫn phải học tại trường cũ, hiện em đang cố gắng hòa nhập môi trường mới để ôn tập tốt”. Trong khi đó, một HS tại Trường tư thục TVK tâm tư: “Em bị tách ra cho ngồi bàn riêng, cô giáo nói em yếu quá nên chuyển trường thì dễ đậu tốt nghiệp hơn. Gia đình em đưa bảng điểm tới một số trường nhưng không nơi nào nhận”. Có một luật ngầm mà các trường tư thục, dân lập hướng đến “chiến dịch 100%”: từ đầu năm học các trường cam kết với phụ huynh nếu con họ không tiến bộ và không thể đậu tốt nghiệp thì sẽ phải chuyển sang thi hệ bổ túc. Trường hợp những học sinh không đồng ý chuyển sang hệ bổ túc thì bị tìm cách đưa ra hội đồng kỷ luật vì vi phạm nội quy nhà trường để buộc thôi học, và giới thiệu một trường khác để học sinh này chuyển qua. Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 3, nhiều trường tư thục, dân lập nhỏ cũng ngưng nhận HS lớp 12 từ nơi khác về với lý do không đủ thời gian ôn tập, nếu các em này quá yếu sẽ ảnh hưởng đến tỉ lệ tốt nghiệp của trường. Tương tự, các trung tâm giáo dục thường xuyên như Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức cũng hạn chế tối đa việc nhận học sinh từ các trường dân lập, tư thục chuyển về. Những HS không tìm được chỗ học tại các trường tư thục nhỏ hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên tại TP.HCM đã phải ngậm ngùi tìm đường về quê. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học vừa qua, có 8.449/9.268 học sinh các trường ngoài công lập đạt tốt nghiệp THPT, đạt tỉ lệ 91,16% (năm học trước số học sinh THPT ngoài công lập đạt tốt nghiệp là 89,46%). Có bảy trường đạt tốt nghiệp 100%, 37 trường đạt trên 85%, 12 trường đạt tốt nghiệp dưới 75%. |
|
Bắt đầu thành...“gà công nghiệp” Lịch học dày đặc từ sáng đến tối với lực lượng giám thị, giáo viên kèm cặp sát sao cho học sinh có nguy cơ rớt tốt nghiệp được tiến hành theo đúng nề nếp và kỷ luật ở các trường kể từ đầu năm. Sáng 1-4, một học sinh khối 12 của Trường tư thục Hữu Hậu được chuyển tới trạm y tế phường ngay sau khi làm bài thi học kỳ môn lịch sử. Giám thị cho biết học sinh này vì quá lo lắng cho kỳ thi, cộng với việc mới chuyển vào học nội trú nên sức khỏe yếu, mệt mỏi và hốt hoảng. Cùng với việc tăng cường phụ đạo, dò bài theo chiến thuật “một kèm một” (một cô, một trò), ban giám hiệu nhà trường còn phải túc trực chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ tâm lý cho học sinh nhằm đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi tốt nghiệp sắp tới. 11g15 ngày 1-4, học sinh khối 12 Trường THPT tư thục Hoàng Diệu tranh thủ bước vào bữa cơm trưa rồi nghỉ ngơi để vào tiết học buổi chiều lúc 13g30. Mỗi ngày học sinh được ôn tập 8-9 tiết trên lớp vào hai buổi sáng và chiều, để rồi từ 16g30-18g và 18g30-20g là thời gian dò bài, sau đó là giờ tự học. Tại Trường THPT dân lập Hưng Đạo (Bình Thạnh), không chỉ học sinh mà cả ban giám hiệu nhiều ngày qua cũng “đầu tắt mặt tối” để tổ chức ôn thi, thi thử với lịch học dày đặc, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp. Còn tại Trường THPT dân lập Thanh Bình, với mục tiêu lớp 12 phải đạt tỉ lệ tốt nghiệp 100%, nhà trường ngoài các biện pháp phân loại, tăng tiết phụ đạo sát sao cho học sinh yếu kém, còn tổ chức chín đợt thi xuyên suốt năm học để liên tục đánh giá lực học của học sinh. Nhiều học sinh ví von cứ sang năm lớp 12 là phải biến thành “gà công nghiệp” mới theo nổi số lượng bài vở quá nhiều và lịch học dày đặc của nhà trường. Một hiệu trưởng trường tư thục chia sẻ: “Nhiều lãnh đạo đánh giá năng lực của hiệu trưởng thông qua kết quả thi tốt nghiệp, mặc dù nói không chạy theo thành tích nhưng nếu tỉ lệ đậu tốt nghiệp thấp thì chúng tôi cũng được nêu ra, xếp hạng, làm ảnh hưởng đến kết quả tuyển sinh và tên tuổi của trường. Gánh nặng cuối cùng đổ lên đầu học sinh là vì thế”. FPT APTECH mở ra cho các bạn đam mê học tin học, học công nghệ thông tin chuyên sâu về học lập trình cơ hội được đào tạo Công Nghệ Thông Tin trong môi trường tiêu chuẩn chất lượng quốc tế ISO9001. Học CNTT - Học Aptech - Học tại FPT |
|
Lưu Trang (theo báo Tuổi Trẻ) Tin liên quan: |