(Post 31/01/2012) "Giáo dục tuyệt hảo nhất là giáo dục bằng chính bản thân mình, giáo dục bằng cách làm gương. Mình thế nào thì con mình thế ấy, không nhiều thì ít. Vậy mình phải thế nào? May mắn nhất cho văn hóa của ta, trong lĩnh vực đạo đức, là cả dân tộc cùng san sẻ một niềm tin căn bản: tin ở phúc đức. Trong tâm khảm của mỗi người Việt Nam, ai cũng nghe một tiếng nói nhỏ trong lòng: ăn ở thế nào cho có phúc đức. Không hẳn phúc đức cho mình: phúc đức cho con..." - GS Cao Huy Thuần (Đại học Picardie - Pháp) trò chuyện cùng Tuổi Trẻ Chủ Nhật trong câu chuyện mà Bàn tròn văn hóa Giáo sư Cao Huy Thuần - Ảnh tư liệu | |
PV: Thưa giáo sư, vẫn là một câu hỏi cũ: nhìn vào đời sống văn hóa Việt Nam bây giờ, ông thấy điều gì là cái “được”, điều gì là cái “đáng lo ngại”? Giáo sư Cao Huy Thuần: Tôi xin kể cô nghe một bài học của tôi lúc nhỏ trong Quốc văn giáo khoa thư lớp 3. Một người kia đến gặp một ông chủ xí nghiệp để xin làm việc. Ông chủ nói hãng không tuyển nhân viên nữa. Người kia ra về. Ông chủ nhìn theo. Đến giữa sân, người kia cúi xuống lượm một vật gì đấy, phủi bụi cẩn thận rồi bỏ vào túi. Đó là một đồng xu ai đánh rơi xuống đất. Ông chủ cho người kêu anh kia lại, tuyển dụng anh ta. Dưới mắt ông, một người biết quý một đồng xu như thế sẽ là một người biết kiếm ra tiền cho hãng ông. Chuyện chỉ có thế nhưng tôi nhớ cả đời. Xét đoán ai, nhiều khi tôi thấy nhân cách của một người lộ ra nơi một cử chỉ vặt. Cũng như thế, nơi một chuyện vặt, nhiều khi tôi học được một bài hay. Bởi vậy, để trả lời câu hỏi của cô, tôi nhớ đến vài chuyện cũ... Chuyện thứ nhất là giải thưởng “Sách hay” của Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh, lần đầu tiên được tổ chức vào đầu tháng 9-2011. Tôi chú ý chuyện này bởi vì đây là giải thưởng của người dân, không phải của Nhà nước. Giải Phan Châu Trinh làm tôi nghĩ đến các giải văn chương ở Pháp - sự kiện văn hóa lớn hằng năm - đều của người dân, như giải Goncourt, giải Renaudot, giải Médicis, giải Fémina và vô số giải khác đã làm xôn xao dư luận, khích lệ xuất bản, thúc đẩy sáng tác. Phan Châu Trinh là sáng kiến mở đầu của những giải thưởng trong tương lai mà tôi ước mong cũng làm rộ lên sinh động văn hóa như thế. Một trong những người nhận giải năm rồi là ông già tám mươi Phạm Toàn, cặm cụi dưới đèn dịch quyển Nền dân trị Mỹ của Tocqueville, tác phẩm lớn của thế kỷ 19 mà không ai bước chân vào đại học Pháp không biết. Đóng góp ấy, người dân vinh danh là quá đúng. Chuyện vặt thứ hai không được ai vinh danh cả, nhưng không người trí thức nào nghe nói đến mà không động lòng. Đó là chuyện nhà triết học Bùi Văn Nam Sơn âm thầm dạy triết không tiền cho bất cứ ai muốn học triết. Ban đầu anh mở lớp tại nhà riêng, nhưng sau đông người quá anh xin được tá túc trong một trường đại học. Trong một thế giới ồn ào, anh lẳng lặng làm ông đồ trao kiến thức. Chỉ riêng thái độ lặng yên khiêm tốn, đơn độc ấy thôi đã là một đặc tính văn hóa từ xưa còn sót lại, hiếm có. Một con én chỉ biết đưa thoi, mùa xuân có đến hay không, én không đặt vấn đề. Chuyện vặt thứ ba, báo chí có đăng. Đó là cái “chòi sách” miễn phí của một nhóm sinh viên thiện nguyện, mở cửa vào mỗi sáng chủ nhật, giờ thể thao của dân Sài Gòn trong công viên Lê Văn Tám. Ban đầu “thư viện” ấy chỉ là một chiếu sách, do các em mang đến, bày ra dưới bóng mát của các cây cổ thụ, ai muốn đọc cứ lấy đọc. Dần dà khách đến đông, chiếu sách trở thành “chòi sách” thu hút đủ mọi lứa tuổi. Giữa “chòi sách” trong công viên, lớp học của anh Sơn và quyển sách dịch của anh Phạm Toàn có một sợi dây liên hệ mật thiết mà Tocqueville đã phân tích rất kỹ trong xã hội Mỹ: đặc điểm của dân chủ ở Mỹ là sự tham gia tích cực và tự ý của dân chúng vào các hiệp hội dân sự. Trong đêm tối của dửng dưng, vô cảm, đó không phải chỉ là những hành động văn hóa, đó còn là những hành động đạo đức. Đó là những việc thiện. PV: Còn cái “đáng lo ngại”, là vô cảm, dửng dưng, là ác? Giáo sư Cao Huy Thuần: Cái “đáng lo ngại” mà ai cũng thấy hiện nay là cái ác đang diễn ra một cách thản nhiên, như thể đó không còn là cái ác nữa. Trước bất lực của xã hội, biết làm gì hơn là vô tư, hồn nhiên, trong trắng làm những hành động thiện? Thắp một cây diêm, thắp một ngọn nến. Để còn có người nhìn vào xã hội mà nói: không, xã hội này không phải chỉ là vô cảm, dửng dưng. PV: Giáo sư có một quan niệm rất rộng về thiện ác. Vậy theo ông, thế nào là thiện, thế nào là ác? Giáo sư Cao Huy Thuần: Tôi đố cô định nghĩa được thiện là gì, ác là gì, mà định nghĩa đó được mọi người chấp nhận. Tôi lấy một ví dụ thôi. Tôn giáo nào cũng nói không được giết người. Nhưng trên sự giống nhau đó, khác nhau còn sâu đậm hơn. Tại sao không được giết người? Tại sao giết người là ác? Huống hồ trên mỗi một chữ “giết” thôi đã khác nhau rồi. Phật giáo chẳng hạn, không nói “giết” mà nói “sát sanh”. Nghĩa là làm hại sự sống, bất cứ sự sống của sinh vật nào. Bởi vậy, tàn hại môi trường là đại sát sanh. Phật giáo cũng không nói đó là một răn cấm, một mệnh lệnh đến từ một đấng thiêng liêng nào mà nói: Anh không làm hại sự sống thì chính anh cảm thấy nhẹ nhàng, chính anh dần dần mở rộng lòng thương, chính anh tạo ra nhân lành, nghiệp tốt. Tôi san sẻ quan niệm đạo đức cho rằng nền tảng của đạo đức nằm ngay trong chính con người chứ không phải ở đâu bên ngoài, trên cao. Tôi trân trọng lời hứa không phải vì một nguyên tắc nào buộc tôi phải thế, mà vì tự tôi thấy như vậy là có ích, có lợi cho tôi và cho người khác, cho xã hội. Căn bản của đạo đức nằm nơi hậu quả của hành động: một hành động đem đến niềm vui cho tôi, cho người khác là một hành động thiện. Ai học triết thì biết đó là quan niệm của trường phái Bentham, nổi tiếng từ thế kỷ 19 đến nay. Tôi nghĩ các em sinh viên làm cái chòi văn hóa trong công viên không nghĩ gì đến thiện ác, tốt xấu. Các em làm là vì thấy có ích, có lợi, là vì việc làm đó đem đến hạnh phúc cho các em và hạnh phúc đó lan tỏa đến nhiều người khác. Chắc chắn đứng trong công viên, nhìn người ta đến đọc sách, các em thấy hạnh phúc trong lòng, hạnh phúc nơi mình và hạnh phúc nơi người. Tiêu chuẩn của thiện là vậy. Và tôi san sẻ quan niệm ấy là vì tôi nghĩ nếu ai ai cũng thắp lên với các em một cây diêm, một ngọn nến thôi, bóng tối cũng bớt đen đi và cái ác cũng mất đi thiên đường vô cảm của nó. Nếu “tự thiên tử chí ư thứ dân”, ai cũng biết nghĩ đến hậu quả nơi hành động của mình, biết vui vì ích lợi chung, biết se lòng khi việc làm của mình gây tác hại thì ấy là thiện. Tôi nghĩ nên bắt đầu với quan niệm đạo đức như vậy. PV: Thưa giáo sư, nếu chỉ nhìn vào những tin tức mà truyền thông đăng tải ngày này qua tháng khác thì dễ thấy cái ác rồi đổ lỗi cho cá nhân ác. Nhưng từ đâu mà con người bị tha hóa? Nhiều người cho rằng điều quan trọng trong giáo dục hiện nay là trang bị cho mỗi người bản lĩnh, nhận thức về cái ác, để gặp ác mà không thành ác. Để có được bản lĩnh này, chúng ta phải bắt đầu từ đâu? Giáo sư Cao Huy Thuần: Phải bắt đầu từ mình thôi, không có cách nào khác. Tự mình cứu mình. Thông thường nơi con trẻ học luân lý, đạo đức là nhà trường. Nhưng nhà trường bây giờ có lúc không làm được chức năng giáo dục căn bản ấy. Vậy chức năng đó nằm ở đâu nữa ngoài gia đình? Gia đình vẫn là, luôn luôn là trụ cột của giáo dục. Câu hỏi đặt ra là gia đình có dạy đạo đức cho con trẻ được không? Dạy gì? Dạy thế nào? Tôi quả quyết: được! Giáo dục tuyệt hảo nhất là giáo dục bằng chính bản thân mình, giáo dục bằng cách làm gương. Mình thế nào thì con mình thế ấy, không nhiều thì ít. Vậy mình phải thế nào? May mắn nhất cho văn hóa của ta, trong lĩnh vực đạo đức, là cả dân tộc cùng san sẻ một niềm tin căn bản: tin ở phúc đức. Trong tâm khảm của mỗi người Việt Nam, ai cũng nghe một tiếng nói nhỏ trong lòng: ăn ở thế nào cho có phúc đức. Không hẳn phúc đức cho mình: phúc đức cho con. Tại sao ai cũng tin có thể để lại phúc đức cho con? Tại vì, cũng may mắn nữa cho đạo đức dân tộc, nhiều người tin có kiếp sau. Niềm tin ấy cũng là tự do: tự do lựa chọn hành động, tự do lựa chọn thiện ác, lựa chọn số phận của mình. Hãy triệt để sử dụng tự do đó mà dạy mình và dạy con nếu không muốn con mình làm nô lệ cho cái ác. Ai cứu con mình nữa đâu ngoài chính mình! FPT APTECH mở ra cho các bạn đam mê học tin học, học công nghệ thông tin chuyên sâu về học lập trình cơ hội được đào tạo Công Nghệ Thông Tin trong môi trường tiêu chuẩn chất lượng quốc tế ISO 9001 Học CNTT - Học Aptech - Học tại FPT |
|
PV: Nhưng thưa giáo sư, nếu cá nhân có thể gây ảnh hưởng trên đạo đức xã hội thì xã hội cũng phải góp phần vào việc chặn đứng tha hóa cá nhân? Nếu cá nhân thắp diêm mà gió chướng trong xã hội cứ thổi tắt diêm thì đêm tối cứ mặc sức cười khà... Giáo sư Cao Huy Thuần: Từ đầu tôi đã nói rất khó định nghĩa thế nào là thiện, thế nào là ác. Thông thường, hai nguồn gốc để từ đó rút ra tiêu chuẩn định nghĩa là phong hóa - tập tục và tôn giáo. Nhưng phong hóa cũng thay đổi với thời đại và tôn giáo thì chỉ liên quan đến tín đồ của mình thôi. Có một nguồn gốc thứ ba, ràng buộc mọi người: ấy là luật pháp. Cứ hỏi một thanh niên ngày nay: làm thế nào phân biệt thiện và ác? Nếu cậu trả lời thế này thì xã hội còn may phước lắm: “thiện là điều gì được phép làm, ác là điều gì cấm làm”. “Được phép” và “cấm” là khái niệm về luật. Từ đó suy ra trong đầu cậu thanh niên “chính luật pháp quy định cái gì là thiện, cái gì là ác, và luật pháp là do xã hội đặt ra”. Nếu luật pháp làm được vai trò đó trong xã hội ta thì bóng tối của cô cũng chưa chắc đã dám cười khà. Có điều là luật cũng có luật tốt luật xấu, luật công bằng, luật bất công, và hơn nữa có cả một trường phái học thuyết xem luật tự nhiên cao hơn luật của nhà nước. Rồi cũng có điều là xã hội ta đã biết trọng luật chưa? Nếu có người “tri pháp” mà chẳng “úy pháp” chút nào thì bóng tối nó cười cho, làm sao dạy con trẻ? Cho nên tôi nhắc lại một lần nữa để cô thấy rằng chúng ta không rời thực tế đâu, chúng ta nói chuyện anh Bùi Văn Nam Sơn, nói chuyện ông già Phạm Toàn được giải thưởng sách hay, nói chuyện chiếc chiếu văn hóa trong công viên... Trong xã hội đó các nhân vật “hèn mọn” ấy có nói đâu, họ chỉ làm, làm được gì thì cứ làm, bỏ một hạt muối vào chum nước cô tưởng nước không mặn thêm sao? Không thực tế sao? Trong tinh thần lạc quan đó, tôi có mong ước này xin gửi đến các thầy cô tiểu học mà tôi quý trọng nhất trên đời này vì đó là hình ảnh của cha tôi ngày xưa. Tại sao chúng ta, nghĩa là chính các thầy cô, không cùng nhau viết một sách giáo khoa dạy đạo đức làm người cho con trẻ từ 6-12 tuổi? Hãy nhắm vào các tệ nạn trong xã hội hiện tại mà viết, viết sinh động, thiết thực, viết cho con trẻ học luân lý như học trò chơi, một thứ luân lý ứa ra từ trái tim, không phải là công thức, mệnh lệnh nhàm chán. Từ sách ấy, chúng ta hãy tự lấy trách nhiệm rút ra một bài giảng hằng ngày để nói chuyện năm, mười phút đầu buổi sáng với con em. Và hãy làm sao để sách ấy sẽ nằm trong mọi gia đình, để mọi phụ huynh đều có thể dạy con trẻ. Cho tôi cái hạnh phúc gửi đến bạn đọc một đồng xu này. Bất cứ nhà giáo dục nào cũng biết tuổi để dạy cho con trẻ những căn bản của luân lý, đạo đức là từ 6-12 tuổi. Trước tuổi ấy, ở mẫu giáo, trẻ con chỉ có thể lĩnh hội được vài phép tắc thông thường, chưa phải là luân lý vì chưa đủ ý thức để hiểu tại sao phải làm như vậy. Sau tuổi đó, khi trẻ đã lên trung học, thói quen đã thành thói quen, quá trễ để sửa chữa, để đặt nền móng đạo đức trong đầu. Vậy nhà trường dạy cho lớp tuổi từ 6-12 những giá trị căn bản gì? Hãy dạy trẻ làm người cho ra người. Tôi thử kể một vài giá trị căn bản. Trước hết là lễ phép. Từ nhỏ, tôi đã nghe lải nhải “tiên học lễ hậu học văn”. Nhưng cụ thể lễ phép là gì? Biểu lộ qua hành động thế nào, ngôn ngữ ra sao? Làm sao dạy trẻ hiểu rằng lễ phép là trọng người và trọng mình? Vì trọng mình cho nên lễ phép không phải là khúm núm, xun xoe, gãi đầu gãi tai, cúi cổ và cúi cả cái lưng. Thế nào là lễ phép bắt nguồn từ trái tim và lễ phép bắt nguồn từ những công thức, lề thói xơ cứng? Nhường bước cho người già bắt nguồn từ đâu? Sau đó tôn trọng kỷ luật của đời sống tập thể. Vì sao? Vì ích lợi cho mình và cho tập thể. Đến trường đúng giờ. Sắp hàng vào lớp. Học thuộc bài. Tập trung chú ý. Im lặng. Im lặng cả khi kéo một chiếc ghế, lúc nhỏ tôi học như vậy, bây giờ mới biết ở các thiền viện đó là cách thức nhấc một chiếc ghế lên. Mục đích là gì? Là tạo thành thói quen tốt để khi lớn lên thói quen ấy thành nếp, làm một cách tự nhiên. Tôi nghĩ 6 tuổi đã có thể hiểu được để dạy thế nào là danh dự, thế nào là phẩm giá, ngay cả trong trò chơi... |
Cẩm Phan thực hiện (theo Báo Tuổi Trẻ) Tin liên quan: |