CNTT, với khả năng tạo ra sức mạnh đột phá trong quản lý và nâng cao năng suất lao động được coi là giải pháp khả thi và hiệu quả nhất góp phần thực hiện thành công ba đột phá chiến lược mà Đại hội Đảng XI đã xác định. Chính vì vậy CNTT là con đường mà các bạn trẻ nên chọn lựa để góp sức mình vào sứ mệnh "Hưng Vượng Quốc Gia, Cường Thịnh Dân Tộc"...
1. Đột phá chiến lược về thể chế
Ứng dụng CNTT để đổi mới phương thức hoạt động của các cơ quan chính quyền từ trung ương đến địa phương, làm việc có hiệu lực, hiệu quả và minh bạch hơn; cung cấp thông tin và dịch vụ công tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp và các tổ chức; tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân thực hiện quyền dân chủ và tham gia quản lý Nhà nước; chỉ huy, kiểm soát thông minh phục vụ quốc phòng, an ninh.
Xây dựng và thực hiện các dịch vụ hành chính công điện tử, các giao dịch một cổng điện tử phục vụ người dân và doanh nghiệp; quản lý nợ công và quản lý đầu tư công; xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia làm cơ sở cho việc quản lý dân cư, đất đai, tài nguyên, môi trường, phòng chống thiên tai, nước và các hạ tầng khác.
Hiện đại hóa quốc phòng, an ninh: Xây dựng nhanh chóng các hệ thống tự động hóa chỉ huy kiểm soát, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng CNTT bảo đảm quốc phòng, an ninh để kịp thời và chủ động ứng phó với tình hình chiến tranh công nghệ cao, chiến tranh thông tin; tiếp tục hoàn thiện và đổi mới cơ sở hạ tầng CNTT của quân đội và công an trên cả ba khía cạnh: tổ chức, công nghệ và con người.
Đối phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và thảm họa thiên nhiên, giúp nâng cao khả năng dự báo, kiểm soát, khả năng giải quyết, khắc phục hậu quả sau thảm họa thiên nhiên; hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu hộ; kết nối, chia sẻ sự ủng hộ giúp đỡ của cộng đồng.
Xây dựng hệ thống điện tử quốc gia về công dân và quản lý công dân: Tin học hóa cơ sở dữ liệu quốc gia về công dân: sinh, tử, cư trú, y tế, bảo hiểm, giáo dục, bằng cấp, nghề nghiệp, tư pháp, bằng lái xe, chứng minh thư, hộ chiếu, sở hữu tài sản, hưu trí, bảo trợ xã hội, bầu cử, ngân hàng, các thanh toán dịch vụ điện tử, thuế,…
Hệ thống giải pháp thông minh và cơ chế hỗ trợ quốc gia cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như thương mại điện tử, hệ thống quản trị doanh nghiệp điện tử gồm: Quản trị nguồn lực doanh nghiệp ERP, Quản lý quan hệ khách hàng CRM, Nghiệp vụ kinh doanh thông minh sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận và phát triển thị trường, quy mô doanh nghiệp. CNTT là hạ tầng xây dựng hệ thống thanh toán điện tử quốc gia.
2. Đột phá chiến lược về nguồn nhân lực
Ứng dụng CNTT để đổi mới phương thức dạy và học, chuyển cách thức dạy và học thụ động truyền thống sang dạy và học tích cực, cho phép tạo sự tương tác đa chiều, chặt chẽ giữa người dạy, người học và nội dung kiến thức bài giảng, giúp phát huy tối đa sự sáng tạo, chủ động của giáo viên và người học; biến quá trình đào tạo truyền thụ khuôn mẫu thành quá trình tự đào tạo chủ động và thông minh, học tập suốt đời, học tập mọi lúc mọi nơi, tận dụng kho tri thức của nhân loại nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam; thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa đô thị và nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Đào tạo trực tuyến, sách giáo khoa điện tử là những mô hình phổ cập giáo dục tiên tiến đem lại hiệu quả cao trong phổ cập giáo dục và nâng cao dân trí; nhất là cơ hội học tập có chất lượng cho trẻ em nông thôn, vùng sâu, vùng xa; tiết kiệm chi phí xã hội cho việc in ấn, lưu hành, sử dụng sách giáo khoa giấy và bảo vệ môi trường.
Ứng dụng CNTT đổi mới quản lý giáo dục, đổi mới trong thi cử và đánh giá chất lượng giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tin học hóa công tác giảng dạy, học tập, quản lý tại các trường phổ thông; trang bị hệ thống CNTT phục vụ giảng dạy, nghiên cứu cho các trường đại học, cao đẳng; hỗ trợ trang bị máy tính nối mạng kết hợp với xây dựng kho tri thức ứng dụng cho thanh thiếu niên, nhà trường và cộng đồng để tạo nền tảng hạ tầng sẵn sàng cho phát triển xã hội thông tin, kinh tế tri thức.
Phát triển đội ngũ nhân lực CNTT chất lượng cao đạt một triệu kỹ sư vào năm 2020; nâng cao trình độ CNTT cho nguồn nhân lực trong tất cả các ngành các lĩnh vực là giải pháp then chốt cho việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin để hiện đại hóa toàn diện đất nước và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
3. Đột phá chiến lược về hạ tầng
Hệ thống giao thông thông minh (ITS) ứng dụng CNTT để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, bao gồm quản lý, giám sát, phân tích dữ liệu và kiểm soát các hoạt động giao thông. Hệ thống theo dõi, giám sát trực tuyến và các biện pháp chế tài điện tử có thể giúp giảm trung bình 20% số vụ ách tắc giao thông; 50% số trường hợp chậm trễ giao thông nội thành; 40% mức độ bức xạ khí hiệu ứng nhà kính; 14-18% khí thải; hệ thống Thẻ giao thông thông minh có thể giúp giảm 2% chi phí hệ thống xử lý, giảm giảm 80% tổn thất doanh thu và tăng 100% năng lực xử lý thu phí giao thông; hệ thống thu phí giao thông không dừng giảm đến 70% ách tắc tại cửa ngõ.
Mạng lưới điện thông minh (Smart-Grid) tự động hóa, giám sát và điều khiển toàn bộ hoạt động của dòng năng lượng hai chiều từ nhà máy điện ra tới ổ cắm; cho phép tối ưu hóa hiệu năng điện lưới, giảm tổn thất lưới điện, phòng ngừa mất điện, khắc phục sự cố điện nhanh chóng. Người tiêu dùng quản lý được hoạt động sử dụng điện năng tại từng thiết bị gia dụng tham gia mạng lưới theo thời gian thực, tiết kiệm điện, phản hồi với nhà cung cấp, giảm 15% sự cao điểm trên mạng lưới và 10% hoá đơn điện.
Thủy lợi thông minh ứng dụng CNTT hiện đại hóa hạ tầng thủy lợi, nâng cao năng lực, hiệu quả hệ thống quan trắc và quản lý nguồn tài nguyên nước, giám sát, điều hành hệ thống thủy lợi chủ động; khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước; bảo vệ môi trường; đảm bảo chất lượng nước,…
Y tế thông minh ứng dụng CNTT xây dựng kho dữ liệu hồ sơ y tế công dân; tạo lập công cụ trực tuyến giúp bác sĩ số hóa dữ liệu, quản lý thông tin bệnh án - bệnh nhân, kê đơn thuốc, kết nối thông tin với đồng nghiệp - bệnh nhân - nhà thuốc dễ dàng, hiệu quả. Người bệnh dù ở nông thôn, vùng sâu, vùng xã cũng có thể thiết lập và quản lý hồ sơ y tế điện tử của cá nhân và người thân trên internet; đăng ký lịch khám bệnh; chia sẻ thông tin trong hồ sơ y tế để bác sĩ theo dõi, tư vấn, giúp người bệnh giảm bớt áp lực đi khám chữa bệnh tại bệnh viện, tiết kiệm chi phí, hạn chế quá tải bệnh viện; đặc biệt là tạo khả năng chủ động tự theo dõi thường xuyên tình trạng sức khỏe cá nhân, phát hiện bệnh sớm và chữa trị kịp thời. Đầu tư xây dựng hệ thống "Bác sĩ điện tử" tại các trạm y tế xã phường; hệ thống chẩn đoán bệnh từ xa; hệ thống y tế điện tử quốc gia.
CNTT đã trở thành nền tảng để xây dựng nên những thành phố kết nối, với hệ thống kết cấu hạ tầng thông minh, các tòa nhà thông minh, mọi quy trình sẽ được điều khiển từ xa hoặc tự động hóa hạn chế tối đa sự can thiệp của con người: như y tế, giáo dục, dịch vụ công, thương mại điện tử, an ninh, an toàn,… Các thành phố thông minh là nòng cốt để tiến tới xây dựng quốc gia thông minh.
Think Tank
(theo Đài Truyền hình Việt Nam)
Tin liên quan:
|