Thời gian gần đây, tinh thần khởi nghiệp như dòng chảy cuồn cuộn trong một lớp doanh nghiệp (DN) trẻ. Nỗi bật là sự kiện "Đưa thung lũng công nghệ cao Silicon tới Việt Nam", lễ hội khởi nghiệp đầu tiên ở Việt Nam diễn ra tại TPHCM với sự tham dự của hàng ngàn bạn trẻ.
Sự kiện “Đưa thung lũng công nghệ cao Silicon tới Việt Nam” được đông đảo bạn trẻ quan tâm |
|
Vài hôm sau đó, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM phát động cuộc thi khởi nghiệp IoT Startup 2016. Rầm rộ không kém là hội thảo "Khởi động sáng kiến khởi nghiệp quốc gia" diễn ra ở Hà Nội…
“Sân chơi” ngày một lớn
Cuộc thi khởi nghiệp IoT Startup 2016 do Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM tổ chức với chủ đề "Phát triển đô thị thông minh và nâng cao chất lượng cuộc sống" không nằm ngoài mục tiêu ươm tạo và hình thành các DN khởi nghiệp trong lĩnh vực IoT (Internet of Things). Ở cuộc thi lần này, các nhóm tham gia sẽ không bị giới hạn về số lượng ý tưởng, đảm bảo dự án có tiềm năng thương mại cao, không vi phạm các luật định về sở hữu trí tuệ…
Ban tổ chức cuộc thi đã khuyến nghị đến một số lĩnh vực cụ thể, thiết thực như an toàn giao thông, điều khiển tín hiệu giao thông, nạp năng lượng cho thiết bị giao thông; cảnh báo và thiết bị lọc không khí, nước ô nhiễm; kiểm soát độ ẩm, không khí… Cuộc thi có tổng giải thưởng bằng tiền mặt 100 triệu đồng và quan trọng hơn, Vườn ươm DN công nghệ cao sẽ chọn ra 3 đến 5 dự án được đánh giá tốt nhất để ưu tiên xét chọn vào chương trình ươm tạo, tiếp tục hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm sau khi kết thúc cuộc thi.
Trong tháng 3, tại "Triển lãm và thảo luận về đổi mới sáng tạo" được tổ chức ở TPHCM, đại diện Quỹ 500 Startups tại Việt Nam đã công bố kế hoạch đầu tư 10 triệu USD cho cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam. Quỹ này có kế hoạch đầu tư cho khoảng 100 - 150 dự án khởi nghiệp hướng đến việc đáp ứng các nhu cầu của thị trường trong nước hoặc nước ngoài. Trước đó, Quỹ 500 Startups cũng đã đầu tư vào một số công ty công nghệ cao của Việt Nam…
Nhìn chung, các đầu tư đều hướng đến các DN khởi nghiệp có ứng dụng thiết thực, hướng đến nhiều người dùng. Nguồn đầu tư mới thường được sử dụng để đẩy mạnh sự phát triển của ứng dụng hay xây dựng các dịch vụ và mở rộng hệ sinh thái, cho thấy "sân chơi" này càng rộng lớn hơn.
Chờ đợi sự gắn kết
Microsoft, một tập đoàn công nghệ đã vào Việt Nam khá lâu nên không thể không nhận ra dòng chảy khởi nghiệp đang cuồn cuộn và tập đoàn này cũng tham gia vào dòng chảy ấy, nhưng bằng cách khác. Vào ngày 8-4 vừa rồi, Microsoft Việt Nam và Hội Điều phối mạng lưới khởi nghiệp thành phố Đà Nẵng đã ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm hỗ trợ gia tăng năng lực cho các DN khởi nghiệp.
Theo đó, Microsoft Việt Nam sẽ cung cấp cho các DN khởi nghiệp cơ hội sử dụng miễn phí công nghệ Microsoft, các gói Bizspark và Bizspark Plus, với tổng trị giá lên tới 147.000USD trong vòng 3 năm. Microsoft cũng làm việc với các DN khởi nghiệp để phát triển kế hoạch tiếp cận thị trường cho các giải pháp đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.
Từ đầu năm đến nay đã có nhiều khoản đầu tư vào các DN, như CyberAgent Ventures - quỹ đầu tư mạo hiểm của Nhật Bản đã quyết định đầu tư vào trang mạng chuyên cung cấp dịch vụ người giúp việc là Jupviec.vn. Đây là trang dành cho những người giúp việc và cũng tối thiểu hóa chi phí tìm người giúp việc, tạo thêm việc làm.
Hay Công ty cổ phần Dịch vụ di động trực tuyến (viết tắt M_Service), đơn vị sở hữu Ví điện tử MoMo, đã chính thức công bố khoản đầu tư trị giá 28 triệu USD từ quỹ đầu tư Standard Chartered Private Equity và Ngân hàng Đầu tư toàn cầu Goldman Sachs. MoMo là một ứng dụng thanh toán qua di động, hoạt động dưới dạng ví điện tử của M_Service.
Ứng dụng MoMo trên di động cho phép chuyển nhận tiền qua số điện thoại di động. Đồng thời, MoMo còn hỗ trợ nhắc và thanh toán hóa đơn điện, nước, internet, nạp tiền điện thoại, mua vé máy bay, vé xem phim... |
Trước đó, hội thảo "Khởi động sáng kiến khởi nghiệp quốc gia" diễn ra tại Hà Nội là sự kiện quy mô nhất liên quan đến tinh thần khởi nghiệp vì có sự tham dự của đại diện Chính phủ, Bộ KH-CN, Bộ GD-ĐT, Hiệp hội Phần mềm Việt Nam và đại diện cho các thành tố quan trọng khác trong hệ sinh thái khởi nghiệp như quỹ đầu tư, DN, các hiệp hội, trường học…
Trong khuôn khổ chương trình, FPT và Quỹ Đầu tư dài hạn Dragon Capital Group đã ký thỏa thuận hợp tác về việc thành lập Quỹ Tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (gọi tắt là VIISA). VIISA sẽ là một quỹ mở, có sự tham gia của nhiều DN lớn, trong đó FPT và Dragon Capital Group là 2 nhà sáng lập đầu tiên; mục đích là đào tạo, đầu tư, hỗ trợ các nhóm khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mobile, internet, tài chính, để trở thành các DN thành công.
Được biết, việc thành lập VIISA nhằm hưởng ứng chương trình quốc gia Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam do Bộ KH-CN khởi động. VIISA sẽ tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp mới để góp phần thực hiện mục tiêu Bộ KH-CN đặt ra đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 5.000 công ty công nghệ.
Đáng nói, tại hội thảo này, các nhà sáng lập của VIISA khẳng định sẽ nỗ lực đưa VIISA thành trung tâm tâm kết nối các startup Việt Nam với các DN, nhà đầu tư trên thế giới.
Với những gì đang diễn ra, có thể thấy một trào lưu DN khởi nghiệp đang bắt đầu. DN khởi nghiệp bắt đầu trên nền công nghệ và sẵn sàng tham gia vào hội nhập, nắm bắt cơ hội từ các quỹ đầu tư…
Điều này cũng đặt các cơ quan quản lý nhà nước vào một vai trò mới, gắn kết và hỗ trợ định hướng cho DN khởi nghiệp trong thời gian tới. "Đưa thung lũng công nghệ cao Silicon tới Việt Nam", lễ hội khởi nghiệp đầu tiên tại Việt Nam.
Bá Tân
(theo SGGP)
Tin liên quan:
|