(Post 17/06/2006) Một du học sinh mỗi tháng
tốn hơn 1.000 USD tiền rượu, một nàng bỏ 40 triệu đồng cho buổi tiệc sinh
nhật, một nữ sinh khác bán vài hecta đất thừa kế, lên đường du học… Lớp
"Công tử Bạc Liêu số" đã ra đời?
Tiền là giấy (?!)
Ngạn ngữ phương Tây có câu rất hay “Kiếm ra tiền đã là
khó. Nhưng biết cách tiêu tiền còn khó gấp bội”. Đối với nhiều bạn trẻ
hiện nay – cả những người đã làm ra tiền và người đang sống bằng “ngân
sách gia đình” thì vế sau của câu ngạn ngữ này luôn luôn là... phi lý.
Sang Singapore, tôi được dịp diện kiến với Quốc Hậu,
SV một trường ĐH tư tại nơi này. Gọi là diện kiến bởi thời khóa biểu trong
ngày của Hậu chật cứng vì bận... ngủ. Thời gian không ngủ thì được anh
dành cho việc đi bar nốc rượu Tây liên tục.
Quốc Hậu là con út của một gia đình kinh doanh vàng bạc
đá quý lớn tại Bình Chánh. Ngày còn ở Việt Nam, Hậu đã được mệnh danh
là “công tử Bạc Liêu” vì khả năng xài tiền giúp bố mẹ. Năm 2000, trong
trận bóng đá chung kết Euro do sĩ diện với bạn gái, Hậu đã cầm chiếc Camry
mới cứng của bố để lấy hơn 10.000 USD nướng vào đội tuyển Ý.
Kết quả, sáng hôm sau bố Hậu mang tiền ra tiệm cầm đồ
để tha chiếc xe yêu của mình về. Chịu hết siết với quý tử, gia đình đành
“ngậm ngùi” tiễn Hậu sang Singapore du học. Sang bên này, lạ nước lạ cái
một thời gian, thì Hậu bắt đầu phát hiện ra mình có khả năng uống rượu
Tây chẳng kém... Kiều Phong của Kim Dung.
Tiền của gia đình gửi qua, trừ tiền nhà và tiền ăn thì
còn lại đều biến thành Napoleon X.O, Hennessy... Một du học sinh Việt
ở cùng nhà Hậu tính nhẩm với tôi số tiền mà Hậu uống rượu trong 1 tuần
bằng tiền ăn, ở, đi lại của du học sinh này trong vòng một tháng.
Trong một lần xem TV chương trình Tin Thế Giới, màn hình
chiếu cảnh đổ nát của một nhà hàng. Anh cảnh sát đang cầm cái chai bị
cháy đen thui không nhận ra hình dạng, thì Hậu thản nhiên nói “Sao chai
Napoleon cháy cong queo vậy”.
Quả nhiên ít phút sau, phát ngôn viên thông báo đây là
vụ cháy của một nhà hàng là đại lý của hãng rượu Napoleon. Nghe đâu hiện
nay, Hậu chuẩn bị được gia đình cho đi học tiếp tại Úc để... cai rượu.
Nhưng đừng tưởng dân du học sinh mới xài sang, mà nhiều
sinh viên “nội địa” tại Sài Gòn cũng tỏ ra chẳng kém cạnh. Thuỳ Dung,
sinh viên trường ĐHDL Văn Lang là một điển hình.
Khi vài hecta đất của gia đình tại Phan Thiết bén duyên
được với con tôm, thu lãi mỗi năm hàng tỷ đồng, Dung là người con đầu
tiên của gia đình xa nhà đi học. Lúc này, bạn bè trong lớp mới biết được
khả năng xài tiền của cô sinh viên gốc miền Trung.
Không kể đến điện thoại O2 giá hơn 12 triệu, hoặc chiếc
Spacy trên 5.000 đô, rồi trang sức... Chỉ riêng việc Dung một hai bắt
mẹ phải tậu cho mình nhà riêng ở Sài Gòn, để tiện việc mở party chiêu
đãi bạn bè đã đủ cho mọi người khiếp vía.
Sinh nhật năm 19 tuổi, Thuỳ Dung tổ chức rất hoành tráng
theo kiểu cái gì cũng 19: bia 19 thùng, rượu tây 19 chai, bánh sinh nhật
19 cái... Chỉ có khách mời sơ sơ độ gần bằng một cái đám cưới nội bộ.
Chưa tính tiền đặt bàn ở nhà hàng Dung đã nướng hơn 40 triệu đồng.
SV may mắn được sinh trưởng trong gia đình có kinh tế
mạnh thì tiêu xài hoang phí là chuyện dễ hiểu. Nhưng có những SV mà gia
đình không có khả năng đáp ứng nhu cầu... vẫn tìm đủ mọi cách tung hoành
ngang dọc.
Trong đợt thực tập vừa qua- Đình Huy, SV khoa Du lịch,
trường ĐH Văn hoá được nhận về thực tập tại chi nhánh một hãng du lịch
lớn ở Sài Gòn. Để làm lễ ra mắt cả phòng, anh chàng đã cho chiếc điện
thoại và dàn máy vi tính của mình “ra đi”.
Thỉnh thoảng mấy anh lớn trong phòng đi bia bọt, Huy
cũng tỏ vẻ sành điệu một hai giành suất đầu tiên cho việc trả tiền. Tiền
không có nhiều, bạn bè chẳng đứa nào không nhờ Huy “giữ hộ” vài trăm nghìn
đến vài triệu. Cùng đường, Huy bèn tiễn chiếc xe mà gia đình phải vay
mượn mới đủ khả năng mua cho vào tiệm cầm đồ.
Có tiền, anh chàng này lại vui vẻ cùng mấy anh, mấy chị
trong công ty. Hết đợt thực tập, nhẩm tính cho số tiền mà Huy gọi là “chi
phí quen biết” là hơn 12 triệu đồng. Bằng cả một mùa càphê của gia đình
ở quê. Vậy mà, điểm thực tập của Huy chẳng khả quan là mấy. Lý do, người
ta chỉ chấm điểm dựa trên năng lực làm việc chứ đâu có cho điểm ở quán
nhậu.
Có những cách tiêu tiền khác
Khi vừa tốt nghiệp THPT, Bích Thuỷ quê ở Cà Mau, được
bố mẹ cho vài hecta đất mặt nước để nuôi trồng thuỷ sản. Mấy anh chị trong
nhà đều đã lập gia đình. Có người còn trở nên rất giàu có nhờ con tôm
nước lợ. Ai cũng khuyên Thuỷ nên đầu tư vào nuôi tôm, thiếu tiền thì họ
sẽ giúp.
Thế nhưng, trái ngược với dự tính của mọi người. Thuỷ
nhờ anh mình tìm người có nhu cầu mua đất để sang tay vài hecta đất được
thừa hưởng từ bố mẹ. Có tiền trong tay, Thuỷ gửi tất cả vào ngân hàng.
Sau đó, cô lên Sài Gòn học thêm tiếng Anh một thời gian. Thấy khả năng
ngoại ngữ của mình đã tương đối, Thuỷ bèn xúc tiến việc làm hồ sơ đi du
học dạng tự túc.
Bằng số tiền ngày trước bán đất có được, Thuỷ chọn cho
mình Singapore làm nơi đến. Tính tới thời điểm hiện nay, Thuỷ đã chuẩn
bị tốt nghiệp chuyên ngành Ngân hàng tại ĐH SIM.
Không nhận được vài hecta đất từ cha mẹ như Thuỷ. Nhưng
Vũ An, SV trường ĐH Mở-Bán công cũng có cách chi tiêu đặc biệt. May mắn
học được nghề ảo thuật, năm đầu tiên sống ở Sài Gòn, An đã tự marketing
mình với nhiều tụ điểm ca nhạc giải trí, quán bar... để xin diễn miễn
phí.
Khi bắt đầu tạo được chút tên tuổi An mới đòi catsê.
Từ số tiền catsê ít ỏi ban đầu, An dành dụm để đóng tiền học một khoá
thư pháp tại NVH Thanh Niên.
Vậy là, ngoài ảo thuật An còn biết phóng bút trên giấy
lụa. Nghe ở đâu chuẩn bị có triển lãm hay hội chợ, An liền tìm cách xin
một gian hàng nhỏ để viết thư pháp kiêm làm ảo thuật. Nhờ vốn liếng ảo
thuật của mình, gian hàng của An bao giờ cũng đông khách đến mua thư pháp.
Mỗi đợt như vậy, An thu về không dưới chục triệu đồng.
Có được tiền thay vì bù khú cùng bạn bè, An lại để dành
mua sắm cho mình và gửi về quê từng chút một. Đến bây giờ thì anh có đủ
cả xe máy, điện thoại di động, máy vi tính, đồ nghề ảo thuật loại hiện
đại... Và tất cả đều mua bằng số tiền mà An tự kiếm được.
Khẩu hiệu được giới trẻ yêu thích là “Làm hết sức, chơi
hết mình”. Tuy nhiên, chơi hết mình không mang nghĩa bao hàm cả việc chi
tiêu vô tội vạ. Có người cả hai tay không kiếm nổi một xu mà lại tiêu
tiền triệu.
Có người chỉ cần tay trái là đã kiếm được tiền triệu
nhưng chỉ tiêu tiền xu, để đầu tư cho tương lai. Đương nhiên, tiền không
phải là thước đo cho tất cả các hạng mục của cuộc sống.
Thế nhưng, có được tiền và biết được cách chi tiêu hợp
lý là điều hết sức cần thiết. Khi dung hoà được giữa hai việc: có tiền
và biết tiêu tiền, bạn có quyền tự hào vì chí ít mình cũng đã là người
thông minh.
(Theo Sinh Viên Việt Nam) |