(Post 12/07/2006) Trở thành người giàu nhất
Trung Quốc nhờ kinh doanh game online, nhưng sau khi Chính phủ có các
quy định nhằm "làm nguội" tốc độ phát triển của ngành công nghiệp
trò chơi điện tử, Trần Thiên Kiều đã nhanh chóng chuyển hướng kinh doanh
với ước mơ Công ty Shanda của mình sẽ tăng trưởng năm lần.
Dốc tiền túi mua bản quyền để... cho không
Năm năm trước, giữa lúc thế giới chứng kiến sự sụp đổ
của các công ty dot.com (công ty kinh doanh trên Internet), Trần Thiên
Kiều dùng số tiền 300.000 Đôla Mỹ cuối cùng trong quỹ đầu tư mạo hiểm
trị giá 3 triệu Đôla của mình để mua bản quyền sử dụng trò chơi trực tuyến
(game online) Legend of Mir II từ một công ty Hàn Quốc. Lúc ấy bạn bè
bảo Trần là người điên vì ở Trung Quốc một phần mềm tung ra hôm trước
thì hôm sau bản sao chép lậu đã được bán đầy trên phố.
Thế nhưng giờ đây, Shanda, công ty trò chơi điện tử của
Trần, đã trở thành công ty dẫn đầu trong lĩnh vực này ở Trung Quốc. Năm
ngoái, Shanda niêm yết trên thị trường chứng khoán và đến nay đã huy động
được số vốn lên đến 1,9 tỷ Đôla Mỹ, một kỷ lục trong lĩnh vực Internet
ở Trung Quốc.
Khi cả Trung Quốc, đặc biệt là giới trẻ, lên cơn sốt
game online, có những lúc Shanda được 2,5 triệu "game thủ” truy cập
cùng một lúc.
Doanh số của Shanda tăng gấp đôi qua từng năm, trong
năm nay đã lên đến 65,2 triệu Đôla Mỹ chỉ tính đến quý 2, tăng 88% so
với năm trước. Cùng thời gian này, thu nhập sau thuế của Shanda tăng 58%,
ở mức 26,9 triệu Đôla Mỹ. Cổ phiếu của Shanda trên thị trường chứng khoán
Nasdaq đã tăng gấp ba giá trị kể từ lần giao dịch đầu tiên.
Để có được điều kỳ diệu này, Trần Thiên Kiều, hiện là
một trong những người giàu nhất Trung Quốc, đã làm một chuyện "ngược
đời" về sở hữu bản quyền phần mềm. Thay vì bán bản quyền trò chơi,
anh cho không. Bù lại người chơi phải trả tiền cho số giờ truy cập vào
các máy chủ (server) của Shanda để chơi các trò chơi này. Chỉ phải trả
3 xu Mỹ một giờ, người chơi có thể đóng vai các nhân vật để tranh tài
trực tiếp với nhau. Với 14.000 máy chủ, Shanda cho phép 5,9 triệu người
chơi truy cập cùng một lúc.
Trước "cuộc chiến" chống games online
Nhưng thế giới trò chơi điện tử cũng có những mặt trái
của nó. Thế giới ảo đó, với rất nhiều bạo lực, đủ sức làm người chơi quên
cả thế giới thật của mình. Chính quyền và các bậc phụ huynh ở Trung Quốc
đã phải lên tiếng. Báo chí địa phương nhanh chóng gắn game online với
các hành động quá khích hoặc bạo lực. Một cậu bé 13 tuổi nhảy từ tầng
lầu thứ 24 xuống đất để lại một mảnh giấy nói rằng mình muốn nhập bọn
với ba người bạn ảo. Một "game thủ” vị thành niên khác chỉ có thể
đi theo đường "zig zag" vì quá quen với cách tránh làn đạn trong
các trò chơi.
Có lẽ nghiêm trọng nhất cho đến nay ở Trung Quốc là trường
hợp án mạng gây ra do một người chơi game 40 tuổi. Một “game thủ” khác
mượn thanh kiếm ảo của người đàn ông này và bán với giá tương đương 870
Đôla Mỹ. Lần theo dấu thủ phạm, hung thủ đã đâm chết nạn nhân trước mặt
bạn gái của anh ta.
Chính phủ Trung Quốc đã ban hành các quy định giới hạn
số giờ được phép chơi của người chơi game bằng cách đưa ra khái niệm về
"mệt mỏi" (concept of fatigue): sau vài giờ chơi liên tục người
chơi sẽ tự động bị trừ điểm.
Tháng 8 vừa qua, một quy định mới bắt buộc giảm bớt "sức
mạnh" của các nhân vật trong các trò chơi nếu người chơi vượt quá
ba giờ và tước gần hết "sức mạnh" đó sau năm giờ. Bảy công ty
trò chơi điện tử lớn nhất Trung Quốc tuyên bố tuân thủ các quy định này.
Ngoài ra, còn có đề nghị cấm trẻ em dưới 18 tuổi chơi các game có màn
tiêu diệt địch thủ, giới hạn việc mua bán vũ khí ảo và áp dụng hệ thống
đánh giá mức độ bạo lực của trò chơi tương tự như cách làm đối với phim
ảnh ở Mỹ.
Các quy định trên chắc sẽ làm nguội bớt tốc độ tăng trưởng
trong ngành công nghiệp trò chơi điện tử của Trung Quốc, và Shanda nhanh
chóng chuyển hướng kinh doanh. Năm ngoái, Shanda thu được 150 triệu Đôla
Mỹ từ tiền bán cổ phiếu và 275 triệu Đôla khác từ tiền bán trái phiếu
chuyển đổi. Nhờ vậy, Trần Thiên Kiều đã mua thêm một số công ty mới, vài
công ty trong số đó nằm ngoài lĩnh vực trò chơi điện tử.
Sau khi mua Digital-Red, một nhà cung cấp game cho người
sử dụng điện thoại di động, và Qidian, một trang web văn học, Trần đã
bỏ ra số tiền tương đương 230 triệu Đôla Mỹ để sở hữu 19,5% cổ phiếu của
Sina.com, cổng Internet và website tin tức hàng dầu Trung Quốc. Shanda
cũng liên kết với một trong những search engine (công cụ tìm kiếm thông
tin trên Internet) hàng đầu Trung Quốc và Universal Music để cung cấp
dịch vụ âm nhạc số.
Nhưng canh bạc lớn nhất của Trần Thiên Kiều và Công ty
Shanda là dự án đầu tư vào hộp giải mã (set-top box) để bằng con đường
Internet mang sản phẩm của mình đến người xem qua 370 triệu máy truyền
hình khắp Trung Quốc.
Tương tự như một nhân vật trong trò chơi của Shanda,
Trần muốn đi trước các đối thủ đang theo dõi từng cử động của mình. "Hiện
giá trị của chúng tôi ở mức gần 2 tỷ Đôla Mỹ, còn hãng Disney của Mỹ khoảng
từ 40-50 tỷ Đôla. Nếu chúng tôi có thể tăng trưởng năm lần thì... Đó không
phải là mục tiêu. Đó là một giấc mơ. Giấc mơ của tôi", Trần Thiên
Kiều nói.
(Theo Thời báo Kinh tế SG) |