(Post 01/07/2006) Buổi phỏng vấn của khách hàng nước ngoài cho một dự án với Hải (quản trị dự án Công ty Global CyberSoft) diễn ra khá căng thẳng về kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tế trong công việc. Cuối buổi, người phỏng vấn hỏi tỉnh bơ: “Từ TP.HCM tới Vũng Tàu có bao nhiêu cây xăng?”. Hải ngớ người... Các SV Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đang xử lý tình huống cụ thể trong một buổi tư vấn hướng nghiệp cho SV của Công ty AQL | |
Thoải mái lựa món ăn nhé! “Chẳng ai tỉ mẩn đến độ đếm xem có bao nhiêu cây xăng trên cả đoạn đường dài mình từng đi cả” - Hải cực kỳ ngạc nhiên lẫn... khó hiểu trước câu hỏi. Chưa hết, có lần Hải còn bị đối tác nước ngoài hỏi một câu xem ra bí ẩn hơn: “Có hai phòng tách biệt, phòng A có ba bóng đèn, phòng B có ba công tắc, từng bóng đèn tương ứng với từng công tắc. Phân biệt bóng đèn nào ứng với công tắc nào ở hai phòng trên với điều kiện chỉ được qua phòng A một lần?”. Lần ấy ở câu hỏi “cây xăng” Hải bảo: khoảng cách từ TP.HCM tới Vũng Tàu là 120km, thông thường khoảng 5km người ta đặt một cây xăng, vậy có khoảng 24 cây xăng. Còn ở câu hỏi bóng đèn, Hải bắt đầu... “cà kê”: bóng đèn có hai trạng thái bật và tắt, nên vấn đề là ở chỗ có ba bóng đèn. Vậy tại sao không sinh ra trạng thái thứ ba cho bóng đèn? Người ta đâu cấm. Chế ra công cụ tạo một trạng thái khác cho bóng đèn: chớp chẳng hạn... Kết quả thật bất ngờ, không chỉ hài lòng khách hàng về thực tế, chuyên môn, Hải “vượt ải” vì ấn tượng để lại qua cách phân tích kiểu... suy luận (chưa bàn tới đúng hay sai) như vậy. Có lẽ ít bạn nào nghĩ trong tình huống ấy mình lại đang được ngầm “theo dõi”. Ứng viên được mời cơm trưa vui vẻ sau một buổi sáng phỏng vấn tập thể tìm vị trí trưởng phòng marketing với năm người (lúc này nhà tuyển dụng đã có lựa chọn ngầm người sáng giá nhất). Ứng viên được thoải mái lựa món ăn, và người chọn món ăn có giá đắt nhất đã... rớt với lý do: chúng tôi không tiếc tiền, mà chú ý đến thái độ lựa chọn của ứng viên trong bữa ăn đấy, người nào thật sự có ý thức vun vén cho công ty. Anh Trương Minh Hạnh, hiện là trưởng phòng đào tạo và phát triển Công ty Bristol - Myers Squibb, nhớ mãi câu hỏi của hai người Thụy Sĩ ở một công ty nước ngoài: “Nói về cha của mình? Đức tính nào ấn tượng về cha?”. “Tôi ấn tượng thái độ làm việc kỷ luật, chăm chỉ và đúng giờ của cha” - Hạnh trả lời. Mãi sau anh mới biết đấy là một cách để người ta kiểm tra gián tiếp tính cách mình. Những câu đố, tình huống giả định mang tính lắt léo thật ra không thiếu ở các cuốn đố mẹo... trong nhà sách. Cũng cần cảnh giác chuyện lạm dụng. Chẳng hạn: tốt nghiệp ĐH Kinh tế TP.HCM, trước buổi phỏng vấn với ban lãnh đạo đa số là người nước ngoài của một công ty đa quốc gia, Nguyễn Trần Đăng Phước và người bạn đi cùng đã thủ sẵn cho mình rất nhiều câu đố mẹo và lời giải, nhưng suốt buổi hôm đó không ai hỏi gì liên quan đến... mẹo. Phước rơi vào tình huống... trật tủ; may mà cuối cùng anh được nhận vào bằng chính năng lực của mình, và hiện đang là giám đốc kinh doanh Công ty Bristol - Myers Squibb; trở thành người phỏng vấn rất nhiều ứng viên. Đăng Phước lưu ý: “Người phỏng vấn sử dụng câu hỏi là lạ nhằm phá vỡ sự căng thẳng trong phỏng vấn, là một cách để ứng viên thêm điểm với nhà tuyển dụng, nhưng quan trọng nhất vẫn là bản lĩnh thật sự chứ không hẳn lúc nào cũng quyết định việc chọn ứng viên!”. Nghĩ sao nói vậy! Thật ra, việc đưa ứng viên vào một tình huống cụ thể là cách khá phổ biến để nhà tuyển dụng đánh giá khả năng, tâm lý, tính cách... ứng viên. Bên cạnh các tình huống giả định liên quan trực tiếp đến chuyên môn, thực tế công việc, có những giả định tình huống thật lạ. Một nữ ứng viên được phỏng vấn vào vị trí giám đốc kế hoạch. Người phỏng vấn của Công ty Navigos hỏi chị biết chơi bóng rổ không và đề nghị chị ném bóng vào thùng rác ngay trong phòng. “Giá cô ấy chịu bước lại gần thùng rác và đưa bóng vào hơn là đứng từ xa ném lại - Người phỏng vấn bày tỏ sự tiếc nuối - Chúng tôi không cần người thích mạo hiểm trong giải quyết vấn đề ở vị trí này”. Chỉ cây bút chì trên bàn rồi yêu cầu ứng viên nói về nó: cây bút để viết; ngoài viết còn có thể dùng để gạch chân; nếu cột dây thun lên đầu cây bút thì còn có thể... gôm, thậm chí gãi lưng... Rất nhiều cách trả lời. Lại có kiểu đề nghị: kể một câu chuyện từ tám hình vẽ cho sẵn trên một tờ giấy, sau một phút suy nghĩ. Có cả những câu hỏi xem ra “không lời đáp (án)”: trong 10 lượng vàng có một thỏi vàng giả. Cho một cái cân có hai đĩa, chỉ được bốc vàng lên cân một lần để tìm ra thỏi giả... “Thật ra chúng tôi muốn nghe ứng viên nói ra suy nghĩ của mình trước câu hỏi, tình huống mà chúng tôi đưa ra” - Robert Trần, giám đốc Robenny - school of Business, cho biết. Phản ứng, phản biện, suy luận... của ứng cử viên trước câu hỏi là một cách để nhà tuyển dụng xác định khả năng suy luận, tư duy, cách giải quyết vấn đề... của ứng viên. “Im lặng hoặc thú thật mình không có câu trả lời là cách nhanh nhất để rút ra khỏi cuộc chơi” - Robert Trần nói. (Theo Tuổi Trẻ) |