(Post 19/07/2006) Khi chính thức tham gia Tổ
Chức Thương Mại thế Giới, công nghiệp gia công phần mềm của Việt Nam có
thể phát triển nhanh và đạt mục tiêu 1 tỷ đô la doanh thu vào năm 2010.
Cũng như mọi lãnh vực kinh tế khác, ngành công nghệ thông tin non trẻ
của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội lẫn thách thức, khi đất nước hội nhập
vào sân chơi lớn tổ chức thương mại thế giới WTO.
Nhiều lợi thế
Năm 2005, trị giá sản phẩm phần mềm máy tính của Việt
Nam khoảng trên dưới 200 triệu đô la. Thế nhưng mục tiêu đặt ra cho năm
2010 là doanh thu phần mềm phải đạt 1 tỷ đô la. Các chuyên gia công nghệ
thông tin của Việt Nam đặt kỳ vọng gì, khi cánh cửa WTO rộng mở đón nhận
quốc gia Việt Nam. Tiến sĩ Lê Trường Tùng, chủ tịch hội tin học TP.HCM
đưa ra nhận định:
“Việc tham gia WTO mở ra triển vọng rất lớn cho các doanh
nghiệp Việt Nam, nhưng cũng kèm theo thách thức rất lớn. Khi hoạt động
trên sân chơi quốc tế, việc cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực
như Ấn Độ hay Trung Quốc được đặt ra ở mức độ gay gắt hơn.
Tuy nhiên với lợi thế nhất định của Việt Nam về nguồn
nhân lực cộng với sự cố gắng thay đổi, để thu hút được sự đầu tư của các
tập đoàn đa quốc gia vào Việt Nam, tôi nghĩ nó sẽ tạo ra sức bật lớn để
5 năm tới ngành công nghệ thông tin Việt Nam thật sự được đẩy lên một
tầm cao mới so với hiện nay.”
Trên thực tế Việt Nam có nhiều lợi thế nhờ nhân công
rẻ và chuyên gia Việt Nam có thể thích nghi với nhà đầu tư nước ngoài,
nếu được huấn luyện đúng mức. Một kỹ sư tốt nghiệp khoa công nghệ thông
tin các trường đại học lớn ở Việt Nam, nếu chân ướt chân ráo bước vào
một nhà máy gia công phần mềm chỉ được trả 100 đô la một tháng, trong
khi ở Trung Quốc lương sơ khởi cho lãnh vực này gấp 4 lần so với Việt
Nam tức là khoảng 400 đô la một tháng.
Quyền sở hữu trí tuệ
Những thách thức mà Việt Nam phải vượt qua, bao gồm chuyện
đào tạo một đội ngũ chuyên viên 50 ngàn người trong vòng 10 năm sắp tới.
Và cuối cùng là việc giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm.
Tập đoàn Intel nổi tiếng thế giới, chắc hẳn đã nghiên
cứu kỹ lưỡng trước khi quyết định bỏ hơn 600 triệu đô la đầu tư vào công
cuộc sản xuất ở Việt Nam. Theo giấy phép đầu tư hồi cuối tháng 2/2006,
trong giai đoạn đầu Intel sẽ xây dựng ở khu công nghệ cao TPHCM một nhà
máy trị giá 300 triệu đô la, thu dụng 1.200 công nhân. Nhà máy này sẽ
lắp ráp và thử nghiệm chip bán dẫn, dự kiến khai trương vào năm 2008.
Khác với Intel, tập đoàn Microsoft chuyên về phần mềm
lại dè dặt với Việt Nam, nguyên do là vì ở Việt Nam nạn vi phạm bản quyền
phần mềm có thể xem như đứng vào tốp đầu thế giới. Đây chính là khó khăn
lớn nhất của Việt Nam, một trở ngại khiến cho các nhà đầu tư về lãnh vực
công nghệ thông tin còn ngần ngại.
Năm 2004 tỷ lệ sao chép lậu sản phẩm phần mềm ở Việt
Nam là 92%, nghĩa là cứ 100 người sử dụng máy computer thì chỉ có 8 người
chịu bỏ tiền mua các sản phẩm chính thức có bản quyền. Tỷ lệ vi phạm được
ước tính là có giảm chút ít trong năm 2005, như nhận định của ông Trần
Việt Hùng, phó cục trưởng cục sở hữu trí tuệ:
“Thực thi quyền đã cố gắng nhưng hiệu quả vẫn chưa cao,
cho nên thách thức của Việt Nam chính là thực thi quyền sở hữu trí tuệ
xử lý trong vi phạm quyền sở hữu trí tuệ với mức độ hiệu quả càn thiết
mà WTO mong đợi”
Thị trường phần mềm
Tuy nạn vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam cao như
vừa nói, nhưng sự thiệt hại cho nhà sản xuất lại không cao, chỉ ở mức
hơn 40 triệu đô la. Nguyên do là vì thị trường phần mềm ở Việt Nam còn
khá khiêm tốn.
Theo các tài liệu được Hiệp Hội Phần Mềm Thế Giới công
bố, thì năm 2004 Trung Quốc có tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm ngang
với Việt Nam là 92% tuy nhiên mức độ gây thiệt hại lại trị giá hơn 3tỷ
800 triệu đô la.
Ở Nhật Bản tỷ lệ vi phạm là 29% thiệt hại hơn 1 tỷ 600
triệu đô la. Với các số liệu như thế, có thể thấy rõ nạn sao chép lậu
phần mềm điện toán là căn bệnh trầm kha ở khắp mọi nơi trên thế giới,
trong đó nặng nhất là châu Á.
Tiến Sĩ Lê Trường Tùng Chủ tịch Hội Tin Học TP.HCM nhận
định về vấn đề này: “Giá bán sản phẩm phần mềm trên thị trường hiện nay,
trong chừng mực nhất định, vẫn cao hơn sức mua của đại đa số người dân
trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Có lẽ đây cũng là lý do để nói là
không dễ giảm thiểu tỷ lệ vi phạm trong thời gian ngắn.”
Trong cam kết với Hoa Kỳ về việc gia nhập WTO, WTO Việt
Nam hứa hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật để bảo vệ quyền sở hữu trí
tuệ, mà những luật mới ban hành hồi gần đây là một chứng minh. Ngoài ra
Việt Nam sẽ tham gia hiệp định công nghệ thông tin ITA, tiến tới xoá bỏ
hàng rào thuế quan đối với sản phẩm công nghệ thông tin và và dịch vụ
liên quan.
Cải tổ giáo dục đại học
Sau vấn đề vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, Việt Nam đang
hướng tới chiến lược cải tổ giáo dục đại học, việc này giúp bù đắp khiếm
khuyết về đội ngũ chuyên viên lành nghề. Như vậy, mục tiêu đạt doanh thu
1 tỷ đô la sản phẩm phần mềm made in Vietnam vào năm 2010 có hiện thực
hay không. Chúng tôi xin trích phát biểu của tiến sĩ Lê Trường Tùng ở
TP.HCM:
“Tôi cho rằng có thể đạt được con số đó. Bởi vì công
nghiệp phần mềm có qui luật phát triển đặc thù, theo đấy nếu vượt qua
ngưỡng ban đầu thì có thể tăng trưởng với tốc độ hết sức nhanh. Điều này
có thể dựa trên kinh nghiệm của những quốc gia đi trước như Ấn Độ hay
Trung Quốc là nước mới nhẩy vào lãnh vực phần mềm trong thời gian gần
đây.”
Không ít chuyên gia Việt Nam chia sẻ ý kiến của ông Lê
Trường Tùng, sau khi so sánh những lợi thế và trở ngại, nhất là chuyện
Việt Nam sắp sửa gia nhập sân chơi lớn của thế giới WTO.
(theo Nam Nguyên, RFA) |